Hai tháng nữa trôi qua, giờ đây cô có tiền ăn cho cô và con, nhưng cô cũng chưa muốn bỏ Phi mà đi. Nhiều khi, cô muốn tới sở ngoại kiều để xin về ở hẳn trại vào đó nhưng cô lại đắn đo. Điều làm Quyên day dứt hơn là sau những buổi trưa giúp gã tất bật bán hàng cho khách, khi trở về với con, nhìn thấy nó dần lớn phổng lên và rất hay cười. Nụ cười của một phần xương thịt làm cô quên hết đau khổ, nhọc nhằn bấy nay. Vả lại, Quyên cũng ý thức rằng, thiếu cô, có lẽ cửa hàng sẽ kém hẳn doanh thu. Bởi cô đã nhận ra, sự có mặt của cô, những người khách ăn trưa thấy dường như ngon miệng hơn. Chẳng thế mà có thực khách đã nói với Phi “Người giúp việc mày nói tiếng Đức còn chưa tốt, nhưng nhìn nụ cười trên môinó, tao ngon miệng lắm”.
Còn một lí do nữa khiến Quyên ở lại. Đấy là số tiền mà gã trả cho cô hàng tháng. Nếu tính toán sòng phẳng, việc Phi chi tiêu hàng ngày cho Thanh Vân và cô, thực ra quá trội so với lao động cô bỏ ra giúp quán. Vì mỗi trưa có vất vả, so với giá thành lao động chung trả cho đám người Việt ở thành phố này, bốn giờ lao động, mỗi giờ mười Euro, có lẽ chỉ đủ cho cô và con ăn ngủ ở đây. Ngoài ra, hàng tháng gã phải mua bao nhiêu thứ cho bé Thanh Vân; từ bỉm tới sữa, nước, kem, khăn giấy vệ sinh các loại dành riêng cho baby,v.v… trăm thứ bà rằn khác mà cuộc sống phát triển của phương Tây đặt ra, để chăm sóc trẻ con một cách đầy đủ, tiện dụng và ưu ái nhất. Thế mà Phi vẫn đưa thêm cho cô hai trăm một tháng. Số tiền mà mỗi lần Quyên nhận cô tự cảm thấy ngượng ngùng. Nhưng cô cần tiền. ý nghĩ có tiền để giải thoát tình trạng bí bách hiện tại, có tí chút vốn liếng giắt lưng, rồi lấy vé bay trở về quê hương thúc ép cô, làm thành một mục đích biện minh, đè bẹp sự ngượng ngùng của một Quyên đầy liêm sỉ.
Như vậy, cộng với tiền xã hội Sở ngoại kiều cấp khi cô nhập trại, Quyên có thể tiết kiệm một tháng khoảng năm trăm Euro. Cô tính, rồi cô sẽ trở về Việt Nam nay mai. Phải làm lại từ đầu! Như thế, ít ra là hai năm nữa, chờ cho con gái đủ lớn, có thể gửi nhà trẻ, cô cũng cần một số tiền nữa cùng với tiền đã tích cóp từ trước, để khi trở về có thể mua một căn hộ tập thể nhỏ, khỏi phiền hà tới mẹ. Tất nhiên cô không bao giờ quay lại nhà chồng. Không bao giờ! Hôm nay cam chịu! Cam chịu đi này Quyên! Bằng ấy lí do để cô ở lại với Phi, dù rằng bằng linh cảm của đàn bà, con thú yếu, cô nhìn thấy ánh mắt của Phi vẫn là ánh mắt của một con thú đực sẵn sàng có thể vồ lấy cô mà cắn xé. Điều đó dần trở thành ý thức cảnh giác, khi đêm đêm cô vẫn lần sờ, tìm nắm lấy cán dao, khi nghe thấy tiếng chân rón rén của gã ngoài cửa của gian phòng mẹ con cô trú ngụ.
Mùa đông năm ấy tuyết rơi muôn, nhưng lại khá lạnh. Gió hú khan từng cơn, vọng vào nơi mẹ con Quyên nằm. Hai đêm liền, băng rơi như muối rắc, bay rào rào, đập lắc cắc vào cửa kính, đọng thành vệt lổn nhổn, cứng đanh. Đứa trẻ có vẻ khó ở, rồi cơn ho bất ngờ trong đêm làm Quyên bừng thức. Cặp nhiệt độ, đứa trẻ sốt gần bốn mươi mốt độ. Quyên hoảng hốt. Đứa trẻ nóng hầm hập như hòn than, khóc ré lên từng hồi.
Phi cũng không ngủ được vì tiếng khóc ấy. Gã sốt ruột, bước vội lên cầu thang và gõ cửa.
Sinh con lần đầu, Quyên hoàn toàn không có kinh nghiệm. Phi thực ra cũng chẳng có một chút hiểu biết gì về nuôi dạy trẻ, gã sờ đầu đứa trẻ như người khác từng làm. Nhưng gã là người ngoài cuộc dạng cờ ngoài bài trong, lại thông thạo xứ này hơn, ít ra là so với Quyên. Có lẽ vì vậy Phi nói ngay: “Sốt cao rồi. Phải gọi điện cho xe cấp cứu!”
Nhìn khuôn mặt đỏ ửng của con, Quyên để mặc gã xử lí. Phải tới mười lăm phút sau, xe cấp cứu mới tới. Những người trong đội cấp cứu mặc áo khoác trắng của thành phố này đã quá quen với việc xử lí cho trẻ con ốm trong đêm. Họ trấn an Quyên bằng nụ cười hiền lành và mau chóng phát hiện bệnh viêm họng cấp của con cô. Bệnh cũng chưa tới nỗi phải nhập viện. Họ tiêm một mũi cho đứa trẻ, đút viên thuốc giảm sốt vào đít và viết đơn thuốc, rồi mau chóng trả lại sự yên tĩnh cho mẹ con Quyên.
Quyên đặt con vào nôi và ngồi bên con.
Đã hai giờ sáng. Phi kéo ghế ngồi bên đứa trẻ với vẻ lo âu thực sự. Họ im lặng bên nhau tới nửa giờ. “Anh đi ngủ đi” Quyên ái ngại cất tiếng. Gã nhìn Quyên. Chỉ còn đèn tường vàng liu điu sáng, nhưng lại là thứ ánh sáng làm khuôn mặt Quyên sâu hơn, biểu cảm hơn. Phi bước tới bên giường và ngồi bên Quyên. “Anh thức cùng em!” Gã nói và đưa bàn tay lần sang nắm lấy bàn tay Quyên.
Đàn bà lạ thật. Thời gian ở đây; đã năm sáu lần, sau khi ăn xong bữa tối, Phi đã nắm tay Quyên, kiểu cách tương tự như vậy, nhưng Quyên vẫn khước từ, nhẹ nhàng gỡ tay gã ra. Theo Quyên, nếu người ta không yêu nhau thì không nên như thế. Cô thừa hiểu, điều đó sẽ dẫn tới cái gì. Thế mà đêm nay, Quyên có yêu gã đâu, vậy mà cô cứ để yên bàn tay cô nơi Phi.
Con người ta, giữa hai giống, cái nắm tay nhiều khi cũng nguy hiểm như một nụ hôn. Bàn tay Quyên mềm mại và ấm. Lúc này, với tình trạng cô độc bấy nay của gã, cái nắm tay như những giọt mưa xuân mà gã làm đám cát bị khô hạn. Sức nóng âm ấm ở nơi tay Quyên, y chang như có dòng điện rất nhanh lan truyền sang tay gã và lập tức làm gã run rẩy.
Sự run rẩy của gã không che giấu được Quyên. Cô cảm nhận được dòng điện đang chạy trong gã. Cô nhìn sang. Khi ấy, gã cũng quay sang, bốn mắt gặp nhau.
Cảm thấy cơ hội có một không hai đã tới. Phi ôm lấy hai vai Quyên. Bàn tay gã nóng. Gã kéo đầu Quyên ngả vào vai mình. Trong tích tắc, Quyên không kịp suy nghĩ, cứ để đầu ngả yên trên vai gã. Cô ngửi thấy mùi đàn ông. Cô cảm thấy sức nóng đôi bàn tay gã xoa trên tấm lưng mềm mại của cô. Bản năng bấy nay chìm xuống, giờ đây ở phút yếu lòng thường tình, Quyên thấy ấm lòng lên khi lâu quá không tựa vào vai một người đàn ông, lâu quá không ngửi thấy gần thế cái mùi của kẻ khác phái. Cảm nhận đột ngột ấy làm nhịp tim của cô nhanh dần lên.
“Hôn, hôn ngay!” Gã tự nhủ. Đôi môi Quyên hồng, mọng, đắm đuối và hấp dẫn đó kia, gần lắm. Gã nhẹ nâng mặt Quyên lên và bất ngờ gắn vào đôi môi có sức cám dỗ kinh hồn ấy một nụ hôn.
Quyên ngồi im. Cái hôn mạnh bạo, ngấu nghiến có một sức níu kéo tới kì lạ. Quyên chút xíu mềm oặt rũ xuống.
Không! Quyên giật mình, đẩy gã ra. “Anh đừng làm như thế!” Quyên quờ tay ra sau, tìm ở đầu giường, nắm phắt lấy cán dao dài mà cô thường để đó và nhỏm phắt dậy, lùi ra xa, vung dao lên.
Phi nhìn Quyên. Rõ ràng, người đàn bà này có thể chém gã. Đôi mắt hiền nhung hôm nào, giớ ráo hoảnh nhìn gã không chớp. Khí sắc của con thú cái nhe nanh tự vệ! Tích tắc, gã tự thấy chán chường và đau khổ. Gã bỗng sụp quỳ xuống thảm và, nhìn Quyên với đôi mắt tha thiết, vô cùng chân thật. Thốt lên: “Xin em hãy giết đi! Tôi khổ lắm! Tôi bị… bị cắm sừng! Tôi như con chó vất vưởng. Tôi muốn có một gia đình êm ấm. Tôi không có ý định chiếm em chốc lát. Hay là em chốn cùng tôi? Ta tới nơi nào đó, dựng quán và nuôi con, đẻ con và em làm vợ tôi”. Gã bật khóc. Khóc thật. Bao nhiêu nỗi thương đau, căm thù bấy nay làm gã tự thương gã mà khóc.
Quyên ném con dao xuống đất. “Đàn ông mà khóc? Hèn thế! Nhưng gã cũng đau khổ như mình”. Quyên thoáng nghĩ, rồi chợt ôm lấy đầu gã.
ở chốn tha hương, con người ta, nếu trải qua ít nhiều khổ đau, trong tâm thế giống nhau, dễ trỗi lên thứ tình cảm như Quyên, dù nó mong manh, thoáng lát; dù rằng, cô tự biết, cô không yêu gã. Cô chỉ xót xa chính thân phận mình để rồi thương gã.
ánh mắt Quyên dịu đi, cô kéo gã đứng dậy: “Thôi, anh đi ngủ đi. Mẹ con em biết ơn anh. Bây giờ chưa phải lúc nói chuyện vợ chồng”. Quyên nói với gã. Giọng cô êm, nhẹ và bình thản. Người phụ nữ ở tuổi nào cũng vậy, dường như cái thiên chức của đàn bà, làm mẹ, làm chị bao giờ cũng thường trực và, khi đó tiếng nói của Quyên cất lên như tiếng một người mẹ, hay lời chị nói với em, làm gã bình tĩnh lại.
Gã ngước mắt lên. Mắt gã đăm đăm nhìn vào đôi mắt Quyên. Gã thấy đôi mắt Quyên khi đó có gì tuy mơ hồ, nhưng tha thiết và vô cùng dịu dàng. Gã đứng lên, thui thủi đi xuống nhà, tay chìu mắt khi nước mắt, nước mũi vẫn chảy ra giàn giụa.
Phi xuống gác rồi, gian phòng Quyên im lặng lắm, y như mẹ con Quyên đã yên giấc. Nhưng thực ra Quyên cũng chẳng thể chợp mắt.
Hai đêm nữa như vậy, kể cả đêm thứ ba con cô đã ngưng sốt và ăn sữa trở lại. Quyên cứ trằn trọc cả đêm.
Tối Chủ Nhật, con cô ngủ yên từ chín giờ. Nằm trên nệm êm ái mà Quyên cứ hết lăn sang trái lại lăn sang phải. Con người ta cần được chia sẻ, nhưng khi như thế này, sao ông trời lại có thể để cô đơn độc tới vậy.
Không hiểu làm sao, cô lại nghĩ tới Hùng. Cô nhớ lại cánh rừng đầy tuyết, nhớ lại khuôn mặt đau khổ của anh khi áp đầu vào bụng cô trên con đường trải thảm lá vàng ươm lạnh cứng. Rồi tự nhiên cô nhớ bàn tay thô, ấm áp của anh mỗi khi xoa lên bụng cô. Sự nhớ mang lại cho cô cảm giác ngày nào về một con người cụ thể yêu cô ghê gớm và cao thượng. Nhắm mắt lại, cô giật mình nhận ra thật rõ ràng cái cảm giác đêm nào cô chẳng còn ghê tởm khi gã đưa đường trườn lên cô. Khuôn ngực nở căng như hai bát úp và dâm dấp mồ hôi. Từng chi tiết đã chìm khuất cất giấu trong kí ức, của nhiều lần gã làm cho cô khoái cảm tới tột độ, tối nay cứ tự nhiên ùa về, hiện rõ, giống như ai đó đang chiếu trước mắt những thước phim quay chậm. Tự nhiên cô không kiềm chế được nhịp thở của mình. Cô nghiêng mình, khép chặt đùi và run lên. Nhưng lại có ý nghĩ vụt lên ngay khi đó, bảo cô không được tưởng tượng vẩn vơ nữa. Quyên ngồi dậy, tự cấu vào hai đùi mình, nơi có hai vết sẹo. Cấu rất mạnh và không sao dập tắt nổi sự thèm khát thèm được thoả mãn, được ân ái đang trỗi mạnh như ngọn lửa cháy lem lém từng giây đang đốt nóng thân xác cô. Bất lực, cô không véo vào đùi nữa. Cô run rẩy khi nhớ lại cảm giác lúc đôi bàn tay Hùng xoa cuồng điên, gấp gáp lên bầu vú, tự tưởng nhớ lúc đôi môi nóng ấm của gã cứ mút chặt vào hai đầu ti hồng mơn mởn… Hoàn toàn vô thức, tay cô từ từ đưa lên. Cô chầm chậm bật nút áo, hai bàn tay tự xoa vào bầu vú của mình. Rất chậm! Quyên nhắm mắt lại…
Lát sau, khi cô hồi tỉnh, hai hàng nước mắt chợt tứa ra.
Đúng khi đó đứa trẻ lại thức dậy và nó ú ớ kêu lên. Quyên bật dậy. Cô nhao tới bên con và bế nó lên chao nó trong đôi tay của mình. “Mẹ đây!” Quyên rối rít cất tiếng. Đứa trẻ ngừng khóc. Quyên bế nó lên, bước ra cửa sổ. Bên ngoài đường phố đêm không một bóng người, mọi vật đứng im phăng phắc, hệt như một đường phố chết. Trời ơi, cuộc đời cô sao buồn vô vọng! Gian phòng âm âm tiếng ru nho nhỏ khi Quyên cất tiếng. Không biết đó là tiếng Quyên ru con, hay là cô đang tự ru cho mình chẳng biết:
– Buồn chi một nỗi tháng Giêng… (à… ơi… ơi a…) /Con chim cái cú… (ứ… ư… …a..) nằm nghiêng thở dài…
Những ngày sau đó Phi vui hơn. Buổi sáng gã dậy sớm để chuẩn bị cho quán xá, cho mẹ con Quyên ăn sáng. Gã hay huýt sáo. Những bài hát ẩm ướt, sặc mùi tình ái mà gã nghe đi nghe lại trong băng Thuý Nga Paris By Night.
Quyên thường thức dậy sau gã. Nhiều buổi sớm trên gác, nghe thấy điệu sáo của gã vọng lên, Quyên muốn bật cười mà không cười được.
Giữa Quyên và gã là hai thế giới khác nhau, hai vùng đất khác nhau có biên giới, khó thể hoà hợp. “Phi xuất thân từ nông thôn. Nông thôn thì môi trường văn hoá đơn giản, mộc mạc, nên tâm hồn gã chỉ có thế!” Cô nghĩ, được cái, ở sâu kín trong con người như gã, vẫn còn điều quý giá dễ nhận ra, đó là tấm lòng của gã với mẹ con cô trong cơn hoạn nạn. Đó là sự thẳng thắn bộc bạch những khát khao đơn giản, khát khao chồng vợ. Nó khiến cô mủi lòng. Câu chuyện của gã, về người vợ và nhân tình của vợ, chiều hôm kia gã tâm sự làm cô trằn trọc. Cô cũng đồng ý với gã rằng, ở Việt Nam, nếu còn trong cái làng ấy, họ có thể còn là một gia đình. Dù không êm ấm nhưng dự luận làng xa, “mối gắn kết hàng ngàn năm, đầy quy phạm ở những điều không văn tự, hay được ghi trong văn tự tương tự như hương ước” tuy chỉ là một thứ luật sơ khai của một cộng đồng, mà tính liên kết chòm xóm, địa phương nhiều hơn tính luật pháp chặt chẽ của một xã hội văn minh phát triển, cũng đủ sức câu thúc, đủ để có thể giảm nhanh ở phần bản năng sung mãn của con người. Nhưng cô cũng manh nha nhận thấy, mọi tập tục sinh ra và phát triển trong luỹ tre làng ấy, dường như chẳng có tính bền vững, nếu cư dân của nó bứt ra khỏi luỹ tre, hàng cây bao vây cái làng. Nó mất đi tính bền vững, tàn úa ngay khi họ rời làng lên thành thị, ngay trong lãnh thổ của tổ quốc. Nó, thứ nghiêm luật làng xã ấy còn lại bao nhiêu ở nước người, khi mà ở đây, người ta nhắm mắt hay không quan tâm tới những gì người Việt như cô quan tâm? Cảnh trí khác biệt, con người khác biệt, trật tự suy nghĩ, khao khát, ước mơ, sự quan tâm thường nhật giữa người bản địa và những người Việt cũng nhiều thứ dị biệt và, người Việt như cô, nhằm tồn tại với miếng cơm manh áo, đã phó mặc bản năng hành động? Nhưng bản thân cô cũng không thể lí giải vì sao, nó lại như vậy? Vì sao, khi mà chính bản thân cô cũng là nạn nhân, rơi vào sự tan rã quan hệ với chồng, với cả những người Việt và nếp sống của họ hình thành trong trại bấy nay, trên đất người ta. Nếp sống có tính bầy đàn của những kẻ vượt qua sông tìm vùng đất mới, trong tầm hạn hẹp của nhận thức, đã bộc lộ biết bao điều bấp cập khiến cô nghi ngờ chính bản thân cô. Cô thấy rõ những kẻ đồng hương của cô thiêu thiếu một điều gì đó, điều gì đó có tính rộng khắp, bao trùm lên toàn thể cộng đồng của cô. Những mối quan hệ giao du đầy bất trắc và nham nhở, khiến chính cô cũng canh cánh đề phòng tất cả.
Cô phải ra đi thôi.
Quyên không thể ở với Phi với tư cách là vợ hờ của gã. Sống như thế không thể hạnh phúc!
Chính từ những câu chuyện xảy ra ở đây do Phi kể lại, Quyên nhận ra, theo cô, tình yêu là “trạng thái người” nhiều bí ẩn khó lí giải. Cũng theo cô, có nhiều ngả dẫn tới trạng thái đó, nhưng hôn nhân phải có cái gốc từ tình yêu, cần có sự tìm tới nhau hết sức tự nhiên của hai cá thể khác giống. Mọi sự chắp vá, gá mượn, do hoàn cảnh tạo nên, mà xuất phát điểm không có cái gốc là tình yêu, kể cả ham muốn có một gia đình, điều tưởng chính đáng của Phi, khi bị thời gian bào mòn, trước sự xâm thực của một văn hoá khác lớn hơn, mà người ta chưa hiểu sâu sắc nó, thì mọi sự gá mượn, chắp vá, tưởng bền vững ấy, sẽ vỡ vụn, tan biến, thậm chí có thể dẫn tới kết thúc đầy bi kịch. Những câu chuyện của Phi kể về bao gia đình trên xứ này, từ thời ở quê hương, còn là một gia đình của anh ta, tới hôm qua và hôm nay, khi gần hai vạn Thợ khách ở lại, làm Quyên nhận ra điều gì đó không ổn. Cô không thể gá với Phi, dù gã đã cho cô cảm giác dần dần nhận ra, gã vụng về, thô kệch, xù ráp, nhưng là một người không xấu, thậm chí giàu tình cảm. Nhưng điều đó chỉ làm cô thương gã. Cô có thể nói thật với gã và tìm cách trả ơn gã sau này được không? Quyên có bao nhiêu giây phút băn khoăn, suy nghĩ như thế, mà chưa có dịp để nói ra điều ấy. Nhưng có lẽ, phải chuẩn bị trước, nếu muốn rời bỏ nơi này. Hay là cô về trại? Không được! Về trại tị nạn, cô lại phải nhìn thấy những bộ mặt cô biết trong cái tuần đầu tiên đau đớn khi tới thành phố này tìm chồng. Mà nhỡ ra, lại gặp chồng cũ của cô thì sao? Vậy đi đâu nhỉ? Cô chẳng thể đi đâu được, vì cô chưa có công ăn việc làm, không đủ tư cách để thuê một cái nhà riêng ở thành phố này hay bất cứ nơi nào trên nước Đức. Cô mong cầu cho con cô lớn nhanh lên. Nhiều khi, cô lầm rầm lạy trời, cầu cả người mẹ còn sống của cô ở Hà Nội. Những suy nghĩ quẩn quanh như thế làm cô bế tắc bà chạnh nhớ mẹ nhiều hơn. Cứ nhớ mẹ là nước mắt cô tự ứa ra, chảy xuống, rất đỗi mịn màng. còn đẹp lắm của cô.
- See more at: http://blog.qbinh.com/tieu-thuyet-quyen-nguyen-van-tho#phan2