"Đề ra cho chúng con viết một bài văn ngắn không quá 600 từ trình bày về suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và cuộc sống... Con biết viết thế nào đây?"
Đứa cháu họ xa sống ở quê năm nay lên Hà Nội thi đại học. Trước khi đi, mẹ nó gạt nước mắt đưa tiền vừa bán con trâu cho nó dắt lưng. "Con ơi, nhớ nhé, tiền này là mồ hôi và nước mắt của cả gia tộc, mấy đời dành dụm mới có... ".
Hôm qua, đi thi về, nó kể: "Bác ạ, con chưa đủ khả năng để đọc được nguyên văn bản tiếng Anh, Bức thư của Abraham Lincoln* gửi cho thầy hiệu trưởng nơi con trai ông theo học, nhưng con thuộc nhiều phần của bức thư đó (đã được dịch ra tiếng Việt qua mạng nhân 20/11/2004). Thuộc vì thấy hay quá! Không ngờ đề thi lần này lại liên quan đến bức thư ấy bác ạ...". "Thế thì nhất con rồi" - tôi nói.
Thằng cháu vẫn băn khoăn: "Đề ra cho chúng con viết một bài văn ngắn không quá 600 từ trình bày về suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và cuộc sống... Con biết viết thế nào đây?
Cứ lý thuyết mà viết thì dễ rồi. Đi thi không mang theo phao, không copy bài người khác, không... Nhưng còn trong cuộc sống... Bác ơi, trong cuộc sống con thấy, trung thực chỉ gặt hái những đau khổ cho bản thân và cho gia đình...
Tôi hiểu nỗi băn khoăn của cháu. Nhưng tôi khuyên cháu hãy bình tâm lại. Bài thi đằng nào cũng đã viết xong rồi. Sau thi, hãy đọc kỹ bức thư ấy lại một lần và nhiều lần nữa. Cháu sẽ tìm thấy những lời giải đáp cho cả tình huống cuộc sống mà cháu vừa kể.
"Thưa thầy... không phải cuộc sống lúc nào cũng công bằng, cũng như không phải mọi người ai cũng chân thật. Nhưng xin thầy dạy cho cháu biết rằng, cứ một tên vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực...Trong xã hội nếu có một chính trị gia ích kỷ thì cũng có một nhà lãnh đạo tận tâm...
Xin thầy dạy cho cháu biết rằng một đồng kiếm được do sức lao động của mình bỏ ra quý giá hơn nhiều so với 5 đồng nhặt được trên hè phố... Xin thầy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại cũng như cách tận hưởng niềm vui chiến thắng... Xin thầy dạy cho cháu chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi.
Và xin giúp cho cháu có niềm tin vào bản thân, với những ý kiến riêng của mình, dù nhiều người cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm... Xin thầy dạy cho cháu biết phải lắng nghe...nhưng cũng xin thầy dạy cháu cách sàng lọc những gì nghe được qua tấm lưới chân lý...".
Tôi bảo cháu, quê mình còn quá nghèo, nhiều người chỉ có ăn và học còn học không giỏi, nhưng cháu vừa giúp mẹ việc đồng áng nặng nhọc, vừa học giỏi như vậy là cháu đã biết cách học. Cháu đã biết đến "thế giới kỳ diệu của sách" và cháu sẽ học cách, sẽ giành thêm thời gian "để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống...".
Đêm đã khuya, tôi khuyên cháu đi nghĩ để ngay mai tiếp tục những bài thi mới. Tôi cũng mượn lời trong bức thư đó của Abbraham Lincoln (vị tổng thống Hoa Kỳ thư 16, người giải phóng vĩ đại, đã dẫn dắt nước Mỹ qua cuộc khủng hoảng to lớn thế kỷ 19) để nói với cháu rằng: " ....cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân, bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại...".
Và muốn có niềm tin đó, cháu hãy không ngừng học hỏi, tìm hiểu thế giới, làm chủ cuộc sống của mình bằng năng lực mình có. Tính trung thực hôm nay khiến con người có thể bị thiệt thòi nhưng vĩnh viễn nó đem lại cho người đó một sức mạnh vô bờ bến.
* Nguyên bản bằng tiếng Anh "Abraham Lincoln’s letter to his Son’s Teacher"
Trần Thị Trường.