Phần cuối

Quyên như chết lặng.

Cô không dám nhìn vào linh cữu Hùng, không muốn tin vào những gì đang hiện ra ở trước mắt kia. Quyên khép mắt lại.

Tiếng nhạc vĩnh biệt vẫn nhói lên, réo rắt. Quyên mơ hồ cảm giác không khí thoắt nhirn xanh đi và khuôn mặt của Hùng chập chờn hiện ra. Không, không chỉ khuôn mặt, cả thân thể anh thì đúng hơn! Cô như nhìn thấy Hùng từ từ thoát xác bay lên. Bóng anh lượn một vòng quanh xác rồi biến thành một tia sáng xanh vút lên vòm tròn nhà tang lễ cao vời vợi.

Tiểu Thuyết: QUYÊN – Nguyễn Văn Thọ - 0

Anh ấy về với ông bà, tổ tiên, quê hương! Xin anh hãy bay về nơi ấy!

Mùa đông dù trôi qua

Như bóng dáng xuân tươi phai dần

Và lá trút không vương trên cành

Dù cho bao năm tháng ấy

Mang ánh nắng đông qua xuân về

Mang nỗi nhớ anh đi chưa về

Ngàn trùng dù có cách xa.

Anh sẽ về… anh sẽ về…

Bản nhạc Khúc hát nàng Solveig của Edvard Grieg chầm chậm và tha thiết. Nó như lời vĩnh biệt, như sở cầu của những kẻ yêu thương nhau mà nay phải mãi mãi chia lìa. Giai điệu day dứt, những âm thanh của hàng trăm cây violon réo rắt bỗng trở thành sự chia sẻ khôn cùng cho những tâm hồn, thân phận cùng cảnh li hương đang đau xót, thương nhớ Hùng. Trong khoảnh khắc biệt li ấy, Edvard Grieg như chất xúc tác, làm Quyên thấy lòng mình càng thêm buồn đau nặng trĩu. Xót xa khôn cùng!

Nhiều người quen biết Hùng ở Budapest tập trung ở đây. Những mái tóc chớm bạc và cả những gương mặt còn rất trẻ, trong tiếng nhạc mặc niệm họ cùng cúi xuống. Không khí nghiêm trang, căng thẳng, làm cho bất kỳ ai cố chấp nhất cũng chợt tự nhiên bừng ngộ. Khi đứng trước một cái chết, dù ở văn hoá nào, tôn giáo nào, thì sự bao dung đúng là chỗ dựa duy nhất, để có thể chấp nhận mọi nghi thức khác nhau, chúng song song tồn tại.

Tại Budapest, đã tám năm nay, nhiều người biết Hùng. Anh không nổi tiếng vì giàu có. Anh chỉ là một người bình thường. Cái con người có khuôn mặt rất đàn ông nhưng khắc khổ ấy, vốn xưa là một tay giang hồ khét tiếng, bao năm rồi đã gác kiếm, trở thành một người hiền lành, ít nói và tốt bụng; phút giây này nằm kia, xác thân bất đông. Chiếc nạng gỗ đặt dọc bên anh. Hai bàn tay đặt lên bụng. Đôi mắt khép lại, nhưng khoé môi vẫn như đang muốn hé một nụ cười mong manh.

Quyên cố kìm nén để không khóc.

Minh đứng bên Quyên. Anh cúi đầu im lặng để mặc dòng nước mắt tuôn trào. Tiếng Huệ khóc tấm tức…

Bản nhạc vừa dứt, cỗ quan tài dần dần chìm xuống. Cánh cửa thép từ từ khép lại. Ai cũng hiểu linh cữu Hùng trong đường hầm đang trôi dần vào phòng hoá thân.

Không được khóc! Không được khóc! Quyên cắn môi tự nhủ. Nhưng khi Huệ gào lên, gọi tên Hùng thảm thiết, tức tưởi, Quyên lại không sao nén kìm được nữa, nước mắt cô thoắt nhiên buộc ra, chảy tràn trề, ướt đầm đôi má.

Đau xót! Quyên biết, ý thức rõ: chỉ tích tắc nữa thôi, người ta sẽ bấm nút. Trong chớp nhoáng, Hùng sẽ thành tro bụi! Đời một con người chỉ có thế thôi ư? Người ta sẽ cẩn trọng cho vào chiếc bình gốm màu nâu chút gì tàn tro của Hùng, đấy là tất cả những gì còn lại của một con người, một sinh linh đã sinh ra, đã sống, đã phiêu bạt bấy nay, với bao nhiêu vui, buồn, khao khát và hy vọng…

Cuộc sống, suy cho cùng, là cái gì nhỉ?

Suốt cả đời người, sao cứ phải biền biệt, phải đau khổ, vật lộn, mưu mô, khó nhọc… để rồi cuối cùng, nếu muốn trở về đất nước, tất cả, ai ai cũng chỉ còn lại một nắm tro tàn tí tẹo teo kia? Có lẽ cuộc sống càng hoang lạnh hơn, nếu khi chết đi chẳng để lại một chút tình cảm nào cho một ai đó còn đang sống trên thế gian này!

– Anh Hùng ơi! Em thương anh vô cùng! – Quyên muốn nói như vậy mà cô không thể cất lên lời.

Đêm ấy dù rất mệt, Quyên vẫn không sao ngủ được. Lần đầu tiên chứng kiến một lễ tang ở xứ người, cô cứ suy nghĩ mãi. Cô trằn trọc.

Quyên nhớ tới bao nhiêu việc đã trôi qua, lại nhớ tới căn phòng đã sống ở trại tị nạn, cánh cửa trắng, cái lỗ kính kiểm soát như con mắt chột. Từ bên trong, Dũng đã nhìn ra, thấy vợ lưu lạc trở về qua con mắt chột ấy… Bao nhiêu người đã sống trong đó, trước và sau Dũng, chồng cô? Dũng mất tích!? Anh còn sống hay đã chết? Hay anh ấy cũng tan thành tro bụi cả rồi?

Có lẽ phải tới hơn hai ba giờ sáng gì đó. Quyên mới thiếp đi.

Quyên mơ thấy một đoàn tàu dài dằng dặc… Nó y trang đoàn tàu mầu đỏ Thanh Vẫn vẫn chơi. Trong mơ cô thấy nó trắng toát. Cô nhìn rõ vô số những quan tài đỏ và nâu. Có cả cô nằm trên con tàu ấy, trong chiếc quan tài trong vắt như pha lê. Sao mình lại nhìn thấy mình chết? Mơ hay tỉnh? Cô còn nghe rõ tiếng còi rúc. Hệt như tiếng còi thảm thiết chia tay, rúc lên mỗi đêm vọng về khi gần sáng. Những đêm đông rét mướt, nghe tiếng còi xa xôi rúc lên từ ga Hàng Cỏ, cô bé kéo chăn trùm kín đầu. Rồi cô thấy cả đoàn tàu chạy vào cánh rừng. Ơ, rừng này cô đã nhìn thấy nó ở đâu đó. – Trong mơ cô tự hỏi như vậy. – Hình như cánh rừng biên giới, nơi cô bị giam giữ để rồi có thai và Hùng yêu cô. Khu rừng không có tuyết trắng mênh mông bao phủ. Có khối lửa cháy rừng rực bên trên thảm rừng. Lửa rừng rực và cơ man những lưỡi vàng, hệt như lời Kumar từng kể cho cô nghe người chị cả của anh đã cháy ra tro trên giàn thiêu giữa rừng hoang, bởi những lưỡi lửa vàng đã liếm trọn thân xác chị anh thế nào. Cô thét lên vì cảm thấy rất nóng.

Chính tiếng thét ấy là bé Thanh Vân choảng tỉnh và hoảng hốt lay mẹ. Quyên thoát khỏi cơn mê.

Tỉnh dậy, cô vẫn nhớ mồn một từng chi tiết trog mơ. Như thể cô đã trải qua, chứng kiến mọi việc ấy trong cõi thật.

Danh chính ngôn thuận, Quyên chưa khi nào là vợ Hùng, cũng không phải là người bấy nay chăm sóc Hùng. Người chăm sóc suốt tháng qua lúc anh bệnh tật hiểm nghèo, là Huệ. Thói đời, sự chiếm tình yêu đâu chỉ khi người ta còn sống!

