Bản dịch Truyện Kiều nào hay nhất luôn là câu hỏi khó trả lời...

Một trong những cuốn sách dịch chiếm vị trí quan trọng trong Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài được tổ chức đầu năm 2010 tới chính là văn bản “Truyện Kiều”. Mỗi bản dịch một văn phong, thần thái, kèm theo đó là những bất cập nảy sinh. Chính vì thế, không dễ trả lời cho câu hỏi: Bản dịch “Truyện Kiều” nào hay nhất?cuộc trao đổi với nhà văn hóa Hữu Ngọc về những bản dịch Kiều.

Phải là tính nhân loại được cảm nhận trên toàn cầu

Bản dịch Truyện Kiều nào hay nhất?_0

- Thưa ông, ông có thể cho biết ông đã từng tiếp cận với bao nhiêu bản dịch “Truyện Kiều”?

- Truyện Kiều đã được dịch ra tới 31 ngữ (theo Lê Thành Khôi). Tôi chưa có cơ hội được đọc hết toàn bộ nhưng cũng đã đọc khá nhiều. Đặc biệt, tôi giữ trong nhà 10 bản (1 bản tiếng Đức, 1 bản tiếng Hán, 2 bản tiếng Anh, và 5-6 bản tiếng Pháp).

- Theo ông, tính chất quan trọng nhất của một bản dịch Kiều là gì?

- Đó là tính nhân loại chứ không phải chỉ chuyển tải một câu chuyện đặc thù về đời sống đã diễn ra trong quá khứ của người dân Việt Nam. Nghĩa là người đọc dù ở bất kỳ nơi đâu cũng có sự đồng cảm văn hóa và thấu cảm vẻ đẹp của câu chuyện.

- Nhiều người cũng nêu lên sự nghi ngờ về câu chuyện đời sống Việt Nam trong “Truyện Kiều”?

- Đúng thế. Nhiều người thậm chí làm căng thẳng về vấn đề này. Cụ Nguyễn Du đã viết lại câu chuyện từ bản gốc của Thanh Tâm Tài Nhân. Điều đó gây nên nhiều dị nghị. Nhưng theo tôi thì cái gốc không nhất thiết là bản địa mà có thể bắt đầu từ bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Điều quan trọng là người viết đã bắt được sự đồng cảm văn hóa và diễn tả lại nó trong một tác phẩm mới, theo cách thức được cộng đồng chấp nhận.

Không có nền văn hóa nào thuần túy. Tất cả đều có những vay mượn và cải biến nó để trở thành văn hóa bản địa. Ví dụ như Pháp có vở kịch “Le Cid” rất nổi tiếng (Pierre Corneille sáng tác năm 1636) cũng xuất phát từ một tác phẩm gốc của Tây Ban Nha. Nhưng, Corneille đã thổi tâm hồn người Pháp thế kỷ XVII vào đó và vở kịch được biết đến ở tầm cỡ thế giới với văn hóa đặc trưng Pháp chứ không còn là chất Tây Ban Nha nữa.

Nếu nghĩ sâu cho đến tính nhân loại như thế thì người ta sẽ không còn thắc mắc về cái gốc của “Truyện Kiều” nữa. “Truyện Kiều” tổng hợp được hai yếu tố: văn hóa Đông Sơn và tiếp biến văn hóa Trung Quốc trở thành văn hóa Việt Nam, là một trong những mốc phân tách các giai đoạn văn hóa Việt Nam rất rõ ràng. Giai đoạn nước Việt Nam cũ (có thể tạm coi là chấm dứt sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công) có đại diện xuất sắc nhất là Nguyễn Du với tác phẩm “Truyện Kiều”. Giai đoạn nước Việt Nam mới thì có thơ của Hồ Chủ tịch.

Mỗi lần gặp nhau với tính chất quốc tế, chúng tôi thường trao đổi xem mỗi nước có gì là tác phẩm điển hình cho tinh thần dân tộc. Ý thì có “Thần khúc” của Dante, Anh thì có Sexpia, Tây Ban Nha có Xec-van-tec với “Đông–ki–sốt”, Đức có Goethe, Pháp thì ngần ngừ giữa nhiều tác giả nổi tiếng nhưng không có ai là “số một”, còn Việt Nam thì luôn được thống nhất là Nguyễn Du với tác phẩm “Truyện Kiều”.

Trong lịch sử văn chương thế giới, chưa có trường hợp nào mà bao gồm được cả hai yếu tố: văn hóa bác học và văn hóa dân gian. Từ người trí thức uyên bác nhất đến những người không biết chữ đều thích “Truyện Kiều”. Các bà các mẹ Việt đều dùng Kiều để ru con, cháu đi vào giấc ngủ.

Quan trọng nhất là giới thiệu như thế nào

Bản dịch Truyện Kiều nào hay nhất?_1

- Như vậy, “Truyện Kiều” vẫn là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam điển hình xứng đáng để giới thiệu ra ngoài với bạn bè quốc tế. Vấn đề là giới thiệu như thế nào thôi. Khi tham khảo các bản dịch, ông thấy có những vấn đề gì nảy sinh hoặc bất cập? Cá nhân ông thấy bản dịch Kiều nào hay nhất?

- Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Có rất nhiều góc độ khác nhau để đánh giá một tác phẩm dịch. Nếu theo “ngữ” thì có lẽ sự đồng văn (cùng ở châu Á, có nền văn hóa gần với Việt Nam) sẽ dễ lột được tinh thần nguyên bản hơn.

Các ngữ phương Tây gặp nhiều khó khăn khi chuyển tải hơn, bởi vì tiếng Việt là thứ tiếng đơn âm nhưng lại mang tính tổng hợp còn các thứ tiếng phương Tây thì đa âm nhưng lại mang tính chất phân tách.

Ngữ pháp tiếng Việt rất lỏng lẻo còn ngữ pháp phương Tây thì chặt chẽ. Ví dụ như cùng một từ trong tiếng Việt vừa có thể là trạng từ vừa là tính từ hoặc danh từ. Điều này cực kỳ phổ biến trong thơ. Cái mơ hồ này chính là điểm hay trong “Truyện Kiều” thì khi dịch sang các thứ tiếng phương Tây sẽ không thể chuyển tải nổi, cho nên phần nào mất đi “hồn thơ” trong nguyên tác.

Các yếu tố thuộc về huyền thoại hay lịch sử, các liên hệ cổ văn khiến cho câu thơ vừa đọc lên đã mang tính “gợi” với rất nhiều tầng lớp văn hóa ẩn giấu thì càng không thể dịch được. Nhưng nếu sa đà vào giải thích nhiều quá thì sẽ mất hết hơi văn.

Những bản dịch Kiều dù hay đến mấy thì cũng không thể giải quyết được cùng lúc cả ba vấn đề khó khăn này. Hành trình từ gốc sang tiếng nước ngoài chỉ đảm bảo đạt được tới 60-70% là cùng.

Xét trên nhiều khía cạnh, tôi thấy bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện là tốt nhất.

Tín và Nhã là đủ rồi

- Dịch Kiều nói chung và dịch văn học nói riêng, theo ông cần đảm bảo những tiêu chí gì?

- Cần hai chữ Tín và Nhã là đủ rồi. Tín không có nghĩa là phải trung thành một cách cứng nhắc sao y bản chính, chuyển tải đầy đủ mọi hình ảnh, biểu tượng văn hóa mà là bắt buộc phải chuyển được thần thái, hồn vía của tác phẩm trong lúc bám sát nguyên tác. Còn Nhã tức là bản dịch phải hay để độc giả cảm nhận tác phẩm bằng thứ tiếng đó.

Ví dụ như câu Trải qua một cuộc bể dâu, Nguyễn Văn Vĩnh dịch tiếng Pháp thành: Đã trải qua một giai đoạn mà nhà thơ gọi là thời gian để bể biến thành ruộng dâu và ngược lại, ruộng dâu thành biển. Dịch như vậy để giải thích và học tiếng Pháp, còn đâu là hình ảnh thân phận con người băn khoăn trước những biến thiên của tạo vật, trong khi Nguyễn Khắc Viện diễn tả cảm xúc và hình ảnh ấy bằng câu văn xuôi có chất thơ: L Océan gronde là òu verdoyaient les muriers (Biển gầm ở nơi xưa kia dâu xanh mướt)…

- Trong Hội nghị quảng bá văn học ra nước ngoài sắp tới, theo ông, BTC nên làm gì để các dịch giả phát huy được tốt nhất khả năng của mình?

- Nên mời trọng tâm trọng điểm các NXB và dịch giả uy tín, không cần chạy theo số lượng. Ta có cái dở là hay chạy theo thành tích nhưng nhiều khi toàn là con số ảo, đề ra nhiều làm chẳng bao nhiêu. Nhật và Trung Quốc là những nước ứng dụng nhiều nhất hình thức dịch song song, nghĩa là cả hai dịch giả đều rất giỏi ngôn ngữ của nước mình và cùng làm việc theo kiểu kiểm tra chéo cho nhau. Nếu muốn giới thiệu được văn học Việt một cách hiệu quả, nước mình cũng nên chọn những tác phẩm điển hình và đầu tư cho đội ngũ dịch song song như thế.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC