Con đường gốm sứ mang tên Hanel?Hanel là một trong số những "Mạnh Thường Quân" cho công trình nghệ thuật công cộng này.Thế nhưng, cách thể hiện dấu ấn nhà tài trợ khiến nhiều người e ngại.

Tên nhà tài trợ nổi hơn tác phẩm

Đoạn tranh tường này lấy gam màu xanh làm chủ đạo với hình ảnh đàn cá tung tăng bơi lội trong sóng đại dương cùng những loài thủy sinh dưới biển. Bởi thế, những khối chữ to vuông vức màu đỏ kia trở nên nổi bật.

 

Trước đây, nghệ sĩ thị giác Trần Lương là một trong những người nhiệt thành ủng hộ con đường gốm sứ, nhưng gần đây ông cho biết không thỏa mãn với sự “đuối” dần về chất lượng nghệ thuật của công trình này. Ông Lương lý giải có thể là vì “phải chiều lòng ai đó”. Với thiện chí muốn chất lượng của dự án được nâng cao, nghệ sĩ này cho rằng không nên thể hiện nội dung tuyên truyền, cổ động, đồng thời loại bỏ một số lỗi về văn hóa. Ông Lương cũng bày tỏ thất vọng khi biết tên của nhà tài trợ xuất hiện nổi bật trên tác phẩm này.

Không ít người trong giới cũng e ngại, vì con đường gốm sứ mới đi được 1/6 chặng đường, nhưng nhiều “trắc trở”. Sự “lép vế” của các nghệ sĩ trước nhà tài trợ được nhà văn Trần Thị Trường nhận định là “sự dâng hiến không vô tư”, và bà cho rằng nhà tài trợ nên ẩn đi, tránh ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật, thay vì phải đặt dấu ấn của mình lên tác phẩm.

Về vấn đề này, họa sĩ - nhà báo Nguyễn Thu Thủy, người chịu trách nhiệm chính của dự án cho biết, vinh danh nhà tài trợ là điều phải làm, nhất là với các nguồn xã hội hóa. Cách làm thông thường là chỉ gắn logo lên tác phẩm, giống như với công ty May 10 trong đoạn tranh gốm sứ tại nút cầu vượt Chương Dương. Tuy nhiên, cái khó trong trường hợp này là logo của Công ty Điện tử Hà Nội chưa thống nhất, nên phải chọn giải pháp gắn tên. Bà Thủy thừa nhận: “Đúng là khi ghép xong mới thấy không ổn so với phác thảo bối cảnh trước đó”.

Bà Thủy cho biết mình dốc hết tâm huyết, thời gian và tài chính cho dự án “để đời” này nên quyết không thất bại, sẽ lắng nghe các góp ý và chỉnh lại tác phẩm. “Chữ Hanel được ghép lại từ các mảnh gốm, nên việc bóc ra để sửa đơn giản thôi. Việc điều chỉnh sẽ sớm được tiến hành để đảm bảo tính thẩm mỹ”, bà Thủy nói.

Những khó khăn

Con đường gốm sứ đang phải đối mặt với chồng chất khó khăn, nhất là vấn đề tài chính. Theo bà Thủy, dự án giờ đây phải trông chờ đầu tư từ các nguồn lực xã hội hóa, vì Quỹ Ford, một trong những “bầu sữa” tài trợ chủ lực của Con đường gốm sứ, đã tuyên bố đóng cửa văn phòng tại Việt Nam (VN).

Khi Quỹ Ford còn hoạt động ở VN, người đại diện là tiến sĩ Michael DiGregorio đáp lại những băn khoăn của giới nghệ sĩ rằng, con đường mới tiến hành được 1km, còn hơn 5km nữa mới hoàn thành, nên quá sớm để nói điều gì, và ông “mời các nghệ sĩ chung tay sáng tạo”.

Việc quỹ Ford đột ngột dừng hoạt động tại VN, khiến dự án chuyển đổi không gian công cộng này “lao đao”, bà Thủy và các đồng nghiệp “tự bơi” bằng cách tìm nguồn trang trải chi phí sáng tác từ các nguồn xã hội hóa. Khẳng định dù khó khăn đến mấy cũng phải hoàn thành tác phẩm có chất lượng, bà Thủy bày tỏ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến mà đặc biệt là đóng góp tài chính từ các cá nhân, tập thể cho tác phẩm chào mừng 1.000 năm Thăng Long này.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC