Tiêu tiền không phải cái tội, nhất là đồng tiền ấy do mồ hôi, công sức của mình làm ra. Tuy nhiên, bạn phải biết trân trọng và sử dụng đồng tiền ấy cho đúng.
Cách đây nhiều năm, phô trương sự giàu có tại Việt Nam là điều khó được chấp nhận, bởi tiết kiệm luôn là một trong những phẩm chất hàng đầu để đánh giá con người. Kể từ khi có chính sách mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh tại Việt Nam, mọi thứ thay đổi dần.
Nhờ những nỗ lực của chính quyền, tỷ lệ đói nghèo giảm đáng kể. Điện, nước, điện thoại, internet... đã về đến nông thôn. Nền kinh tế mở giúp cho những người giàu càng giàu hơn nhờ được kinh doanh thông thoáng. Người nghèo có thể một chốc đổi đời nhờ bán đất, bán ruộng ở những khu quy hoạch...
Thu nhập cao kéo theo nhu cầu hưởng thụ là lẽ tự nhiên. Ngay cả khi toàn cầu rơi vào khủng hoảng kinh tế, chỉ số tiêu dùng ở nước ta vẫn tăng trưởng. Đối với các chuyên gia kinh tế, đây là một tín hiệu lạc quan. Tiêu dùng được xem như một phần phản ánh trung thực về cuộc sống xã hội. Một xã hội có mức tiêu dùng của người dân càng cao chứng tỏ xã hội ấy có nhiều cơ hội phát triển.
Quả là đúng khi người ta nói: "Đồng tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, sức khoẻ của người già, là ngôi nhà của sắc đẹp..., "Có tiền mua tiên cũng được"... Đồng tiền mang lại nhiều cơ hội mà bạn không thể ngờ. Giờ đây, người ta không còn e dè khi phô trương sự giàu có. Những thứ bạn mua càng đắt tiền càng giúp khẳng định "đẳng cấp" của người mua nó. Đó là quan niệm của không ít người giàu mới nổi hiện nay.
Một bước lên... tiên nhờ bán đất
Nếu có dịp ra Hà Nội, đi ngang qua khu Quảng Bá, hồ Tây và các vùng ven, bạn sẽ thấy vô vàn ngôi nhà mới với mái ngói lô xô kiểu Trung Hoa, La Mã, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ... trộn lẫn. Những lối kiến trúc không giống ai, cóp nhặt mỗi nơi một tí, hình thành những ngôi nhà... đầu Ngô, mình Sở, trông rất buồn cười.
Chủ nhân của nó ắt hẳn muốn chứng tỏ mình là người biết tiêu tiền nên đã không tiếc gì khi mua một lúc nhiều loại đá để ốp tường. Trong nhà sử dụng bốn, năm loại đèn chùm, mỗi nơi một loại. Các phòng ngủ được thiết kế lộng lẫy, nhiều màu sắc. Có phòng bày biện như ở chốn cung đình với màn treo, trướng rủ. Phòng khác lại hoàn toàn theo phong cách Tây phương với nệm lò xo dày nửa mét, tường dán giấy hoa, gõ vào kêu lộp cộp.
Mỗi lần có bạn bè đến chơi, chủ nhân hãnh diện đưa đi tham quan khắp chốn rồi mời vào phòng karaoke gắn cục pha lê chớp nháy y như sân khấu ca nhạc. Ở đó, chủ khách chén chú, chén anh, hát hò ầm ĩ và động viên nhau bằng giọng nói còn chưa thoát khỏi chốn quê mùa: "Vào, vào đi chứ. Uống có nửa ny (nửa ly) thế thì còn nàm (làm) ăn thế lào (nào) được..."
Thật khó tưởng tượng rằng cách đây vài năm, họ còn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ sáng đến tối vẫn không đủ ăn. Bỗng nhiên, một nhà đầu tư cách nửa vòng trái đất lại chấm điểm A cho khu vực ruộng nương của họ và đề nghị mua để xây nhà máy. Một chữ ký biến thành tỷ phú là đây. Cả nhà bỏ quê ra phố sống. May mắn sao, căn nhà mua ở phố thời gian sau lại lọt vào đúng khu vực quy hoạch cao cấp. Thế là lại bán đi, mua nhà khác. Vài lần như thế, ông nông dân ngày nào, giờ đây đã bén mùi kinh doanh địa ốc, trở thành quý ông nói chuyện "tiền đỏ, tiền xanh" rành rọt chẳng kém gì dân phố chợ.
Hàng hiệu có giúp người ta sang hơn?
Tiền đẻ ra tiền, nhà đất đẻ ra nhà đất. Giờ đây, ông phải xây cho mình một cơ ngơi cho đáng đồng tiền bát gạo. Xây một cái nhà thế nào để người ta nhìn vào phải tấm tắc khen ông là người biết nhiều, hiểu rộng. Rằng mái ngói kia đích thị của xứ "nghìn lẻ một đêm". Còn cái cột to, đứng lừng lững ở hai bên tường nhà là theo đúng kiểu cung điện của Nga hoàng ngày xưa trong một buổi chiều xi-nê ngoài sân đình làng, ông từng tấm tắc khen: "Cột thế mới là cột!".
Ở cái nhà như thế, các chủ nhân của nó phải "lên đời" thế nào cho "xứng tầm vũ trụ". Vợ và con gái ông thoắt chốc trở thành các "quý bà", ăn diện vào loại hạng sang nhất phố. Các cửa hiệu ngày xưa nếu có đi ngang qua, bà cũng không dám liếc nhìn thì nay, bà đẩy cửa ra vào một cách tự tin. Bởi vì bà có thể phóng tay mua một lúc vài bộ cánh giá hàng chục triệu, chiếc ví da đắt ngang xe máy kia mà.
Đồng tiền quả là tiên là Phật khi biến đổi bà nhà quê suốt ngày chăm sóc lợn gà thành một phu nhân. Ông gia nhập làng đại gia, cuối tuần lái xe đi câu cá dã ngoại. Bà cũng gia nhập hội thể thao quý tộc, mỗi tuần "ra sân" vài lần. Hết thú chơi tennis vì nó làm to tay, bà chuyển sang chơi golf. Môn thể thao đi bộ lững thững, thỉnh thoảng vụt một cái này khiến bà thích hơn, mặc kệ quả bóng có đi đúng hướng của nó hay lăn lông lốc sang chỗ khác. Hết thú chơi golf vì nắng, hại da, bà đi học yoga ở trung tâm cao cấp, nơi bà có thể khoe bộ quần áo tập "vừa mua dưới kia, chả bao nhiêu, có mấy tờ"!
Có tiền thì cứ xài. Phải xài tiền để chứng tỏ đẳng cấp của mình, nhất là khi chung quanh bà còn có những bà khác cũng mua sắm không tiếc tay. Một cuộc đua tranh ngấm ngầm để cho thấy ta đây là người có tiền cứ diễn ra từng ngày.
Có lần tôi chứng kiến một hoạt cảnh ở sân bay Nội Bài. Một cô gái dáng vẻ sang trọng, tay kéo chiếc vali da của LV cho vào khu vực làm thủ tục lên máy bay. Bỗng một phụ nữ chạy đến, kéo tay cô: "Cho tôi hỏi, cô mua cái va-li này ở đâu mà đẹp thế? Nó có phải là hàng hiệu không?".
Điều khiến cô gái ngạc nhiên là trên tay chị phụ nữ cũng đang cầm một chiếc túi xách hiệu LV. Cô cười, trả lời: "Nó cùng nhãn hiệu với chiếc túi xách của chị đấy". Người phụ nữ ngẩn ra: "Thế à!" rồi cười ngượng nghịu: "Ừ nhỉ, giờ mới thấy" và bỏ đi. Cô gái nhìn theo và phát hiện một điều: Dáng đi tất tả ấy chỉ có thể ở người từng mua bán tần tảo sớm hôm. Dù khoác trên người trang phục đắt tiền, nhưng cái áo có kiểu dáng đối chọi hẳn với cái váy và đôi bắp chân to bè, đôi bàn chân big size giấu trong đôi giày cũng hàng hiệu kia tiết lộ chị từng phải gánh gồng nặng hai vai.
Có thể chị chính là một "quý bà đời mới", chân chưa rửa sạch đất phèn. Chị tiêu tiền, mua sắm tất cả những thứ đắt tiền nhất để chứng tỏ đẳng cấp hiện tại của mình. Nhưng chị không hiểu được những thứ chị mua có nguồn gốc từ đâu, càng không hiểu cách phối hợp chúng với nhau. Việc chưng diện vì thế trở thành kệch cỡm.
Muốn tận mắt nhìn những quý bà này, một buổi rảnh rang nào đó, bạn cứ tìm đến các trung tâm mua sắm thời thượng, các sân tennis, sân golf...hay câu lạc bộ dành cho các nữ doanh nhân. Những quý bà giàu mới nổi thường nói rất to, cười sang sảng, trang điểm khá ư loè loẹt và ăn uống có phần thô vụng.
Xài hàng hiệu mà không biết ý nghĩa thực sự của hàng hiệu là gì
Bạn phải biết trân trọng và sử dụng đồng tiền mồ hôi công sức sao cho đúng |
Lớp người giàu mới nổi không chỉ có ở bộ phận đổi đời nhờ ruộng đất, nhà cửa mà còn từ các cuộc thi sắc đẹp, giọng hát hay, thi người mẫu, diễn viên điện ảnh... Đó còn có thể là những "cô Tấm ngày xưa" phút chốc đổi đời nhờ đoạt thứ hạng cao trong cuộc thi về sắc đẹp.
Cô giống như Lọ Lem "thoát xác" qua từng ngày, không còn giản dị, có gì xài nấy như trước. Vị trí của cô ắt phải có các chuyên gia, cố vấn từ cách trang điểm, ăn mặc đến nói năng. Công việc đem đến nhiều tiền và cô phải dùng đồng tiền ấy sao cho xứng đáng với đẳng cấp hiện tại của mình.
Giờ đây, cô đi nước ngoài nhiều hơn đi chợ. Những tờ đô-la ngày xưa cô không nghĩ có ngày mình sẽ cầm được, thì nay , cô vung cả nắm. Cô tuyên bố trên báo: "Tôi chỉ mặc trang phục mua ở nước ngoài".
Mua trang phục ở nước ngoài không phải hành động phô trương tiền của, đặc biệt khi bạn biết thời điểm sale off, khi các khu mua sắm cao cấp bung ra những lô hàng hết mùa. Quần áo của nhãn hiệu Balenciaga, Chloé... giá cả nghìn đô la Mỹ/sản phẩm có thể chỉ còn khoảng một nửa. Một chiếc túi Bally, Salvatore Ferragamo khoảng 2.000 đô la Mỹ , giờ chì còn 800-1.000 đô la. Trong những mùa sale off, bạn có thể mua được cả thùng hàng hiệu với giá chỉ bằng 50% giá trị thực khi bán đúng mùa.
Tuy nhiên, khi nói: "Tôi chỉ mặc trang phục mua ở nước ngoài", cô ấy đã vô tình (hay cố tình) phủ nhận thời hàn vi vô danh của mình. Thời mà có thể cô phải lăn lóc khắp các chợ "si-đa" để mua quần áo đã qua sử dụng nhưng vẫn còn đẹp và tốt, thời mà ngay cả "hàng Việt Nam chất lượng cao" cô cũng khó lòng sở hữu bởi không có tiền.
Giờ đây, có tiền rồi, cô dùng hàng hiệu để thể hiện đẳng cấp? Chính xác! Bởi các ngôi sao Hollywood, những cô gái con nhà giàu chỉ dùng toàn hàng hiệu. Hàng hiệu là bảo chứng cho việc có nhiều tiền. Vì thế, họ cũng phải đua tranh với các đàn chị rằng mình cũng kiếm được khá nhiều tiền bằng cách mua hàng hiệu. Có cô sang nước ngoài đúng mùa sale off, mua cái ví hàng hiệu giá rẻ, về nước ỡm ờ bảo mấy nghìn đô-la Mỹ, đố ai dám thắc mắc. Vả lại, giờ đây, vị trí của cô trong xã hội đã khẳng định cô kiếm được nhiều tiền, mua món hàng vài chục triệu là chuyện bình thường, có gì ầm ĩ?
Vậy đâu là ý nghĩa thật sự của những món hàng hiệu?
Hàng hiệu đồng nghĩa với đắt tiền, bởi giá trị thực của nó có trong từng đường kim mũi chỉ, ở chất liệu, kiểu dáng. Đi kèm với nó là tên tuổi của người sản xuất, người dám bảo đảm: Hàng của tôi là loại một! Chính vì thế, cách đây không lâu, một hãng túi xách nổi tiếng của Pháp đã cho thu hồi hàng triệu sản phẩm để hủy vì có sai sót trong khâu xử lý da. Họ không bán giảm giá mặt hàng này mà chấp nhận phương án hủy bỏ vì sợ mang tiếng hàng dỏm, sợ mất uy tín bao nhiêu năm gây dựng. Sản phẩm của họ phải hoàn hảo về mọi mặt. Thế nên chúng mới có giá trị cao ngất ngưởng, không phải ai cũng mua được.
