Đừng để người nước ngoài chê cười chúng taXe buýt bỏ bến, một anh chàng ngoại quốc cao to thấy bóng dáng xe buýt thì chạy thật nhanh để được lên xe. Nhưng anh càng chạy, xe buýt càng lướt nhanh hơn…

Một tháng thì có đến gần 30 ngày tôi phải đi xe buýt. Đi học, đi làm thêm, đi chơi... những cảnh chen lấn xô đẩy ở bến xe buýt đã trở nên quá quen thuộc với những sinh viên như tôi.

Biết rằng, cơ sở hạ tầng giao thông nước nhà vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Dù trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện và nâng cấp các tuyến đường nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng tắc đường.

Ra đường phố muốn tìm được một không gian thoáng đãng để dạo chơi nhưng lại inh tai bởi những tiếng còi, tiếng hú, tiếng rồ ga của động cơ... Tất cả đã tạo nên một tạp âm không ai có thể thẩm thấu được.

Người ngoại quốc khi chưa đến Việt Nam chắc không thể hình dung ra những con đường “không có lối thoát” như ở nước ta. Nhất là khi họ trở thành người tham gia vào hệ thống giao thông đông đúc đó.

Chuyến xe buýt chạy trên đoạn đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) bỏ bến như bao chuyến xe đông người khác. Một anh chàng ngoại quốc cao to thấy bóng dáng xe buýt thì chạy thật nhanh để được lên xe. Nhưng anh càng chạy, xe buýt càng lướt nhanh hơn.

Không biết anh chàng kia có công chuyện gì gấp gáp mà phải “đi tắt đón đầu” đúng như cách của người Việt Nam đón bằng được chiếc xe buýt đó.

Anh ta cứ chạy, người lái xe cứ rồ ga, chỉ đến khi có tín hiệu đèn đỏ, lái xe mới chịu dừng lại. Liếc thấy anh chàng người Tây có vẻ “trẻ người non dạ”, người lái xe vẫn muốn “trêu ngươi” không mở cửa cho anh lên. Anh ta liều lĩnh chặn đầu xe lại, cuối cùng cũng được lên xe....

Mọi chuyện tưởng như dừng lại ở đó nhưng lên xe mọi người lời qua tiếng lại những câu khiếm nhã: “Đ.m thằng oắt con!...”, Ai dè, anh ta biết tiếng Việt, thậm chí nói một cách thành thạo.

Tôi nhớ như in trong đầu câu nói đầy ẩn ý của anh ta khiến tôi phải băn khoăn suy nghĩ mãi: “Ở nước tôi không có lái xe nào hành xử với hành khách như các ông...”.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập, giao lưu với các nền văn hoá khác. Xây dựng và giữ gìn hình tượng người Việt đẹp đẽ trong mắt người nước ngoài là việc làm hết sức cần thiết, nhất là khi cả nước đang hướng đến đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Người Hà Nội hãy giữ gìn nét đẹp văn hoá thanh lịch vốn có của người Tràng An.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC