Giá của... saoCó một thời dư luận không ngớt xôn xao về chuyện thù lao của cô ca sĩ T cao đến nỗi không thể tính bằng tiền Việt mà phải tính bằng tiền USD, rồi xôn xao thêm rằng nàng Diva N chỉ thỏa thuận được bằng đồng Euro...

Chuyện giá trị đẳng cấp của các ngôi sao thể hiện qua mức thù lao biểu diễn đã trở nên quá quen thuộc trong giới nghệ thuật, trước khi người ta có cơ hội bàn luận, nhận định như thế đúng hay sai.

Lên lên, xuống xuống

Có một nguyên tắc bất thành văn lâu nay mà bất kỳ người trong nghề nào cũng đều tuân thủ hoặc tỏ ra tuân thủ là con mức trả thù lao cho ca sĩ như một vấn đề tế nhị, không được công khai lộ liễu. Việc thỏa thuận biểu diễn cũng thuộc phạm trù kinh doanh. Thế nhưng, vấn đề kinh doanh này không phải lúc nào cũng dễ dàng như cộng trừ nhân chia các con số.

Các bầu sô quả xứng danh là các nhà toán học tài ba, bởi họ thật tài tình khi ngày ngày phải lo việc xác định đúng tọa độ các ngôi sao mà "ngả giá". Này nhé, anh A cũng thuộc hàng sao ấy, nhưng lâu nay chẳng thấy có gì nổi bật, còn chị B cũng cùng thời đấy, nhưng dạo này vừa tham gia vai chính một bộ phim hơi rầm rộ, chị B đòi giá cao hơn một chút, hợp lý!

Này nhé, anh C mấy hôm trước show to năn nỉ với giá ngút ngàn không thèm đến, chờ xem, một vụ scandal ầm ĩ, lập tức show bé bé, caste tí tẹo cũng không vấn đề... Chỉ là mới nhắc sơ cái chuyện thiên thời, chứ nói về địa lợi thì còn phức tạp hơn nữa A, B, C, D.... nếu xét ra cũng là hàng sao ấy, nhưng còn phải xem diễn ở đâu? Thành phố hả? A, B giá loại 1. Đi tỉnh? Đỉnh cao phải là C, D...

Còn sự khác biệt về giá cả còn phụ thuộc vào tâm tính, tình cảm, mối quan hệ của đôi bên và đôi khi còn phụ thuộc vào thời điểm diễn ra sự kiện. Quy mô, tính chất các chương trình biểu diễn có thể từa tựa nhau nhưng ca sĩ có thể “làm giá” với ông bầu này khác hoàn toàn với ông bầu kia.

Khi đã có thể “làm mình làm mẩy”, hầu như các ngôi sao đều cho mình được cái quyền bộc lộ… cá tính “trái gió trở trời” và những cái ngông rất quái của người nghệ sĩ. Biểu giá của sao vì vậy mà không phải lúc nào cũng đặt trong cái khung cứng nhắc với các hạng mục A, B, C. Và sự lên lên xuống xuống cũng trở nên vô chừng, khó đoán là vậy.

Vô giá và không giá

Dường như người viết bài này đã hơi phàm tục khi “huỵch toẹt”  đủ thứ vấn đề kiểu thị trường, kiểu cung - cầu … để mổ xẻ khung giá của sao hiện nay. Nhưng quả thật, sự lên lên, xuống xuống của giá cả tại bầu trời nghệ thuật không bao giờ giống với ngoài đồng ruộng hay trong công trường. Và việc định giá các sao lắm khi không phụ thuộc vào tài năng hay sự đóng góp vào nền nghệ thuật nước nhà.

Mới nghe qua có vẻ phi lý, nhưng cứ ngẫm lại mà xem. Nếu là tài năng, thì tại sao có không ít những giọng ca “thường thường bậc trung” nhưng vẫn “nổi đình nổi đám” và catse vẫn cao gấp nhiều lần những giọng ca có kỹ thuật, được đào tạo, học hành bài bản? Nếu xét sự đóng góp, thì tại sao một NSND, NSƯT catse lại không bằng một ngôi sao thị trường rực sáng với những bài hát không thể đi cùng năm tháng? Và như thế cái giá ấy liệu có phản ánh giá trị đích thực?

Sẽ là thiếu sót rất lớn khi bàn đến giá của sao mà không nhắc đến chuyện… không giá. Những câu chuyện về cô ca sĩ T, anh nghệ sĩ L kiên quyết từ chối sô bạc triệu, nhưng sẵn sàng phục vụ miễn phí khi được đề nghị ở một sân khấu nhỏ xa xôi , cũng là chuyện không hiếm trong giới nghệ thuật. Chưa kể, thời gian gần đây, còn có hàng loạt các dự án toàn sao  xuất hiện nhưng giá cả thì miễn phí, vào cổng tự do, mục tiêu chủ yếu chỉ là phục vụ.

Sự không giá hay miễn phí của các sao ở đây phải hiểu thế nào? Còn nữa, có những buổi biểu diễn ở vùng xa, vùng sâu, catse chỉ là mớ ổi vừa hái được ở trên cây, quả bưởi ngon ngon trong vườn gửi tặng người nghệ sĩ? Giá ở đây được “định lượng” thế nào? Dẫu biết rằng “không giá” khác với “vô giá” rất nhiều, nhưng phải chăng ở đây cả hai đã hòa quyện thành một?

Theo Truyền Hình




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC