Theo Đông y, cá diêu hồng vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị, lợi ngũ tạng…
Theo chuyên gia, loại cá này giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, vitamin A, B, D và chất khoáng như phốt pho và i-ốt, ít chất béo hơn thịt.
Không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, vitamin A, B, D và chất khoáng như phốtpho và iốt, ít chất béo mà thịt cá diêu hồng còn có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ huyết, lợi ngũ tạng, chữa suy nhược cơ thể...
1. Cá diêu hồng om dưa chua
Kiện tỳ, dưỡng huyết, thanh thấp. Tốt cho người viêm đại tràng, táo bón.
Nguyên liệu: Cá diêu hồng, cải chua, cà chua, hành tây, hành lá, tỏi, gia vị, dầu ăn.
Cách làm:
- Làm sạch cá diêu hồng, cắt khúc rồi đem chiên vàng đều 2 mặt.
- Đặt chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn và tỏi băm vào phi thơm. Thả cà chua vào tao mềm.
- Cho cải chua cùng nước cải vào, nêm thêm muối, bột nêm, đường, đảo đều. Sau đó, thả cá diêu hồng đã chiên vàng vào chung, đậy nắp, om khoảng 15 phút, đến khi ráo bớt nước trong chảo.
- Thả hành lá cùng hành tây vào, nấu thêm 2 phút rồi tắt bếp.
2. Cá diêu hồng chưng tương
Đây không chỉ là món ăn ngon mà nó còn có công dụng như bổ huyết, kiện tỳ thận. Chữa huyết hư (thiếu máu).
Nguyên liệu: 1 con cá diêu hồng khoảng 700g, 2 tai nấm mèo (mộc nhĩ), 10 tai nấm đông cô. Cần tây, 1 quả cà chua, 1 củ hành tây, 1 lọn bún tàu, 150g tương hột. Hạt nêm, đường, muối.
Cách làm:
- Cá diêu hồng làm sạch, bỏ vảy. Dùng vải sạch lau khô cá, dùng dao khứa những đường xiên trên thân cá, ướp với hạt nêm khoảng 15 phút cho thấm gia vị. Sau đó chiên cá hơi vàng hai mặt.
- Nấm đông cô, nấm mèo ngâm qua nước nóng cho nở. Nấm đông cô bỏ cuống, rửa sạch, thái làm hai. Nấm mèo bỏ cuống, rửa sạch rồi thái sợi. Cà chua, hành tây rửa sạch, thái múi cau. Cần tây rửa sạch để ráo nước. Bún tàu cho vào nước ngâm mềm.
- Đặt chảo lên bếp, phi thơm tỏi rồi cho tương hột vào xào với hạt nêm, muối, đường. Tiếp đến cho nấm đông cô và nấm mèo vào xào thấm.
- Sau đó cho cà chua và hành tây vào đảo đều rồi cho cá vào, để lửa nhỏ cho thấm gia vị.
3. Cháo cá diêu hồng
Bổ chính khử tà, giải biểu. Chữa ngoại cảm phong hàn.
Nguyên liệu: Cá diêu hồng, gạo mới, hành hoa, tía tô, gừng tươi, mắm muối gia vị vừa đủ nấu cháo.
Cách làm:
- Cho cá vào nồi nước, thêm nhánh gừng đập dập, luộc chín. Vớt cá ra gỡ lấy thịt, gỡ cẩn thận để tránh xương.
- Vo gạo rồi cho vào nồi nước luộc cá. Ninh cháo nhỏ lửa đến khi chín nhừ Thịt cá có thể chao mỡ hành chín thơm.
- Cháo chín nhừ múc ra tô cho cá và rau gia vị ăn nóng.
4. Cá diêu hồng hấp cuốn bánh tráng rau thơm
Bổ khí huyết, khử hàn trừ thấp. Chữa tay chân tê mỏi.
Cách làm: Cá diêu hồng, hành, rau mùi, húng quế, ngò tàu, kinh giới, tía tô, mắm, chanh, bánh tráng. Cá diêu hồng hấp lấy thịt quấn rau ăn.
Tấn Bình
suckhoedoisong.vn