Trò chơi ngày càng "chiếm sóng" nhiều hơn trên truyền hình, nhưng đã qua thời hoàng kim, để có khán giả, gameshow phải cải tiến về nội dung và hình thức.
Nếu tìm trên Google chuỗi ký tự “trò chơi truyền hình”, trong vòng 0,25 giây, cỗ máy tìm kiếm sẽ cung cấp 171.000 địa chỉ có bài viết ít nhiều liên quan đến nội dung này. Thuật ngữ “trò chơi truyền hình” cũng như các dạng chương trình mang yếu tố “game” xuất hiện ở Việt Nam trong vòng một thập niên qua nhưng đã và đang trở thành hiện tượng của truyền thông, giải trí, tốn nhiều giấy mực của giới báo chí…
Cuộc ra quân rầm rộ
Thực ra, trò chơi truyền hình đã ra đời từ lâu trên thế giới và cũng đã xuất hiện ở miền Nam trước 1975 dưới các hình thức đơn giản. Nhưng phải đến khi các dạng chương trình thi đố kiến thức, thi phản xạ, thi năng khiếu do VTV tổ chức cuối thập niên 90 như SV’96, Bảy sắc cầu vồng, Trò chơi liên tỉnh, Bạn yêu nhạc v.v… thì khái niệm này mới được dùng ở Việt Nam.
Trải qua nhiều năm hoàn thiện cùng với quá trình xã hội hóa, trò chơi truyền hình giờ đây thành món ăn khá đa dạng và xuất hiện trên hầu hết các kênh truyền hình trong nước.
Chưa có dạng chương trình truyền hình nào mà tốc độ phát triển vũ bão và phong phú như trò chơi truyền hình.
Từ những dạng thi đố ở sân khấu, phim trường với các đội chơi, các cá nhân, thiết kế sân khấu, phông màn, bục bệ đơn giản ban đầu, giờ đây, trò chơi truyền hình ở Việt Nam được sản xuất với công nghệ nhập ngoại không thua gì các đại gia trong làng truyền hình thế giới như Ai là triệu phú? (Who wants to be a millionnare?), Hãy chọn giá đúng (The price is right), Chiếc nón kỳ diệu (Wheel of Fortune)…
Có nhiều trò chơi truyền hình huy động hàng trăm người tham gia (như Đấu trường 100), có nhiều trò chơi truyền hình xây dựng phim trường riêng, thiết kế phần mềm ứng dụng riêng, âm nhạc riêng, hệ thống ánh sáng riêng, kỹ thuật thu hình rất riêng v.v…
Sân khấu Ai là triệu phú? là một ví dụ, hệ thống đèn được thiết kế để người chơi, khán giả cảm thấy hồi hộp theo diễn biến ngày càng căng thẳng của 15 câu hỏi. Câu hỏi càng về cuối, đèn càng mờ hơn. Hệ thống thiết bị cho Đấu trường 100 được thiết kế riêng và phải nhập ngoại.
Format các chương trình này ngày càng đa dạng hơn. Nếu từ khi mới xuất hiện ở Việt Nam, trò chơi truyền hình đa phần là những cuộc thi kiến thức với lượng câu hỏi khá nhiều, thậm chí có những câu hỏi, phần thi không thể “định lượng”, phải nhờ tới một Ban giám khảo (như thi thuyết trình, thi năng khiếu nghệ thuật v.v…) chấm “định tính” thì hiện nay, format các trò chơi truyền hình ít có tính chất “truyền bá kiến thức” mà tăng thêm sự bất ngờ, may rủi, đòi hỏi người chơi phải suy luận.
Đấu trường 100 |
Hãy chọn giá đúng! |
Rung chuông vàng |
Chiếc nón kỳ diệu chừng 5 câu hỏi (3 vòng chơi chính, một câu cho khán giả, một vòng đặc biệt); Rung chuông vàng có 20 câu hỏi, Ai là triệu phú 15 câu… nhưng ít trường hợp thí sinh đi tới câu hỏi cuối cùng.
Công nghệ hiện đại được tận dụng tối đa trong các hình thức trò chơi. Từ bảng điện tử cho hình thức trắc nghiệm (thay cho cách giơ bảng A, B, C thời xưa) hoặc sử dụng cho hàng trăm khán giả cùng vote… đến việc xử lý tín hiệu từ điện thoại trực tiếp, cắt không gian người chơi trong cùng một trận thi đấu v.v…
Nhiều trò chơi còn ứng dụng thủ pháp sân khấu để tạo ra không gian đa chiều hơn cho khán giả xem chương trình. Ở nhà chủ nhật có thể xem là trò chơi truyền hình đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng thủ pháp này khi các câu hỏi được thể hiện bằng tình huống do các diễn viên hài thể hiện. Rung chuông vàng cũng có một câu hỏi sử dụng thủ pháp sân khấu (các clip này làm theo hình thức cách điệu để tạo liên tưởng, suy luận cho thí sinh) để tránh hình thức đơn điệu do việc đọc trực tiếp câu hỏi của MC.
Nhiều trò chơi truyền hình không chỉ là cuộc thi kiến thức giữa các thí sinh mà là cuộc đấu trí, như một ván cờ. Trong format các trò chơi này, người thông minh và hiểu biết chưa chắc đã là người thắng cuộc.
Vài năm gần đây, xu thế làm truyền hình thực tế (reality TV) đã bắt đầu manh nha ở Việt Nam. Trò chơi truyền hình theo xu thế này cũng đã xuất hiện. Do đặc điểm văn hóa Việt, nhiều format các chương trình games thử thách, làm những hành động quái đản theo kiểu phương Tây không được chấp nhận, nhưng các dạng chương trình trò chơi truyền hình có “tính chất thực tế” đã được xây dựng. Phụ nữ thế kỷ 21, Khởi nghiệp của VTV… là những ví dụ sinh động về việc “Việt Nam hóa” một số mô hình game dạng này.
Câu chuyện xã hội hóa
Tất cả cải tiến liên tục như thế của trò chơi truyền hình ở Việt Nam nhằm phục vụ yêu cầu giải trí ngày càng cao, càng khắt khe của khán giả truyền hình. Bên cạnh nỗ lực của ngành truyền hình, sự phát triển trò chơi truyền hình ở Việt Nam có đóng góp lớn của quá trình xã hội hóa các hoạt động sản xuất chương trình.
Đầu tư sản xuất các trò chơi truyền hình khá tốn kém (tất nhiên không tốn kém bằng các phim truyền hình nhiều tập) nhưng dễ sản xuất và chào quảng cáo tài trợ hơn phim nên các công ty đua nhau làm tạp chí truyền hình, cuộc cạnh tranh này cũng để lại nhiều hệ lụy.
Quyền phát sóng trong tay các Đài, nói cách khác, nội dung chương trình do các Đài kiểm soát, các công ty truyền thông phải đi thăng bằng giữa một bên là lợi ích doanh nghiệp, một bên là yêu cầu, là định hướng của Đài.
Trong cuộc chơi này, các Đài mạnh luôn ở thế thượng phong, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để hợp tác thuận lợi, các Đài nhỏ vì áp lực doanh thu quảng cáo buộc phải chấp nhận chơi với các công ty truyền thông nhỏ và chịu nhiều thiệt thòi.
Sự phức tạp trong mua - bán sản phẩm truyền hình được sản xuất từ nguồn lực phi ngân sách đã dẫn thực trạng nhiều nội dung trò chơi truyền hình bị biến dạng cho phù hợp với đối tượng khán giả mà nhà tài trợ nhắm tới.
