Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa sản xuất phim truyền hình (TH), hàng trăm hãng phim tư nhân đã "vào cuộc". Bộ mặt phim TH Việt trong vài năm nay đã thật sự khởi sắc.

Tuy nhiên, từ việc xã hội hóa này cũng đã thể hiện mặt trái của nó. Đài TH mua bản quyền phát sóng phim nhưng chỉ trả bằng quảng cáo, dẫn đến việc các nhà sản xuất đồng thời phải là nhà quảng cáo hoặc nhà quảng cáo đi thuê lại đơn vị khác sản xuất, như Đất Việt, M&T Pictures...

Hệ lụy từ việc "đổi quảng cáo lấy phim"_0
Cảnh trong phim Bỗng dưng muốn khóc


Dung lượng quảng cáo cũng không được thoải mái khai thác mà lại do đài khoán cho nhà sản xuất khoảng 180 triệu đồng/tập. Phim thu hút nhiều quảng cáo như Bỗng dưng muốn khóc thì cũng chỉ chừng ấy tiền. Vì vậy, các hãng phim muốn có lãi buộc phải cắt giảm chi phí sản xuất.

Một trong những "phương pháp" thông dụng nhất để giảm chi phí là... kéo dài phim. Đáng lẽ, chỉ cần làm dưới 10 tập thì nhà sản xuất "kéo" tới... trên 30 tập. Bỗng dưng muốn khóc và một số phim khác nằm trong trường hợp như vậy.

Ai cũng hiểu, để sản xuất cho ra tấm ra món thì phải đầu tư bối cảnh kỹ càng, nhất là những bối cảnh phải tạo dựng trong trường quay. Nếu chỉ quay một bộ phim khoảng 5-7 tập thì chi phí bối cảnh tính cho từng tập phim sẽ đội lên rất lớn, chưa kể những chi phí khác.

Với diễn viên cũng vậy, cát-sê cho những vai chính khá bộn tiền. Các phim dài tập mới dễ thu hút diễn viên ngôi sao tham gia.

Việc "đổi quảng cáo lấy phim" đã làm cho chất lượng phim TH ít nhiều bị ảnh hưởng. Các hãng phim tư nhân cũng chỉ chọn những đề tài "ngon ăn", còn phim chính luận, phim lịch sử hay đề tài chiến tranh thì... nhường cho các hãng phim Nhà nước.

Nhưng hệ lụy dễ nhận thấy nhất là sự thao túng của các nhà tài trợ, các công ty quảng cáo và sự can thiệp quá sâu của họ vào nội dung phim, nhất là trong việc đặt các quảng cáo vào phim, khiến phim đã "lỏng" lại càng... yếu.

Để có tiền làm phim, nhà sản xuất phải "chiều" nhà tài trợ, đạo diễn phải thực hiện phim theo ý đồ của nhà sản xuất. Vì vậy "đất" dành cho sáng tạo nghệ thuật càng hạn hẹp là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên cũng có một thực tế không thể phủ nhận, xu hướng xã hội hóa đem đến "luồng gió mới", đặt phim của "đài nhà” đứng trước cuộc cạnh tranh với phim của các hãng tư nhân, vì thế muốn tồn tại và phát triển phải có những điều chỉnh cần thiết. Hãng phim phải có những thay đổi trong chế độ đãi ngộ và thù lao để khuyến khích người tài đóng góp chất xám.

Ông Khải Hưng - nguyên giám đốc VFC cho rằng, đã đến lúc cần phải thành lập Hiệp hội Các nhà sản xuất phim TH, để hợp tác với nhau nhằm nâng cao chất lượng sản xuất phim TH chứ không phải "mạnh ai nấy chạy" như hiện nay.

Theo Phi Thanh
Phụ Nữ NN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC