Năm 2008 đang dần qua đi, đã có biết bao sự kiện Văn hóa quan trọng, bao biến cố, những chuyện vui cũng như buồn đã "kịp" xảy ra. Trước khi bước vào năm mới, mời các bạn cùng chúng tôi điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất trong lĩnh vực này.
1. Nhiều giải thưởng đang trên đà... đi xuống
Có lẽ chưa năm nào lại có nhiều cuộc thi, nhiều giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa "dính" nhiều tai tiếng và mức độ nghiêm trọng của những tai tiếng đó lại nặng nề như năm nay.
Trước hết phải kể đến những ồn ào từ cuộc thi sắc đẹp lớn nhất nước - cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 do báo Tiền Phong tổ chức, diễn ra hồi tháng 8 vừa qua tại Hội An với danh hiệu cao nhất thuộc về người đẹp Đà Nẵng - Trần Thị Thùy Dung. Tận hưởng niềm vui chiến thắng chưa được bao lâu thì tân Hoa hậu đã phải đối mặt với sức ép của dư luận khi sự thật về việc người đẹp này chưa tốt nghiệp PTTH (theo Quy chế, người dự thi phải có trình độ văn hoá tốt nghiệp PTTH trở lên) được phơi bày cùng với cuốn học bạ cấp 3 bị nghi là giả.
Hoa hậu Thùy Dung (giữa) cùng hai Á hậu trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 (ảnh: VTC) |
Không chỉ có vậy, Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2008 còn bị phát hiện có những hành vi khuất tất khi "tự ý" thay đổi qui chế dự thi riêng tại miền Trung khiến cho cuộc thi trở nên thiếu công bằng và minh bạch. Với những sai sót trên, Báo Tiền Phong sẽ không được tổ chức cuộc thi Hoa hậu tiếp theo vào năm 2010.
Cũng liên quan đến một cuộc thi sắc đẹp nhưng những "lùm xùm" trong cuộc thi này lại hoàn toàn khác, đó là việc hàng loạt thí sinh "Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008" đoạt giải trong đêm chung kết gửi đơn kiến nghị tới Tổng cục du lịch Việt Nam về việc họ vẫn chưa nhận được tiền thưởng như BTC đã hứa mặc dù cuộc thi đã kết thúc được hơn 2 tháng. Mới đây, Á hậu 2 của cuộc thi - Phương Thảo đã tuyên bố sẽ kiện BTC Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008 tới cùng vì luôn tái diễn tình trạng... "lời hứa gió bay"!
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008 |
Bên cạnh những ầm ĩ tại các cuộc thi hoa hậu nói trên, nhiều giải thưởng nghệ thuật cũng đang có dấu hiệu "đi xuống" về mặt chất lượng, mà mới đây là những hoài nghi về sự minh bạch của giải Làn Sóng Xanh xung quanh danh hiệu “Ca sĩ triển vọng do báo chí bầu chọn” dành cho ca sĩ trẻ Trà My; việc xin rút tên khỏi giải Mai Vàng của ca sĩ Đan Trường, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và diễn viên Tăng Thanh Hà cùng nhiều thắc mắc về tính trung thực của giải thưởng...
Ca sĩ Trà My (giữa) nhận danh hiệu “Ca sĩ triển vọng do báo chí bầu chọn” tại giải Làn Sóng Xanh lần thứ 11 |
Không ít nghệ sĩ tên tuổi đã rút tên khỏi nhiều giải thưởng lớn (từ trái sang: ca sĩ Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, diễn viên Tăng Thanh Hà) |
Trước đó, nhiều nghệ sĩ có tên tuổi cũng đã xin "cáo lui" khỏi nhiều giải thưởng nghệ thuật như Đàm Vĩnh Hưng với giải Ngôi Sao Bạch Kim, Làn Sóng Xanh, Mai Vàng; Quang Dũng, Đan Trường với Làn Sóng Xanh..., hay như việc vắng mặt của Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương và Đoan Trang trong lễ trao giải Làn Sóng Xanh dù có tên trong Top 10 giải thưởng này... Việc các nghệ sĩ không còn mặn mà, thậm chí là "quay lưng" với giải thưởng là hệ lụy tất yếu của việc "không chịu" đổi mới và đôi khi tự đánh mất uy tín của mình bằng sự mờ ám, thiếu minh bạch của nhiều giải thưởng.
2. Nhan sắc Việt gặt hái ít nhiều thành công trên đấu trường quốc tế
Trong năm nay, nhiều đại diện Việt Nam tham gia đấu trường sắc đẹp quốc tế đã đem về cho nước nhà nhiều thành tích đáng kể. Người có công lớn nhất phải kể đến là Ngô Tiến Đoàn với danh hiệu cao nhất cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới - Mister World. Đây là lần đầu tiên, sắc đẹp Việt Nam lên ngôi trên đấu trường quốc tế, và Tiến Đoàn là người đầu tiên ghi tên mình vào “lịch sử” các cuộc "đem chuông đi đánh xứ người" của nhan sắc Việt.
Nam vương Ngô Tiến Đoàn và các người đẹp: Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Thùy Lâm, Cao Thùy Dương và Dương Trương Thiên Lý |
Ngoài ra, đáng ghi nhận là thành tích của các người đẹp: Nguyễn Diệu Hoa (Top 5 cuộc thi Hoa hậu Quý bà), Nguyễn Thùy Lâm (Top 15 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ), Cao Thùy Dương (giải Hoa hậu được yêu thích nhất cuộc thi Hoa hậu Quốc tế), Dương Trương Thiên Lý (giải Hoa hậu được yêu thích nhất cuộc thi Hoa hậu Thế giới).
Mới đây, trang web chuyên theo dõi các cuộc thi sắc đẹp lớn của quốc tế - Globalbeauties đã công bố bảng thành tích Grand Slam ("bản đồ" nhan sắc thế giới) năm 2008, trong đó Việt Nam hiện đang đứng thứ 28 về sắc đẹp nam giới (tăng 22 bậc so với năm ngoái) và thứ 48 về sắc đẹp nữ giới (lên 7 bậc so với năm 2007). Đây là một tín hiệu đáng mừng với sắc đẹp Việt Nam!
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 đã được tổ chức thành công tại Việt Nam |
Ngoài ra, năm 2008 còn được đánh dấu bởi sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ; giành quyền đăng cai Hoa hậu Thế giới 2010, Hoa hậu Quý bà 2009...
3. Sao Mai - Điểm hẹn, Vietnam Idol - "Bệ phóng" cho những tài năng âm nhạc
Trong năm qua, khán giả có cơ hội tiếp xúc với nhiều "sân chơi" âm nhạc, trong đó có hai cuộc thi được coi là có qui mô qui mô lớn, được đầu tư kĩ càng và thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả nhất là Sao Mai - Điểm hẹn và Vietnam Idol.
Các thí sinh Sao Mai - Đểm hẹn (ảnh: Đất Việt) |
Sao Mai - Điểm hẹn với đêm chung kết diễn ra vào đêm 24/8 đã tìm ra được những ngôi Sao mai của mình, đó là Hoàng Nghiệp - giải do khán giả bầu chọn, và Duy Khoa - giải Triển vọng. Tuy nhiên, giải thưởng quan trọng của cuộc thi do Hội đồng bình chọn thì đã để trống vì không tìm được người xứng đáng. Sau 3 mùa tổ chức, chất lượng Sao Mai - Điểm hẹn được đánh giá là "nấc thang đi xuống" khi các ngôi sao "ra đời" sau cứ ngày càng nhạt nhòa so với lứa đầu.
Các thí sinh Top 10 cuộc thi Vietnam Idol |
Dù không còn nhiều bất ngờ, thú vị như năm đầu tổ chức nhưng Vietnam Idol - "sân chơi" âm nhạc được xem là "đối thủ" của Sao Mai - Điểm hẹn ở mùa thứ 2 vẫn thu hút một lượng thí sinh đăng kí dự thi khổng lồ (hơn 10.000 người). Sau những cuộc "sàng lọc" khắc nghiệt, giờ chỉ còn vài thí sinh xuất sắc nhất trụ lại được với cuộc thi. Vietnam Idol cũng đang dần đi đến đích khi chỉ còn vài tuần nữa là đến đêm quyết định ai sẽ trở thành "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" năm 2008. Bỏ qua một số hạn chế nhỏ thì Vietnam Idol vẫn được xem là một "sân chơi" thú vị, bổ ích và đầy sức thu hút với giới trẻ!
4. "Chơi vơi" dự án phim 1.000 năm Thăng Long
Thời gian qua, dư luận cả nước rất quan tâm đến hai dự án phim chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đó là phim truyện nhựa về Thái tổ Lý Công Uẩn và phim truyền hình về Thái sư Trần Thủ Độ. Thế nhưng, sau nhiều ồn ào, tranh cãi, dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn đã đổ bể do không giải quyết được mâu thuẫn nội bộ cùng với những khó khăn về kinh phí...
Phác thảo bối cảnh cung điện trong phim Thái tổ Lý Công Uẩn |
Không đến nỗi bi đát như dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn, nhưng "số phận" của dự án phim Trần Thủ Độ cũng gặp nhiều "trắc trở" (chuyển qua hai đời đạo diễn, tổng dự toán vẫn đang nằm trên bàn... chờ duyệt...). Thêm vào đó, dư luận cũng đang tranh cãi, liệu có nên làm phim về một vị thái sư mưu lật đổ nhà Lý vào dịp kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ chọn Thăng Long làm quốc đô hay không?!
Chiếc đồng hồ đếm ngược bên đền Bà Kiệu chỉ chạy chưa đến 700 ngày nữa là đến đại lễ, song những dự án chào mừng ngày trọng đại này vẫn đang nằm trong tình trạng... "chơi vơi"!
5. Cánh Diều Vàng 2007: Thiếu "vàng" thừa "bạc"!
Lễ trao giải Cánh diều vàng 2007 diễn ra ngày 9/3 tại nhà hát Hòa Bình (TPHCM) được xem là khá suôn sẻ về mặt tổ chức. Tuy nhiên, khác với năm ngoái - Giải phim truyện nhựa bội thu với 2 Cánh diều vàng thì năm nay lại được coi là năm "thiếu vàng, thừa bạc" khi hai bộ phim Trái tim bé bỏng của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và Nụ hôn thần chết của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chỉ dừng lại ở khung điểm giải bạc.
Đoàn làm phim Trái tim bé bỏng (ảnh trên) và Nụ hôn thần chết (ảnh dưới) nhận giải Cánh Diều Bạc dành cho phim truyện nhựa (ảnh: Khoa Phạm) |
Cùng "cảnh ngộ" với giải Cánh Diều Vàng dành cho phim truyện nhựa, giải Nam diễn viên chính xuất sắc cũng bị bỏ ngỏ vì không tìm được người xứng đáng. Còn giải Nữ diễn viên chính xuất sắc thuộc về gương mặt còn khá mới với làng điện ảnh - diễn viên Đỗ Nguyễn Lan Hà trong phim Trái tim bé bỏng.
6. "Thuốc độc" trong truyện tranh "bẩn"
Thời gian gần đây, hàng loạt bộ truyện tranh của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... với nội dung thiếu lành mạnh, phản giáo dục xâm nhập ồ ạt vào nước ta, "bỏ qua" sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, đã gây nên những hậu quả khôn lường.
Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều cuốn truyện tranh chứa đựng những nội dung, hình ảnh, ngôn từ không hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam |
Những hình ảnh bạo lực, gợi dục cùng với ngôn ngữ nghèo nàn, chỏng lỏn nhan nhản trong truyện đã ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách cũng như tâm lý của tuổi mới lớn, nhất là trong khi ta chưa có thói quen đọc truyện theo hướng dẫn độ tuổi, đối tượng.
Nhiều NXB, trong đó có cả những NXB uy tín cũng tham gia "cuộc đua" in ấn những bộ truyện tranh dung tục này, họ chỉ mải chạy theo lợi nhuận mà quên mất vai trò giáo dục của mình.
7. Sự ra đi vĩnh viễn của nhiều nghệ sĩ tên tuổi
2008 cũng là năm đánh dấu nhiều sự kiện buồn, đó là sự ra đi của rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi - những người đã và đang có những cống hiến to lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Có thể kể đến những tên tuổi như: nhạc sĩ Châu Kỳ, nhà văn Nguyễn Khải, nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Xuân Sách, nhà thơ Lê Đạt, nhà thơ Thợ Rèn (tên thật là Phạm Văn Huyến), nhà thơ Cao Vũ Huy Miên, nhà thơ Trần Hòa Bình (còn được biết đến là một chuyên gia gỡ rối tơ lòng trên Báo Tiền Phong với bút danh Tầm Thư), dịch giả Lê Khánh Trường, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu, nghệ sĩ cải lương Kim Chung, nghệ sĩ cải lương Minh Phụng, nghệ sĩ trẻ Thanh Phương, nhà thư pháp Lê Xuân Hòa,...
Các nghệ sĩ vĩnh viễn ra đi trong năm 2008 (ảnh sắp xếp theo thứ tự tên nghệ sĩ trong bài) |
Sự ra đi của các nghệ sĩ không chỉ gây hụt hẫng, nuối tiếc cho người thân, bạn bè mà cho cả khán giả, độc giả - những người yêu thích và quan tâm đến lĩnh vực này...
8. Phim Việt giờ vàng - "Công" & "Tội"
Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa sản xuất phim truyền hình, hàng trăm hãng phim tư nhân đã "nhập cuộc", đem lại một "luồng sinh khí" mới cho làng phim Việt. Theo đó, hàng loạt bộ phim nội "đua nhau" lên sóng giờ "vàng" với đầy đủ đề tài: từ nông thôn đến thành thị, từ thời bao cấp đến thời hiện đại, từ giải trí nhẹ nhàng đến chính luận gai góc...
Và thực tế cho thấy, không ít những bộ phim trong số đó đã nhận được sự quan tâm, chờ đón của một bộ phận không nhỏ khán giả xem truyền hình. Có thể kể đến một số phim có chất lượng tốt, nội dung hấp dẫn như: Chạy án, Ma làng, Bỗng dưng muốn khóc...
Tuy nhiên, bên cạnh những bộ phim tạo được ấn tượng tốt như vậy là những "sản phẩm" kém chất lượng, không mang lại giá trị thẩm mỹ lành mạnh. Với những sản phẩm này, khán giả không những không được giải trí mà đôi khi còn bị "tra tấn" vì cách sống thiếu chiều sâu, thiếu đạo lý, thiếu trí tuệ của các nhân vật... Thêm vào đó, mật độ dày đặc cùng với thời lượng quá dài của các spot quảng cáo xen giữa phim khiến cho người xem cảm thấy mệt mỏi, bức xúc và không được tôn trọng.
9. Đại Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2008
Bắt nguồn từ tín ngưỡng Phật giáo Ấn Độ, Đại lễ Vesak là Đại lễ kỷ niệm Tam hợp của Đức Phật (ngày Phật sinh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật nhập diệt) diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng 5 dương lịch. Năm 1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hoá, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc.
Đại Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2008 đã diễn ra chính thức trong 3 ngày (từ 14/5 - 16/5) tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Mễ Trì - Hà Nội) nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hoà bình, vị tha, nhân ái vốn có từ hơn 2.500 năm trước và là cơ hội, là nhịp cầu giúp cho tất cả những người anh em có tín ngưỡng Phật giáo được gặp gỡ nhau để tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật, đồng thời chia sẻ và động viên nhau toàn tâm học tập, làm việc để đưa những tư tưởng tiến bộ của Đức Phật vào cuộc sống.
Các đại bỉểu Phật giáo trong và ngoài nước đến dự buổi khai mạc đại lễ VESAK 2008 (ảnh trên) và Quang cảnh phiên khai mạc Đại lễ VESAK 2008 (ảnh: Trọng Chính - TTXVN ) |
Chủ đề của Đại lễ: “Đóng góp của Phật giáo về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã giúp nhìn nhận lại những vấn đề còn tồn đọng, khám phá điều mới lạ, giải quyết các thách thức mà tín đồ Phật giáo và nhân loại đang gặp phải.
Đến dự Đại lễ có gần 600 phái đoàn Phật giáo, gồm 5.000 người đến từ 90 quốc gia trên thế giới. Đây là Đại lễ Phật giáo lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Không thuần túy là một lễ hội văn hóa tôn giáo quốc tế, nước chủ nhà Việt Nam mong muốn việc tổ chức Đại lễ là cơ hội để quảng bá hình ảnh, khẳng định và nâng cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cũng tại đây, Ban tổ chức Đại lễ và Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã công bố 11 kỷ lục Phật giáo Việt Nam được xác lập trong Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008.
10. Festival Huế 2008 - Cuộc gặp gỡ nghệ thuật đa sắc màu
Diễn ra trong 9 ngày-đêm (từ 3 đến 11/6) với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” cùng với 160 lượt biểu diễn của 70 đoàn nghệ thuật đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, Festival Huế 2008 được coi là bữa “đại tiệc” văn hóa nghệ thuật vô cùng độc đáo.
Festival Huế 2008 được coi là bữa “đại tiệc” văn hóa nghệ thuật vô cùng độc đáo |
Cũng tại đây, UBND TP Huế đã long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Huế trở thành TP Festival đặc trưng của Việt Nam. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống kinh tế - chính trị - xã hội, đánh dấu bước phát triển mới của TP Huế.
Nhờ rút kinh nghiệm từ 4 kỳ trước, Festival Huế lần này được đánh giá là có chất lượng cao, công tác tổ chức đã dần lên độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ngoài những mặt đáng ghi nhận thì bữa “đại tiệc” này cũng để lại trong lòng du khách và cả người dân địa phương không ít những "hạt sạn". Đáng kể là: Vụ hai vận động viên của hai đội đua thuyền trải trên sông Hương đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán chỉ vì tranh phần thắng; Nhiều tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại triển lãm trong khuôn khổ Festival Huế bị du khách, trong đó có không ít người Huế, thưởng lãm xong rồi... "bỏ túi"; Những trục trặc về kỹ thuật (như mất điện) trong khi các chương trình nghệ thuật đang diễn ra...
Rất nhiều viên đá trong tác phẩm nghệ thuật Truyện Kiều trên đá cuội của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế - Nguyễn Văn Tân đã bị du khách "lấy làm kỷ niệm" sau khi thưởng lãm (ảnh: VTC) |
Trong các kỳ Festival tới đây, Ban tổ chức cần phải khắc phục những thiếu sót này để du khách được tận hưởng Lễ hội một cách trọn vẹn và hơn nữa để khẳng định được mình xứng đáng là thành phố Festival, thành phố văn hóa của cả nước.
Linh Chi