Siêu thị may mắn |
Mục đích giải trí lành mạnh của nhiều tạp chí truyền hình đã bị biến tướng. Và khi đài đài làm games thì khán giả bị bội thực, rating của trò chơi truyền hình hiện tụt hẳn so với hai năm trước.
Kiểu cạnh tranh sản xuất trò chơi truyền hình trong làng truyền thông dẫn đến tình trạng games show bị biến dạng về chất lượng chính trị, văn hóa, chuyên môn. Thực chất của nhiều sự “hợp tác” sản xuất chương trình trò chơi truyền hình ở một số Đài địa phương là bán sóng vì các Đài không tham gia bất cứ khâu nào trong quá trình sản xuất, chỉ sử dụng băng, đĩa do các công ty truyền thông mang đến.
Chúng ta có thể dễ dàng hình dung chuyện này như chuyện cách nay nhiều năm, các tờ báo in, các nhà xuất bản xin giấy phép ra phụ trương, ra sách và bán giấy phép này cho các công ty tư nhân (gọi là “đầu nậu”) mà báo chí liên tục lên tiếng.
Để thu hút khán giả, chiêu thức mà các nhà sản xuất trò chơi truyền hình sử dụng chính là mời các gương mặt nổi tiếng tham gia làm MC và làm thí sinh. Với những sân chơi như thế ở truyền hình cấp tỉnh, khán giả địa phương không còn cơ hội để được tham gia. Và không phải lúc nào người nổi tiếng cũng góp phần làm cho chương trình tốt lên.
Khán giả sẽ quay lưng?
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường truyền hình TNS, game show trên các kênh truyền hình lớn có rating người xem sau phim truyện nước ngoài. So với mua bản quyền phim truyện, việc sản xuất trò chơi truyền hình ít tốn kém hơn.
Vì thế, cuộc chạy đua trò chơi truyền hình trong cả nước đã góp phần làm cho loại hình giải trí này đang trong tình trạng bão hòa. Các công ty truyền thông nhỏ, chưa đủ thực lực thiết bị và con người để sản xuất, cũng tham gia vào lĩnh vực này.
Chiếc nón kì diệu đang mất dần khán giả |
Để giảm chi phí đầu tư, nhiều đơn vị đã xây dựng trò chơi truyền hình thuần Việt như VN quê hương tôi (BTV), Sóng nước phương Nam (VTV), Lướt sóng (VCTV)... Nhưng sản xuất trò chơi truyền hình không chỉ có ý tưởng mà cần công nghệ cao nên các chương trình này cũng không thu hút nhiều khán giả (có thể so sánh như khi xem đá bóng nước ngoài được ghi hình bằng 16 camera trở lên với xem các trận bóng giải V-Leage với 4 góc máy ghi hình, đó là chưa kể chất lượng trận đấu).
Nhưng lý do chính làm khán giả đang có xu hướng quay lưng với trò chơi truyền hình chính là sự đơn điệu. Chiếc nón kỳ diệu càng ngày càng ít khán giả háo hức đón xem dù có nhiều cải tiến về hình thức.
Lượng thông tin, tri thức thu thập từ các trò chơi truyền hình không nhiều và có khi lỗi kiến thức, những hạt sạn trong sản xuất chương trình không được sàng lọc kỹ càng làm khán giả khó tính phản ứng.
Bên cạnh đó, sự ra đời của các hệ thống truyền hình số với các gói kênh lên đến hàng trăm của HTVC, VTC, VCTV… đã cho khán giả Việt Nam ngày nay nhiều cơ hội xem các chương trình giải trí khác.
Trò chơi truyền hình chắc chắn sẽ là món ăn thực sự của khán giả nếu ở đó, họ cảm thấy mình được tham gia, được “tương tác” suy nghĩ với người chơi, được xem là một đồng chủ thể sáng tạo. Yêu cầu khắt khe ấy đòi hỏi các nhà sản xuất ngày nay phải tìm tòi nhiều hơn.
Theo Thanh Hòa