Hồi còn bé, năm nào tôi cũng mong kỳ nghỉ hè đến sớm để được về thăm bác tôi ở Hà Nội. Nhà bác khiêm tốn trên tầng hai một khu tập thể, diện tích chẳng rộng là bao nhưng lúc nào đến tôi cũng thấy thoải mái, ấm cúng và dễ chịu.
Ngày ấy, tôi chân lấm dép lê lơ ngơ ra nhà bác. Lần nào cũng vậy nhưng chẳng lần nào bác tỏ ra ngại ngần vì đôi chân đầy cát đất của tôi khi bước vào nền nhà lát gạch hoa sạch bóng của bác. Vồn vã đón tôi, bật quạt, lấy nước mát cho tôi dịu cơn nóng sau một chặng đường dài, bác đưa tôi xuống bếp rửa chân tay. Sau đó là những lời hỏi thăm ân cần dành cho gia đình tôi ở quê, những bữa cơm ngọt ngào tình cảm. Chẳng những bác tôi nấu ăn khéo mà những ngày tôi ở chơi, bác còn để ý chọn những món ngon của Hà Nội nấu cho tôi ăn. Những lúc rảnh, bác còn dành thời gian đưa tôi đi thăm thú nơi này nơi khác của Thủ đô. Bác mua sắm quần áo, tự tay cắt tóc, chải đầu cho đứa con gái quê mùa là tôi… Quả thật, tôi không hề có cảm giác mình là khách mà là người trong nhà, y như các anh chị con của bác.
Giờ đã là sinh viên Đại học Hà Nội, tôi ở ký túc xá nhưng cứ cuối tuần là tôi lại về thăm bác, tựa như về nhà mình. Bác tôi già đi nhiều nhưng nét duyên dáng, lịch thiệp vẫn vẹn nguyên ở đó. Nhất là cái niềm nở, khéo éo, tế nhị trong lời ăn tiếng nói khi khách đến chơi nhà thì không hề phai phôi dù năm tháng và cuộc sống có nhiều đổi thay. Tôi thích đến thăm bác cũng vì tôi muốn nhìn và học những cái tế nhị, khéo léo, nết na của bác. Giờ thì tôi hiểu vì sao người ta cứ không tiếc lời mà rằng: Người Hà Nội được tiếng hiếu khách.
Theo KTDT.