Chẳng cần phải hẹn, cứ đến mùa Tết Thiếu nhi 1-6, các chương trình nghệ thuật được dàn dựng dành riêng cho khán giả “nhí” lại rộn ràng mọc lên như nấm. Tiếc là trong số ấy có những “món” đã trở thành quen thuộc đến mức chưa xem cũng đoán được mùi vị thế nào, cũng có những “món” mới thì mới thật nhưng lại… có vấn đề.
Cũ... đều
Mùa Tết Thiếu nhi năm nay, các tiết mục rối “đinh”, rối “đặc sản” nhưng đã quá cũ của Nhà hát múa rối Việt Nam như: lợn nhảy Hip-hop, dàn nhạc những chú gà, mèo, ong, gấu, chuyện tò he… đều được mang đi diễn xuyên Việt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trừ Hà Nội.
Điều này chẳng có gì khó hiểu bởi khán giả Thủ đô đã xem đi xem lại đến thuộc lòng các tiết mục này rồi nên các nhà sản xuất thừa biết nếu tiếp tục đem ra “so găng” tại thị trường giải trí dịp 1-6 năm nay thì kiểu gì cũng bị lép vế và cầm chắc phần lỗ. Thay vào đó một chương trình rối khác ra đời với tên gọi “Nụ cười trẻ thơ” được hứa hẹn là có sự kết hợp của nhiều loại hình rối cạn theo hình thức múa rối Nhật Bản như: rối que, rối mặt nạ, rối lốt… và cả diễn viên vừa trượt pa-tanh vừa điều khiển con rối.
Đây đều là những hình thức rối còn khá mới ở Việt Nam nhưng xem ra lại không dễ xem, dễ hiểu với lứa tuổi thiếu nhi. ấy là chưa kể bức thông điệp về tinh thần bảo vệ môi trường, thiên nhiên và động vật có vẻ như là “chiếc áo” hơi rộng và còn quá học thuật so với nhu cầu giải trí của các em.
Trong khi ấy, đơn vị nghệ thuật khác là Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại chọn dựng vở diễn về chàng Alibaba và 40 tên cướp đã quá ư quen thuộc trên sân khấu, phim truyện, băng đĩa nhưng lần đầu tiên có cơ hội bước vào thế giới xiếc Việt. Dẫu mới là vậy song chương trình vẫn chưa thoát ra được những màn trình diễn xiếc mà khán giả đã từng xem “no xôi chán chè” như: nhào lộn trên không, ảo thuật, tung hứng, đu bay, đi xe đạp một bánh, đi cà kheo... và dĩ nhiên là cả một số màn xiếc thú quen thuộc.
Được mong đợi hơn cả là Nhà hát Tuổi trẻ song năm nay “ngón đòn” mà đơn vị này tung ra vẫn là chương trình tạp kỹ có tính chất “đến hẹn lại lên” - “Ngôi nhà của bé”. Vẫn là vở diễn mang tính chất ngụ ngôn về những con vật, chỉ có điều lần này thay vì mèo, chuột, chó… đã từng diễn trước kia là câu chuyện về trâu và hổ.
Hỏi sao không dàn dựng vở mới cho “xôm”, NSND Lê Hùng chỉ cười bảo: “Nhà hát không chủ trương chạy theo thị hiếu, quan trọng nhất là mang được nghệ thuật đến cho các em và qua đó chuyển tải thông điệp có ý nghĩa giáo dục”. Vả lại theo ông, “Ngôi nhà của bé” đã diễn xuyên suốt 14 năm nay và trở thành thương hiệu riêng của Nhà hát, giống như thương hiệu “Đời cười” vậy nên chỉ cần trình diễn duyên dáng thì các em vẫn thích chứ không quay lưng lại.
Dẫu sao chương trình cũng có độ an toàn về mặt nội dung, các bậc phụ huynh không phải dè chừng về việc trong vở diễn có những từ ngữ, lời thoại phản giáo dục… nên “Ngôi nhà của bé” vẫn là một trong những kịch mục được nhiều người ưu tiên lựa chọn. Chẳng vậy mà theo đại diện Nhà hát Tuổi trẻ thì vở chưa dựng xong đã có người đặt hàng mua vé và chỉ tính riêng trong dịp 1-6 này, Nhà hát đã bán được 35 suất, mỗi ngày diễn đều 5 suất liên tục.
Mới… có vấn đề!
Trong cuộc đua giành thị phần khán giả mùa Tết Thiếu nhi năm nay phải kể đến cặp nghệ sỹ hài mà cái tên của họ đã đủ sức kéo các em nhỏ đổ xô tới rạp: Xuân Bắc - Tự Long. Nối tiếp vở diễn “5 anh em siêu nhân” từng trình làng trước đó, chiêu thức khai thác mô-típ nhân vật hoạt hình đang được các em yêu thích một lần nữa được cặp nghệ sỹ này bê vào áp dụng trong chương trình “Giải cứu búp bê Barbie - Sức mạnh Spiderman”.
Chỉ đáng tiếc là với những người yêu mến và kỳ vọng ở tài năng của họ thì chương trình lần này đã phần nào làm người xem ngao ngán. Một chương trình dành cho lứa tuổi thiếu nhi nhưng khung cảnh sân khấu lại trang trí rùng rợn, các nhân vật cũng được hóa trang đầy ma quái để vào vai ma vương, ác quỷ khiến nhiều em nhỏ mới xem qua đã khóc thét đòi bố mẹ cho về.
Ấy là chưa kể đến chuyện diễn cho các em nhỏ xem mà trên sân khấu các nhân vật liên tục xưng hô “mày - tao”, “con - thằng” với nhau, rồi thoải mái vung tay múa chân đấm đá huỳnh huỵch, lời thoại lại mang đầy ngôn ngữ chưởng lực kiểu như “chiêu thứ 7 là chưa đánh mà chân đã run lẩy bẩy, chiêu thứ 8 là tát vỡ mồm con Cám”…
Trước đó chương trình cũng được hứa hẹn là có nhiều màn trình diễn kỹ thuật đặc sắc như độn thổ, bay trên không, phi đao… nhưng chẳng hiểu sao khi xem cũng không thấy có, hoặc có nhưng các nghệ sỹ chưa diễn đạt đến mức khán giả có thể nhận thấy chăng? Không chỉ thế, nhiều khán giả sau khi xem xong quá thất vọng bởi lẽ mua phải vé ngồi trên gác, không những không nhìn thấy rõ mà cũng chẳng nghe thấy gì vì chất lượng âm thanh kém quá. Có vẻ như chỉ vì mải mê tìm ra cách “đánh trúng” thị hiếu của các em nhỏ mà các nhà dàn dựng đã quên cả yếu tố nghệ thuật lẫn tính giáo dục của chương trình.
Năm nào cũng thế, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài ba “bậc anh tài” quen mặt với khán giả nhỏ Thủ đô nhảy vào góp vui trong cuộc chơi dàn dựng chương trình, kịch mục cho “vụ mùa” Tết Thiếu nhi 1-6. Không thể phủ nhận rằng lần này các đơn vị nghệ thuật đã biết tìm cách đan cài và trộn lẫn nhiều loại hình nghệ thuật vào cùng một chương trình như: kịch, xiếc, ca múa nhạc…
Dẫu vậy những nỗ lực thay đổi “khẩu vị” ấy xem ra vẫn chẳng đủ sức hấp dẫn các em nhỏ - những người luôn thích cái mới nhưng cũng rất mau chóng chán. Thế nên mặc dù khán giả vẫn “khát” xem song chẳng biết đến bao giờ thì những chương trình hài kịch dành cho các em mới thoát khỏi cảnh thời vụ hay “ăn xổi”?
Theo ANTĐ.