Theo báo cáo mới nhất của LHQ về tình hình di cư quốc tế, thế giới có gần 258 triệu người di cư tới nước khác, tương đương 3,4% dân số toàn cầu.
Cụm từ "người di cư" chỉ chung những người di chuyển tới nước khác để sống. Chúng ta có thể phân biệt rõ các đối tượng này dựa vào mục đích mà họ rời quê hương gồm: người tị nạn, người di trú hoặc người nhập cư.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, một hình thức khác cũng đang nổi lên. Theo đó, nhiều bà mẹ ở các nước châu Á như: Trung Quốc, Ấn độ, Philippines và cả Việt Nam lựa chọn nước Mỹ để sinh con với mong muốn con có quốc tịch Mỹ. Mặc dù đã kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng vẫn chưa có quy định ngăn việc cung cấp dịch vụ khách sạn cho người nước ngoài đến Mỹ sinh con. Do đó, các quan chức Mỹ đang rất đau đầu tìm cách khống chế trào lưu này.
Để có thể định cư ở nước ngoài, có nhiều cách và một trong số đó là lấy chồng. Tuy nhiên, không phải ai lấy chồng nước ngoài cũng có được cuộc sống hạnh phúc. Với nhiều cô gái người Pakistan, ngôi nhà mới đó là địa ngục trần gian.
Trong thời gian qua, Cục Điều tra Liên bang Pakistan đã bắt giữ hàng chục công dân Trung Quốc thuộc một mạng lưới tội phạm lớn. Những kẻ này chuyên dụ dỗ những gia đình Pakistan nghèo khó gả con gái cho đàn ông Trung Quốc để lấy tiền, nhưng thực tế chúng ép các cô gái đi bán dâm hay làm nô lệ.
Đến châu Âu để lao động rồi ở lại luôn, đó hẳn là giấc mơ của nhiều người. Tuy nhiên, có một góc tối mà không nhiều người biết. Tại Italy, những người lao động nhập cư thu hoạch rau quả chỉ nhận tiền công vài Euro cho mỗi giờ làm việc. Đa số người lao động này phải trả hàng nghìn Euro cho những kẻ buôn người để có được giấy tờ đến và làm việc ở Italy. Kết quả là nhiều người mắc nợ trong điều kiện sống và làm việc rất tồi tàn. Dù lương tối thiểu ở Italy vào khoảng 9 Euro/h, các nông dân này chỉ được trả bằng 1/3 mức tiền công tối thiểu đó. Nhiều người Ấn Độ làm việc 7 ngày/tuần, trong mùa thu hoạch làm tới 12 - 13 tiếng/ngày.
Theo báo cáo về chất lượng cuộc sống của các quốc gia trên thế giới Expat Insider 2018, Việt Nam xếp hạng 14 thế giới về mức độ đáng sống đối với người nước ngoài, xếp thứ 6 về chỉ số thân thiện và chỉ số hạnh phúc cá nhân.
Đặc biệt, Việt Nam đứng đầu trong hạng mục dễ tìm việc làm.
Việt Nam có nhiều điểm sáng như: văn hóa đậm đà bản sắc, phong cảnh hữu tình, ẩm thực phong phú và nhất là con người.
VTV9.vn