Chúng tôi "học" bịa chuyện từ béCho đến giờ nhìn lại, tôi mới thấy rằng mình đã giả dối như thế nào trong các bài văn tiểu học, trung học phổ thông và trung học cơ sở. Tất nhiên, khi đó, chúng tôi nào biết đó là giả dối.

Nhớ hồi tiểu học, đề bài yêu cầu miêu tả khu vườn nhà em. Học sinh dù nhà ống, nhà tập thể không có vườn thì cũng cố nặn ra rằng nhà em có một khu vườn. Nếu nhà không có vườn thì tả vườn nhà hàng xóm, nếu nhà hàng xóm không có vườn thì tả vườn tượng tưởng.

Đố ai dám viết vào bài rằng nhà em không có vườn. Nếu như đề bài chỉ yêu cầu tả một khu vườn thì chắc hẳn, rất nhiều học sinh đã không phải nói dối.

Đến khi học văn chính luận, chúng tôi bị bắt đưa ra những ý kiến không chút nào phù hợp với suy nghĩ và nhận thức của mình. Ví dụ, lớp 7, chúng tôi học tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng. Hình ảnh bé Thu trong truyện, theo phân tích của các thầy cô "là một đứa bé rất Nam Bộ với tất cả những nét hồn nhiên thơ ngây, có cá tính mạnh mẽ, biết xúc động".

Thử nghĩ, chúng tôi mới học lớp 7, cũng "hồn nhiên thơ ngây", làm sao đánh giá được một đứa bé cùng trang lứa khác là "hồn nhiên ngây thơ" được. Và một học sinh lớp 7, cứ cho là ở Nam Bộ đi, làm sao biết được “rất Nam Bộ” có nghĩa là cái gì?

Khi viết văn, chúng tôi phải nhận xét như thế. Và thay vì viết “em rất thương bé Thu vì bé không nhận được bố… Em rất vui khi thấy bé Thu nhận được bố của mình”, thì chúng tôi lại viết: “Em xúc động nghẹn ngào… Ta thấy trái tim mình như nghẹn lại…”.

Lúc ấy, chúng tôi không hề biết rằng mình đang nói dối mà viết với niềm tin rằng như thế là đúng, như thế là hay. Chúng tôi nghĩ rằng làm văn là vậy, đơn giản thế thôi. Sự tiếp nhận thụ động từ các thầy cô đã khiến chúng tôi thụ động tới mức, nói dối mà không biết mình đang nói dối.

Kết quả là, “làm văn” đồng nghĩa với việc bịa chuyện, khác hẳn với mục đích ban đầu là góp phần khiến con người ta chân thật hơn, biết rung động thật sự trước cái hay, cái đẹp. Thay vì hỏi học sinh “các em thấy có thích bài thơ này không, nếu có thì thích ở chỗ nào”, thì các thầy cô lại “ấn định” với các em rằng “bài thơ này là hay, và hay ở chỗ này”.

Giờ đọc về chuyện học sinh thời nay mang cảm xúc cá nhân từ blog vào văn chương học đường, sáng tạo từ mới (dù không được thầy cô công nhận), thấy dù sao cũng đáng mừng. Cố gắng tìm tòi cái mới nghĩa là học sinh thời này đã không còn thụ động thầy cô bảo sao nghe vậy nữa. Các em có thể đi sai đường nhưng các em đã có ý thức tìm một con đường khác.

Đương nhiên, tôi không có ý nói rằng việc cảm nhận cái hay cái đẹp là không có chuẩn chung giữa người này với người khác. Nhưng dẫu sao, mỗi người cũng có cảm nhận của riêng mình.

Nhiệm vụ của các thầy cô, nói như Tổng thống Pháp Sarkozy là “tìm cách dung hòa giữa hai chuyển động ngược nhau: giúp trẻ tìm được tiếng nói riêng của mình và khắc sâu vào trí óc của chúng điều chúng ta tin là đúng, đẹp và thật...” (*)

Và nếu như các cô cậu học trò nhỏ không thấy một bài thơ là hay như các thầy cô nói, thì cũng đừng nên kết luận rằng các em dốt nát.

Theo Bee.net.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC