Bảo tàng thành bãi đỗ xeHầu hết bảo tàng ở Việt Nam hiện làm những dịch vụ như: cho thuê làm chỗ đỗ ô tô, bán cây cảnh, chụp – rửa ảnh, nhà hàng, đám cưới, văn phòng, kho, gallery… nhằm tăng nguồn thu.

Phần lớn các dịch vụ này chưa mang tính chuyên nghiệp. Chẳng hạn cửa hàng lưu niệm thường “na ná” quầy tạp hóa, chưa đặc trưng, thậm chí, có nơi còn trong tình trạng xập xệ.

Vấn đề này lần đầu được đưa lên bàn thảo luận, trong cuộc tọa đàm Sản phẩm lưu niệm và dịch vụ trong Bảo tàng sáng 18/5, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tiến sĩ (TS) Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa, cho rằng, để khách thăm quan thấy thoải mái, tại mỗi bảo tàng nên có một cửa hàng bán đồ lưu niệm và đồ ăn nhẹ. Tuy nhiên, cửa hàng bán đồ lưu niệm phải được thiết kế cẩn thận, hài hòa với kiến trúc bảo tàng và sản phẩm phải có tính riêng biệt. Bà Lý nhấn mạnh: “Điều quan trọng là đồ lưu niệm phải do chính bảo tàng chế tác, không thể bất kỳ đồ vật nào cũng mang vào bán. Không nên để tình trạng một số gian hàng bán cả điếu hút thuốc phiện!”.

Bàn về việc một số bảo tàng tận dụng khuôn viên làm bãi giữ ô tô, bà Minh Lý cho rằng, việc làm này khiến bảo tàng làm mất hình ảnh của mình. PGS TS Nguyễn Văn Huy bổ sung rằng điều này làm khó cho khách thăm quan khi họ muốn chụp ảnh.

TS Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, kịch liệt phản đối việc cho thuê đất bảo tàng. Ông nói: “Đã có những người đến “gạ” tôi cho bán bia, thịt chó tại không gian phía ngoài bảo tàng với lợi nhuận khá hấp dẫn nhưng tôi từ chối”.

Ông Lã Xuân Hiển, Giám đốc Công ty du lịch Việt Nam (chi nhánh HN) gợi ý: “Nên có càng nhiều cửa hàng lưu niệm càng tốt, vì nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn quảng bá được thương hiệu Viêt Nam đến với thế giới. Chính vì thế, các sản phẩm trong bảo tàng phải mang đặc trưng riêng và phải có bảo hành”.

Theo ông Hiển, hầu hết hướng dẫn viên du lịch ngại dẫn khách đến các bảo tàng, nhất là Bảo tàng Lịch sử, vì thiếu kiến thức lịch sử. Do đó, các bảo tàng nên bổ sung dịch vụ giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng. Ngoài ra, để bán được nhiều hàng, bảo tàng nên kết hợp với hướng dẫn viên du lịch và chia cho họ một chút hoa hồng.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy Ông Huy đưa ra giải pháp, nếu muốn các dịch vụ mang tính chuyên nghiệp cao, tạo được bản sắc thì tự bảo tàng khó làm được, do đó nên hợp tác với các doanh nghiệp.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng Cục di sản văn hóa, kết luận: “Hoạt động dịch vụ là bình thường ở các bảo tàng. Tuy nhiên, dịch vụ cần đáp ứng các yêu cầu cao nhất về văn hóa, không ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ khác và phải có tính chuyên nghiệp.

Theo Người lao động.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC