Nếu như trước đây phim truyền hình vẫn chỉ thấy luẩn quẩn vài tên tuổi đạo diễn quen thuộc thì nay, có khá nhiều bộ phim đầu tay của những tên tuổi đạo diễn trẻ
Khi làn sóng sản xuất phim truyền hình không gì cưỡng lại được và đạo diễn trở nên “khan hiếm, cao giá”. Nhà sản xuất không còn kiên nhẫn “chọn mặt gửi vàng” nữa nên phải tìm đến lực lượng đạo diễn trẻ.
Đây là cơ hội để các đạo diễn trẻ có nghề được góp sức vào phim truyền hình. Những gương mặt trẻ đã, đang thực hiện những phim đầu tay có thể kể đến Quang Minh, Văn Thảo, Đặng Thái Huyền, Lê Hoài Vũ, Bùi Quốc Bảo, Đinh Thái Thụy...
Cơ hội và thách thức
Dù đã được đóng vai trò “đầu tàu” của đoàn phim nhưng các đạo diễn trẻ không giấu được nỗi lo âu khi lần đầu tiên đảm nhận một phim truyền hình dài tập. Đặng Thái Huyền, hiện đang “Nam tiến” làm phim Thiên đường vắng em (do hãng TV Plus đầu tư sản xuất), nói có lúc chị bị ngợp khi “tốc độ làm phim trong Nam rất khác ngoài Bắc”. “Thời gian gấp rút quá khiến tôi cứ phải chạy theo thực hiện cho kịp tiến độ.
Có những lúc tưởng như mình có thể gục ngã trên trường quay vì quá sức nhưng rồi mọi việc cũng qua” - nữ đạo diễn trẻ hiếm hoi của phim truyền hình chia sẻ.
Đinh Thái Thụy, đồng đạo diễn phim Về đất Thăng Long, cũng cho biết: “Được đảm nhận trọng trách đồng đạo diễn trong phim, với tôi cũng là một áp lực lớn, sự khởi đầu nào cũng khó khăn nhưng tôi biết mình phải cố gắng và có thể thực hiện tốt”. Còn Bùi Quốc Bảo trước nay chỉ có cơ hội hoạt động ở lĩnh vực sân khấu, nay ra mắt phim đầu tay Ngôi đền cổ tích cũng không tránh khỏi lo âu, anh trải lòng chân thật: “Phim truyền hình đầu tay, nếu có những thiếu sót, sơ suất cũng mong nhận được sự thông cảm từ khán giả”.
Người trẻ có nhiệt tâm, có đam mê nhưng thiếu trải nghiệm và đôi khi thiếu sự quyết đoán, thiếu bản lĩnh sáng tạo là một thực tế không thể phủ nhận. Đã từng có trường hợp nhà sản xuất phải “thay ngựa giữa dòng” khi đạo diễn trẻ không đủ sức đảm đương trách nhiệm và không chịu đựng được áp lực làm phim.
“Rất khó để đạo diễn trẻ tiếp cận được với phim truyền hình khi mà các nhà sản xuất bao giờ cũng luôn chọn giải pháp an toàn, không ai dám mạo hiểm giao phim cho người trẻ. Vì vậy, một khi đã nhận phim thì chỉ còn biết cố hết sức mình. Được giao phim, với người trẻ vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn lao” - đạo diễn trẻ Đinh Thái Thụy bày tỏ.
Nhiều người còn đứng bên lề
Người trẻ không dễ có cơ hội làm phim, nhiều thế hệ sinh viên khoa đạo diễn ra trường phải kiếm sống bằng những công việc khác. Đạo diễn Đặng Thái Huyền nói rất ít bạn bè cùng khóa đạo diễn với chị trụ lại được với nghề. Thật vậy, các đạo diễn trẻ tâm huyết sau khi ra trường có thể tiếp tục làm phim ngắn nhưng cũng chỉ là một sân chơi cho sáng tạo nghệ thuật của cá nhân chứ không phải là tiền đề tạo dựng sự nghiệp cho nghề đạo diễn.
Sau những dự án phim ngắn thực hiện để “tạo niềm tin”, rất hiếm đạo diễn trẻ bước ra làm phim truyền hình. Những cái tên đạo diễn từng đoạt giải tại các liên hoan phim ngắn những năm trước, như: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Chi, Nguyễn Nhật Duy, Trương Anh Minh, Lý Minh Thắng... bây giờ đã mất hút. Sau giải Bông sen vàng cho phim 13 bến nước, nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền mới nhận được nhiều lời mời làm phim từ các đơn vị tư nhân.
Còn Đinh Thái Thụy từng đoạt giải Cánh diều bạc tại Liên hoan Phim ngắn 2008 với phim Bờ bên kia, mới có cơ hội làm đồng đạo diễn bộ phim đầu tay Về đất Thăng Long (do Hãng phim M&T Pictures sản xuất, vừa được khởi quay vào ngày 21-8)
Một đạo diễn trẻ thẳng thắn: “Khi trong tay mình chưa có gì thì không ai dám giao phim cho mình cũng là điều dễ hiểu thôi. Vậy thì thay vì ngồi chờ cơ hội đến, hãy tự mình đi tìm kiếm nó. Nếu anh không đủ niềm đam mê cho sáng tạo và theo đuổi đường dài cũng đừng trách sao nghề đã phụ mình”.
Lựa chọn cách “đi đường vòng” để có thể làm nghề phải kể đến Hoàng Vinh. Hàng mấy năm ròng rã Vinh ở vị trí phó đạo diễn của gần 20 bộ phim, trong đó có những phim được khán giả rất yêu thích, như: Giọt đắng, Miền đất phúc... Hoàng Vinh đùa rằng “phó đạo diễn nhiều khi cũng đắt sô và cực như đạo diễn, chỉ là tên tuổi của mình ít ai biết đến”.
Bản thân anh cũng phải xoay hết phim này đến phim khác nhưng với anh thì “không quan trọng việc mình được đứng tên đạo diễn phim hay không mà chỉ cần làm được công việc mình yêu thích và sống được với nghề”. Công việc của một phó đạo diễn cũng giúp Vinh học hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ phim trường đủ để anh tự tin bước vào vai trò đạo diễn.
Theo Người lao động.