Gần đây, các ca sĩ nhạc trẻ bỗng nhiên ra album nhạc đỏ và ngược lại, ca sĩ chuyên hát nhạc truyền thống lại ra album nhạc trẻ. Xu hướng này có những cái lợi và hại cũng rất... lạ lùng.
Khơi nguồn dân tộc cho giới trẻ
Từ trước đến nay, nhắc đến Mỹ Lệ, Đàm Vĩnh Hưng, Đoan Trang ... là người ta nhớ tới ca từ thị trường, khoe thân thể nhiều hơn là thể hiện ca khúc. Tuy nhiên trong album “Dưới mái đình”, những ca sĩ ấy đã lột xác để biến thành một con người khác.
Từ trái sang: ca sĩ Đoan Trang, Mỹ Lệ, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng |
Mỹ Lệ làm nên điều kì diệu với “Tiếng đàn dây vũ dây văn”, những kĩ thuật điêu luyện cùng với khả năng xử lí khéo léo bài hát đã giúp cô thể hiện tương đối tốt nhạc chầu văn Huế - một thể loại khó với ngay cả những người có kinh nghiệm nhất.
Không thể phủ định tính tích cực của sự biến đổi này. Các ca sĩ hát nhạc chính thống khi hát không thể thoát ra khỏi khuôn mẫu của bài hát khiến cho phong cách của bản thân không được thể hiện rõ nét và bài hát không... bay.
Các ca sĩ thị trường khi biểu diễn không có sự phân biệt giữa một bài “nhạc đỏ” với một bài nhạc trẻ thịnh hành kết hợp với sự hòa âm phối khí mới nên tạo sự mới lạ, trẻ trung cho người yêu nhạc.
Mai Trang (Phạm Văn Đồng - Hà Nội) không ngại ngần tuyên bố: “Em không đủ kiên nhẫn để ngồi nghe hết một chương trình nhạc cách mạng, nhạc đỏ trên truyền hình cũng chẳng bao giờ tìm mua đĩa nhạc này. Nhưng khi nghe Thu Minh hát “Thời hoa đỏ”, “Tình em”, “Con kênh xanh xanh... trong album “Tình em”, em đã tìm đến với các ca khúc nhạc đỏ.
Không ít khán giả trẻ còn không biết có một dòng nhạc đỏ, nhạc cách mạng trong dòng chảy âm nhạc. Vô hình chung, các ca sĩ thị trường chính là cầu nối khơi nguồn dân tộc trong giới trẻ.
Thực tế, khoảng 4, 5 năm trở lại đây, các ca khúc truyền thống thời chống Pháp, chống Mỹ xuất hiện tăng vọt trong các chương trình văn nghệ. Kể cả trong các hội diễn, trong bữa tiệc nhỏ của sinh viên hay cả các quán karaoke.
Sự tràn lan không đáng có
NSƯT Thúy Hường |
Sự chạy theo dòng nhạc chính thống, dòng nhạc xưa, nhạc dân gian một cách xô bồ đã khiến cho các ca khúc bị xử lí một cách quá yếu kém, gây phản cảm cho người nghe.
Khi bị chê là “Tình em” hát thiếu chiều sâu, mất đi cái ngọt ngào, sâu lắng thì Thu Minh giải thích: cô không sinh ra trong giai đoạn đó nên cảm xúc không đầy đặn. Sự tham lam trong việc sử dụng tiếng gằn giọng, luyến láy của Thu Minh (rất “đắt” trong nhạc trẻ) bỗng trở nên thô kệch, trúc trắc, không thể hiện được tính hoan ca hào sảng và trữ tình của ca khúc.
Theo ca nương Phạm Thị Huệ (Phụ trách Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long) thì “Khi các ca sĩ sử dụng nhạc cụ dân tộc cho các ca khúc nhạc nhẹ chúng tôi đã phản đối. Gần đây, nhiều ca khúc đã được nhạc sĩ phối khí có sự làm mới bằng âm sắc của dòng nhạc xẩm, ca trù; các ca sĩ thị thường chọn ca trù để biểu diễn trên sân khấu làm chúng tôi thấy buồn hơn.
Ca sĩ Trọng Tấn hát quan họ |
Bởi để hát được những làn điệu âm nhạc chuẩn mực cần lắm thời gian nghiên cứu chứ không phải xô bồ chọn bừa một bài rồi hát cho xong. Theo tôi, mỗi ca sĩ đều có chất giọng phù hợp với một loại hình âm nhạc nhất định và hãy hết mình để đưa dòng nhạc đó lên đỉnh cao”.
Theo Thục Diệu
Tuổi trẻ Thủ Đô