Nhà văn Hoàng Quốc Hải vừa hoàn thành bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về nhà Lý mang tên "Tám triều vua Lý", gồm 4 tập, độ dài ước tính trên dưới 3.000 trang.
Những năm 1980 và 1990, ông in bộ tiểu thuyết lịch sử 4 tập về nhà Trần được giới văn chương, báo chí thiện cảm. Tại sao ông lại viết nhà Trần trước, nhà Lý sau?
Bộ Bão táp triều Trần viết trước, bộ Tám triều vua Lý viết sau là bởi tư liệu lịch sử về hai thời đại này còn quá ít. Nhất là về nhà Lý, tư liệu lịch sử nghèo nàn đến kinh ngạc. Tôi phải viết nhà Trần trước để có thời gian truy tìm tư liệu lịch sử về nhà Lý.
Vậy ông tìm nguồn tư liệu từ đâu để bù đắp sự nghèo nàn của chính sử?
Sự nghèo nàn về sử liệu từ thế kỷ 14 trở về trước, là do tội ác hủy diệt văn hóa của giặc Minh mà Minh Thành tổ là thủ phạm.
Trở lại việc tìm kiếm tư liệu, trước hết phải dần khai thác các truyện dân gian. Truyện dân gian là sử ngôn vô cùng phong phú. Và nguồn nữa là các gia phả, tộc phả, thần phả, các hoành phi, câu đối trong các đình, đền, chùa cũng nói lên nhiều điều cần thiết.
Các bi ký, các kiến trúc còn rơi sót lại và cả các khai quật về khảo cổ cũng là những tư liệu quý.
Một mảng quan trọng khác là tham khảo lịch sử nhà Tống đối chiếu các triều đại tương ứng của hai bên. Ngoài lịch sử còn các ký, truyện của các viên quan nhà Tống từng đi sứ Đại Việt có ghi chép lại, cả những viên bại tướng, từng xâm lược nước ta đôi khi cũng để lại các ghi chép.
Lại nữa, Viện Viễn Đông Bác cổ của người Pháp cũng nghiên cứu và sưu tầm rất nhiều tư liệu, để lại cho ta một khối lượng khá lớn.
Nghe nói ông phải đi điền dã cả trong và ngoài nước?
Điền dã là một công việc phức tạp, vất vả nhưng đầy hứng thú mỗi khi ta hé được cánh cửa vào quá khứ.
Lịch sử các thời đại Lý - Trần thường xảy ra các cuộc giao tranh hoặc chiến tranh giữa nước ta với nước Champa, nước Tống, nước Nguyên. Nhiều trận có quy mô khá lớn, chiến trường trải rộng và rất ác liệt.
Muốn dựng lại được một cách khả dĩ trung thực, người viết không thể không đi khảo sát thực địa, kể cả khảo sát về văn hóa, phong tục của miền đất ấy, dân tộc ấy.
Vì vậy tôi phải đi lại nhiều lần các vùng đất có liên quan, kể cả vùng đất cũ của Champa và một số vùng có liên hệ trên đất Trung Hoa.
Đành rằng các di tích lịch sử phần lớn không còn nhưng nếu không đến tận nơi và tìm lại di ảnh trong trí nhớ dân gian, thì dù có óc tưởng tượng đến mấy cũng khó tái hiện được không gian lịch sử một cách tương đối trung thực và có hồn.
Ông có thể hé lộ đôi điều về nội dung bộ Tám triều vua Lý?
Chắc sẽ có điều thú vị đem đến cho người đọc. Ví dụ nhà Lý dung nạp cả ba học thuyết Phật - Nho - Lão và khai thác các yếu tố tích cực nhất của mỗi học thuyết để làm định hướng xây dựng Đại Việt trở thành quốc gia cường thịnh.
Đồng đại với nhà Lý, xã hội châu Âu ngợp chìm trong chiến tranh tôn giáo. Và bên Trung Hoa nhà Tống lại đắm chìm trong cái biến tướng của Đạo giáo khiến xã hội trở nên suy yếu rồi diệt vong.
Nghe nói con cháu nhà Lý ở Hàn Quốc có tài trợ kha khá cho ông để viết bộ sách?
Cũng có nhiều người hỏi tôi như vậy. Đôi khi nghe nói vậy mà không phải vậy.
Ông viết hai bộ tiểu thuyết lịch sử mất bao nhiêu năm?
Bộ nhà Trần khoảng 15 năm, bộ nhà Lý gần 20 năm.
Điều gì khiến ông dấn thân vào con đường đó?
Mẹ tôi và chị tôi thường ru tôi bằng Đại Nam quốc sử diễn ca. Lịch sử đất nước thấm vào hồn tôi từ nhỏ. Tình yêu đó cứ lớn dần lên và thôi thúc
Theo Tiềnphong.