Đứng đắn và Phát triểnĐã từ lâu, cuộc sống và nhất là nghệ thuật, chúng ta đề cao cái bên trong. Những gì "nội tâm" luôn luôn được đề cao. Đến mức độ nhiều kẻ phải cố sức bình sinh để nội tâm giả tạo.

Trong trang phục, chúng ta đã tiến những bước dài. Từ vẻ đẹp bên ngoài, đã tiến tới coi trọng vẻ đẹp bên trong. Chả còn quý cô hay quý ông lịch lãm nào hiện mang vẻ ngoài sang trọng nhưng bên trọng lại vận đồ lót tồi tàn. Đồ lót càng ngày càng đắt tiền, đôi khi còn đắt hơn cả đồ ngoài.

Có vẻ nói không ngoa nếu bảo rằng sự coi trọng đồ lót là một bước tiến của xã hội. Nó chứng tỏ các cá nhân đang tôn trọng mình hơn và biết đề cao những giá trị... không nhìn thấy.

Việc bùng nổ các nhãn hiệu đồ lót cả nam lẫn nữ, việc chúng được quảng cáo tuyệt đẹp và bày bán trong nhiều cửa hàng sang trọng chỉ nói lên một nấc thang phát triển của cuộc sống. Tuy không phải là nấc đầu tiên quyết định, nhưng chắc chắn chả phải nấc cuối cùng.

Tất cả các gia đình, bạn bè, lẫn các nhà lý luận đều khuyên lớp trẻ phải mặc đồ lót cho hợp vệ sinh và cho đẹp. Không ai khuyên chúng chỉ sắm cho có hoặc cho vừa.

Muốn mua đồ lót phải chọn lựa. Muốn chọn lựa phải được xem xét quần áo một cách chính xác thì phải thấy chúng được mặc lên người.

Vậy mà cho tới tận hôm nay, chúng ta vẫn chưa chấp nhận cho mặc quần lót, hay áo lót quảng cáo công khai. Nghĩa là, cấm mọi mục trình diễn thời trang đồ lót.

Bảo thủ hơn Tây đã đành, chúng ta còn bảo thủ hơn Tầu và các nước cạnh Tầu. Trong khi Trung Quốc, sự biểu diễn đồ lót chả hiếm hoi gì, có giấy phép đàng hoàng thì bên ta chỉ vô tình lộ đồ lót cũng có khả năng... sập cả chương trình.

Lý do người ta đưa ra là trình diễn đồ lót không thích hợp thuần phong mỹ tục. Cứ theo lời các nhà quản lý, khéo thuần phong là những gì bất biến muôn đời. Họ không chịu thừa nhận một tư duy biện chứng là khi xã hội phát triển, tư tưởng cũng phát triển theo, và mỹ tục cũng vậy.

Không cho quảng cáo đồ lót, không cho trình diễn đồ lót mặc dù nhu cầu thông tin của mọi người về thứ hàng hóa ấy đáng trân trọng thật là một nghịch lý không sao hiểu nổi.

Nếu nói vì an ninh xã hội hay về văn minh trong ứng xử, trong công việc thì tôi tin chắc chúng ta thua xa rất nhiều nước. Như Singapore chẳng hạn. Đấy là một quốc gia tỷ lệ tội phạm cực kỳ thấp. Vậy mà các tranh ảnh về người mẫu mặc đồ lót vẫn phóng to đùng và treo công khai, có thấy ai "chết" đâu. Tâm lý cái gì hơi nhạy cảm là sợ, sau đó hơi sợ là cấm khiến người sáng tác, người tiêu dùng và người trình diễn chán nản. Nó vừa mâu thuẫn với thực tế cuộc sống khi mà mạng internet đang kết nối toàn cầu, vừa biến chúng ta thành một cái thùng khép kín nhưng thủng tứ phương, ít ra trong lĩnh vực văn hóa.

Thỉnh thoảng tôi lại bật cười khi báo đăng nhà chức trách bắt quả tang chỗ này, chỗ nọ, chỗ kia trình diễn đồ lót lậu. Muốn có lậu thì phải có không lậu chứ? Mà đã bao giờ được phép đâu. Không được phép nhưng người ta càng ngày càng quan tâm, càng ngày càng hiểu giá trị và muốn làm đẹp thì người ta phải diễn chui, chứ sao bây giờ.

Biểu diễn thời trang đồ lót thì đã sao nào? Nếu như biểu diễn trong nhà, không cho trẻ em vô thì chả lẽ tất cả khán giả đều mang tư tưởng đồi trụy đến coi! Quả là một sự đề phòng quá mức tưởng tượng.

Ở nhiều xứ văn minh, từ lâu họ coi trình diễn đồ lót là việc nghiêm túc, sự đến dự cũng nghiêm túc. Còn mình, hình như chả tin ai cả. Người mặc đồ lót họ cấm đã đành, mới đây kinh ngạc khi thấy có quy chế cấm cả ma-nơ-canh mặc đồ lót. Những thứ ấy hãy treo trên sào và mắc trên đinh. Quả là buồn cho ngành dệt may... đồ lót.

Theo Đẹp.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC