Đi chợ Chuộng... đánh nhau cầu may“Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ mồng sáu chợ Chuộng”, cứ đến mồng 6 Tết hàng năm, người già, trẻ nhỏ lại nô nức kéo về chợ Chuộng để đánh nhau, cầu cho một năm mới khỏe mạnh, phát tài.

Choảng nhau bằng cà chua, trứng thối và... kiếm

Nằm ven bên con sông Hoàng, thuộc địa phận đội 5, xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), từ 5h sáng mồng 6 Tết, chợ Chuộng đã tấp nập người ra vào, càng về trưa lại càng đông. Đến chợ để thưởng thức các món bánh, bát phở hay mua một vài món đồ chơi dân gian, họ cho rằng như thế để lấy may mắn.

Các cụ cao niên kể rằng, ngày xưa, vào thời Lê Lợi có một vị tướng đánh giặc chạy ngang qua làng này thì bị kẻ địch vây bắt. Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng đã huy động nhân dân quanh vùng đó họp chợ để che mắt quân thù. Vũ khí được giấu trong những gánh hàng.

Quân địch tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường, mất cảnh giác nên khi vị tướng phát lệnh, dân làng bất ngờ tấn công khiến quân địch không kịp trở tay. Để tưởng nhớ chiến công đó, cứ đến ngày mồng 6 Tết là người dân quanh vùng lại tụ tập họp chợ.

Cà chua là món hàng bán chạy nhất tại chợ
            Chuộng. Ảnh: Công Sơn
Cà chua là món hàng bán chạy nhất tại chợ Chuộng. Ảnh: Công Sơn

Tuy nhiên, những năm gần đây, chợ Chuộng dần trở thành nơi để thanh niên làng này với làng khác giải quyết ân oán, thù hằn. Du khách đến chợ Chuộng phần nhiều để ăn chơi, đánh bạc và đánh nhau, hoạt động mua bán thì ít, cầu may đổ rủi thì nhiều.

Đặc biệt người đến chợ Chuộng dù là không quen biết, nhưng hễ gặp nhau là họ… choảng nhau bằng cà chua, táo, trứng thối. Những trận “mưa cà chua” túi bụi vào một nhóm con gái nào đó, hoặc ngược lại. Họ cho rằng đó là cách “tỏ tình” với nhau hay trao niềm may mắn cho nhau khi đi chợ Chuộng.

Năm nào tại chợ Chuộng cũng có những trận đánh nhau lớn. Người đến phiên chợ mua bán may rủi ngày một đông thì các vụ đánh nhau ngày càng nhiều.

Cứ tầm giữa phiên chợ thì cảnh các toán thanh niên làng này với làng khác cầm dao, kiếm rượt đuổi nhau làm náo loạn cả chợ. Nhiều cuộc tỉ thí, đâm chém công khai gây thương tích khiến nhiều người dân sợ hãi bỏ về. Có năm đã xảy ra án mạng sau những vụ cuộc giải quyết ân oán.

Đi chợ Chuộng... đánh nhau cầu may_0
Ném nhau là cách “tỏ tình” ở chợ Chuộng. Ảnh: Công Sơn

Cách đánh nhau ở chợ Chuộng cũng “rất chợ”, có nghĩa là không theo một quy định nào cả. Không phải vì hiềm khích, thù oán với nhau, mà họ đánh nhau vì muôn ngàn lí do kháu nhau.

Theo quan niệm của người dân địa phương, năm nào chợ Chuộng đánh nhau không to thì năm đó dân làng làm ăn kém may mắn.

Giải quyết ân oán từ năm này qua năm khác

Chợ Chuộng năm nay có khoảng hơn 2.000 người đổ về từ các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và Thiệu Hóa.

Chính quyền  địa phương nơi đây đã huy động hết lực lượng để đảm bảo an ninh, trật tự cho phiên chợ. Dù vậy, họ vẫn không thể giải quyết xuể.

Anh Lê Văn Thường  - cán bộ công an xã Thiệu Lý cho biết: “Chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng để trấn áp, bảo vệ phiên chợ. Mặc dù đã kiểm soát hết sức chặt chẽ nhưng có quá nhiều vụ ẩu đả  quá chớn liên tiếp nhau nên không sao ngăn được”.

Đang trò chuyện với chúng tôi, anh Thường phải cùng lực lượng công an chạy ra nơi đám đông phía ven đê giải quyết vụ đánh lộn. Một tốp thanh niên khoảng 8-9 người dùng dao, phớ đuổi hai thanh niên khác chém liên tục vào lưng khiến hai anh phải nhảy xuống sông thoát thân. Đám thanh niên định dùng gạch, đá ném tiếp nhưng lực lượng công an và dân quân đến can thiệp nên đám thanh niên mới bỏ chạy.

Đi chợ Chuộng... đánh nhau cầu may_1
Trò  "Tôm cua cá" của người dân khi đi chợ Chuộng. Ảnh: Công Sơn

Ngay sau đó, ở phía cuối góc chợ lại xảy ra vụ ẩu đả mới. Nhóm thanh niên khác cướp dao của người bán thức ăn gia súc rượt đuổi đối phương nhưng rất may lực lượng công an địa phương có mặt kịp thời nên chưa xảy ra sự việc đáng tiếc.

Tan chợ, chúng tôi lại chứng kiến một toán thanh niên xã Đông Hoàng đưa một người bạn trong nhóm bị thương tích nặng ra về. Mấy anh thanh niên bực tức hét toáng lên: “Năm nay bị đòn nặng quá, đợi đến phiên chợ Chuộng năm sau ông cho bọn mày biết tay...”.

Công Sơn - Hải Trung Kim




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC