Khoảng thời gian sau này, anh có vẻ ưu tư và chiêm nghiệm nhiều về cõi đời và kiếp người... Và vì thế, anh đã làm một live show từ thiện tại một ngôi chùa trên núi.
Mới cách đây hai hôm, trong buổi chiều ngồi nhìn mưa rơi ở Hội quán Hội Ngộ (nhà tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), tôi nghĩ đến anh - nhạc sĩ Bảo Phúc - người đã âm thầm đóng góp nhiều công sức vào những chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn được tổ chức, từ khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi... Cách nay một tháng, khi đến giao lưu với khán giả ở Đà Lạt, tôi và vài người bạn đồng nghiệp ghé lại cái quán nơi anh Bảo Phúc và nhạc sĩ Từ Huy đã ngồi với nhau vào buổi sáng cuối cùng trước khi anh Từ Huy ra đi, lại một dịp để tôi nhắc về anh Bảo Phúc với mấy người bạn. Không ngờ hôm nay lại đến lượt anh đi....
Nhạc sĩ Bảo Phúc |
Tôi được làm việc với anh Bảo Phúc từ năm 1997, khi đang làm biên tập viên ở Trung tâm Băng nhạc Hãng phim Giải Phóng, tổ chức thu âm cho các ca sĩ trong nhiều chương trình, trong đó có những chương trình anh đã chuẩn bị từ trước. Cùng thời gian ấy, nhạc sĩ Quốc Vượng và tôi lập ban nhạc để biểu diễn hằng đêm tại Tropical Club (ở đường Nguyễn Huệ, quận 1), làm được ít lâu thì thấy nhạc sĩ Bảo Phúc thường xuyên ghé chơi, xem chúng tôi tập dượt và biểu diễn.
Theo lời mời của chủ sân khấu này, anh đến và cùng trao đổi với chúng tôi về nội dung chương trình. Anh rất tinh tế và ý nhị, bởi khi thường xuyên ghé nơi “làm ăn” của đồng nghiệp là điều dễ gây suy nghĩ ngộ nhận...
Ít lâu sau, gặp tôi ở Hãng phim Giải Phóng, anh nói: “Có một điều ái ngại từ lâu nay mà anh muốn nói cho Châu hiểu, kẻo nghĩ sai về anh, sở dĩ anh đến sân khấu nơi các em làm việc thường xuyên là do ông chủ muốn anh hỗ trợ ban nhạc, hơn nữa trong ban nhạc có Bảo Kình là em của anh nên anh thường đến chơi thôi, chứ không có ý “tơ hào” gì cả”. Tôi thật sự bất ngờ khi thấy anh vì quá tế nhị mà bấy lâu nay phải áy náy về một chuyện bình thường...
Còn nhớ cuối năm 2003, tôi và nhạc sĩ Bảo Chấn ở cùng nhau cả tuần lễ tại Hà Nội khi tham gia chương trình “Nhịp điệu trẻ”, do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Dịp này, nhạc sĩ Bảo Chấn kể cho tôi nghe rất nhiều về tuổi thơ của Bảo Phúc, với năng khiếu đặc biệt về hội họa và cả những giải thưởng, những trò nghịch ngợm tinh quái đầy cá tính nhưng đáng yêu.
Anh là một nhạc sĩ làm việc rất năng nổ, đa dạng, phong phú trong lĩnh vực âm nhạc: Từ sáng tác, biểu diễn, phối khí, viết nhạc phim, dàn dựng biên tập chương trình....; là một người anh đáng để cho những nhạc sĩ đàn em như tôi trao đổi và học hỏi. Rất thú vị khi được trao đổi với anh về dân ca Việt Nam. Có lần ở phòng thu Viết Tân, chứng kiến anh cùng nghệ sĩ Hải Phượng (đàn bầu) nắn nót một câu đàn hàng giờ mới thấy sự chu đáo trong phong cách làm việc của anh. Ngay như trong lĩnh vực nhạc phim, thật đáng nể khi nghe những đạo diễn nói về khối lượng nhạc phim mà anh đảm nhận trong nhiều bộ phim truyền hình dài tập...
Với dáng vẻ như lúc nào cũng suy tư, trăn trở về những điều gì đó, anh luôn khiến tôi tò mò mỗi khi có dịp tâm sự cùng anh, tôi muốn tìm hiểu những gì ẩn chứa sau dáng vẻ đó. Những lần làm giám khảo chung với anh trong các hội diễn văn nghệ, giờ nghỉ, ngồi quán, nghe anh tâm sự nhiều về nhân sinh quan, về đời sống.
Khoảng thời gian sau này, anh có vẻ ưu tư và chiêm nghiệm nhiều về cõi đời và kiếp người... Và vì thế, anh, làm một live show từ thiện của mình tại một ngôi chùa trên núi, ở Suối Tiên, Bà Rịa- Vũng Tàu. Tôi đã đến đấy, một ngôi chùa u trầm giữa núi rừng khoáng đạt và thấy rằng ngay cách anh làm show trong không gian đó đã cho thấy thế giới riêng biệt và cao thoát trong tâm hồn anh.
“Có những dòng sông không trở về đâu...”, như những gì anh đã viết trong ca khúc Dòng sông không trở lại, anh là một dòng sông...
Xin thắp nén tâm nhang chân thành tiễn biệt anh!
Nhạc sĩ Minh Châu.