Mấy hôm tang lễ bận rộn, Quyên chưa có dịp nào ngồi trò chuyện với Huệ để xem ý tứ của Huệ ra sao? Cô bầy tỏ việc ấy với Minh, về sự đắn đo của cô, rằng giữa cô và Huệ, ai sẽ là người đưa Hùng về Việt Nam? Hay là cả hai? Minh ý thức ngay được sự áy náy tế nhị của Quyên. Nghe xong, anh lập tức kéo Quyên và Huệ vào một phòng, rồi đóng cửa lại. Anh không muốn Thanh Vân nghe câu chuyện của người lớn.

Minh đi thẳng vào khúc mắc của Quyên, anh bảo:

– Em Huệ này! Bấy nay sự cố gắng, quan tâm, chăm sóc của em với anh Hùng, là một tình cảm vô cùng quý giá và những người quen biết tụi anh đều hiểu rõ. Nhưng hiện tại, Huệ đang còn phải điều trị bệnh hàng tuần và cửa hàng cũng mới mở thêm mục bán báo và đồ lưu niệm. Em biết đấy, không thể đóng cửa quá lâu! Chị Quyên và cháu Thanh Vân đưa anh Hùng về là hợp lẽ nhất! – Minh nhấn mạnh câu cuối cùng. Nói xong anh nhìn thẳng vào mắt Huệ với ánh mắt thăm dò, chờ đợi.

Quyên ngửng mặt lên, cô dịu dàng nói:

– Anh Minh nói phải đấy! Huệ ơi, em cố gắng ở lại điều trị bệnh. Chị va anh Minh bàn nhau rồi, bọn chị sẽ về quê thăm bố mẹ em và cháu nữa.

Huệ nhìn Minh rồi lại nhìn Quyên. Hai bàn tay Quyên bấy giờ đưa lên nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay của Huệ. Đôi mắt của Quyên dịu dàng.

“Chị ấy và anh Minh thật lòng lo cho mình, thương mình!” Huệ chợt ôm choàng lấy Quyên. Cô oà khóc nức nở. “Hoá ra trên đời này, ở nơi xa lắc xa lơ này, không phải chỉ có tiền! Không phải rặt là những người xấu, những kẻ chỉ xoay xoáy nhìn vào cái lõm sâu trắng mịn của cô giữa hai hàng cúc áo hé ra, khi cô cúi xuống đơm xôi. Những kẻ thả ra dăm đồng bạc kèm một lời tục tĩu… Phải mưu sống ở xứ người, chao ôi, cái kiếp cô và chị Quyên!? Trong lạc bước sa chân này, cô đã gặp Hùng, nay lại có thêm chị Quyên và anh Minh, những người tử tế làm sao!” Huệ nghĩ.

Hai người đàn bà ôm lấy nhau. Minh đứng dậy, anh bước ra ngoài hành lang hút thuốc. Anh không dám ngồi lại đó nhìn Huệ khóc, bởi anh không thể nào chịu được đau đơn hơn nữa.

Chuyện của Huệ:

Em tên là Huệ. Nguyễn Thị Huệ.

Em sinh ra ở làng, cả đời chỉ biết ruộng đồng. Học tới lớp Mười trường huyện, bố em bảo, con gái thời nay học nhiều làm quái gì! Em biết, vì sao bố em nói vậy! Nhà những sáu miệng ăn. Em là con cả. Dưới em còn ba đứa lít nhít nữa, đi học tốn bao nhiêu tiền… Cả làng chỉ làm ruộng, đào đâu ra nhiều tiền? Nhà em có bốn sào ruộng. Một sào đất bãi. Năm nào được mùa, cả hai vụ cũng chỉ được hai ba tấn thóc. Rau mầu, chăn nuôi thêm, gọi là chỉ đủ giật gấu vá vai. Thế là bỏ học.

Năm em mười chín tuổi, anh ấy về nước. Trong con mắt tụi em, những người ở nước ngoài trở về rõ là cực kỳ sung sướng. Ai nấy ăn mặc thật đẹp, tiền tiêu như nước. Có hai tháng, anh ấy xin cưới. Bố mẹ em đồng ý ngay.

Về hình thức, chồng em cũng bình thường. Răng hơi vâu vâu một tí, nhưng bù lại anh ấy rất chiều chuộng em. Con gái như tụi em ở làng, lấy được một người ở thành phố đã là ghê lắm rồi, nay lại lấy chồng làm ăn tận châu Âu, thì may mắn quá! Còn gì bằng? Cha mẹ em hả hê ra mặt.

Năm sau chồng đón em sang Ba Lan.

Tới Ba Lan mới vỡ lẽ ra rằng, anh ấy chẳng phải ông chủ to lớn gì. Chẳng phải như khi ở Việt Nam, mỗi khi tiêu pha, anh ấy cũng phẩy tay bảo: “Cứ vô tư đi! Bằng con trâu rụng một cái lông!”

Trời ơi, mỗi tháng dành ra cho được trăm đo còn khó, nói gì tới tiền trăm, tiền ngàn bỏ lọ! Hàng ngày trong khu bán buôn “Sân vận động”, em cùng anh ấy quần quật từ mờ sáng tới tần khuya. Ai thuê việc gì cũng làm. Tủi thân! Đêm đêm nằm nghĩ, người ta ra nước ngoài, buôn bán tiền như nước, chồng giàu có, lên xe xuống ngựa. Mình mang tiếng đi tây, xoay đủ tiền qua ngày có khi cũng chật vật. Hận, nhớ nhà, khóc suốt. Nhưng trâu buộc cọc rồi!

– Bố em viết thư sang nói như vậy.

Để có tiền thêm, em thổi một thúng xôi bán trong chợ. Cánh tới cất hàng, có người ở xa tới vài trăm cây. Ai cũng vội vôi, vàng vàng! Vì thế bán xôi cũng có đồng ra đồng vào. Nhẽ ra, vợ chồng bảo ban nhau cùng chung lưng lại, chịu khó thu vén cũng có thể dư ra mỗi tháng trăm đô, nhưng anh ấy lại cờ bạc. Nhiều người sang đây đã làm ăn không được, lại rượu chè, cờ bạc. Thời gian rảnh họ cũng buồn, nên tụ tập đánh tiến lên, sóc đia ăn tiền ngay trong khu buôn bán. Có ngày nghỉ hiếm hoi nào, lại rủ rê sát phạt lẫn nhau ở đâu đó, vợ nào biết mà quản lí được? Nói mãi cũng như nước đổ lá khoai. Thế là cái nhau. Người đã dính vào cờ bạc thì mê mẩn lắm, y như có kẻ bỏ bùa mê thuốc lú vào chồng em. Suốt cả năm chẳng có đồng nào gửi về cho cha mẹ. Nhiều lúc nghĩ chán quá! Hồi ở làng, em nổi tiếng là đẹp, bao nhiêu thằng nhòm ngó, chứ ế chỏng ế trơ gì cho cam. Cũng tưởng anh ấy tử tế, làm ăn chí thú nên theo anh ấy sang đây. Năm sau em lại có mang, thành ra vợ chồng đôi khi nặng nhẹ, cũng có lúc hòn bấc nói hòn chì đáp lại, mất cả mặt mà vẫn phải ăn ở với nhau. Có con nhiều lần em cũng nhẹ nhàng khuyên nhủ, song anh ấy vẫn thói nào tật ấy. Lại vặc nhau. Một lần thua bạc nhiều, cay cú, anh ấy đánh rất to để thua tiếp, nợ hơn mười ngàn đô. Thế là mấy tháng không gì trả tiền nhà, chủ nhà nó đuổi. Một người bạn thương mẹ con em, cho về ở tạm trong tầng hầm nhà chị ấy. Em hận lắm. Năm ấy tuyết rất lớn. Con em ốm mà anh ấy vẫn đi suốt đêm, gọi mấy cũng không thèm nhấc máy. Trưa hôm sau trở về. quần áo toàn mùi lạ! Vừa trách mấy câu, anh ấy đã chửi ầm lên, rồi tát em mấy cái. Uất ức bao lâu không chịu được, thế là em cầm ngay cái khoá cửa. Định doạ thôi, chọi dứ một cái, không may đúng vào trán. Máu chảy ra đầm đìa … Anh ấy lu la ầm lên là em giết chồng. Cả làng người Việt cũng kháo nhau như vậy. Chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai cả. Nếu chỉ có vậy thôi cũng chưa thể bỏ nhau đâu. Biết lỗi, hàng ngày em vẫn cơm nước chu đáo, quỳ xuống lạy sống anh ấy. Nhưng chồng em bắt đầu bỏ đi qua đêm liên miên. Hỏi mấy người bạn mới biết, anh vẫn đi lại với bạn gái trước đây, thời “lao động xuất khẩu” đã từng ăn ở với nhau. Chia tay! Sao mà chịu được!

Về Việt Nam thì lấy gì mà sống? Mặt mũi nào nhìn làng nước? Ở lại, không chồng, con mọn xoay sở làm sao? Em gửi cháu về Việt Nam cho ông bà ngoại, rồi quay lại Ba Lan.

Phục thù!

Em vẫn bán xôi ở chợ.

Duyên số cả! Mùa hè năm ấy, em gặp một người chuyên đánh hàng chuyến. Anh ấy tới mua xôi, mê em, rủ em đi làm chung, cùng đi đánh hàng sang Hung và vài nước khác. Thú thật, em cũng không rõ anh ta lắm, chỉ biết anh ấy nhiều tiền và giao du rất rộng. Làm ăn với nhau nửa năm, em cũng được anh ấy cho dăm ngàn, bắt đầu có tiền gửi về cho ông bà nuôi cháu. Thôi thì nhắm mắt đưa chân vào cái cảnh già nhân ngãi non vợ chồng vậy, chứ tính ra sao bây giờ.

Chớm đông năm ngoái, chúng em đánh hàng áo giả da. Cú đầu ăn lắm. Anh vay nóng hơn trăm ngàn đánh quả quyết định, ai dè hàng Tàu ập về đột ngột. Nó nhái y sì kiểu dáng, mà giá lại bèo vô cùng! Mấy chục ngàn chiếc áo phải bán đổ bán tháo như cho. Lỗ chỏng vó ba bốn công-tơ-nơ. Mà lại chính người Việt mình chỉ điểm, mách nước, cung cấp mẫu hàng cho bọn họ phá tụi em mới đau chứ!

Không còn tiền trả người cho vay, sợ bị trừng phạt theo luật giang hồ, anh bỏ trốn sang Nga. Đúng vào khi khốn khó vậy, anh ấy lăn ra ốm.

Thì ra trong cảnh lang thang, nước trong nước ngoài, ăn chung ở chạ bao năm, anh ấy nhiễm HIV từ lâu mà không biết. Sang Nga trốn nợ, khi bệnh AIDS vào giai đoạn cuối, phát nhanh ghê gớm. Tiền nong nợ nần không thể trả được, không có cơ hội làm lại, vừa tiếc của, vừa bị bệnh nan y, anh ấy tự sát. Trước khi chết, anh ấy gửi thư cho em, khuyên em nên đi khám bệnh.

Nghe tin ấy, em rụng rời và đi xét nghiệm. Khủng khiếp quá, cái cảm giác khi cầm giấy xét nghiệm dương tính chị ạ. Anh ấy thân một mình, em đây còn một đứa con ở Việt Nam, Em chán đời quá! Cũng không đóng tiền bảo hiểm nên chẳng dám đi chữa bệnh. Sợ nhất là tâm lí, lộ ra bị AIDS, em sẽ bị cả cộng đồng dè bỉu, khinh bỉ, ghê tởm. Cứ lang thang…

Em uống rượu, hút thuốc và đi ăn cắp trong các siêu thị. Em nghĩ, em chết thôi, trước sau chết thôi! Cố kiếm lấy dăm ngàn gửi về đỡ cho ông bà nuôi con em, rồi chết! Bây giờ thân một mình, một thúng xôi, bán mỗi ngày, lờ lãi hai ba chục đô! Con em còn kia, em chết bỏ lại gánh nặng cho ông bà. Ăn cắp là cách nhanh nhất để có tiền! Hai ba tháng trôi dạt, nhìn vào ga bến bãi… nơi nơi mới thấy, lắm kẻ ăn cắp lắm! Mỗi đứa một kiểu ăn cắp. Đâu chẳng vậy! Em và bọn móc túi ở các nhà ga chỉ là bọn cắp vặt thôi! Cắp vặt thì dặt dẹo qua ngày! Kẻ cắp lớn, cướp nhà băng, cướp lớn mới có tiền, mà em thì thân cô thế cô, sao có tiền nhanh hơn cái chết đang vùn vụt tới, biết rõ nó đến trong từng tích tắc.

Hai ba tháng kham khổ, chiu lủi, có bữa ngủ chung ngủ chạ với bọn ngẫn bản địa suốt ngày say sỉn, người em bạt đi, khô quắt như cây muồng muồng héo. Một lần, vừa lấy được vài thỏi son, dăm típ kem chống nhăn cao cấp đút vào túi, vào cả áo trong, thì bị phát hiện. Nhân viên cửa hàng túm em ở bên ngoài quầy trả tiền. Em dứt được ra, bỏ chạy. Đường phố khi ấy dòng người cuồn cuộn cuốn. Em lẫn vào họ. Cứ chạy, chạy đến khi mệt quá, dừng lại một góc khuất, nơi lên xuống S Bahn, rồi ngã lăn ra. Cũng không biết em chết giấc bao lâu. Có ai đó lay em dậy. Mở mắt ra thấy anh Hùng ngồi trước em rồi.

Tỉnh dậy. Nhìn thấy lơ mơ khuôn mặt anh Hùng, thoáng nghĩ: làm quái gì mà nhìn tao như vậy? Chó! Lại một thằng chó. Đấy là khi người ta mơ mơ màng màng, không còn biết gì, quên phắt khi ấy mình đã thân tàn ma dại. Tại sao lại nhớ đôi mắt chó? Hồi bên Ba Lan bán xôi, da dẻ còn mỡ lắm, cúi xuống đơm xôi, thể nào cũng có thằng nhìn trộm qua cổ áo. Có thằng đểu còn thả tiền vào đấy rồi hô hố cười. Về sau, anh Hùng kể, đôi mắt em bấy giờ nhìn anh cô hồn. Cũng chỉ cô hồn có vài giây thôi, vì em sực nhớ ra, vừa chạy cảnh sát, đầu còn ong ong…

Khốn nạn! Khi người ta ý thức rõ cái sự tàn lụi của chính mình, trước một kẻ khác giới, trong hoàn cảnh như em bấy giờ, thì thực thảm hại, ê chề quá. Quê em, người ta có câu: Đẻ con khôn mắt 1, rười rượi/Đẻ con dại thảm hại cái 1. Giá mà có mẹ em ở đó, phải chứng kiến cái cảnh em đi ăn cắp, chạy trốn để ngồi trước một người đàn ông Việt, trong dạng thảm hại như vậy, chắc bà sẽ chửi cho đúng câu như vậy!

Rõ ràng, trước mặt em không phải là chó. Đôi mắt người ta nhìn mình như thăm hỏi, muốn chia sẻ, giúp đỡ, không để cáng, ấy là đôi mắt đàn ông. Thế là em oà khóc. Khóc thật sự và có lẽ đến chục phút, anh ấy để mặc em khóc chán khóc chê. “Rồi, khóc đủ chưa? Đứng dậy theo anh!” Anh Hùng nói vậy mà em cứ như bị thôi miên, đứng lên, theo chân anh vào một tiệm cà-phê dưới tầng hầm nhà ga. Tại quán cà-phê đó, em kể cho anh Hùng nghe hết mọi việc. Hoá ra ânh ấy cũng biết em từ ngày còn cặp bồ, đánh hàng xuyên biên giới. Nhìn thân hình tiều tuỵ của em, nghe chuyện em kể, đôi mắt anh ấy dân dấn như chực khóc. Mãi sau này, thân nhau rồi, có bận em trêu: “Mặt mũi đàn ông, phong trần, tưởng anh hùng lắm, thế mà cũng hèn!” Anh ấy cười, nom thật hiền khô và bảo: “Anh thế đấy! Cô thử bảo ai cầm dao, gí súng doạ anh, xem anh có hèn không.” Đàn ông ấy mà, khổ đau nhiều, oan trái lắm, mà có biết khóc được, thì dù mặt mũi có ghê gớm đến đâu cũng chỉ là cái vỏ che chắn cho một trái tim dễ vỡ mà thôi!

Thế là anh ấy lái ô-tô đưa em về nhà.

Hôm sau anh Hùng đưa em đi trình diện tổ chức phòng chống AISD của thành phố. Đầu tiên em cũng ngại quá, vì ngượng vô cùng. Nhưng anh dỗ dành và nói: “Cô dở hơi bỏ mẹ! Cái thằng tiếp cô, giảng giải cho tụi mình, nom lịch sự thế, com-lê, cà-vạt, cổ cao áo trắng cũng dính si-đa đấy. Người ta, những người hiểu biết ấy mà, chẳng ai khinh bỉ cô đâu!” Lại bảo:

– Cô muốn chết thì chết quách đi như con chó ghẻ đi hoang, biết đâm đầu vào xe hoả tự tử, là rảnh nợ mình cô, nhưng còn ai nuôi cô nữa?

