“Mỗi tối chiếu “Ma làng”, Đài thu được 700 triệu đồng tiền quảng cáo, gấp 10 lần tiền làm phim” (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần)
Hàng trăm tập phim nội ồ ạt nối nhau lấp sóng, hàng loạt các đề tài từ nông thôn đến thành thị, từ thời bao cấp đến xã hội hiện đại, từ giải trí nhẹ nhàng đến chính luận gai góc... liên tục ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ trong giờ vàng phim Việt.
Tuy nhiên số phim đủ sức kéo khán giả ngồi lại theo dõi từ đầu đến cuối chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí ngay cả những phim có chất lượng và được đánh giá cao cũng chưa thực sự làm người xem thấy “đã”...
Ít bột khó gột nên hồ
Chưa “đã” không phải bởi kịch bản chưa hay, góc quay chưa đẹp, đạo diễn chưa xuất sắc hay diễn viên đóng chưa đạt, mà tiếc vì nếu phim được làm kỹ hơn, sâu hơn thì chắc chắn sẽ còn hay hơn nữa. Mà nguyên nhân sâu xa theo các nhà làm phim đều xuất phát từ việc thiếu kinh phí.
Chẳng vậy mà khi “Ma làng” vừa đóng máy và vẫn chưa ra mắt trên sóng nhà đài, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến đã tiếc nuối bày tỏ vì thiếu kinh phí mà nhiều cảnh quay đã không thể thực hiện được, chất lượng phim chỉ bằng 70% ý đồ kịch bản, mặc dù cả đoàn làm phim đều đã chịu cảnh bị “lõm” và ròng rã ăn kham ở khổ tại một xí nghiệp khai thác đá đã phá sản ở Lương Sơn (Hòa Bình).
Còn đạo diễn Nguyễn Hữu Phần ngậm ngùi thổ lộ phim ra đời được như thế là nhờ anh em diễn viên không câu nệ tính toán chuyện cát-xê, làm việc như “điên” và hăng say trong thiếu thốn đủ bề, đơn cử như cát-xê mà nhân vật Ló (Kim Oanh) nhận được trong cả bộ phim chỉ có 7 triệu đồng.
Cũng theo đạo diễn này, với các bộ phim do Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) sản xuất, Đài THVN chỉ đầu tư khoảng 70 triệu đồng cho một tập phim dài 50 phút. Mức đầu tư này được áp dụng đồng hạng cho cả đạo diễn gạo cội hàng chục năm trong nghề lẫn đạo diễn trẻ mới ra trường, với những phim phải tốn nhiều công sức và tiền bạc dựng bối cảnh như chiến tranh bom đạn, phải lặn lội về vùng rừng núi, nông thôn cũng như phim quay ngay chính giữa thành phố, phim huy động đông lẫn phim ít diễn viên...
Đã vậy, sau khi trừ tất cả các khoản như tiền lương, máy móc thiết bị thì đạo diễn chỉ còn cỡ từ 32 - 35 triệu để làm phim. Bởi thế việc đầu tiên người đạo diễn làm phim như ông nghĩ đến không phải là dồn sức sáng tạo nghệ thuật ra sao mà là tính toán chi tiêu như thế nào trong số tiền eo hẹp cho hợp lý.
“Cái giá này vẫn giữ nguyên như thời bát phở có 3.000 đồng trong khi tất cả mọi thứ đều đã tăng lên một cách chóng mặt!” - ông tâm sự.
“Con đẻ” thiệt hơn... người ngoài
So với các đơn vị xã hội hóa là công ty tư nhân tham gia làm phim truyền hình thì mức đầu tư này quả là sự chênh lệch đáng giật mình. Bởi cũng với thời lượng phát sóng như trên song mức trung bình được các đơn vị xã hội hóa đầu tư sản xuất phim để bán lại cho đài truyền hình là 180 - 200 triệu đồng/tập.
“Chơi” mạnh tay hơn hẳn so với đơn vị làm phim Nhà nước là vậy song NSƯT Chánh Tín - Giám đốc Hãng phim Chánh Phương vẫn cho rằng mức đầu tư như thế vẫn là quá thấp. Theo anh, để làm được bộ phim truyền hình hay và ít “sạn” thì cần ít nhất 500 triệu đồng cho mỗi tập phim trở lên và phải làm kỹ trong 15 ngày thay vì dăm bảy ngày như hiện nay.
Đó là chưa kể hiện nay nhà đài còn đang áp dụng mức thưởng 3% lợi nhuận thu được từ phim đối với các đơn vị này nếu tác phẩm tạo được tiếng vang và đóng góp nhất định vào thành công của chương trình. Trong khi ấy, được biết mặc dù VFC là “con đẻ” nhưng lại không có được “ân huệ” ấy.
Ngay cả những phim thu hút số lượng quảng cáo vượt xa tất cả các phim khác thì đơn vị này cũng chỉ nhận được Giấy khen hoặc cùng lắm là một số tiền mang tính chất... tượng trưng.
Tăng tiền đầu tư hay trích % doanh thu?
Không phải đến bây giờ sự bất hợp lý trong việc áp dụng mô hình đầu tư đồng hạng trên mới được các nhà làm phim thẳng thắn nhìn nhận. Tuy nhiên theo đạo diễn Khải Hưng - Giám đốc VFC, để khắc phục tình trạng này không phải việc một sớm một chiều, vì nếu điều chỉnh để phim này được đầu tư ở mức cao hơn đồng nghĩa với việc phải hạ giá phim khác xuống để bù đắp.
Trong khi giá sàn và giá trần để sản xuất phim đã ở mức quá thấp rồi nên không thể điều chỉnh như thế được. “Đó là sự bất hợp lý mà chúng tôi đang đề nghị điều chỉnh để tạo sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa VFC với các đơn vị xã hội hóa. Đã đến lúc giá làm phim cần phải được tăng lên” - đạo diễn Khải Hưng thừa nhận.
Tuy nhiên xung quanh phương án tăng tiền đầu tư cho mỗi tập phim cũng còn nhiều bàn cãi. Bởi công bằng mà nói, đánh giá chất lượng hay/dở của một bộ phim chưa thể chỉ căn cứ vào kịch bản ban đầu hay tên tuổi của một đạo diễn nào đó mà còn phải chờ phản ứng của khán giả sau khi nó đã được công chiếu.
Hơn nữa, theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nếu tăng mà không có sự phân bố điều chỉnh hợp lý thì rốt cuộc vẫn tạo ra sự đồng hạng - chỉ có điều đồng hạng cao hơn mức cũ và không giải quyết được vấn đề gì cả. Thay vì cách này, ông kiến nghị nhà đài nên trích 5% lợi nhuận thu được từ quảng cáo để thưởng cho những bộ phim hay và được khán giả yêu quý.
Ngược lại với những phim không hút khách, không đem về nhiều quảng cáo thì không có quyền phát sóng và phải đền. “Nếu có chế độ thưởng phạt rõ ràng như thế, ngoài số tiền được đầu tư ban đầu, tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền túi ra để làm phim có chất lượng tốt nhất, thu về nhiều quảng cáo và để công sức cả đoàn phim được đánh giá xứng đáng sau đó” - vị đạo diễn “Ma làng” thổ lộ.
Thiếu kinh phí phải chăng cũng là lý do khiến mảnh đất giờ vàng màu mỡ là thế nhưng chưa hút được nhiều ngôi sao trong giới giải trí mà quanh đi quẩn lại vẫn là những gương mặt diễn xuất quen thuộc. Còn các nhà làm phim chưa kịp sáng tạo nghệ thuật đã phải đau đáu nỗi lo cơm áo gạo tiền?
Theo Bích Hậu
An Ninh Thủ Đô