Sử dụng một món hàng hiệu có nghĩa là bạn biết sử dụng đồng tền của mình đúng chỗ. Dùng hàng hiệu vì biết giá trị thực của nó chứ không phải để phô trương sự giàu có. Vì thế, có những nữ tài tử điện ảnh thu nhập cả mấy chục triệu đô la mỗi năm cũng chỉ có khoảng năm, sáu cái túi xách hàng hiệu, còn lại là những túi tầm tầm bậc trung có thể mua ở bất cứ cửa hiệu nào trên phố. Chưa kể, sau một thời gian sử dụng, họ bán lại dưới danh nghĩa "túi xách của nữ diễn viên... đã dùng", như một loạt sản phẩm "hàng hiệu mới", dành cho những ai thích sưu tầm đồ dùng của người nổi tiếng.
Như vậy, các ngôi sao không quá hoang phí như người ta thường nghĩ. Ngoài một số ngôi sao thích "chơi nổi", mua sắm đồ hiệu phung phí như Paris Hilton, Lindsay Lohan, đa số các ngôi sao Hollywood thường biết cân nhắc khi chi tiêu. Bởi vì, những hàng thời trang thường tặng không sản phẩm của họ cho những người nổi tiếng với mục đích quảng cáo "có qua có lại". Những người nổi tiếng xài hàng hiệu giúp khẳng định đẳng cấp của loại hàng đó, giúp ai đang phân vân chưa biết mua thứ gì phù hợp với vị trí xã hội của mình, nhìn vào đó mua theo.
Trong các liên hoan phim hoặc những sự kiện lớn, hình ảnh các sao chưng diện sang trọng với nữ trang giá hàng triệu đô la, quần áo hiệu này, hiệu kia... thường được báo chí để ý, bình luận khen chê. Đây chính là thời điểm PR quan trọng nhất cho những ngưòi làm kinh doanh mài bóng thương hiệu của mình. Họ có thể cho mượn, thuê hoặc tặng không để các ngôi sao khoác lên người trong những dịp trọng đại. Ngay cả Paris Hilton, Lindsay Lohan cũng không bỏ lỡ cô hội diện các trang phục này.
Tại Việt Nam giờ đây cũng bắt đầu có hiện tượng một số hãng tặng sản phẩm cho những người nổi tiếng qua các event hay buổi triển lãm sản phẩm. Tuy nhiên, việc này không phổ biến bằng những clip ngôi sao quảng cáo sản phẩm trên ti-vi. Những món hàng được quảng cáo thường là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như dầu gội, mì ăn liền, kẹo cao su... Vì thế, một số ngôi sao Việt Nam vẫn phải chứng tỏ đẳng cấp của mình bằng việc ra nước ngoài mua sắm hàng hiệu để show ra mỗi khi có dịp!
Có tiền, tiêu tiền không phải là một cái tội. Nhưng hãy tiêu hợp lý
Tôi không viết bài này để chê trách hay bài xích những người giàu có, thích mua sắm. Mức sống ngày càng cao, nhu cầu hưởng thụ càng mạnh chứng tỏ xã hội ấy đang trên đà tiến triển. Việc thay đổi một lối sống, một phong cách sống là đáng mừng.
Khi về nông thôn, đương nhiên tôi thích vừa hưởng không khí trong lành ngoài trời vừa hưởng tiện nghi trong nhà với bếp lát gạch trắng, toilet giật nước hơn nhà bếp ám khói củi than, ngồi cầu cá tõm. Đương nhiên tôi thích xài mỹ phẩm nổi tiếng, có nhiều tinh chất cao cấp, bởi vì nó phù hợp với làn da đang bị lão hóa của mình. Tôi cũng thích mua những loại tơ, chiffon, linen để may quần áo vì các chất liệu ấy giúp tôi thấy thoải mái và tự tin hơn.
Nhưng vẫn loại chiffon, linen ấy mà trong hiệu quần áo bán giá gấp mười lần khi may, tôi sẽ không mua vì sẽ cảm thấy rất xót xa, vô lý cho túi tiền của mình. Tôi có thể mua một cái đầm hàng hiệu vì biết chắc rằng vải ấy, kiểu dáng ấy không thể "nhái" được. Vì cái áo đó có thể giúp tôi dự những buổi tiệc long trọng, xứng đáng với vị trí xã hội của mình. Tôi sẽ không mua cái áo đó chỉ vì muốn khoe mẽ một lần rồi vĩnh viễn cất vào tủ áo hoặc mua chỉ vì cô A, cô B bạn mình cũng có một cái cùng nhãn hiệu.
Có tiền, tiêu tiền không phải một cái tội, nhất là khi đồng tiền đó do chính công sức của mình làm ra. Thế nhưng, đồng tiền do mồ hôi, nước mắt mà có phải được trân trọng. Và nhất là tiêu sao để không "lòi cái dốt" của mình cho người khác chê cười.
Theo HerWorld.