Ai nuôi con mình nữa? Câu hỏi ấy làm em trằn trọc mấy đêm. Anh ấy nói đúng. Hoá ra trên đời này, chết có khi dễ hơn khi phải sống để dũng cảm vượt qua mọi khó khăn vì người khác, vì con mình, vì cha mẹ mình. Trả lời được câu hỏi ấy, tự nhiên em bớt ngượng. Em điện về, kể rõ sự việc với mẹ em. May quá, cháu nó đi khám, âm tính. Từ đó em ở lại với anh Hùng. Thời gian trôi đi, em dần hồi người, có da có thịt, dần bình tĩnh lại. Em nghe lời anh thường xuyên tới phòng chữa trị. Nhưng điều đáng mừng nhất là em bỏ đi cái mặc cảm: mình là của nợ của thiên hạ. Anh Hùng giấu kín việc em bị bệnh. Anh bảo ban em buôn bán, nhiều việc trong cách bán hoa. Công việc bán hoa cũng khá vất vả. Anh Hùng đi lại khó khăn, tập tễnh cái chân gỗ mà vẫn phải tuần hai lần đi mua hoa. Dậy rõ sớm, lạnh mấy cũng đi từ ba giờ để chọn được hoa tươi. Thương anh, em nói ra miệng. Nghe xong anh bảo, cô thương anh, tập lái xe đi. Vận động nhiều, buồn chỉ đủ buồn thôi, chắc còn sống dai hơn cả anh. Biết mèo nào cắn mỉu nào?

Không chỉ cơm nước, giặt giũ, chợ búa… em học cách giữ hoa tươi lâu. Bán hoa thì việc bó hoa là khó nhất. Làm sao cho nó lạ, nó đẹp, đúng cái nhìn, ý thích của người châu Âu. Được vài ngày, thấy em tập bó hoá, anh ấy cấm, vì khi người ta bó hoa, hay bị gai nhọn đâm vào gây chảy máu. Phát hiện ra điều đó, anh Hùng không để em bán hoa nữa mà chuyển sang bán quầy báo và đồ lưu niệm. Anh bảo, em đỡ anh là tốt, nhưng nên đề phòng lây nhiễm cho khách hàng. Con người ta lương thiện, văn minh là ở chỗ, làm bất kì cái gì cũng đừng để người khách ảnh hưởng, thiệt hại…

Anh ấy rất nghiêm khắc, hàng tối bắt em học tiếng Hung. Anh ấy luôn động viên em và một hôm nói, anh rồi cũng chết thôi, để lại cửa hàng này cho em kiếm tiền nuôi con. Hình như anh ấy linh tính điều gì đó đang tới, hay anh ấy biết điều gì đó bất ổn mà giấu em. Một tối tự nhiên anh ấy kể chuyện cho em nghe cuộc đời anh.

Hoá ra anh ấy cũng có cuộc sống ê chề quá, gian khổ quá. Anh ấy kể cho em nghe về vợ cũ của anh, về chị và những dằn vặt đau đớn của anh bao nhiêu năm qua. Em chỉ biết nghe! Thương anh, nhưng chỉ dám ngồi im lặng nghe.

Thực tâm mà nói, em yêu anh ấy, yêu lắm! Bởi anh Hùng thật sự là một người đàn ông. Em nghĩ, ngoài cha mẹ em ra trên cõi đời này, chẳng ai đối xử tốt với em như anh ấy. Nhưng em biết, anh ấy không yêu em! Anh ấy chỉ yêu chị thôi! Anh ấy thuộc từng cử chỉ, điệu bộ của chị, nhớ cả cái lọn tóc đen thấm lại ánh ánh nâu, hai cuộn búp thường xoã trên bờ vai chị… Em thề, em chưa thấy có người đàn ông nào yêu như vậy! Si mê quá, cuồng say quá! Tự dung, em lại thấy ghét chị. Ghét sự thực. Mà không phải chỉ ghét. Em căm thù chị! Căm thù một cách cay đắng. Dù chưa gặp chị bao giờ. Em xấu xa quá, phải không? Biết làm sao? Tâm địa đàn bà…

Rồi một tối khác, em làm chả xương sông, Tuyết rơi mù mịt ngoài cửa sổ. Hai anh em chuốc rượu nhau. Anh Hùng uống hơi quá chén. Rồi anh ấy khóc. Trời ơi, anh ấy khóc.

– Anh không tốt đẹp tử tế như em nghĩ đâu!

Anh là một thằng khốn nạn! Đúng là một thằng khốn nạn! Nhưng mà, cô ấy đẹp quá. Đẹp dã mãn! Đẹp không thể chịu nổi. Giá như anh là một khúc gỗ mục? Ừ, giá như anh là một khúc gỗ mục thì hay biết bao nhiêu, vì như thế, anh đã trở thành một kẻ tử tế và, biết đâu cô ấy sẽ yêu anh. Nhưng không! – Anh ấy lắc đầu buồn bã – Anh lại là một con người. Một thằng đàn ông hoàn toàn khoẻ khoắn và lành mạnh. Khốn nạn!

Anh lại khóc. Đập đầu vào tường mà khóc. Anh ấy không say rượu đâu. Không say!

– Em biết không? Đàn bà đẹp dễ sợ. Nhưng có người đẹp, làm cho người ta muốn yêu. Yêu đến lú lẫn, để người ta muốn chiếm đoạt, muốn hiếp. Cô ấy là như thế đấy. Và anh đã biến thành súc vật. Cô ấy không bao giờ tha thứ cho anh cả. Trời đất ơi!

Bao năm tháng rồi, anh ấy luôn bị giày vò, ân hận về những gĩ đã gây nên cho chị. Anh ấy luôn nghĩ tới con, tới chị. Và, mỗi khi nhắc đến chị, anh ấy lại bảo, chẳng bao giờ cô ấy tha thứ cho mình! Chị ơi, có lẽ, ở một con người qua bao nhiêu phong trần như anh ấy. Cũng chính sự thanh cao cho anh ấy còn biết tin và hy vọng, chờ đợi! Em biết anh ấy mà. Không còn sự đau đớn nào hơn thế! Tuần gần đây, khi đã rất yếu, sắp mất, anh ấy vẫn hy vọng, vẫn tin chị sẽ tới, Thanh Vân sẽ tới. Cứ nhắc đến việc chị và con của anh ấy sẽ tới là anh ấy tỏ ra muốn sống lắm. Kì lạ thật!

Như vậy là rõ rồi! Quyên yên lặng đứng dậy bước ra ban công, để mình Minh ngồi lại an ủi Huệ. Gió lạnh ngoài ban công quất vào mặt giúp cô đỡ chấn động, bởi nếu còn ngồi bên Huệ, suýt nữa cô oà khóc. Trong màn trời đêm thăm thẳm, cô tưởng thấy khuôn mặt của Hùng, lúc anh ấy quỳ xuống, ôm lấy cô, áp tai vào bụng cô, trên cái thảm lá xơ xác vàng khô của mùa đông năm ấy. Cô nhớ, khi anh áp tai vào nghe tiếng tim của con anh, khuôn mặt đàn ông phong trần chợt trở nên thơ dại như đứa trẻ, đáng thương làm sao. Cái phần tử tế và tốt đẹp nhất của anh chưa khi nào bị thui chột, dù số phận có lúc đẩy anh tới tận chân tường.

Dăm ngày sau đám tang của Hùng, Budapest bừng nắng. Buổi trưa, không một gợn mây, trời rõ nắng là nắng. Nắng vàng ươm, trời ấm lên rõ rệt. Người ta cứ ngỡ như mùa thu bất ngờ quay trở lại.

Để giết thời gian chờ đợi, mong ai nấy bớt đi u buồn, Huệ đưa Quyên và Thanh Vân đi thăm vài nơi trong thành phố. Tới cây cầu Margaret Bridge, họ đi bộ từ phố Dozsa Guoerge u’t xuống phố Korepesi u’t. Tại một ngã ba, Huệ dừng lại khá lâu. Nom cô ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Dường như cô đang muốn tìm lại điều gì ở nơi đó. Lát sau cô ngậm ngùi bảo, chính chỗ này đây, anh Hùng dắt tay em qua đường, tới bãi để ô tô. Đó là ngày đầu tiên em về nhà anh ấy. Quyên nhớ ra, từ lúc ra khỏi nhà đi chơi, đi đâu Huệ cũng bảo, em và anh Hùng từng đi qua đây. Có một thời gian không dài sống với Hùng mà cô ấy đã có bao nhiêu kỉ niệm!

Người ta, khi thương yêu nhau, sao tâm trạng giống nhau vậy! Anh Hùng từng đã dẫn Quyên đi một vòng, dạo chơi trong đường rừng quanh ngôi nhà gỗ, đạp chân trên cái thảm lá vàng ươm, quanh co nơi biên giới… Nhớ về buổi chiều dạo chơi cuối cùng, duy nhất ấy, Quyên hiểu, anh mong cô có giây phút thảnh thơi, tươi đẹp, để một chút thôi nhớ về anh. Quyên đoán vậy, bởi buổi tối trước, Hùng có nói, người ta muốn nhớ thương nơi đâu, cái gì, vùng đất nào, con người nào, phải có kỉ niệm! Hôm nay đây, Huệ nhớ kĩ từng dấu chân của Hùng nơi thành phố diễm lệ này. Tình yêu mấy khi bằng phẳng, có bao nhiêu dòng chẽ như ngã ba sông kia? Tất cả đã xa rồi! Trên cây cầu Margaret, Quyên lặng lẽ, đăm đăm nhìn xuống dòng sông trôi, âm thầm suy cảm.

Thương thực lòng, anh Hùng ơi! Mọi cái gì thuộc về vật chất đều có thể huỷ diệt, trôi theo thời gian, chẳng thể quay lại. Nhưng có lẽ, nỗi nhớ về nhau, về những điều tử tế và tốt đẹp, em chẳng khi nào quên anh đâu! Cũng như hôm nay, chỉ một dấu chân vô hình nho nhỏ, với Huệ lại có sức sống kì lạ làm sao?

Cũng trên cây cầu có thể nhìn thấy ngã ba con sông chảy qua Budapest, Quyên giật mình khi chợt nhìn thấy một người Phi nom giống Kumar đi qua nơi họ ngồi. Cô thì thầm nói với Thanh Vân “Con không nhớ Papa à?”

– Con nhớ chứ. Trong đầu con đây này! – Điệu bộ Thanh Vân như người lớn, nó lắc lư, nhún nhảy và chỉ vào đầu, rồi nhoẻn miệng cười.

– Bao giờ Papa tới hả mami? – Nó hỏi.

Quyên im lặng. Thanh Vân nũng nịu:

– Mami! Mami nói đi! Papa bây giờ ở đâu?

Quyên ngồi xuống, vuốt tóc nó, ôm con vào lòng. Gió trên cây cầu thổi mơn man thoa trên làn má Quyên. Khi hai mẹ con đứng lên, vịn vào thanh ngang trên cầu cùng nhìn ra xa xa, tà áo man-to dài đến chân của cô và con bay chấp chới. Cảnh trí ấy, nhìn từ xa, bóng nọ hằn lên trời xanh, nom sinh động, tựa như một tượng đài Mẹ con bên nhau. Không hiểu sao khi ấy, cô lại nói đùa với Thanh Vân:

– Papa Kumar của con đang ở trên trời!

Giờ này, không biết anh ấy có nhớ tới mình không? Anh ấy sẽ nhớ tới mình! – Quyên tin chắc chắn như vậy. – Không biết anh ấy và mẹ anh nói chuyện tới đâu rồi?

Quyên lục túc lấy điện thoại, bấm số. Trời đất ơi, máy của cô là loại trả tiền trước, tài khoản đã hết sạch tiền lúc nào mà cô chẳng để ý. “Không ở Đức, sao cô có thể tìm chỗ nào để nạp tiền được?” Quyên nhìn màn hình, những chục cú phôn Kumar gọi nhỡ. “Thôi, để về nước sẽ gọi cho anh ấy. Chắc giờ đây, Kumar đã đọc thư và anh ấy sẽ hiểu, thông cảm cho mẹ con cô cả thôi.” Quyên tin là như vậy! Tâm trạng ấy của Quyên cũng dễ hiểu. Cô nửa muốn gọi cho Kumar khi thực sự nhớ anh, lại nửa không muốn gọi khi đinh ninh rằng, cạnh Kumar khi đó còn có người mẹ của anh. Quyên không hề biết, Kumar của cô đã được sự đồng ý của mẹ anh đi tìm hai mẹ con cô. Quyên tắt nguồn điện máy điện thoại, thả nó vào túi sách.

Thật buồn cho mẹ con Quyên, khi họ chẳng hề biết: ngay hôm sau, khi cô và con cùng Minh chuẩn bị lên máy bay về quê hương thì Kumar của cô đang trên chuyến tầu nhanh tiến dần vào nhà ga Budapest.

Thật ra, thoạt đầu Quyên không muốn báo cho ai ở Việt Nam biết việc cô trở về. Cô ra đi với chồng, có biết bao sự việc phức tạp đã xảy ra sau đó, nay trở về, có thời gian đâu mà thanh minh! Nhất là cô sợ mẹ lại thổn thức mất ngủ. Nhưng còn lọ tro của Hùng sẽ giải quyết ra sao? Tục lệ ở Việt Nam, cô và Minh biết rõ, không ai cho phép mang lọ tro của một người như Hùng về nhà. Cô và Minh cũng cố gắng “hết nước hết cái” truy tìm ở tất cả các giấy tờ, vẫn không thể biết chính xác địa chỉ, quê quán Hùng ở đâu. Trên tất cả các loại hồ sơ, giấy tờ của Hùng để lại, chỉ thấy ghi vài dòng chung chung: Nguyễn Văn Hùng. Nơi sinh Thái Bình. Thái Bình thì có hàng vạn người tha hương, bạt xứ, biết tìm nơi chôn nhau cắt rốn chính xác của anh ở đâu!? Hoá ra, bao nhiêu năm nay, Hùng là người không một địa chỉ cụ thể. Cũng nghe Minh nói, từ ngày cha mẹ Hùng mất, vợ chồng bỏ nhau, Hùng chẳng liên lạc với bất kì ai trong nước. Anh là một kẻ không xuất xứ, một loại người vô tăm tích, ngoài cái quốc tịch Việt Nam!

Vậy có thể an táng Hùng tại đâu? Người thì bảo, gọi điện về cho ai đó quen biết, tìm mối manh mà chôn ở khu Bất Bạt hay Thanh Tước. Kẻ thì bảo, mua một khoảnh nào đó tại Thái Bình. Ô kìa, sao đơn giản thế? Ai sẽ hương khói hàng năm cho anh ấy yên nằm, ấm áp? Hay lại như bao nấm mồ hoang lạnh và nay mai sẽ lại mất hút, lại là đống đất vô tăm tích? Quyên nghĩ nát cả óc. Trong đêm, Quyệt chợt nhớ tới cái mảnh vườn của bà nội để lại. Khoảnh địa táng ở góc vườn quy tập mồ mả ông bà và cha Quyên ở đó. Quyên nhỏm dậy nhìn sang bên cạnh. Thanh Vân đang ngủ, miệng nó như hé cười. Quyên thấy nó có nét vừa giống Hùng ở khuôn mặt thanh thanh, cái mũi cao và thẳng, lại giống mẹ cô ở cái miệng luôn tươi. Môi nó mọng và đầy đặn, chứ không như cái miệng nhỏ khem khép của Hùng.

Sớm sau, Quyên gọi điện về nhà, trình bày với mẹ tất cả vướng mắc đang làm cho cô không có phương cách giải quyết, khi mẹ con cô muốn về thăm bà: “Con có mang theo tro cốt của bố Thanh Vân mẹ à! Anh ấy tên Hùng. Con biết, tục lệ ở ta không cho mang anh ấy vào nhà. Chúng con không thể để anh ấy ở lại đây. Càng không muốn an táng anh ấy ở tận đẩu tận đâu, không ai thân thích. Mẹ xem có giúp tụi con an táng ở đâu cho Thanh Vân sau này khi tới thăm bố, nó không tủi hờn…” Bên kia, mẹ cô im lặng nghe. Có lúc Quyên suýt oà khóc, khi phải nhớ lại, suy tính, chắp mối từng sự kiện, để kể cho mẹ. Tất nhiên cô giấu kín những việc tày trời Hùng đã gây ra cho cô ở khu rừng biên giới. Giải thích việc có con, cô chỉ nói vẻn vẹn, con bị kẹt ở biên giới gần một năm và đã nhờ cậy anh Hùng. Thế thôi, đó là lần đầu tiên trong đời, cô đã nói dối mẹ.

Thuật xong mọi việc, cô thở hắt ra. Nhẹ cả người! Minh và Huệ ngồi kế bên. Cả hai dường như cùng nín thở.

Mẹ cô im lặng vài giây rồi hẹn:

– Con đợi mẹ một hai ngày nữa, mẹ sẽ tìm cách giúp con!

Chỉ có câu trả lời ngắn thế thôi, mà sau khi Quyên buông máy điện thoại, ba kẻ tha hương ôm chầm lấy nhau. Thanh Vân vừa ở ngoài đường về. Nó chẳng hiểu, mẹ và hai người kia vì sao vừa buồn chưa dứt, nay lại hơn hớn thế kia? Người lớn đôi khi cũng thật trẻ ranh. Họ khác quái gì tụi bạn nó ở trường, hơi một tí thì đập tay chan chát vào nhau, hoặc là ôm chầm lấy nhau thành một khối.

Một ngày trôi qua, rồi một ngày nữa, trong đợi chờ câu trả lời của mẹ, Quyên vô cùng căng thẳng, hồi hộp.

Mẹ có hiểu rõ lời đề nghị của cô không? Với lại, còn họ hàng của cô nữa, liệu mọi người sẽ phản ứng ra sao với việc cô trở về, lại mang theo một lọ tro cốt? Cô và Minh đều biết rằng, giải quyết cho ổn thoả việc an táng Hùng, là cả một vấn đề chẳng hề giản đơn. Nhưng cô vẫn tin, mẹ cô là người luôn tất cả vì cô, luôn che chở cho cô. Bà vẫn thường nói vì con ngon rau là gì. Nhất định mẹ sẽ giúp mình! Quyên hy vọng và tin điều tốt lành sẽ tới với Hùng, với cô, cho cả Huệ và Minh. “Cầu trời cầu Phật! Mẹ ơi, mẹ giúp con nhé!” Đã bao lần trong đêm, cô hướng về phía phương Nam. lẩm nhẩm cầu nguyện như vậy.

Hai ngày chờ đợi căng thẳng với bao nhiêu thấp thỏm rồi cũng qua đi. Quyên hồi hộp nghe tiếng mẹ nói rành rọt qua điện thoại:

– Mẹ đã bàn, thuyết phục được mọi người trong gia đình rồi. Con cứ đưa nó về Việt Nam. Trước kia, mảnh đất ấy, khoảnh địa tàng nhà ta chỉ dành cho người trong gia đình. Nhưng trường hợp các con như vậy, chẳng nhữ lại để bố của Thanh Vân mãi ở lại nơi đất khách… Thôi, cả họ ta đều đồng thuận, coi Hùng như con cái nhà lang bạt và bất hạnh. Làm phúc, không phải tội con ạ!

Quyên lặng người bên máy sau cuộc điện thoại với mẹ. Cô ngồi thần ra một lúc, rồi chạy đi tìm Minh, kể lại cho cậu ta nghe rõ ngọn ngành cuộc nói chuyện qua điện thoại với mẹ cô. Minh cũng bàng hoàng khi nghe Quyên thuật lại mọi việc.

Thế là rõ cả rồi! “Cuối cùng vẫn là mẹ. Mẹ Quyên dang tay đón bình tro của Hùng.” Minh thầm nghĩ.

Ba ngày sau, Minh lấy được vé về Việt Nam. Anh hớn hở cầm vé của hai mẹ con Quyên chạy nhanh về nhà Huệ. Quyên nhận hai chiếc vé máy bay trong tay, thẫn thờ tới vài giây. Thế là sắp được về với mẹ! Cô chẳng ngờ, chuyến đi của cô sang Hung, đỉnh chỉ thăm Hùng vài bữa, lại ngoặt sang một khúc quanh, để trở về quê hương nhanh thế này. Quyên buộc miệng hỏi:

– Bay về Việt Nam hết mấy tiếng?

– Mười bốn tiếng.

Mười bốn tiếng! – Quyên nhẩm tính – Ngày cô đi Nga, máy bay bay hết mười hai tiếng. Từ Nga sang Đức, quãng đường chỉ còn một phần năm, mà cô phải đi hết gần hai tháng. Bây giờ trở về, tất cả quãng đường dài ấy, chỉ bay vẻn vẹn hết mười bốn giờ. Trái đất vẫn như vậy, nào có to lên hay nhỏ đi đâu? Chỉ khác là, càng ngày, bằng với nhiều loại phương tiện hiện đại, người ta có thể vượt qua biên giới của nhiều nước trong một giờ, thậm chí vài khắc. Thế mà giờ đây, ở đâu cũng vậy, anh bạn Minh kia chẳng biết, đâu là nơi bình an cho riêng anh. Chuyến về này, cô sẽ có cảm giác ra sao? Liệu Hà Nội của cô có lạ lẫm với chính cô không? Liệu cô có bị sang chấn tâm lí, để rơi vào tâm trạng như Minh, thấy ở đâu cũng lạc loài không? Hay bởi con người ta, trót đi rồi cứ phải đi mãi, đã lạc loài một lần rồi, sẽ trở thành lạc loài tới chết và một ngày nào đó lại trở về như Hùng, trong chiếc bình gốm kia? Tại sao? Tại sao? Quyên bỗng nhiên thấy buồn vô tận. Ơ kìa, Quyên, mi phải vui lên chứ, sắp trở về gặp mẹ rồi cơ mà! Quyên tự nhủ. Bất giác cô quay sang ôm chặt lấy Thanh Vân.

Đêm trước khi bay về Việt Nam, Quyên thật khó ngủ. Cả một ngày nháo nhào cùng Huệ đi dăm cửa hàng, mua thêm quà cho mọi người làm cô thấm mệt. Thế mà tối ấy, trên giường nệm, ban chiều Huệ vừa mới thay drap, chăn, gối, tất cả thơm phưng phức, ấm áp và êm dịu, mà cô cứ xoay ngang lại xoay dọc. Gần sáng, Quyên choàng ngồi dậy, lần sờ va-li, sắp xếp hành lí thêm một làn nữa cho gọn gàng. Khi cầm tới chiếc máy điện thoại hết pin nhét vào trong đôi giầy vừa mới mua cho mẹ, Quyên lại nhớ tới Kumar.

