Gần sáng thức giấc, tôi giật mình khi thấy hai đứa ngồi bên nhau. Rõ ràng, trong ánh trăng chiếu xéo từ vườn vào, con Mơ đang ngả đầu vào thằng Tám, yên lặng.
Cậu tôi hy sinh ở chiến tranh biên giới. Khi ấy em tôi, cái Mơ mới hai, ba tuổi. Mợ tôi ở vậy nuôi hai đứa con gái. Ở quê tôi, một người đàn bà nuôi hai đứa con ăn học là vất vả lắm. Nuôi được cô chị lên Hà Nội học đại học trong khi cả nhà trông nom vào ba sào ruộng khoán, chợ búa chắt chiu, bao khoản chi làm mợ tôi trở thành con nợ.
Lên lớp 10, cái Mơ dù học rất khá cũng dứt khoát xin bỏ học. Nó muốn đi làm cho mẹ đỡ vất vả. Mợ tôi khuyên nhủ mãi không xong, đành chiều ý nó. Sau hơn một năm trời lo lắng, hy vọng, nhờ vả họ hàng, bè bạn, lại dựa vào tiêu chuẩn ưu tiên con liệt sĩ, con bé cũng lên được Hà Nội làm một chân ở xí nghiệp lắp ráp máy truyền hình. Rồi số phận chợt như mở ra với nó khi có tiêu chuẩn con liệt sĩ được đi xuất khẩu lao động.
Mơ được sang Tiệp. Vừa làm quen với công việc ở xứ người hơn một năm thì biến cố chính trị Châu Âu nổ ra. Lo sợ trở về tay trắng khi mẹ còn nợ nần chồng chất, nó và vài đứa trong đội vượt biên sang Đức, nhập trại ở Hanover và ở đó khoảng nửa năm. Trong trại này, người ta không phát tiền, chỉ phát phiếu buộc mua thức ăn ở siêu thị cố định nên sau một năm trời, Mơ không có một xu tiết kiệm gửi về cho mẹ. Mơ biên thư về nhà. Mợ tôi lại đôn đáo nhờ bè bạn, họ hàng khắp nơi tìm được địa chỉ của tôi để con bé nó lên Berlin, tìm ông anh.
Gặp được tôi, Mơ mừng lắm. Thực ra công việc buôn bán của tôi năm ấy, một người thì thiếu, hai người lại thừa nhưng nó là họ hàng ruột thịt, sao nỡ bỏ. Hơn hai tháng ở với tôi, Mơ ngoan, chăm chỉ, chịu khó. Đi bán hàng về, dù mệt nhọc, em tôi lại lao ngay vào bếp, cơm nước cho hai anh em.
Nhiều khi tôi thực ái ngại, bởi thời tiết mùa thu năm ấy không đẹp như mọi năm để buôn bán thuận lợi. Mưa rơi nhiều, cứ rả rích suốt vài tuần nên chúng tôi đi bán hàng bữa đực bữa cái, thu nhập chả được là bao. Tôi để ý, Mơ tuy không kêu cả gì, nhưng khi không đi chợ, không có việc gì làm, nó lại ngồi bên cửa sổ nhìn ra khu vườn rộng mênh mang, khuôn mặt buồn não nề. Tôi hiểu, nó mong từng ngày có tiền gửi về cho mẹ, để thanh toán đống nợ đã tới hai ba cây vàng.
Lại nói tới Tám, từ ngày tới ở trong khu vườn của anh em tôi, ăn uống thì không có gì đáng lo ngại, cũng chỉ thêm đũa thêm bát, nhưng việc chợ búa cũng khó xử nếu để Tám một mình. Để em tôi ở nhà với Tám, tôi ở chợ lại phấp phỏng không yên. Nhưng hai tuần trôi qua, không xảy ra việc gì. Tám đã mau lành vết thương, có thể làm được việc nhẹ.
Năm ấy mùa táo rất sai, vườn rộng, cứ hửng nắng vài hôm là táo chín đỏ. Chúng tôi không đi chợ, ở nhà hái táo làm mứt để mùa đông và xuân ăn dần. Nhà có thêm người, cái Mơ dường như đỡ buồn hơn, đôi khi nhìn nó ríu rít bên thằng Tám làm tôi cũng vui lây. Kì lạ thật, cái thằng từng làm cướp ấy, bình thường nom lì lợm, vậy mà khi ở bên em tôi, nó lại tỏ ra rất hiền. Tám hiếm hoi cười, nhưng khi cười thì rất tươi. Nụ cười khiến nó trở lại là một thằng thanh niên xứ Thanh.
Hơn tháng sau, một hôm Tám bảo tôi: “Có lẽ em tìm cách sang Ba Lan“. Tôi bảo: “Ừ tính xem sao. Chứ ở Đức, cảnh sát chú ý cậu, mấy băng có hằn thù cũng chú ý cậu, xem ra nếu có ít tiền thì quay về Ba Lan mà làm ăn lương thiện“. Cái Mơ nghe chúng tôi bàn vậy hỏi: “Sang đó anh Tám làm gì?“. Tám cười cười như đùa: “Anh bán quần áo. Bên ấy anh còn mấy chiến hữu ở chợ sân vận động. Mơ có theo anh không?“. Con Mơ nói có vẻ nghiêm túc: “Anh Tám cứ nói đùa. Em phải ở đây với anh của em chứ“.
Tôi cũng nghĩ tụi nó nói đùa thôi vì con Mơ nhà tôi không bao giờ lại mê một tay giang hồ như Tám. Rồi một ngày tôi đi lấy hàng. Vừa về đến cửa vườn đã thấy cái Mơ chạy ra. Nó chả chờ tôi mở cửa xe, chạy lại, vội vã nhớn nhác: “Anh ơi, anh Tám định đi trả thù“. “Trả thù ai? Sao em biết?“, tôi hỏi dồn cái Mơ. “Em không biết. Anh ấy lau súng, nói là tối nay tạm biệt anh em mình“, nói rồi Mơ kéo tay tôi đi. Lại bảo: “Khe khẽ chứ, anh Tám đang ngủ“.
Tôi bị cái Mơ kéo ra sau nhà. Nó chỉ vào tủ đồ tôi vẫn để mấy thứ linh tinh ở căn nhà kho. “Anh ấy lau súng và giấu trong này“, cái Mơ nói. Tôi lôi ở hõm tủ ra một bọc giẻ, bên trong là một khẩu súng ngắn của Hungary, loại bán tự động 12 phát. Khẩu súng còn rất mới, vừa lau chùi xong dầu bóng nhẫy, ổ đạn đầy ắp đạn, một viên đã lên nòng. Tôi cầm khẩu súng, suy nghĩ một lát rồi quyết định đánh thức Tám dậy.
Khẩu súng của Tám được đặt ở trên bàn, giữa hai thằng đàn ông. Tám nhìn khẩu súng, nhìn qua lưng tôi về phía cái Mơ, chậm rãi nói: “Em định nói với anh từ hôm qua. Bây giờ, anh biết rồi thì em nói thật. Tối nay em sẽ tìm tới chúng“. “Tụi nào?“, tôi hỏi dồn. “Tụi đã bắn em và hai thằng đệ tử của em“. “Trời ơi. Chúng nó có một băng. Cậu định làm gì với thứ đồ chơi vớ vẩn này? Cậu chưa bắn được một thằng, thì chúng đã chơi cậu nát nhừ ra như xúc thịt băm làm pa-tê rồi“.
Tám im lặng. Tôi nói một lèo không nghỉ về chúng tôi, những người lính thời ấy, trong đó có anh của Tám. Những con người yêu hòa bình, mơ cuộc sống yên lành, tử tế với nhau trong loạn lạc, trong rừng thẳm, nơi mà cái chết cận kề vẫn mong làm những người tử tế. Tôi nhắc tới lá thư của anh nó, thư mong Tám học giỏi, giúp đỡ mẹ...Tám nghe và ngồi yên lặng. Chúng tôi ngồi yên lặng như vậy khá lâu.
Trong ánh trăng chiếu xéo từ vườn vào, con Mơ đang ngả đầu vào thằng Tám, yên lặng. Tôi chợt hiểu mọi chuyện
Một lát rõ ràng tôi nghe có tiếng thút thít sau lưng. Tôi quay lại, cái Mơ rõ ràng đang khóc. Khe khẽ gạt nước mắt, Mơ nói: “Anh Tám đừng đi, chúng nó giết anh mất“. Tám đột ngột đứng lên, đi lại bên cái Mơ, nhẹ nhàng nắm lấy tay nó, mắt thằng trai xứ Thanh ấy trở nên rất hiền và nhẹ nhàng. Nó với cái Mơ: “Nín đi em. Anh không đi đâu cả. Anh nghe anh của em. Anh sẽ sang Ba Lan“.
Tối hôm đó thật yên tĩnh. Tôi trằn trọc suốt và biết cả cái Mơ và thằng Tám đều không ngủ. Thi thoảng lại thấy tiếng trở mình. Rồi tôi thiếp đi lúc nào không rõ, để gần sáng giật mình thức giấc vì tiếng con Hands rin rít. Nhổm dậy, tôi thấy hai đứa đang ngồi bên nhau. Rõ ràng, trong ánh trăng chiếu xéo từ vườn vào, con Mơ đang ngả đầu vào thằng Tám, yên lặng. Tôi chợt hiểu mọi chuyện.
Ngay sớm hôm sau Tám đàng hoàng thưa với tôi xin phép cho nó và cái Mơ “có quan hệ“. “Có quan hệ“, tôi nhắc lại danh dự ba từ ấy và mong muốn nó yêu thương cái Mơ trong cuộc li hương đầy bất trắc này. Cuối tuần, tôi đưa Tám về lại ngôi nhà khốn khổ, từng là nơi ẩn náu của một băng cướp nhỏ. Tám muốn lấy ít tiền nó còn cất giấu. Nó xòe mớ bạc trước mắt tôi, bảo: “Cũng chả nhiều nhưng phải có tiền anh ạ. Dầu ở đâu, làm người tử tế cũng cần phải có tiền“.
Đêm, tôi đưa hai đứa nó vượt biên sang Ba Lan, mưa lớn lắm. Con sông nhỏ biên giới dường như thăm thẳm hơn và rộng hơn. Lúc hai đứa lên phao cao su vượt qua sông sang bên kia biên giới, tôi dúi vào tay Mơ bọc tiền cho hai đứa, thì thầm cầu chúc chúng lên đường may mắn. Thằng Tám đứng sau cái Mơ chợt tiến lên ôm chặt cả hai chúng tôi. Cái ôm rất chặt của một thằng đàn ông. Nó thì thào vào tai tôi: “Anh yên trí. Em là thằng Tám mà. Em hứa sẽ làm lại từ đầu“. Nói rồi nó tháo lá bùa kia, giơ lên: “Em sẽ làm theo lời anh em dặn ở lá thư này“.
Bây giờ, khi các bạn đọc những dòng này thì gia đình Tám đã có hai cháu. Đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ đã 12 tuổi. Tám và Mơ, chúng có một cửa hàng ở Ba Lan. Năm năm sau ngày chúng rời nước Đức, khi Châu Âu là một cộng đồng chung, cả hai đứa có giấy tờ đã quay lại Đức thăm lại khu vườn cũ. Bây giờ có nhắm mắt lại, tôi vẫn nghe rõ tiếng cười giòn tan của cái Mơ khi tôi nói đùa: “Nhỡ khi ấy tôi không đồng ý thì sao nhỉ?“. Thằng Tám cười lớn và giơ lá bùa luôn luôn đeo ở cổ nó và nói: “Sao anh lại không đồng ý khi em có lá bùa này“.
Con người ta, sự ác hay thiện chỉ là tương đối. Cái mầm thiện hay ác, rõ ràng phụ thuộc nhiều ở cơ duyên cho chúng phát triển. Nếu có đất mọc, có duyên cho niệm thiện, thì từ cái mầm ấy sẽ có ngày mọc ra cây tốt, cho hoa đẹp và quả ngọt ở cuộc sống vốn chả thể nào lường được.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