Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói: Hà Nội của ta đẹp thật, đẹp khủng khiếp, đẹp đến mức người ta đã phá nó ghê gớm, phá nó riết ráo thế mà nó vẫn còn đẹp như vậy.
Nhà báo Kim Dung: Văn hóa bản chất của nó là sự kết tinh một cách tinh túy nhất, những giá trị vật thể và phi vật thể do con người tạo ra trong quá trình phát triển của lịch sử. Với ý nghĩa như thế, xin được hỏi nhà sử học Lê Văn Lan và nhà văn Hoàng Quốc Hải, ở Đại lễ 1000 năm này, cái gì là còn lại, với góc độ văn hóa của Thăng Long - Hà Nội?
Nhà sử học Lê Văn Lan: Tôi vừa tham gia vào Ban tổ chức, thành viên Hội Đồng giám khảo và là Chủ tịch Hội đồng chấm thi của cuộc thi lớn với chủ đề "Tìm hiểu Thăng Long- Hà Nội 1000 năm văn hiến và anh hùng". Cuộc thi nhận được 3 triệu 200 ngàn bài thi, một kỉ lục chưa từng thấy bao giờ.
Xin nhắc lại chủ đề cuộc thi "Thăng Long- Hà Nội 1000 năm văn hiến và anh hùng", nghĩa là bản sắc đã được nâng lên thành bản lĩnh của Thăng Long - Hà Nội. Nó có 3 tiêu chí: Một là nghìn năm, hai là văn hiến, ba là anh hùng. Được giao trách nhiệm ra các câu hỏi cho bài thi, nhân có 3 tiêu chí bản sắc, bản lĩnh đó, chúng tôi nhớ đến bài hát của nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi.
Vừa rồi chúng ta đã có tuyển tập những bài hát về Hà Nội với 1000 bài hát và người làm tuyển tập đã nói, trong cả nghìn bài hát như thế, nếu chọn một bài, thì đó sẽ là bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.
Đó là điểm gặp nhau của chúng tôi, của cuộc thi tìm hiểu Thăng Long - Hà Nội và tuyển tập 1000 bài hát về Hà Nội. Tôi nghĩ Nguyễn Đình Thi xuất thần trong Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa đó. Anh ấy đã tạo ra được một câu ca hay nhất của bài hát nổi tiếng này: "Đây lắng hồn núi sông ngàn năm".
Theo tôi cái còn lại của Hà Nội - Thăng Long sau ngàn năm chính là như vậy.
Nhà báo Kim Dung: Ca khúc "Người Hà Nội" là tác phẩm cụ thể nhưng lại "tóm" được hồn cốt của người Hà Nội nói chung. Nhưng đó vẫn là những giá trị phi vật thể dưới góc độ vật thể là một bản nhạc.
Vậy những giá trị vật thể như những công trình kiến trúc của Hà Nội sau 1000 năm ta có được sự bảo tồn và phát triển như thế nào để nó biến thành niềm tự hào của chúng ta nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội?
Nhà sử học Lê Văn Lan: Vâng, tôi có cảm giác mỗi khi nói gì về văn hóa tinh thần, văn hóa phi vật thể để nhằm mục đích biểu dương ca ngợi hoặc nói đến mặt tích cực thì ta dễ nói hơn những gì cụ thể quá, "đụng chạm sờ mó" đến được, nhất là khi chỉ khuôn nó vào công trình kiến trúc thôi.
Nhà sử học Lê Văn Lan.
Bàn về kiến trúc Hà Nội, mới đây, KTS Hoàng Đạo Cung dẫn lại lời nhà văn Nguyên Ngọc: "Hà Nội của ta đẹp thật, đẹp khủng khiếp, đẹp đến mức người ta đã phá nó ghê gớm, phá nó riết ráo thế mà nó vẫn còn đẹp như vậy".
Tôi lấy làm tâm đắc về lời nhận xét này của nhà văn, nhà kiến trúc Hoàng Đạo Cung. Tôi xin mượn câu đó để trả lời nhà báo về giá trị vật thể của Thăng Long Hà Nội còn đến bây giờ.
Chúng ta vô tình phá gần hết
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Xin được tiếp lời của nhà sử học Lê Văn Lan. Tôi rất đồng cảm với nhà văn Nguyên Ngọc. Đọc VietNamNet, tôi thấy tác giả cảnh báo, khéo chừng chúng ta lại kỉ niệm Thăng Long 1 tuổi, bởi chúng ta tôn tạo các di tích tốn không biết bao nhiêu tiền của, nhưng thực chất chúng ta lại phá nó đi một cách không thương tiếc, do sự vụng về của chúng ta (tôi không dám nói là dốt nát).
Nhiều cái quý báu chúng ta đập phá đi, làm cái mới để cho hoành tráng hơn, bắt mắt hơn, nhưng có biết đâu những giá trị của nghìn năm xưa kết tụ lại nói lên đủ thứ trong đó kể cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Tiếc rằng nhận thức của lớp con cháu sau này về tư tưởng cũng như kiến trúc không hiểu được ý tổ tiên.
Tôi nghĩ rằng cái còn lại của Thăng Long- Hà Nội là những chân móng của kinh thành mà chúng ta khai phá được. Những kiến trúc của nước ta nếu còn lại, tôi chắc nó cũng không đồ sộ, không nguy nga nhưng nếu giữ được nó còn đến bây giờ nó cũng là quý giá đến vô cùng.
Trong sự mất mát của Thăng Long này phải nói kẻ thù, những kẻ xâm lược của ta từ phương Bắc, từ phương Tây... nhưng dù sao chúng phá cũng không hết. Đáng tiếc, những gì còn lại, chúng ta vô tình phá gần hết. Sở dĩ tôi nói gần hết vì thỉnh thoảng chúng ta vẫn tìm lại được một cái bia đá, chân tảng hoặc cột trụ, trong đó có chạm khắc rồng hoặc lá đề, hoặc hoa sen của thời Lý, Trần. Những cái đó không khiêng đi được, không đập vỡ được, không thủ tiêu được thì nó mới còn lại.
Tôi không hiểu tại sao chúng ta có lịch sử giữ nước oanh liệt thế mà chúng ta lại không có truyền thống giữ gìn những di sản vật thể. Cái này không biết lỗi tại ai?
Rõ ràng di sản vật thể của Thăng Long- Hà Nội bây giờ nghèo nàn một cách thảm hại, đến mức chúng ta chỉ còn một số chân móng của kinh thành khai quật lên mà Ủy ban Văn hóa Giáo dục UNESCO người ta trân trọng đến mức vinh danh đó là di sản văn hóa nhân loại.
Như thế đủ biết nhân loại đã thức tỉnh việc phải giữ gìn nền văn hóa vật thể và phi vật thể đến mức như thế nào, vì trong vật thể chưa đựng cả phi vật thể. Sự vinh danh của Ủy ban UNESCO của Liên Hiệp Quốc là sự thức tỉnh mọi dân tộc, là lời cảnh báo cho nhân loại biết được, hãy giữ gìn lấy những gì về văn hóa mà ta đang có.
Nhà báo Kim Dung: Mới đây, chúng tôi có một may mắn là được đi thăm đất nước Italia. Đến thủ đô Roma của nước Ý, điều cực kỳ gây ấn tượng với chúng tôi là các quần thể kiến trúc từ thời La Mã cổ đại như Đấu trường Coloseum, Tòa thánh Vatican, Đài phun nước Trevi...các quần thể thành quách của thủ đô Roma cũ kĩ vẫn được bảo tồn gìn giữ cổ xưa một cách tuyệt vời.
Trong khi ở Việt Nam, Cổng thành Sơn Tây trước đây, rồi mới đây là Thành Tuyên (Tuyên Quang)...được tu bổ, phục chế lại một cách thô thiển, thô bạo, phá vỡ những nét đẹp kiến trúc cổ thuần Việt của nó. Thực chất, đó là sự phá bỏ cái cũ chứ không phải bảo tồn giá trị văn hóa và kiến trúc truyền thống.
Liệu đây là sự khác biệt về quan điểm bảo tồn, bảo tàng, hay do tư duy, lợi ích cá nhân, do sự dốt nát về văn hóa hay do tầm nhìn của chúng ta hạn hẹp?
Nhà sử học Lê Văn Lan: Từng đến Thành Tuyên hay còn gọi là Thành nhà Mạc, giờ thăm lại, cảm nhận của tôi là cái cổng thành từ thời nhà Mạc, thế kỷ XVI đã thành một cái lò gạch của thế kỷ XXI.
Nhưng đó là chuyện của Tuyên Quang. Còn chuyện Cổng thành Sơn Tây bây giờ là chuyện của Hà Nội, một Hà Nội mở rộng.
Trong quá trình tôn tạo những công trình đã được xếp hạng di tích quốc gia hoặc của địa phương đều có bằng, có sắc, rồi có lễ lạt đầy đủ, nhưng quản lý nó sau đấy thì lại phân cấp.
Bản thân cơ quan bảo tồn của Bộ Văn hóa khi là "vụ bảo tồn, bảo tàng", "cục bảo tồn, bảo tàng", lúc là "cục di sản"...có nhiều chuyên gia. Thế nhưng, lực lượng có chuyên môn, có tri thức thực tế chỉ nằm ở cái chóp của "kim tự tháp" (Bộ VH). Cái chóp này có chuyên môn nhưng nó nhỏ quá, không với được tới tất cả những lĩnh vực và quần thể rộng lớn kia.
Càng xuống tới chân hình "kim tự tháp" càng mở rộng ra. Sự bất cập của đội ngũ có trách nhiệm quản lý cũng từ đó mà ra.
Do bất cập của bộ máy quản lý, trình độ quản lý, ý thức, tư tưởng quản lý mà gây nên chuyện. Nhà nước đã cố gắng, dành một số kinh phí nhất định trong tình trạng khó khăn để chi trả cho việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác giá trị của các di tích ấy. Thế nhưng, chỉ riêng những di tích đã được thống kê, xếp hạng đã là một con số khổng lồ, vượt ra ngoài tầm của cái chóp nhỏ ở bên trên.
Và vì thế, người ta sinh ra chủ trương được gọi với cái tên "xã hội hóa". Chủ trương thì đúng, nhưng thực thi lại có nhiều vấn đề. Có người bảo, xã hội hóa trở thành chuyện ai bỏ tiền ra người ấy làm chủ, có quyền tác động vào di tích theo sở thích cá nhân.
"Xã hội hóa" hay ai bỏ tiền, người ấy làm chủ?
Nhà báo Kim Dung: Xã hội hóa và phân cấp quản lý theo cơ sở nhưng về mặt khoa học bảo tồn bảo tàng, thiết tưởng vẫn phải có tiêu chí chung?
Nhà sử học Lê Văn Lan: Xin dẫn ra câu chuyện cụ thể về chùa Hòe Nhai. Chùa Hòe Nhai rất giàu giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử, nơi có bia đá ghi lại trận quyết chiến Đông Bộ Đầu năm 1258. Ở đấy còn có cả hệ thống tượng để cho biết phái Tào Động đã đến Thăng Long- Hà Nội, đến Việt Nam như thế nào. Một bên là tôn giáo của thiền phái Tào Động, thần quyền, một bên là vương quyền...Đó là những giá trị rất đẹp, rất quý của chùa Hòe Nhai.
Ngôi chùa được tôn tạo trong chương trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với kinh phí 10-12 tỷ đồng từ ngân sách. Thực tế, việc tôn tạo hết hơn 20 tỷ. Vậy số tiền hơn 10 tỷ đồng thêm vào này ở đâu ra? Đó là xã hội hóa.