Thực ra mấy tuần nay, có ngày nào mà cô không nghĩ đến anh. Cô giấu kín trong lòng nỗi nhớ ấy. Cũng mấy lần, cô tìm tới trạm điện thoại tự động định gọi cho anh, rồi lại thôi. Điều cô ngần ngại nhất là, khi cô gọi điện thoại lại có mẹ anh ấy bên cạnh. Cô không muốn như vậy. Bình thường, việc có ai bên cạnh Kumar, khi họ nói chuyện với nhau cũng có sao. Nhưng giờ đây, khi quan hệ giữa họ đang có vấn đề khúc mắc với mẹ Kumar thì Quyên chẳng muốn mẹ Kumar biết cô liên lạc với anh. Thế đấy, tính cô vậy! Không biết giờ này, anh ấy đã thuyết phục được mẹ chưa? Bao nhiêu lần cô cứ tự hỏi như thế. Đã gần ba tuần trôi qua, Kumar và cô không trò chuyện với nhau rồi. Không biết tin nhau, nhưng Quyên tin và hy vọng là đọc xong lá thư cô, Kumar sẽ hiểu việc cô và Thanh Vân bay về Việt Nam sớm mai với bình tro của Hùng. Đúng, Kumar là người đàn ông độ lượng và nhân hậu. Anh ấy lại vô cùng yêu thương mẹ con cô nữa. Sao anh ấy có thể hờn giận? Cô mong thời gian trôi nhanh để biết rõ ý tứ của mẹ Kumar đã quyết định ra sao. Quyên nhẩm tính, nếu theo kế hoạch của Kumar, thì chỉ vài ngày nữa, mẹ Kumar sẽ quay về nước Anh. Có thể bây giờ Kumar đã nói mọi chuyện với mẹ rồi. Hay là ngày mai, trước khi bay, cô sẽ gọi điện cho anh ấy! Nếu mẹ anh ấy dứt khoát không đồng ý thì sao? Kumar thì đáng tin lắm, nhưng liệu anh có dám vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục sống với mẹ con cô không? Tất nhiên Kumar không thể dối trá mẹ và như vậy anh ấy không thể ở lại, tiếp tục sống với mẹ con cô? Nếu mọi sự đúng như cô nghĩ, cô sẽ sống thế nào? Cô sẽ rời bỏ nhà cũ, tới một vùng nào đó ở Đức, hay cô ở lại Việt Nam? Nếu cô sống tại Đức, thi thoảng lại nghe tin Kumar thì sống sao nổi? Người ta có thể khuất mặt cách lòng, chứ dạng người như cô thì sao sống như vậy được? Về Việt Nam? Nếu bỏ nước Đức, Thanh Vân tất nhiên nhiều bỡ ngỡ! Cô sẽ thu xếp cho con ăn học ở đâu đó như trăm ngàn đứa trẻ hồi hương khác và nó sẽ ăn học ra sao? Con người ta mỗi một lần di chuyển lại phải làm quen để thích nghi với mọi sự sinh hoạt mới. Điều ấy ở trẻ con, không khó khăn như người lớn. Thanh Vân có thể quen nhanh với môi trường mới. Nhưng là mẹ, chính cô lại là người phải lo toan suy nghĩ nhiều. uỵch xuống một nơi nào đó là xong chuyện! Di chuyển về quê, bao nhiêu việc nữa để mưu sinh? Cô và con sẽ sống ở đâu? Về nhà chồng cũ thì không thể được rồi. Về nhà của cô trong ngôi nhà thân yêu ấy, giờ đây đã có thêm gia đình anh chị và các cháu của cô nữa, rồi sẽ ra sao? Mẹ và anh chắc chẳng ai nỡ không đùm bọc mẹ con cô, nhưng sẽ làm gì để sống và nuôi Thanh Vân ăn học? Xa nước bao nhiêu năm rồi, mọi việc sẽ lại bắt đầu từ con số không? Kiểu nào cũng dang dở, chẳng yên. Cô thì thế nào chẳng xong, vì cô bầm giập như thế thì dù có phải làm quen lại với một nếp sống mới cô sẽ vượt qua thôi. Nhưng còn một điều rất hệ trọng với Thanh Vân cũng cần đắn đo cân nhắc! Nó vừa mất bố, nay lại vĩnh viễn mất Kumar? Rồi tâm hồn nó sẽ ra sao trong hai vết thương này? Nếu như vậy thì thật buồn. Cô tự biết, con người ta nào dễ quên đi, đoạn tuyệt với quá khứ. Phiêu bạt sang Đức, cả khi bất hạnh lẫn khi may mắn, có bao giờ cô quê đi những năm tháng ở quê hương? Thanh Vân cũng vậy thôi. Nó có tuổi thơ ở đây, một người vô cùng thân yêu nó là Kumar, papa của nó. Vậy mà sau này, dù ở đâu, sao nó có thể quên đi những năm tháng với biết bao kỷ niệm vui buồn cùng Kumar? Cả Quyên cũng vậy. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu cô biết ơn nhớ mãi một ánh nhìn thiện cảm, chia sẻ khi hoạn nạn nơi đất khách, thì sao cô quên được Kumar? Nghĩ tới đấy, Quyên bỗng nhiên buồn quá. Trái đất này, rộng lớn, bao la biết nhường nào, chẳng nhẽ lại không có một nơi nao, dù bé tẹo tèo teo, cho mẹ con cô làm chốn nương thân bình yên? Bình yên, một gia đình yên ấm có một người chồng yêu mình hết lòng như Kumar chả hạn, đó là điều giản dị mà một người phụ nữ bình thường như cô khao khát, áo ước nhất bấy nay. Không biết giờ đây Kumar đã thuyết phục mẹ anh đến đâu rồi? Bao nhiêu năm rồi, cô và Thanh Vân gắn bó với anh, chia sẻ đủ mọi hạnh ngộ trên xứ người với anh! Lần này, khúc quanh này, cô và Kumar sẽ đi về đâu? Người ta trong cuộc sống đấy bất trắc này, sao có thể sống thiếu một tình yêu cho đúng nghĩa yêu nhau ở trên đời? Cô cần Kumar, yêu anh. Thanh Vân cũng cần anh. Kumar có dám với cô tới cùng trời cuối đất không? Hay lần này, niềm hạnh phúc bấy nay lại một lần nữa vuột khỏi tay cô? Nghĩ thế lòng Quyên bất giác đau nhói. Muốn khóc mà chẳng được.

Cứ miên man nghĩ quanh nghĩ quẩn với bao nhiêu câu hỏi, Quyên không thể nhắm mắt, cứ chong chong tận tới sáng.

Đêm ấy, Kumar cũng thức suốt trên chuyến tàu nhanh về Budapest. Càng gần tới đích, anh càng hồi hộp, tràn trề hy vọng. Trong suốt cuộc hành trình, anh luôn tưởng tượng ra khuôn mặt thân yêu của Quyên. Cư nhắm mắt lại thì hình ảnh Quyên và Thanh Vân lại hiện ra, rõ mồm một. Anh nằm, ngồi, đi lại trong hành lang con tàu vẫn cứ nghĩ mẹ con Quyên, tưởng tượng ra giây phút gặp gỡ. Anh sẽ nói ngay với Quyên rằng, chính mẹ đã bảo anh đi tìm Quyên và Thanh Vân. Tất nhiên, thể nào, sau đó, anh sẽ bàn với Quyên về một lễ cưới thật sang trọng.

Con tàu sắp vào ga Budapest, Kumar đã đứng sẵn ở cửa lên xuống. Cửa tự động vừa mở, anh đã lao nhanh xuống sân ga như ngọn gió. Đi như chạy. Vừa đi vừa móc mảnh giấy ghi địa chỉ của Hùng. Anh nhao lên chiếc taxi đầu tiên trông thấy.

Người lái taxi từng hiểu rõ những ông khách vội vã ngược xuôi như người da màu này. Đoán chừng Kumar hẳn có việc gì gấp lắm, nên ông nổ máy ngay, không nói nửa lời. Kumar đưa tờ giấy cho lái xe. Người lái xe taxi già ấy chỉ liếc mắt nhìn cũng vẫn không nói nửa lời và nhấn ga. Nửa tiếng sau họ đã tới trước nhà Hùng.

Kumar lại gần như bay khỏi taxi. Anh rảo bước rất nhanh tới ngôi nhà có cánh cửa gỗ màu nâu khá cao và rộng. Cửa bên trái có cái đầu sư tử mồm ngậm chiếc vòng đồng vàng óng.

Đắn đo vài giây, Kumar nhấc vòng đồng dập nhẹ vào cửa. Không có tiếng ai trả lời. Anh lại động chiếc vòng mạnh hơn. Vẫn không có một ai trả lời. Cánh cửa nặng bằng gỗ sồi đứng im phăng phắc, lặng câm như nấm mồ? Chả nhẽ không có một ai?

Kumar nhìn ra đường phố. Dãy phố dài vắng tanh, không một bóng người. Anh tìm ai để hỏi thăm để tìm Quyên bây giờ. Quyên ở đâu?

Anh buồn bã lê bước. Đi đâu trong thành phố lạ hoắc này. Em ở đâu? Thanh Vân, con ở đâu? Trong đầu anh chỉ hai câu hỏi duy nhất mà chẳng ai có thể trả lời giùm anh?

Chiếc điện thoại trong túi quần Kumar bỗng rung lên nhè nhẹ. Kumar lấy máy, nhìn vào màn hình. Một cái số lạ hoắc. Anh bấm nút đàm thoại.

– Kumar! Kumar phải không?

Kumar run lên. Chút nữa anh đánh rơi điện thoại. Giọng Quyên. Đúng là giọng Quyên. Không thể nhầm được!

– Quyên! Quyến đấy phải không? Em ở… ở đâu? – Giọng Kumar gần như lạc đi!

Chẳng thể ngờ được, trong giờ phút tuyệt vọng nhất, anh lại bắt liên lạc được với Quyên. Bàn tay Kumar run lên. Bao nhiêu cú phôn anh gọi mà Quyên vẫn bặt âm vô tín. Giờ đây, giữa lúc anh vô vọng trong cuộc kiếm tìm, đột ngột Quyên lại hiện ra. Kumar áp chặt tai vào chiếc máy. Anh sợ, nếu không làm như vậy, tiếng nói vô cùng thân yêu kia, con người anh đang tìm kiếm kia sẽ vụt biến mất.

– Em đang ở sân bay? Anh đã đọc thư của em chưa?

– Thư nào? Em đang ở sân bay nào?

– Em đã giải thích trong thư rồi. Em đang ở sân bay quốc tế Ferihegy Budapest.

– Thư nào? Trời ơi! Anh cũng đang ở Budapest

– Anh đang ở đâu?

– Anh đang ở trước cửa nhà anh Hùng. Không ai có nhà. – Giọng Kumar vô cùng gấp gáp.

– Mọi người đang ở đây. Anh Hùng mất rồi. Em và Minh đưa anh ấy về Việt Nam. Máy em hết pin đã lâu mà không biết. Em đang gọi nhờ máy của anh Minh. Anh tới ngay sân bay đi. Em đang ở phòng chờ lên máy bay. Chỉ còn gần tiếng nữa máy bay cất cánh về Việt Nam! Anh đi đi!

Anh đi ngay. Em chờ anh nhé! Thanh Vân đâu?

– Vâng, em chờ anh. – Hình như giọng Quyên cũng run run. Tiếng máy điện thoại lạo xạo một vài tích tắc làm Kumar nín thở – Đây! Nó đang ở bên em. Anh nói chuyện với Thanh Vân này!

Kumar áp sát tai vào chiếc máy. Anh không còn nhớ, như anh đã định, phải nói ngay với Quyên rằng, mẹ đã cho anh đi tìm mẹ con cô. Bên tai anh, giọng quen thuộc của Thanh Vân vang lên:

– Papa! Papa!

Kumar gần như không tin ở đôi tai mình nữa. Anh chút nữa khuỵ xuống. Đường phố ngày nghỉ vắng tanh, trơ trọi mình anh. Anh lắng nghe tiếng Thanh Vân líu ríu. Phải tới ngay sân bay! Kumar chạy ngược ra ngã tư. Tai anh vẫn áp vào điện thoại, miệng cứ thế à thế à đáp lại Thanh Vân. Thật may cho anh, trên ngã tư xuất hiện một chiếc taxi chầm chậm tới rồi đỗ lại. Nó trả khách bên kia đường. Kumar rối rít vẫy. Chiếc xe quành sang đường. Anh nhao vào trong xe. Anh nói như khóc:

– Papa sẽ tới ngay! – Giọng Kumar lắp bắp run rẩy.

Con đường tới sân bay Ferihegy Budapest dài gần ba chục cây. Trời tự nhiên mưa lắc rắc. Chiếc taxi chạy như cơn lốc, cuốn lên một đám bụi hơi nước mù mịt đằng sau xe. Kumar liếc nhìn bảng chỉ tốc độ xe. Thời tiết như vậy, người ta không thể liều lĩnh chạy nhanh hơn. Kumar biết vậy, nhưng vẫn sốt ruột vô cùng. Anh nhìn đồng hồ liên tục. Mười phút, hai mươi phút, rồi hai nhăm phút dần trôi qua. Hai, ba lần máy điện thoại rung lên. Quyên chắc cũng sốt ruột như anh, nhắn tin vào máy hỏi liên tục, anh sắp tới chưa.

Anh sắp tới. Anh tới nơi ngay! Nhắn tin trả lời rồi mà trong anh cứ vang mãi câu nói ấy. Rồi chiếc xe cũng đậu bên lề hè, nơi hành khách vào sảnh phòng làm thủ tục bay.

Kumar nhìn lên bảng chỉ dẫn chạy dài trên bức tường trắng. Tín hiệu chuyến bay về Việt Nam đã nhấp nháy. Có kịp không? Có kịp không? Ngay lúc ấy, chiếc máy trong túi anh lại rung lên. Kumar móc điện thoại, mắt vẫn tìm kiếm Quyên ở cửa ra vào phòng cách li.

Không thấy Quyên ở nơi đấy, như tin nhắn trên đường tới sân bay. Anh bấm máy. Giọng Quyên nhỏ nhẹ vang lên trong tai anh. Cũng chỉ là cú điện thoại có vài giây. Kumar lập tức nhận ra nghe giọng Quyên gấp gáp, hổn hển bên tai. Anh cũng không kịp nói một câu trả lời. Cú điện thoại vài chục giây ấy có câu cuối làm anh run rảy. Bao nhiêu ngày rồi, anh lại nghe ba cái từ thiêng liêng, mà hiếm hoi lắm Quyên từng nói bên tai anh:

– Kumar! Em yêu anh!

– Quyên, anh yêu em… Anh sẽ bay ngay về Việt Nam! Mẹ đã… mẹ đã… – Kumar gần như hét lên vào máy.

Kumar không nói được hết câu. Sau câu trả lời ngắt quãng, nửa chừng vội vã ấy là tiếng tút tút đau đơn kéo dài, làm Kumar thẫn thờ bàng hoàng. Anh cầm chiêc máy điện thoại, nhìn vào nó bất lực! Chỉ còn những âm thanh vô cảm lạnh lùng phát ra.

Hoá ra cô ấy đã đứng suốt cả tiếng bên ngoài đợi anh mà anh không thể tới nhanh hơn. Bây giờ thì cô ấy phải lên máy bay rồi, người ta không thể hoãn chuyến bay như một chiếc ô tô chậm lại cuộc hành trình để chờ đợi một người như anh. Anh thật là kẻ không may. Không! Không thể như vậy. Anh không thể quay lại nước Đức theo lời Quyên dặn! Làm sao chịu đựng được, dù chỉ thêm vài ngày nữa thiếu em và Thanh Vân. Vâng, cái xứ sở dù tươi đẹp tới mấy, mãi mãi chẳng phải là của anh, chưa bao giờ là của anh. Nơi ấy anh chỉ có em và Thanh Vân thôi.

Kumar dù có giầu tưởng tượng tới mấy cũng không thể hình dung ra cảnh Quyên và Thanh Vân cùng Minh vội vã ra sao khi theo cô nhân viên hàng không – với khuôn mặt chẳng dễ chịu chút nào – bước trên đường dẫn vào máy bay. Chỉ còn hơn chục phút máy bay cất cánh mà người ta vẫn thấy thiếu ba hành khách. Tìm mãi, thấy họ vẫn đứng bên đầu cửa kiểm soát. Thế mà trước khi bước vào đường dẫn, Quyên vẫn cố nhìn lại đằng sau một lần nữa. Khổ thân cho Quyên! Cô không hề biết rằng, chỉ hơn ba bốn chục mét ở phòng kế bên, qua hai bức tường nữa, Kumar của cô đang thẫn thờ nhìn chiếc biển thông báo bay và lẩm bẩm như người mất hồn: “Anh sẽ về Việt Nam. Anh sẽ bay về tìm em.”

Sân bay quốc tế Ferihegy ngày hôm ấy hoạt động như trăm ngàn ngày bình thường của nó. Vẫn là cảnh những hành khách đủ các sắc tộc nháo nhào tất bật xuôi ngược đi lại và chẳng ai để ý trên sân thượng, nơi người ta có thể đứng tiễn biệt những chuyến bay, có một người da màu nhìn mãi một chuyến bay như muốn níu nó lại. Anh ta đứng mãi, từ lúc chiếc máy bay chầm chậm bò ra đường xuất phát, lao như cơn lốc trên đường băng, rồi vút lên không trung, tới khi bé dần, bé dần và mất hút phía trời xa. Người da màu ấy đứng im phăng phắc như một bức tượng bằng đồng hun. Đấy chính là Kumar, bóng anh, trên nóc nhà ga quốc tế Feriheg, hằn trên bầu trời Budapest đầy những cụm mây nhỏ trắng phớ vẫn bay lang thang vô định khắp cùng thế giới.

Người ta cũng không ai để ý trên chuyến bay đang như mũi tên bắn ngược lên không trung, có một phụ nữ châu Á, cứ để nước mắt chan hoà trên khuôn mặt, chẳng buồn lau, quàng tay sang ôm lấy vai đứa con ngồi bên. Ai nhìn thấy những giọt nước mắt ấy, cũng tưởng cô ta buồn đau gì nên khóc. Chỉ có một người đàn ông Việt ôm khư khư một chiếc lọ gốm ngồi bên cạnh, biết rõ lí do người đàn bà ấy khóc vì đau khổ hay hạnh phúc. Anh nhìn sang người phụ nữ Á châu rồi mỉm cười.

Người đàn bà ấy tên là Quyên

Tháng này chị vừa đầy ba mươi ba tuổi.

Vậy là đủ chín năm phiêu bạt. Chín năm, đó là một thời gian không dài, nhưng có thể ôm đầy biết bao nhiêu sự kiện của đời những con người như Quyên…

Hết.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC