Thằng chủ lò vàng uống rượu say khướt, cài hai thỏi vàng trong túi quần mà cứ kêu có trộm. Thế là vệ sĩ của hắn trói gô ba người thợ lại tra khảo. Một thằng túm lấy hắn quăng qua cửa sổ. Hắn móc đại sợi dây dù treo lá thư vào cán cờ bằng sắt đã gãy. Chính nhờ thế hắn thoát chết, không rơi xuống, tan nát thịt da.
Thoát chết ở nơi chưng cất vàng ròng trong khói a-xít
Hắn nói với tôi, hắn tên là Tám, quê ở xứ Thanh. Làng hắn có lò vật nổi tiếng từ vài trăm năm nay. Hắn kể, anh hắn là đô vật nổi tiếng cả vùng từ năm 15 tuổi. 18 tuổi, anh hắn đã là chức trưởng tràng. Trẻ con ở làng đều thích chơi môn thể thao rất có lợi cho sức khỏe này. Hắn kể giọng chậm rãi, âm u: “Võ vật cần rèn luyện sức khỏe ghê gớm lắm. Mùa lạnh, hàng ngày võ sinh phải ngâm người cả tiếng trong nước sông Mã lạnh cóng để da săn lại, dai như chão. Khi vào sới, đối thủ có nắm, có bẹo, thậm chí dứt, không hề hấn chi. Trai làng vật có thể quần nhau cả nửa tiếng mà không thở gấp. Xong buổi tập, thường phải lấy nước lá tre gai tắm, da săn lại, xương bắp không đau đớn gì nữa“. Trai làng hắn ai cũng biết võ vật. Chiến tranh nổ ra, nhiều thanh niên xung vào bộ đội. Đặc công về làng tuyển, anh trai Tám trúng đợt đầu.
Hắn buồn buồn nhìn quanh, tất cả tụi nhóc đang há mồm ra nghe, nói: “Làng em thanh niên đi bộ đội nhiều, nhưng thư từ ít ỏi lắm. Ba năm, anh của em mới có một lá thư về. Đấy là lá thư đầu tiên mà cũng là lá thứ cuối cùng gửi cho mẹ, vài câu cho thằng em đầy cả trang giấy“. Thời bấy giờ, có ông anh là lính đặc công tự hào vô cùng. Ở lớp chả đứa nào dám bắt nạt hắn. Thư của anh hắn dặn dò nhiều chuyện, hắn nhớ kĩ nhất là việc anh dặn: “Mùa mưa bão này nhớ làm đơn xin hợp tác xã ít rạ nếp thay anh soi lại mái nhà“. Nhớ và tự hào, hắn luôn để thư trong cặp, không đi học thì cho vào túi. Sau nhiều lần đọc, hắn sợ nát, lấy nilon bọc lại.
Năm ấy, máy bay đánh cầu Hàm Rồng bay qua làng, trút bom thừa bữa bãi rồi bay ra biển. Hắn đi gánh nước sông Mã, tắm táp xong để quên lá thư bên bờ cỏ ven sông, về gần tới nhà mới nhớ. Đặt gánh nước xuống, hắn tất tưởi quay lại bờ sông lấy thư thì máy bay ào qua làng ném bom. Về sau, ai cũng bảo hắn may mắn, nhờ việc quay lại lấy lá thư mà hắn thoát chết. Một chùm bom rơi trúng nhà hắn. Mẹ hắn chết mất xác. Tối hôm ấy, hắn cầm lá thư áp sát ngực, nước mắt ngắn dài thì thào kể chuyện quê hương, chuyện mẹ chết với anh. Hợp tác xã xét hoàn cảnh thằng bé đáng thương, anh ngoài chiến trường, cha mẹ qua đời cả, cho thằng bé 11 tuổi vào đội chăn vịt, trả công như người lớn cho hắn có cái ăn. Lại vận động bà con, kẻ cây tre, người cây xoan hay ít rạ dựng cho một chái nhà gỗ xoan kề bờ sông.
Năm sau, nước nhà thống nhất mà chả thấy anh hắn về. Năm sau nữa, hắn nhận tin báo tử của anh. Tám khóc suốt ba ngày, lên khu đội nằng nặc xin vào bộ đội. Người ta giải thích cho thằng bé con rằng, hòa bình rồi, không ai lấy một đứa bé vào lính cả. Trên huyện đội có ông đội phó không có con trai, cũng là thương binh. Hôm hắn lên xin đi bộ đội trả thù cho anh, ông cũng có mặt, thấy cảm động quá nên nhận hắn làm con nuôi, cho lên huyện ăn học.
Tới năm 18 tuổi, bố nuôi cho hắn ra tỉnh học nghề cơ khí. Được hơn năm có đợt lấy lao động sang Nga xuất khẩu lao động, người ta chấm hắn. Thế là Tám trúng số đi Tây. Vào nhà máy luyện cán thép bên Nga hắn rất chăm chỉ, nhưng việc làm tại đấy thật như khổ sai. Hắn kể, ngày ngày bốc vác tới ba bốn chục tấn tôn thép mà lương cả tháng ngoài ăn uống chi phí, tiền tiết kiệm chỉ đủ mua một cái bàn là, mấy thứ lặt vặt gửi về cho bố nuôi. Sắp hết hạn lao động thì nước Nga biến động. Nhà máy giãn thợ, cho công nhân Việt Nam về nước. Bao năm chăm chỉ, Tám chưa tích lũy được đồng nào, bèn bỏ nhà máy, đầu quân vào đội quân lang thang.
Hắn kể, ban đầu, tụi hắn buôn bán vặt, vào đường dây buôn bán bột nghệ cho tụi Trung Á. Giao dịch bán hàng qua biên giới, một túi nhỏ lời hơn năm rúp nhưng cực kì nguy hiểm và hắn cũng kiếm chác không ăn thua mấy, bởi hắn chỉ là kẻ làm thuê. Cũng chả chờ được đến khi có tiền gửi về cho bố mẹ nuôi, hắn bỏ nghề buôn bột nghệ, xung vào làm thuê cho một gã đàn anh nấu rượu lậu. Theo lời hắn thì bấy giờ Nga chưa bỏ lệnh cấm rượu nên việc buôn bán rượu chui làm ăn khá thuận lợi. Người Nga cực kì thích thứ rượu trắng nặng độ, nấu bằng gạo tẻ của đám Việt Nam ủ bằng men lá tử quê hương chuyển sang. Hơn hai năm hắn chìm ngập trong căn hộ có ba phòng, hôi hám, nhớp nhúa, bẩn thỉu toàn mùi rượu và mùi men ấy. Gạo ủ lên men trong bồn tắm. Hai cái lò nấu rượu suốt ngày đêm. Cảnh sát thi thoảng ập vào kiểm tra. Kiểm tra thì người gác báo động, bọn hắn thi nhau múc gạo đang ủ trong bồn tắm đổ vào toa let và giật nước. Ai không uống được rượu thì sống ở ngôi nhà ấy cũng suốt ngày ngất ngư như thằng say vì mùi men rượu khi nào cũng tràn ngập trong phòng. Rồi thằng chủ nấu rượu mâu thuẫn với băng nào đó bị truy bức, bỏ trốn khỏi Matxcơva, quỵt hơn một năm tiền công của đám thợ, Tám lại đầu quân vào nhóm làm vàng.
Làm vàng là thế nào? Chủ mua vàng cám, vàng ở các chân bóng điện tử rồi chưng cất ra vàng ròng. Nguy hiểm lắm, Tám nói, chưng cất vàng toàn bằng xyanua và a-xít, ngày ngày khói hóa chất đọng thành sương mờ, bay lửng lơ như đám mây sát trần nhà. Có thằng yếu, hít thứ khí ấy hơn một năm thì ho ra máu đỏ ối cả nền nhà toa lét và chết gục trong đó.
Chưng cất vàng toàn bằng xyanua và a-xít, có thằng yếu, hít thứ khí ấy hơn một năm thì ho ra máu đỏ ối cả nền nhà toa lét và chết gục trong đó
Đang yên đang lành thì có chuyện. Thằng chủ lò vàng uống rượu say khướt, cài hai thỏi vàng trong túi quần bò sau mà cứ đi tìm nhoắng lên, kêu có kẻ lấy trộm. Thế là vệ sĩ của hắn trói gô ba người thợ lại tra khảo, đánh bầm tím cả mặt mày xem đứa nào lấy trộm hai thỏi vàng. Đánh chán cũng chả ai nhận, vì lũ thợ có lấy đâu mà nhận. Một thằng vệ sĩ túm lấy hắn quăng ngay qua cửa sổ. Tám lăn qua cái lan can, rơi xoạt một cái, quần móc ngay vào cái cán cờ gãy, vải roàn roạt rách mà dưới đất tuyết đang rơi trắng thăm thẳm. Hắn nhìn thấy sợi dây dù treo lá thư của ông anh, bèn móc đại vào cán cờ bằng sắt đã gãy. Chính nhờ thế hắn thoát chết, không rơi từ tầng 5 xuống, tan nát thịt da. Cũng lúc ấy thằng chủ tìm thấy vàng, tụi vệ sĩ lại lôi hắn lên.
Đêm ấy, nhìn những vết tím rách trên thân mình, tụi hắn làm loạn. Hắn bất ngờ nửa đêm tìm thanh sắt cài cửa đánh cho hai thằng vệ sĩ ngất lịm và trói gô chủ lại, chia vàng cho hai đồng nghiệp và lặn một hơi ra tận biên giới. Biên giới mênh mang là nơi cho tụi thảo khấu tìm nhau. Hắn qua Ba Lan làm ăn một thời gian rồi sang Tiệp sống chui lủi. Sự gan lì và dũng cảm giúp hắn trở thành thủ lĩnh một nhóm chuyên buôn bán hàng lậu nơi chợ đường biên Đức – Séc. Nhưng khó làm giàu nhanh để có tiền, nghe giang hồ đồn thổi, Berlin là nơi dễ kiếm tiền hơn cả. Hắn trôi dạt về đây và tìm mua súng khi các băng đảng khác mạnh và đông quân hơn.
Tôi cầm lại lá bùa mà hắn tin cậy. Nói mãi, hắn mới bóc nilon ra. Đúng là lá thư của một người lính chân chính. Thư ghi rõ niên hiệu số hiệu đơn vị. Hóa ra anh hắn cùng ở mặt trận Tây nguyên với tôi, rồi xuống miền Trung vùng Hòa Vang, Điện Bàn hoạt động. Lá thư viết trên giấy kẻ học sinh miền Nam. Giấy đã úa vàng nhưng còn tốt, hàng chữ vẫn đọc được. Câu chuyện thật nửa tin nửa ngờ nhưng nhìn khuôn mặt lạnh tanh của hắn không ai nghĩ hắn bịa. Cũng không ai dám nói gì hơn, nói gì đây giữa cái chốn “cá mè một lứa“ như thế.
Lúc tiễn hắn ra cổng, tôi chỉ nói: “Thôi có duyên còn gặp nhau, nhưng anh cậu là lính sư đoàn anh đấy. Những người lính chân chính không mong em mình làm cướp đâu“. Hắn nhìn tôi trân trân rồi tủm tỉm cười: “Biết vậy, Tám cũng không cướp của những người lính đâu sư huynh ạ“. Hai cái xe nổ máy, nhanh chóng chìm vào sương đêm xứ lạnh mất dạng làm tôi tự nhiên buồn tê tái.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