Khi bỏ 1 tỷ đồng công đức, người ta muốn cái mái phải cong thế này, cái tượng phải vàng chóe thế kia, con rồng phải đắp thế khác... Ở đây lại là vấn đề thị hiếu của người có tiền và có tâm công đức. Vấn đề là, thị hiếu của họ chưa được đào luyện, sàng lọc, để có thể tôn tạo đúng đắn.
Tâm lí thích làm to trở thành lấn át. Chúng ta quên mất truyền thống của dân tộc này về mặt văn hóa là chuộng cái tinh tế, cái nhỏ nhắn xinh xắn chứ không phải chuộng to.
Nhà báo Kim Dung: Các nhà nghiên cứu văn hóa, các cán bộ Sở văn hóa ở đâu khi để tình trạng xã hội hóa dẫn tới cái sở thích của một vài cá nhân hoặc "Mạnh thường quân" chỉ đạo việc tôn tạo?
Nhà sử học Lê Văn Lan: Các nhà nghiên cứu văn hóa hôm nay còn bận viết bài về lịch sử phật giáo, ngày mai lại viết quan họ cần phải được xếp hạng như thế nào, hôm sau nữa lại bàn đầu tư vào hát xoan ra sao... Họ bận rộn, nhiều việc phải làm (!)
Vấn đề ở đây là những người trực tiếp quản lý. Mỗi ban quản lý cấp bộ, cấp cục có 15 người xuống đến thành phố. Trong khi đó di tích hàng vạn mà hàng vạn trong cái xu thế xã hội hóa.
Cái chữ "xã hội hóa" ở đây nó giết chết người ta. Thực chất xã hội ở đây là ai? Là một nhóm người có tâm đấy, và có tiền đấy, nhưng cái thị hiếu, giá trị của trí tuệ, của văn hóa đích thực, của mỹ học lại thiếu.
Chỉ có cái tâm, có tiền là người ta làm, nên mới sinh ra ngôi chùa 2-3 tầng. Màu nâu sồng dân dã, hòa đồng với số phận những người khó khăn tìm đến sự an ủi cũng bị thay thế. Nào vàng, nào ngọc, nào ánh sáng lập lòe.
Đó là thứ thị hiếu thị dân non kém. Từ thị hiếu đó đẻ ra những sản phẩm lai căng như bây giờ.
Có hàng nghìn những thành nhà Mạc, thành Sơn Tây, chùa Hòe Nhai như thế ở Việt Nam này.
Không thể đổ lỗi!
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tôi cho rằng GS Lê Văn Lan giải thích rất có lý. Nhưng nếu ta cứ thế công nhận cái "xã hội hóa", ta sẽ phải chịu trách nhiệm về xã hội này.
Theo tôi, cái lỗi chính nằm ở quy chế, luật về bảo tồn tôn tạo của chúng ta không rõ ràng. Hai là, chúng ta không đào tạo những cán bộ kỹ thuật có tay nghề để tu bổ các di tích lịch sử. Họ không có kiến thức lịch sử về xây dựng những công trình cổ đại. Không hiểu biết nên họ phá là dễ hiểu.
Chúng ta không thể đổ lỗi cho những người bỏ tiền ra. Họ có tâm, và họ có tiền. Nếu chúng ta có những quy chế rõ ràng thì họ không thể ngạo mạn, áp đặt bất cứ cái gì vào văn hóa công cộng của xã hội, của quốc gia được.
Văn hóa là bộ mặt của quốc gia. Không phải bất kỳ kẻ có tiền nào cũng có thể áp đặt cái xu hướng riêng của mình vào đó được. Cho nên ở đây, lỗi ở đây là ở quy chế chưa luật hóa được. Và nhìn rộng ra, chúng ta chưa nghĩ đến việc đào tạo đội ngũ cho các tỉnh, các địa phương để người ta biết cách quản lý. Và chúng ta cũng chưa phục chế, tu bổ được những di tích nào làm mẫu để cho các nơi người ta về đó học.
Tôi lấy ví dụ như Tháp Chàm ngay Phan Rang (Ninh Thuận). Chúng ta nhờ các chuyên gia của Ba Lan tu bổ cho. Sau khi tu bổ xong thì bất cứ một người Chăm nào cũng nói: "Đây đúng là tháp Chàm của chúng tôi". Nó đẹp vô cùng. Còn chúng ta, chúng ta chưa làm được cái nào được gọi là mẫu.
Tôi lấy ví dụ như chùa Kim Liên vốn xưa xây dựng y hệt như chùa Tây Phương. Chùa bị đổ nát, chúng ta chở về đấy không biết bao nhiêu gạch gỗ để phục dựng lại một chùa Kim Liên.
Không thiếu gạch, không thiếu gỗ, không thiếu tiền, không thiếu công nhân, không thiếu bất cứ một thứ gì nhưng sau khi chùa Kim Liên xây dựng xong thì tôi thấy nó là một công trình u tối. Tôi đã phải nói rằng đây là một công trình "kim cổ kỳ quặc".
Chùa Tây Phương hoàn toàn dùng ánh sáng trời, ở đấy cấu tạo, xây dựng theo hình chữ tam. Giữa ngôi nhà thứ nhất và ngôi nhà thứ hai có khoảng cách 2-3m để lấy ánh sáng trời thì ở đây người ta lại xây dựng sát vào nhau làm một cái máng để cho nước chảy ra ngoài. Cột thì làm rất thấp, cho nên chiều cao của ngôi chùa thấp đến nỗi tượng phải đặt xuống đất. Bệ tượng cuối cùng ngang với thắt lưng người. Mà đó là công trình do Bộ Văn hóa chỉ đạo xây dựng, tu bổ.
Nếu đổ lỗi chính là do quy chế quản lý và tầm nhìn của chúng ta đối với việc trùng tu, tôn tạo như thế nào. Chúng ta không thể đổi lỗi cho việc "xã hội hóa" được.
Ảnh: Phạm Hải |
Người ta bỏ tiền ra người ta cũng muốn làm cho nó đẹp. Không có người hướng dẫn làm cho đẹp thì người ta cứ làm theo ý mình.
Nếu chúng ta có quy chế chặt chẽ thì anh không thể ngạo mạn áp đặt bất cứ một ý muốn nào của anh vào đấy được. Công trình là bộ mặt văn hóa quốc gia, không ai được phép làm xấu nó.
Cho nên, xã hội hóa là rất cần thiết nhưng nó phải có một tư tưởng chủ đạo về mặt văn hóa, chứ không phải để cho bất cứ một kẻ có tiền nào muốn làm gì thì làm. Với cách làm hiện nay, không biết kiến trúc của chúng ta sẽ nhếch nhác như thế nào.
Bộ Văn hóa phải nhận lãnh trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho ai khác. Chúng ta phải có trách nhiệm quản lý về mặt văn hóa, chứ không thể thả lỏng như thế được.
Nếu không nhìn cho ra, cho rõ nguyên nhân, thì chính nó sẽ phá hủy toàn bộ những gì chúng ta cần gìn giữ. Đến lúc ấy chúng ta không biết chê trách ai cả. Tôi nghĩ, đã đến lúc các kiến trúc di tích lịch sử xây dựng mới hoặc phục dựng, trùng tu, tôn tạo phải đi vào quy chuẩn chặt chẽ.
Tôi lấy ví dụ, muốn phá bỏ, dỡ bỏ nó cần chụp ảnh, quay phim tất cả chi tiết của nó như thế nào, phải vẽ nó ra rồi đến khi phục dựng lại làm giống hệt như thế. Với tháp Chàm, người ta đã làm như vậy. Còn nếu ta cứ mặc sức để cho mấy người thợ mới vào nghề, do mấy anh cai thầu chỉ huy cho họ làm, thì văn hóa sẽ tàn lụi đi.
Theo Tuanvietnam.