Chuyện họ của Hai Bà TrưngTrong lịch sử Việt Nam, hình ảnh Hai Bà Trưng đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và chí khí quật cường của dân tộc ta, mở đầu cho truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam.

Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp của Hai Bà còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ.

Sử cũ đều ghi, Hai Bà thuộc dòng dõi Hùng Vương. Mùa thu năm 40, Hai Bà đã dựng cờ tụ nghĩa với lời thề Sông Hát bất hủ: Một xin rửa sạch nước thù/Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng/Ba kẻo oan ức lòng chồng/Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này...

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã được hưởng ứng của nhân dân từ lãnh thổ Việt Nam cho đến vùng nam Trung Quốc hiện nay.

Nhà sử học Lê Văn Hưu nhận xét: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở lĩnh ngoài đều hưởng ứng’’ (trích Đại Việt sử ký Toàn thư). Trong cuộc khởi nghĩa đó đã xuất hiện các tấm gương phụ nữ kiệt xuất như Thánh Thiên, Lê Chân, Thiều Hoa, Ả Đã, Ả Túc, Nàng Đê, Bát Nàn... được khắc họa trong truyền thuyết.

Sử cũ cũng cho biết, sau khi công phá các châu, quận, hàng phục các Lạc tướng, họ đều suy tôn Trưng Trắc lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh.

Tuy nhiên, về cuộc đời và sự nghiệp của Hai Bà còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Một trong những vấn đề còn bỏ ngỏ là họ của Hai Bà.

Truyền thuyết cho biết, Hai Bà là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh (Sơn Tây, Vĩnh Phúc sau này, không rõ tên họ), mẹ là bà Man Thiện ở làng Nam Nguyễn (Ba Vì), cháu chắt bên ngoại Hùng Vương, lấy chồng là Thi Sách.

Trong hệ thống họ ở nước ta không hề có họ Trưng và do đó Trưng không phải là tính danh họ, cũng như Hùng trong danh hiệu Vua Hùng cũng không phải là họ. Danh xưng Hùng Vương là do đời sau gọi về tổ tiên của mình khi tiếp thu các yếu tố văn hóa từ bên ngoài.

Trong thời Hùng Vương cho đến đầu công nguyên người Việt chưa có tính danh họ mà chỉ xác định theo dòng để phân biệt về quan hệ huyết thống giống như nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta mà sau này ta gọi thành họ.

Về tên gọi của Hai Bà rất có thể có nguồn gốc từ các hoạt động sản xuất lúc bấy giờ. Vùng quê hương của Hai Bà gắn liền với vùng bờ bãi sông Hồng mà ngay từ thời các vua Hùng đã nổi tiếng với nghề chăn tằm, ươm tơ dệt lụa.

Truyền thuyết đã ghi nhận về bà tổ nghề dệt Ngọc Hoa ở Ba Vì trong thời dựng nước. Trong buổi đầu công nguyên sử cũ cũng đã ghi về sự phát đạt của nghề chăn tằm, ươm tơ dệt lụa ở vùng bãi sông Hồng.

Theo cách gọi của người chăn tằm, ươm tơ thì phân loại trứng tằm là trứng chắc (trứng cả) và trứng nhì. Rất có thể do đặc trưng của nghề chăn tằm ở vùng Sơn Tây, Vĩnh Phúc - quê hương của Hai Bà, gắn liền với vai trò và vị trí đặc biệt của phụ nữ đã trở thành tên gọi Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Tên gọi đó gắn liền với nghề nghiệp xuất hiện từ thời đại các vua Hùng và từ dân gian đã đi vào sử sách vinh danh hai nữ anh hùng trong bài ca giữ nước hào hùng của dân tộc ta. 

Theo Bee.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC