Lưỡi dao mảnh, sắc buốt cắn đứt làn da mỏng. Tại đó, nơi cổ tay trắng nõn của Quyên lập tức tứa ra dòng máu đỏ tươi. Máu tràn ra chầm chậm, nhuộn bàn tay trắng với những ngón búp măng đang run lên, giật giật và co lại. Quyên buông thõng tay xuống sàn. Khép mắt. Cô cảm giác cổ tay đau và xót, rồi sau đó cảm giác đau đớn bõng dịu dần, dịu dần khi nước mắt cứ chảy ra chứa chan.
Dòng máu đỏ chầm chậm loang trong lòng bàn tay, theo năm ngón tay buôn xuôi, qua ngón trỏ chảy xuống khe sát của sàn container, bò loang dưới khe cửa ra ngoài hành lang.
Quyên chìm dần vào cõi vô cảm.
Đêm nay Kumar, người Sri Lanka đưa bánh Pizza độc nhất của thành phố trở về hơi muộn hơn mọi lần. Anh rón rén leo lên bậc thang. Đến đầu cầu thang, Kumar chợt dừng lại. Anh giật mình nhìn thấy vệt máu sâm sẫm loang ra bằng bàn tay bên khe dưới cửa. Kẻ từ nhỏ sống giữa rừng như anh, từng bao lần theo cha đi săn, mũi thính như mũi chó, lập tức nhận ra, cảm giác thấy mùi lạ. Mùi máu!
Frau Graumann giờ này không thể ở đây? Máu ở đâu ra? Kumar suy tính rất nhanh. Anh sống ở trại đã lâu, không lạ gì gian phòng của người lao công già.
Kumar lay cửa. Cửa khoá trái. Kumar co chân đạp. Cú đạp rất mạnh của anh làm cánh cửa phát ra tiếng kêu sầm sầm như bom dội trong đêm. Không chuyển! Anh lấy đà, lao cả người vào cánh cửa. Phải tới sáu bẩy lần xô mạnh vai, dồn hết sức của toàn thân dập vào cửa, cánh cửa mới bật ra.
Phòng tối om. Kumar lần mò, sờ công-tắc bật đèn.
Trước mắt anh, trên ghế đệm rộng mà Frau Graumann vẫn nghỉ trưa, một phụ nữ nằm ngửa, mắt nhắm nghiền, cánh tay trái buông thõng xuống sàn. Anh nhìn rõ nơi cổ tay trái một vết sậm. Máu từ vết cắt ấy đang tiếp tục rỉ ra, chảy qua lòng tay, qua những ngón tay trắng nhợt buông thõng. Anh hoảng hồn khi nhìn rõ máu tong tong từng giọt nhỏ xuống sàn nhà.
“Cứu! Cứu!” Kumar líu lưỡi thét lên, ban đầu là tiếng mẹ đẻ, sau là tiếng Việt, rồi tiếng Đức.
Cố một cửa phòng bật mở trên hành lang, rồi lập tức laị đóng sầm lại. Cảnh huống trại tị nạn về khuya, nhiều lần rồi, vẫn có lắm gã Chí phèo nào đó uống quá say và quậy phá làm tiếng kêu của Kumar thỏm chìm trong đêm tối.
Kumar chợt nhớ tới số máy cấp cứu và móc điện thoại. Gọi điện xong, anh xé vạt áo đang mặc ga-rô chô người đàn bà kia. Xong, anh chạy đi đấm ầm ầm vài cửa phòng gần đó. Cửa phòng Dũng bật mở, Kumar nhìn thấy Dũng cầm chai rượu ngước mắt vô hồn nhìn anh. Kumar thất vọng, đóng sầm cửa lại: “Còn có ai không? Cứu…” Tiếng anh cô độc vọng dài trong hành lang hẹp, tối đen hun hút.
Cửa phòng bật mở “Gì thế? Không để người ta ngủ hả?” Một cái đầu bù xù ló ra, rồi cửa lại khép chặt im lìm.
Chỉ khi có tiếng hú còi hoảng hốt, ánh đèn chớp loạn xạ của xe cấp cứu bên ngoài khu nhà, đám người Việt trong trại mới nhốn nháo ùa ra như ong vỡ tổ. Họ tụ tập, chỉ trỏ theo chiếc băng-ca cấp cứu. “Vợ thằng Dũng chửa hoang tự tử rồi!” “Đ.mẹ, lại ăn vạ!” “L.! Đang đóng gạch mất cả ngon”.
May mà Kumar không nghe được những lời ấy, anh chạy bên chiếc xe băng-ca hối hả đưa Quyên ra xe cấp cứu.
Xe cấp cứu rời trại mới thấy cửa phòng Dũng mở ra. Người ta nhìn rõ một dáng hình xộc xệch lao đảo bước, trên tay chai rượu đã cạn gần hết. Dũng không hiểu điều gì đã xảy ra khi ấy, anh vung vẩy chai rượu đi dọc hành lang. Đám người Việt đồng hương trông anh như một con quái vật và tránh xa anh. Dũng lia chai rượu về hướng họ, lè nhè nói: “Chúng mày, tất cả chúng mày… lũ khốn nạn…”
Không ai còn muốn dây dưa với một gã Chí Phèo. Hơn nữa, cũng không ai muốn vướng víu, rắc rối với một vụ tự tử. Tất cả các cánh cửa sầm sầm đóng lại, để hành lang còn chơ vơ một kẻ loạng choạng say, đi mà chẳng biết đi đâu.
Trên bãi trước trại tị nạn, khi người bác sĩ cấp cứu định khép cửa hậu xe, Kumar vội trèo lên ngồi bên Quyên. Thực sự khi đó, anh mới nhìn rõ mặt Quyên. Khuôn mặt Quyên không cò hồng hào nữa. Đôi mắt khép khe khẽ động đậy và hàng mi cong đen chớp chớp. Cô như đang ngủ. Anh chợt nhớ tới cảnh chị anh thiêm thiếp chờ chết, mà bàn tay chị vẫn cố nắm chặt bàn tay anh. Hình như trước khi chết, người ta đều sợ đồng loại bỏ đi, sợ cô độc trong phút giây đầy luyến tiếc cõi sống, dù có người khi sống chẳng hơn gì một con vật. Còn cô gái xinh đẹp này, sao cô ta lại chán sống?
Sớm sau Frau Graumann tới làm việc mới biết sự việc có một cô gái Việt Nam nào đó tự vẫn ở phòng mình. Bà làm dấu thánh. Graumnn đến bên cái giường nghỉ trưa của mình. Bà nhìn xuống đất. Vệt máu còn đó đã chuyển màu sẫm như tiết gà, tiết vịt. Trời ơi, sao lại có thể huỷ hoại chính thân xác của mình. Bà lại không hiểu thêm một điều nữa. Khốn nạn là khi cúi xuống lau vệt máu bằng nước tẩy Plil, mùi máu tanh xộc lên làm bà suýt ngất.
Trong hồ sơ y vụ của Bệnh viện thành phố Goldberg, có ghi rõ một trường hợp cấp cứu khá đặc biệt. Người ta đưa về bệnh viện, khoa Sản một bệnh nhân có thai gần tới ngày sinh nở. “Thai đã trở ngôi. Sản phụ trong tình trạng mất máu trầm trọng”. Giáo sư, bác sĩ trưởng bệnh viện Stemberg quyết định phải xử lí các biện pháp cấp cứu mẹ và đồng thời mổ ngay để cứu lấy đứa trẻ. Người mẹ không còn sức rặn, đứa trẻ có thể chết, nếu không giải quyết như vậy.
Đứa bé gái được cứu sống. Nó như con chuột nhỏ, xanh tím và bàn tay nhỏ xíu loe ngoe cũng tím ngắt. Lúc ấy nó trong bụng mẹ ra, mắt nó cứ nhắm nghiền, Cho mãi tới khi người ta bắt đầu dùng ống thổi khí ấm, làm sạch nhớt nhãi trên người, sinh linh mới mở to mắt và khóc ré lên.
Quyên rơi vào giấc ngủ triền miên từ đêm đó.
Bệnh viện đã cử người Sở ngoại kiều để hỏi về nhân thân của Quyên. Họ tìm cả tới trại. Không một ai cung cấp thông tin về Quyên một cách rõ ràng. Người ta tìm Dũng. Cửa phòng vẫn mở. Đồ đạc còn nguyên. Cả một ít tiền trợ cấp hàng tháng của Dũng, kiểm đếm còn hai trăm sáu mươi D.mark, gói trong một phong bì, nhét dưới xấp quần áo nhàu nát. Không thấy Dũng!
Những người Việt khai rằng, đã cả tuần nay, sau cái đêm Quyên tự sát, chẳng ai nhìn thấy anh.
Dũng đi đâu? Nhiều dự đoán của đám người vốn hay buôn chuyện! Mọi thứ dự đoán, sáng tạo tình huống của đám người rách việc còn tài hơn cả sự sáng tạo của các nhà văn kinh dị, mạo hiểm.
Nó lang thang trên phố. Đi giữa đường xe hoả, bị tan thây ở Nam thành phố.
Thằng cha điên ấy nhảy xuống hồ băng lạnh, ba hôm sau xác nổi lềnh phềnh. Đầu, mặt và chim, cả một phần tay chân bị cá rỉa, nom chẳng ra ngợm cũng chẳng ra người!
Nó rơi vào tay một băng cướp người Việt đang đi tìm một thằng tên Dũng trên Berlin để trả thù. Bị lôi vào rừng chặt tay, khoét mắt, sau chôn sống rồi.
Tất cả những tin đồn thổi ấy chẳng có bằng cớ gì, nhưng lại dựa trên những sự thật tương tự đã từng xảy ra ở đâu đó trong cộng đồng người Việt, nên làm khối kẻ nửa tin nửa ngờ. Song sự thật thì Dũng vẫn mất tích, mà chưa có thông báo chính xác nào của cảnh sát thành phố, kể cả sau đó, trong suốt một năm, dù người ta đã dán ảnh Dũng khắp nơi để tìm kiếm.
Có thể anh ta đã chết rục trên một góc rừng hay một hè phố nào đó, rồi người ta cho quàn xác để thiêu thành tro. Trước khi thiêu, trong phòng có những ngăn lạnh, Dũng sẽ được ngoắc vào ngón chân một mẩu giấy, đề hai từ: vô danh? Hay Dũng còn sống mà lưu lạc, dạt trôi như cánh bèo, để những lòng phố chày ngồn ngộn người và người kia cuốn mãi anh đi… Điều đó, bố ai mà lần, vì châu Âu rộng lớn quá, đông người lắm! Một người không giấy tờ tuỳ thân như Dũng, lại là thứ châu á nhược tiểu tị nạn, thì sinh mạng khác gì hạt bụi. Là bụi phải theo gió bay thôi! Có thể một chiều hạt bụi lặng dạt xuống một nơi nào đó, với ức vạn hạt bụi khác, chồng kế lên nhau, đọng thành vạt bụi. Cuộc sống cuồn cuộn của thế gian xưa nay vốn mãi vậy. Một người đang say, đang đau khổ tới mất trí như Dũng, thì mọi sự đều có thể, ai mà biết được! Vì thế, câu hỏi “Dũng đi đâu?” cũng chỉ lưu trong trí nhớ mọi người một tuần, rồi chả ai buồn nhắc lại.
Giấy chứng sinh do vậy chưa làm được, nhưng Kumar cứ thản nhiên nhận đứa trẻ là con mình. Không hiểu sao, anh lại gọi tên đứa trẻ theo tiếng Việt là Vân. Vân là gì? Có một tay bác sĩ hỏi. Vân là mây! Thanh Vân – Nó là áng mây xanh trên trời. Nó là hi vọng, niềm khao khát của tớ, của mẹ nó, hỏi gì nữa không nào?
Thực ra, ban đầu anh chưa có tình cảm gì sâu sắc với đứa trẻ, nhưng khi ngày nào cũng vào thăm mẹ con Quyên, tình cảm của Kumar với cái sinh linh có đôi bàn tay nhỏ xíu hồng hồng và đôi mắt đen lay láy luôn đăm đăm nhìn anh, cứ lớn dần lên. Nó, điều ấy như hạt lộc vừng bé xíu rơi vào đất ẩm, nứt ra mầm xanh bé tí tẹo tèo teo mà gặp đủ duyên, nước, khí, ánh sáng, vù vù lớn lên như thổi. Rất tự nhiên, anh mang tình cảm ấy vào trong giấc ngủ và bỏ hẳn thú câu cá trong ngảy nghỉ để vào với nó trong bệnh viện. Người ta thấy anh hay ngồi yên lặng hàng giờ bên Quyên, như khi anh im lặng bên bức tượng Phật nhỏ trong nhà. Nhưng thực ra, anh muốn nói chuyện rất nhiều với Quyên khi cô thiêm thiếp ngủ. Một tối về nhà, chợt nhới tới mẹ, Kumar nhìn lên bức tượng Phật và quỳ xuống. Một mong muốn từ đâu, sâu thẳm trong anh bật lên, thoát ra: “Người hãy giúp con, cho Quyên tỉnh giấc!” Anh cứ ngồi như vậy khá lâu, mặc đầu gối tê dại. Kumar tự biết, Quyên chẳng họ hàng thân thích gì, nhưng từ vô thức mách bảo, cho anh bật ra ý nghĩ ấy và, có thể đó là hệ quả của sợi dây liên hệ vô hình buộc anh vào với hai mẹ con Quyên. Đôi khi anh chợt tự vấn: hay từ duyên kiếp nào chăng?
Kumar không phải là khách lạ của bệnh viện này. Cửa hàng nơi anh làm thuê là cửa hàng nướng bánh Pizza ngon nhất thành phố, nên bấy nay, trong nhiều năm, anh thường tới đây đưa bánh cho những người khoái bánh Pizza. Anh đi lại, giao dịch trong bệnh viện như vào nhà mình.
Cùng uống cà-phê ở phòng ăn hôm đó với anh, có bác sĩ huyết học Laler, là người cũng vui tính, bảo: “Kumar này, ba năm nay, tớ lại gì cậu! Cậu cứ nhận vơ đứa bé là con. Tớ biết tỏng, nó không phải là con cậ!” Kumar bỏ cốc cà-phê xuống, anh thừa biết luật pháp nước Đức! Trong cảnh huống này, khi anh tự nhận là cha đứa trẻ, không ai đựơc quyền xét mẫu AND để tra tìm: ai là cha đứa trẻ? Kuma nghĩ một lát rồi nói: “Anh nhầm rồi, Nói là con tôi đấy. Nền y học của các anh hiện đại, tiên tiến lắm. Các anh có thể xét nghiệm AND ngay lập tức. Nhưng ai bảo điều ấy là tuyệt đối đúng? Hay anh thấy nó da vàng mà nói vậy. Anh hãy giải thích cho tôi đi, tại sao da tôi lại đen, đen toàn thân như vậy mà riêng lòng bàn tay tôi lại vàng? Kumar nhổm lên, thản nhiên xoè bàn tay ra trước mặt mọi người: “Đây, anh và các quý ông, quý bà nhìn xem, màu này có giống màu da của con tôi không?”
Quả thật, lòng bàn tay Kumar là nơi duy nhất có màu da như dân châu á. Đó là điều mà không mấy ai để ý và thực không thể giải thích được một cách dễ dàng, khi tất cả những người da đen đều có đôi bàn tay tương tự như vậy. Mấy người trong bàn ăn cười ồ lên và bác sĩ Kaler ngớ mặt ra. Chính Kumar cũng không ngờ anh có câu trả lời nhanh nhảu, làm tay Kaler không phản biện ngay được. Điều đó làm anh vui suốt cả ngày hôm ấy, cả khi anh phóng xe mô-tô dưới mưa đưa bánh, anh vẫn huýt sáo với bộ mặt tươi tắn làm sao.
Mãi gần hai tháng trời trôi qua, tự dưng người mẹ trẻ Việt Nam – Quyên – tỉnh giấc. Những người trực hôm đó thực sự bất ngờ và khó giải thích vì sao? Vì sao một người đàn bà, sau phẫu thuật cứ mê mệt, sống một đời sống thực vật mấy tháng, giờ đây lại bất ngờ bừng tỉnh?
Quyên không hề biết cô đã có một giấc ngủ dài bao nhiêu ngày. Khi tỉnh giấc, cô lơ mơ nhận ra trước mắt mình là một khuôn mặt có đôi mắt xanh to dịu dàng và nụ cười đơn hậu. Quyên nhìn thấy rõ dần những sợi tóc màu vàng nâu rủ xuống. Cô giơ tay lên cố đụng vào những sợi tóc mảnh ấy, nhằm xác định đó là mơ hay thực. Cô buột một câu tiếng Việt và chợt nhớ ra, cô đang ở Đức. Quyên bật ra câu tiếng Anh khá chuẩn: “Tôi đang ở đâu?” Bà đương ở bệnh viện của thành phố”. – Đôi môi đậm son mấp máy trước mắt cô. Quyên nhắm mắt lại.
Tại sao lại ở đây? Bất giác cô đưa tay xuống bụng và hốt hoảng bật ngồi dậy: “Con tôi đâu rồi?”
Cửa phòng sịch mở.
Kumar, chính là Kumar bước vào phòng, chứ không phải chồng Quyên. Đôi mắt anh sáng rực trên nền đen của làn da mặt và, miệng anh nở bừng một nụ cười tươi lắm. Tới bên Quyên, Kumar nói: “Kìa em đã tỉnh dậy rồi!” Em có biết, em đã ngủ bao nhiêu ngày rồi không?” Ngủ bao nhiêu ngày?” Quyên bàng hoàng cảm giác thấy chân và tay cô nhẹ như bấc.
Khuôn mặt đen sậm của Kumar làm cô sợ. Sợ nhất là trên cái nền đen bóng ấy, đôi mắt Kumar trở nên trắng, ánh lên, lấp loáng như ma trơi.
Quyên nhắm mắt. Cô không muốn nhìn Kumar thêm nữa và nhớ lại, hồi tưởng lại những gì đã diễn ra, cả việc cô quyết định chết để quên đi tất cả.
Trong khi đó, Kumar mừng khôn xiết. Việc Quyên bất ngờ thức dậy làm anh quên cả về nhà để ngủ. Anh cứ lăng xăng bên Quyên, rồi lại chạy đi mấy phòng có người quen để báo tin. Giáo sư bác sĩ trực của bệnh viện thấy anh bắng nhắng, ngây thơ như con chim nhỏ cũng không nỡ mắng anh đã làm ồn như vậy.
Chỉ mãi khi khuya lắm rồi, người ta tỏ ý buộc Kumar phải ra về, anh mới chịu rời giường Quyên. Trở về nhà, anh cũng không ngủ ngay mà ngồi dưới tượng Phật một lát. Anh hoàn toàn tin rằng, chính Người, chứ không phải ai khác, đã phù hộ cho mẹ con Quyên. Trong đêm tối, Kumar mắt nhắm nghiềm, nhưng đôi môi thì tươi như hoa. Anh ngồi hoà chìm vào bóng đêm như thế tới tận bốn giờ sáng mới ngả lưng.
Quyên không thể ở bệnh viện thêm giờ nào nữa. Đã ba bốn ngày nay, cứ chợp mắt là cô lại rơi vào một giấc mộng hãi hùng, để khi tỉnh giấc Quyên vẫn nhớ rõ như sự thực vừa xảy ra.
Bóng đen từ đâu tiến ra và dừng lại trước giường con gái của Quyên. Cô nhìn rõ khuôn mặt của hắn sẫm đen và cái lưỡi đỏ lòm thò ra thụt lại trong đêm. Hắn nhìn cô cười, phô hàm răng trắng ởn, và cô thấy khuôn mặt đó thay đổi một cách khó hiểu. Có đêm cô tỉnh dậy rồi vẫn nhớ rõ, đó là khuôn mặt hớn hở khi cắm sau “thỏi sắt nguội” vào cửa mình cô ở khu rừng biên giới; có khi lại thấy khuôn mặt đó từa tựa Dũng, bởi đôi mắt của gã đầy những tia máu, hằn học và dữ tợn. Lại có lúc không phải những khuôn mặt mà cô đã biết. Đôi mắt trân trân nhìn rất dịu dàng nhưng không mang lại cho cô sự bình yên, mà trái lại càng làm Quyên sợ hãi tới hoảng hốt khi hắn cười phô răng nanh nhọn hoắt và đôi môi đỏ sắc máu. “Thằng da đen Kumar!” Có hôm cô bật dậy khẳng định. Trong cơn mơ trước đó vài giây, cô thấy hắn bế đứa con của cô lên tung trên cao, rồi xé đứa bé làm hai. Cô nhìn rõ hắn nhai rau ráu đôi tay hồng nõn bé xíu của con gái và tiếng trẻ khóc thét lên thảm thiết…
Quyên thường cố thoát khỏi giấc mơ hai hùng ấy và vùng dậy, bàng hoàng nhận ra mình đang nằm trên nệm. Cô quờ tay, quơ tấm chăn mỏng quấn lên người, che cả mặt. Cô vẫn thấy tim đập thùng thùng liên hồi, gấp gáp. Ba bốn đêm như vậy. Thường là cô không thể kìm nén được nỗi sợ gần như hoảng loạn, dẫn đến tình trạng không biết đâu là mơ, đâu là thực. Ngay sau đó vài giờ, hồi tâm lại, biết đó là mơ, cô nhón dậy, rón rén đi sang phòng con.
Tại phòng ấu nhi, Quyên đặt bàn tay lên vùng ngực, nơi trái tim cô đang hồi hộp đập. Cô thở thượt, lả đầu sang trái, khi vẫn nhìn thấy đứa trẻ ngủ ngon lành và chúm chím cười thơ ngay trên ga đệm trắng tinh. Nhìn thấy rõ sự an lành của đứa con, mà cô vẫn không sao thoát ra khỏi trạng thái lo lắng và cứ ngồi canh chừng bên con tới quá nửa đêm. Có đêm, cô ngủ gục bên chiếc nôi, tận tới khi có người trực bệnh viện đi kiểm tra hay cho trẻ ăn phát hiện ra, đánh thức cô dậy.
Bất an! Cô cứ sống triền miên sau những cơn mê, trong trạng thái như vậy tới bao giờ? Mấy đêm Quyên thật sự không dám ngủ nữa. Mỗi khi Kumar vào thăm, cô để mắt tới con hơn và rùng mình khi nhận ra, đôi môi Kumar hồng như có sắc máu. Phải tránh xa con người này. Tại sao hắn lại săn đón tử tế thế?
Đêm nay cô phải trốn. Sự ám ảnh của khuôn mặt Kumar làm cô sinh ra ý nghĩ ấy. Cuộc di dời qua biên giới, bị giam gần năm trời và hành xác tới khi có thai, cuộc gặp gỡ khốn nạn với chồng, cái đêm cắt mạch máu cổ tay tự tử… những sự kiện nối theo nhau xảy ra làm cô trở thành kẻ có trạng thái không bình thường chăng? Thôi, đời cô ra sao cũng được, nhưng không thể để con cô rơi vào một tình trạng không yên ổn, bị đe doạ.
Cô lấy thêm một vài lát bánh mì trong bữa ăn tối và một quả táo cất vào tủ con. Cô lén lấy cắp những chiếc tã giấy để trên bàn y tá, gói gọn,nhét dưới đệm nằm. Tiện tay, cô cầm thêm gói sữa bột. Sữa còn rất ít, nhưng đào đâu ra nữa? Gian chế biến đồ ăn đã khoá lại. Mà nơi ấy cũng chỉ là nơi để thức ăn, đồ uống cho trẻ sơ sinh, do một công ty chuyên chế biến thức ăn không nằm tại viện mang tới. Không sao, rồi sẽ tìm ra cách! Giá như mình có sữa? Cô vạch vú mình trong nhà vệ sinh, ngắm soi trong gương. Hai bầu vú của cô vẫn trắng hồng, có cương lên một chút ít so với ngày nào cô còn thanh tân, không hề thay đổi quá nhiều như những phụ nữ có con khác. Vẫn hy vọng, cô cố nặn đầu vú hồng hào nhỏ như ngón tay út. Quyên hơi nhăn mặt. Nơi đầu vú rỉ ra thứ nước đùng đục. Chẳng phải là sữa! Sao chán thế? Lòng Quyên trào lên nỗi thất vọng xa xót. Quyên ném phắt tờ giấy lau đã thấm chút nước đùng đục vào thùng rác.
Cuộc chạy trốn diễn ra đúng như ý muốn của Quyên.
Tám giờ tối lúc giao ca của bệnh viện. Quyên len lén cầm bọc giấy mà trong đó có dăm thứ lặt vặt cho đứa con. Sang buồng đứa trẻ, cô quấn lấy con trong một tấm chăn nhỏ và bế thốc nó lên khi con bé còn đang thiêm thiếp giấc nồng. Dọc hành lang không có bóng người! Cô mở cửa, len lén tới bên cầu thang máy. Thời gian chờ thang máy mở cửa quả là dài. Cuối cùng cửa thang máy cũng mở ra để Quyên chui nhanh vào, khi tim cô đập liên hồi như trống trận.
Ra tới đường phố, Quyên cứ thông thốc bế con đi như chạy dưới những rặng cây bồ đề vừa trút hết lá vàng. Tới khi bàn tay Quyên mỏi rã rời vì đứa con trên tay, cô mới dừng lại dưới một cái hiên để thở. Phố vắng tanh và cô chợt nhận ra mình khát. Cô mở chiếc chăn quấn con gái. Đứa trẻ thức giấc từ bao giờ. Đôi mắt đen thau tháu, thao láo nhìn Quyên. Đây là máu của cô, thịt của cô, một phần cơ thể của cô vừa tách rời khỏi cơ thể cô. Nó đã từng chia sẻ bao nhiêu ngày buồn đau, suốt chín tháng mang nặng bấy nay đấy thôi! Nghĩ thế, cô bỗng trào nước mắt rồi cúi xuống áp nhẹ đôi môi lạnh vào má, vào đôi hạt nhãn đen tuyền của con. Nụ hôn giữa phố phường vắng tanh, lạnh lẽo, thật tha thiết, nghẹn ngào.
Người đàn bà cách đây không lâu chán sống, đã tự cứa dao vào cổ tay mình, giờ đây lại ham sống. Quyên hít một hơi cho không khí lạnh tràn vào ngực mình và ôm chặt lấy con, ngẩng mặt lên trời như cao ngạo thách thức: “Con ơi, mẹ con mình sẽ phải sống. Phải vượt qua tất cả để sống!” Quyên tự cười nhạo mình trong đêm. “Giữa thành phố này, một mình – kẻ cô độc, mày chán sống. Còn giờ đây mày có hòn ngọc bé xíu đây rồi. Đó chính là nguồn sinh, mạch sống của mày”. Một sức mạnh vô cùng lớn lao đã vụt hiện, trở nên một sức mạnh vô biên, để không thể có việc gì, dù gian lao nguy hiểm tới mấy, làm cô chùm bước. Phải sống, vượt lên!
Quyên đi băng qua đường, chẳng cần tìm nơi có những vạch trắng ngang dành cho người đi bộ. Tới cửa tiệm, cô đắn đo một chút rồi đẩy cửa.
ở thời điểm ấy cô cũng không thể nào biết, cũng ngay trên khu phố cô đang đứng, nơi bên kia, trên một đường phố song song, có một người đen như bồ hóng và chiếc mô-tô có dòng chữ Pizza tươi màu vàng cam, đang buồn bã chầm chậm chạy về nhà. Trong lòng anh ta miên man nghĩ tới cô và đứa trẻ. Anh ta cũng không thể nào biết rằn, Quyên và con cô, hai người anh đang tìm, cách anh chỉ một hàng cây. Một hàng cây thưa, trong cuộc trôi nổi bèo bọt, thân phận như tro, như bụi, như cát của người ta, là sự ngáng trở tầm mắt – dù hết sức vô tình – làm mất đi cơ hội cuối cùng nhìn thấy nhau để gặp gỡ, đã buộc họ rẽ ra làm hai ngả chia xa.
Cả hai đều không biết điều ấy, nhưng bầu trời biết, mặt đất biết. Sự biết không chỉ là qua những tiếng động của từng bước chân, hay vệt xe lăn làm vỡ đám băng muối lổn nhổn lạnh cứng, lạo xạo trên mặt đường đen láng, mà đó là cả một quá trình theo dõi diễn tiến hành vi cả hai con người ấy. Những vì sao lặn muộn hay mọc muộn đêm nay cũng biết và, dường như chúng đang nhấp nhánh giễu cợt những vết di dời lạc loài của Quyên và Kumar, trong sự thử thách lòng kiên nhẫn của bản ngã, tính thiện của con người, trên con đường hành hương của mỗi số phận hướng về bản thể của chúng sinh.
Đường phố vào khuya lặng thinh, không một bóng người. Những đám mây nhỏ, xám, nặng trĩu nước, bay rất thấp, chập chờn hiện ra trong quầng sáng hắt lên của thành phố. Nhìn chúng bay ngang qua trăng non ung ủng vừa mọc ngang nóc nhà, người ta có thể biết, sự báo hiệu, có thể trời sắp mưa
Chủ quán ăn nhanh tên Phi. Ban đầu, ngày gã mới ở Đức, dân chợ thành phố ngoắc cho gã thêm một hỗn danh, gọi là Phi Bẩn.
Thực ra tên đầy đủ ghi trong hộ chiếu là Nguyễn Văn Phi
Khi mới sang Đức, gã hoàn toàn bình thường như trăm ngàn người khác, không có những trạng thái bệnh lí, kể cả tiền sử. Điều đó được ghi rõ trong tập hồ sơ của cơ quan y tế thành phố lập ra, nhằm theo dõi, chăm sóc những người tới sống lâu dài trên nước Đức.
ở Việt Nam, Phi là giáo viên dạy nghề tại một trường ven ngoại thành Hà Nội. Phi sang Đức ở dạng ăn theo vợ. Không phải diện Xuất khẩu lao động, rồi được ở lại như Thị – vợ gã.
Thị là dân Công nhân xuất khẩu – Thợ khách của nhà máy bóng đèn Đông Đức. Thị không đẹp lộng lẫy, nhưng là typ có ma lực với đàn ông. Nghĩa là vẻ ngoài không phô phang rực rỡ, nhưng Thị trắng, phổng phao. Làn da Thị mịn mát, ai lỡ chạm tay vào như thể sờ vào miếng thạch. Thị có khuôn mặt ưa nhìn, má phấn, mắt cười, đôi mắt có đuôi. Khi cười mắt, môi, miệng… đưa nhịp lúng liếng. Ma mị lắm! Nhất là khi Thị ở phía trên, tóc bồng bềnh xõa xuống, mắt trở lên đen them, bí hiểm, sóng sánh như đêm tối… Trời sinh ra thế! Thị làm ai đã dính vào, tất dứt không ra.
Năm đầu sang Đức, mới nửa tháng, Thị gá với một tay chuyên có mối đánh hàng lụa, sống tận Chemnitz. Gã này có tên cha mẹ đặt cho, nhưng bạn hàng, cánh bán lẻ ở các đội, cứ réo đại lên là thằng Tơ lụa. Biệt danh gọi lâu ngày thành quen, gã cũng chẳng thèm phản ứng với bàn hàng khi họ đưa về cho gã hàng thắng dăm ngàn Ostmark.
Thứ Bẩy, Chủ nhật nào Tơ Lụa cũng từ cái vùng núi lạnh giá ấy lọ mọ tới.
Gã xấu giai, mặt như lưỡi cày lại cao lênh khênh, nên cáI gì trên người cũng dài. Đôi tay vượn cắp theo súc lụa, là thứ hàng được giá khi ở nhà. Lụa Đức tốt, trơn, bền màu. Đám đàn bà con gái ở Việt Nam bấy giờ, ai ai cũng thèm muốn có một mảnh lụa Đức hai mét, để may quần ta đen.
Buồn thay, Trời cũng chỉ dành một thời gian nhất định cho Tơ Lụa hái ra tiền. Việc khuất tất như cái kim trọng bọc lâu ngày cũng có bữa lòi ra! Cửa hàng trưởng người Đức ăn của đút, chuyên buôn lụa cho gã, bị cảnh sát kinh tế Đông Đức tóm.
Mối lụa đứt, Thị cười cười, nói với đám gái sồn sồn hay đàm tiếu về đàn ông: “Dương vật thằng ấy dài như con khăng, khó chịu tới chế”.
Hai tuần sau, Thị để mặc Tơ Lụa ngồi rình ở cổng nhà máy, đầu Wohn hết thứ Bẩy này tới thứ Bảy khác. Một tháng dòng, gã Tơ Lụa mới hồi tình, dứt được ra. Cũng đau đớn lắm! Sau trận chửi thề cuối cùng, dài tới hơn hai giờ, đứng ở ngoài cửa phòng đã khóa chặt của Thị, gã lồng lộn, hăm dọa, đấm vào cửa phòng Thị ầm ầm và bảo, sẽ băm Thị ra làm đôi… Hăm dọa chán mà chẳng làm được gì, vì Thị đã cố thủ trong phòng, Tơ Lụa ngửa mặt thở dài, thôi lồng lộn, dù lòng còn đầy căm hờn, mặt dư đầy sát khí, vẫn phải ấm ức, hậm hực lên tàu xuôi về Chemnitz đúng giữa đêm tuyết gió thổi ào ào, trắng xóa.
Tơ Luạ bặt tin từ đó!
Vài tuần sau, Thị hớn hở lôi về một thằng đàn ông làm phiên dịch ở Berlin. Thằng gá thứ hai này, nghe Thị kể, là thứ giai nom hào hoa, phong nhã. “Nhưng mặt lạnh như bom. Kiêu lắm! Chẳng thèm nhìn ai bao giờ”.
Thằng này thường đến với Thị vào lúc nhập nhoạng tối. Thoắt một cái, gã lẩn mất hút vào sau cánh cửa nhà Thị rồi tới sớm, mặt trời chưa lên, đã lên ô tô vỏ giấy nện, hiệu Trabi, lặn vèo ngay về Berlin. Vậy nên ít ai tỏ mặt, tường tên. “Nhưng nó chẳng được như đứa đầu!”- Thị ca cẩm. – “Nom tốt mã, to con mà bấy! Sộp lắm! Ra gì đâu, cắn vào, tanh như trái lê non đầu hè! Nửa đường cày đã đứt gánh”.
Nói vậy, nhưng bọn họ vẫn dan díu với nhau nửa năm, vì tay này có đường dây hàng cao cấp với VIP. Hàng tuần khuân về cho Thị vài hộp băng Sony, rượu Napoléon, thuốc 555… bán quanh trong đội Thị và ra mấy đội lân cận.
Bức tường đổ! Tay phiên dịch nước mắt lưng tròng chia tay Thị về nước. “Trái lê non đầu mùa” vừa quay gót lên xe về Berlin, Thị cười nhạo, quay mặt vào tường, liếm môi, đếm sấp USD thơm mùi mực. Tiền gã kia vừa đổi hộ Thị ở trung tâm West, nơi có Nhà thờ cụt.
Nửa tháng một mình, Thị thường chép miệng, đôi khi than vãn thở dài.
Tháng sau, Thị lại cười như Fach khi đã móc lên, một tay kém Thị gần chục tuổi, ở chợ thuốc ga Karhshorst, thuộc Đông Berlin, nơi người Việt, đủ thành phần trong các đội Thợ khách sắp hồi hương, nhốn nháo đêm đêm đón tầu hàng từ đám dân Poland tràn sang, mang theo đủ loại hàng rẻ tiền lậu thuế, trong lúc Đông Đức hỗn quân hỗn quan, phía Tây còn đang ngỡ ngàng, chưa đủ sức tiếp quản thị trường bán lẻ rộng lớn, đầy khe hở, bỏ ngỏ bấy nay, vì ở thời điểm những âm mưu chính trị quan trọng hơn cả việc kinh doanh.
Hắn tên Y
Y sang Đức ba năm mà cổ vẫn đen cháy. Khỏe và trẻ! Đấy là ưu điểm của kẻ thứ ba. Đàn ông chung phòng, sau một tối bảo, thằng này cả hơi, nặng mùi đéo chịu được! Người tong trải nhận xét, đàn bà thích gã, vì đông cũng như hè, Y luôn sực ra toàn mùi đực. Thứ này khỏe như trâu và dai như chão!
Ai cũng biết chuyện Thị với gã đực non này. Ngày họ chị chị, em em, nhưng đêm cấm có they ló mặt khỏi phòng. Từ ngoài, có điếc lòi điếc nổ vẫn nghe rõ trong phòng vọng ra rõ mười mươi tiếng giường đệm vặn răng rắc như sắp gẫy. Tầng dưới lại they: cứ ình ịch như ai đó giã giò. Chả cần áp tai vào cửa cũng nghe thấy tiếng rên rỉ, rút rít; khi như ai oán, lúc vang cực lạc; tựa hồ trong nhà có nhốt đôi linh miêu đang cơn động tình. Nhưng thế mà chả biết mèo nào cắn mỉu nào! Một tháng qua đi giai tơ tên Y mặt mày bạc phếch, còn gái già tên Thị lại hồng hào, phởn ra trông thấy, sắc diện rõ nồng nàn, sóng sánh như con gái tuổi xuân thì ngồi bên lửa.
Vốn liếng hòm hòm thì nạn cướp phách nổi lên. Thị tính, buôn thuốc lãi suất rất cao, nhưng trước nạn cướp phách người Việt, cứ rình rập đám bán thuốc lá lậu đồng hương ở khắp nơi, thì thực vô vàn nguy hiểm. Không khéo cốc mò cò xơi! Vả lại, khi có nguồn thuốc quân đội Nga cũng chớm cạn. Thị quyết định ăn non, bỏ hẳn buôn thuốc lá lậu, xoay sang đi học nghề xào mì ở một Imbiss. Học xong nghề, Thị rời Y, chạy sang phía Tây, tìm địa điểm mở một quán ăn nhanh.
Có loại người như Thị, tuy chẳng học hành nửa ngày về nghề buôn bán, nhưng lại khéo học lỏm bắt chước. Thị theo dõi quán Imbiss của một đồng hương Việt Nam hai tuần, rồi chọn chỗ, thuê ngay một địa điểm rất gần đó, diện tích rộng hơn, đầu tư tiền dựng quán, cho khách ăn trưa có bàn ghế, không phải sơi đứng, lại trong nhà ấm. Ngay khi bắt đầu khai trương, ngày mở hàng, Thị giảm giá mì xào. Mỗi đĩa mì xào của Thị bán cho thực khách chỉ bằng nửa giá của quán bên cạnh, nên quán ăn của Thị lập tức mau chóng hút khách, chiếm gom hết đám khách ăn trưa của người đồng hương quán bên. Sau hai, ba tháng mất khách ruột, trở lên vắng teo, quán kế bên không trụ nổi khi chi phí tiền thuê nhà quá cao. Thói đời tham rẻ mà. Thực khách tham đĩa mì to vật vã, khói thơm ngậy bốc lên nghi ngút, toả lan trong nhà ấm. Chỗ ăn lại có bàn ghế và lời chào ngọt hơn cả mía lùi, thế là người ta cứ ùn ùn từ quán cũ bỏ đi hết sang quán mới mở của Thị. Quán đối thủ của Thị tuyên bố đóng cửa.
Nghe tin quán bên sập tiệm, Thị xoa đôi bàn tay mũm mĩm, cười, ráo hoảnh nói lạnh tanh: “Thương trường là chiến trường!” Nói xong Thị phẩy tay. Động tác Thị y như mỗi khi thẩy xiên áo cũ vứt tọt vào góc nhà, hay như dạo bứt được nhân tình đã hết đát sử dụng…
Ngày quán kẻ đồng hương yểu mệnh dọn đi, Thị sai người sang, nói là người nơi khác tới, mặc cả dóng riết, mua lại hết dụng cụ xoong, chảo, nồi và dụng cụ làm bếp của quán cũ. Giá mua rẻ như cho. “Ném vào kho, có ngày lại dựng thêm quán mới!”. Thị cười khẩy nói với đám nhân viên khênh đồ mua lại từ trên chiếc xe chạy vòng qua một phố, rồi về quán Thị theo lối cửa sau.
Ban đầu, cậu em của Thị quyết không đi. Theo Y, nguồn thuốc lá của nga cạn thì tìm nguồn khác. Sống ở Berlin ba bốn tháng, nghe đâu Y cũng cặp với một cô bé trẻ, khá xinh xẻo, xong Y vẫn không quên được “người đàn bà năm bờ oăn”, đầy đủ kinh nghiệm đã dẫn Y vào tình trạng cực khoái một cách thoả mãn nhất. Nhớ nhau, đêm đêm Y và Thị điện thoại buôn dưa lê. Cả hai, cố áp sát tai vào máy, tay không quên đụng đậy thọc xuống dưới. Hai đứa cách nhau hơn bốn trăm cây, đều trong trạng thái người đong đưa như lắc chảo.
Đàn bà có hạng siêu, chỉ cần giọng nói thủ thỉ, dầu xa nhau thăm thẳm, cũng vẫn đủ tài làm thằng đàn ông đã biết mùi cái, cương cứng mọi cơ bắp.
Sự làm ăn của Thị phát đạt, Thị mở thêm quán mới, song thiếu người tin cậy quản lí. Thị rủ cậu em bỏ Đông Đức sang ở hẳn với Thị. Biết khó bỏ được Thị, Y gạt phắt cô gái tuy trẻ, nhưng làm tình lại “ngay như gỗ”, bơ vơ ở lại Berlin, sang phắt với Thị. Hai năm trôi qua, Y để râu, một chòm dài như râu ngô “cho chững chạc khi đi bên nhau làm ăn”. Đấy là kết quả sau lần Thị khuyên Y về chuyện râu ria. Quả thực, soi gương Y cũng tự thấy Y chững chạc, tự tin hơn nhờ cái chùm râu dê phơ phất.
Nửa năm nữa, việc bán mì xào may mắn phát đạt, Thị như nhặt được bạc. Bọn họ mở quán ăn thứ ba, gần 200 chỗ ngồi.
Thực ra, Thị cũng chả thèm nhớ chồng ở quê. “Mỗi năm gửi về cho hắn vặt vẹo với lương tháng giáo viên ba cọc ba đồng, đôi ngàn là hắn sướng run lên rồi!” Thị nghĩ vậy. Nhưng thằng chồng tên Phi, dầu có xủng xoảng tiền bạc ở nhà, vẫn nhớ cái chất ăm ắp vô vàn đàn bà của vợ. Có tiền của Thị gửi về, Phi lẳng lặng bay sang Nga, rồi lần sang Tiệp.
Từ Tiệp, Phi nhắn sang. Thị nhận tin, hơi bất ngờ, nhưng tặc lưỡi, thuyết phục “thằng em” vài câu. Thằng em ban đầu cũng khủng khoẳng với quyết định của Thị, Thị bèn cấm vận hai ba tuần. Thật không chịu nổi, nhất là khi Thị xuất chiêu, mỗi khi biết hắn thèm mình, Thị mơn man, bỡn cợt thằng cu, cho tới khi giai tơ lên cơn, điên cuồng thèm khát, Thị bảo mệt, lăn ra ngủ, mặc xác dương vật hắn trương ra hết cỡ và bụng trên cồn lên, đau tức như muốn vỡ. Trằn trọc, khó chịu, bức bối muốn điên… Dăm lần như vậy, già nửa tháng sau, hắn Y – thằng em “chào thua”, miễn cưỡng nhào sang Tiệp đón hộ chồng cho Thị. Bọn giúp việc nhìn theo Y buồn bã ra đi, bố láo ca bài hát xuyên tạc:
– …Ngày mai anh sang Tiệp, ngày mai anh đón chàng. Để lại chị yêu dấu và tiệm ăn thành phố… bao năm cùng nhân ngãi giờ phải đi, nhìn thằng cu nó chào…
Việc đón chồng, Thị tính giản đơn. Công việc làm ăn mở quán mì xào đang tiền vào như nước, cũng cần người quản lí cho một quán nữa. Phái Y sang Tiệp đón chồng, Thị được thêm tiếng: “Làm ăn phát đạt mà vẫn không quên tình nghĩa vợ chồng”.
Có chồng sang nhưng không được như điều Thị mong muốn. Mất toi nửa năm thuê người kèm cặp dạy chồng ê a tiếng Đức. Công việc quản lí cũng không đơn giản, Phi tỏ ra chậm chạp, không như Thị muốn, nên Phi như cái gai, nhất là trước quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng, kín kín hở hở giữa Thị và Y. Cái điều dan díu ấy có thể giải quyết được, thiếu lí do để “chị em chúng tôi đi… bàn việc này!” Vợ chồng ở trong nước thường chín bỏ làm mười. Mọi sự, về tâm hồn, thói quen, sở thích,v.v… có khác nhau chút ít, cũng phải một điều nhịn chín điều lành, tự cho là bình thường. Khi xa nhau lâu, tiếp cận với cả một xã hội khác nhau, gần như hoàn toàn, tự thấy khi gặp lại, mỗi người đã chạy theo một hướng, hoặc kẻ đứng yên người tiến tới; mọi điều, xưa chỉ coi là khác biệt tí chút, có thể chịu đựng, bây giờ, khi đã ra xứ người tự dưng vênh váo, xa nhau vời vợi, khó có thể chấp nhận! Mỗi ngày xa là thêm một khoảng cách biệt! Không hợp nhau, ra nước người quên câu một điều nhịn…, vạch vòi kể cả lời ăn tiếng nói, cử chỉ điệu bộ.
Phi biết thân biết phận. Gã im re, vì tự biết mình phụ thuộc vào vợ, rõ như một với một là hai. Ba nhăm tuổi mới sang Đức, nên không có khả năng thích ứng nhanh với xã hội mới. Gã mà rời Thị là chết đầu nước. Vả lại, gã tự biết mình là loại chẳng sớm thích nghi, không thể một sớm một chiều phá rào, độc lập.
Cái mâu thuẫn giữa Thị và chồng có cái dung hoà được, có cái không thể. Ví như việc gã không thể nào từ bỏ thói quen ăn cơm và nhớ rau muống cồn cào. Việc ấy thì chấp nhận được, vì rau muống có đắt cũng không đáng bao nhiêu với một gia đình có ba cái quán. Nhưng Thị khó chịu ra mặt với nhiều thói quen khác của Phi. Quả là khó chịu! Gã đứng giữa cái quán nói oang oang như đang cãi nhau, hoặc bạ đâu cũng khạc nhổ bừa. Lại còn cái thói, khi ăn uống cứ tỉnh queo ném xương thịt cá đầy lên gạt tàn thuốc. “Tởm quá, khách hàng nó trông thấy nó bỏ chạy sạch!” Đã có lần Thị quát lên và buông đũa đứng dậy!
Dăm thói xấu ấy, nói mãi, có cái Phi cũng bơn bớt dần, có cái sửa hẳn được, nhưng thói quen hay ngoáy mũi thì thực là cố tật. Theo Phi, việc nhỏ thế mà cứ nói mãi, điếc cả đít! Đường phố ở nhà lắm bụi, muôn đời nay làm gì có lắm mùi-soa hay giấy lau mũi như bên tây, nên muốn vệ sinh, mũi sạch sẽ, phải đào và ngoáy. Thị bảo, sang đây bụi bậm gì mà lắm rỉ mũi thế. Gã đáp cùn: “Quen rồi, ngứa lắm! Mà cô mặc mẹ tôi, mũi tôi chứ mũi cô à?”
“Nhưng tây nó ghê! Nó tởm tới bỏ quán mà đi, anh biết không? “Thị quắc mắt gắt lại.
Để chữa cho chồng thói quen tệ hại ấy, Thị viết một khẩu hiệu rất to ở ngay phòng ngủ: “Tôi không ngoáy mũi”. Dẫu ức lắm, song sợ thực khách bỏ quán đi thật, nên Phi cũng nhịn. Nhưng tay đã quen ngoáy và đào cũng khó bỏ. Thành ra cứ mỗi lần đưa tay lên mũi định ngoáy, nhớ khuôn mặt hầm hầm của vợ, có bỏ tay xuống cũng dở, gã đành vờ vuốt mũi. Lâu ngày mũi gã hình như dài ra, cánh mũi teo đi. Điệu bộ nực cười ấy, ai cũng nhận ra. Vậy nên, cứ khi gã đưa tay lên, đám làm thuê, bưng bàn, rửa bát, lại cười bảo nhỏ: “Ông Phi sắp vuốt mũi này!” Đám người hay tếu táo đặt ngay biệt danh Phi Bẩn vì cái tật ngoáy mũi với dăm chuyện nói trên của gã.
Chuyện trai trên gái dưới cũng không che được mãi. Vả lại, Phi có mù thì thiên hạ cũng vành mắt ra cho thấy. Đằng này Phi không mù. Những đêm ăn nằm với nhau, khác hẳn thái độ hăm hở, đôi khi chủ động làm tình như hồi trong nước, nay Thị cứ cứng ngắc như khúc gỗ, mặc thây gã xoay ngang, đưa dọc. Lại nghe xì xèo của đám làm thuê, Phi ức sùi bọt mép mà chả dám ho he. “Vớ vẩn! Li dị bây giờ, xôi hỏng bỏng không! Giấy tờ còn lởm khởm, khéo không lại bị mã hồi về nước!” Phi nghĩ thầm vậy, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng cái giống đàn ông, vốn sinh ra ở cái xứ đàn ông dù có hèn vẫn cứ muốn là chủ gia đình, rơi vào tình huống nói trên, ngậm bồ hòn mãi sao được.
Nỗi nhục đêm đêm hành hạ Phi. Nhất là khi đám nhân viên nhãi ranh cũng chẳng bao giờ coi Phi ra cái thá gì, khi chúng biết tỏng bà chủ coi chồng thua kém cả con chó đực giữ nhà giống Đức nòi Schaeferhund một nấc.
Phi ức lắm, nhưng suy cho cùng, vẫn phải biết thân biết phận! Gã lao vào học tiếng Đức cần mẫn hơn và âm thầm nghiến răng, chịu khó quan sát kĩ từng thao tác lắc chảo, xào mì, ướp thịt, pha chế nước chấm,v.v… Nghĩa là toàn công việc, đại loại là những kĩ năng, mẹo luật, để qua đó có thể làm chủ, điều khiển một cái bếp, nơi quyết định sự thành bại của một tiệm ăn, khi gã muốn độc lập.
Hai năm trôi qua, khi lắc chảo đã dẻo, pha chế hương liệu và gia vị nấu cho ra một bát súp vừa miệng người Đức, và cốt yếu nữa là tiếng Đức cũng vừa đủ dùng, vừa hòm hòm để chào mời khách, Phi gợi ý Thị, liệu có thể mua cho gã một cái quán nhỏ để tự lập. Ngay lúc ấy, Thị nhướn lông mày tỉa tót công phu, ra điều ngạc nhiên lắm. Lại hẹn, để Thị ngâm cứu hai ba tuần chẳng muộn. Song thực ra tương kế tựu kế, việc Phi xin Thị mở cho một tiệm riêng tự lập thật gãi đúng chỗ ngứa của Thị từ lâu. Hôm sau Thị bí mất sai cậu em Y tìm chỗ mở quán mới, lại dặn Y: “Thuê chỗ nào cho nó xa hẳn ra!” Dăm tuần sau, Y thuê được một nơi làm quán đúng là để cho Phi biệt xứ. Y dựng phắt cho Phi cái quán ấy, cách Y và Thị hơn trăm cây số để khuất mặt cách lòng hẳn ra cho tiện nhiều bề. Từ đấy Phi biền biệt như một đại sứ ở thành phố này. Thi thoảng lắm, theo lệnh Thị, cậu em Y mới mò tới. Cũng không bao giờ hắn ở lại quá hai tiếng. Nhận giấy tờ làm thuế của tiệm Phi xong là Y lên BMV phắn về ngay với Thị.
Chiếc xe BMV 500.E đời mới, bóng, đen nhây nhẫy run lên nổ máy, êm tới mức, có đứng bên cạnh cũng không nghe thấy tiếng động cơ, dù nó là loại máy phân khối lớn trên ngàn mã lực. Mỗi bận nhìn ống xả nhẹ đùn một làn khói xanh mỏng, rồi vút đi, Phi căm hờn dõi theo. Tay gã nắm lại, nuốt nước miếng đánh ực. Ngày lại ngày, sự căm hờn không có lối thoát, kết thành khối u uẩn. Bụng gã như có khối đá tảng trăm cạnh sắc nhọn, thi thoảng lại trỗi lên, nhồi xuống. Không ít lần, sau khi Y lướt ô-tô khuất hẳn, gã lẩm bẩm thề độc có ngày rửa hận.