Với hàng nghìn nghệ sĩ, cựu chiến binh, quần chúng... tham gia, chương trình "Thăng Long - Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh" tại SVĐ Hàng Đẫy tối 3/10 hứa hẹn là một trong những sự kiện hoành tráng nhất dịp đại lễ.
Chương trình có thời lượng 2 tiếng, tái hiện bốn thời khắc lịch sử khó khăn của thủ đô và dân tộc: Cuộc chuyển mình trong giông bão (đầu thế kỷ 20); Thủ đô Nhà nước công nông (năm 1945); Thủ đô anh hùng - bản hùng ca mùa đông năm 1946; Thành phố hòa bình và khát vọng tương lai (nói về hiện tại). Tổng đạo diễn là nhạc sĩ Đức Trịnh, với sự tham gia của NSND Công Nhạc, NSND Trần Bình...
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả kịch bản chương trình, nói trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 19/8: “Đêm đó không phải chương trình nghệ thuật, mà là đêm để chúng ta hình dung Hà Nội qua những cuộc hủy diệt ghê gớm”.
Chương trình mang một chủ đề lớn lao cùng nguồn nhân lực hùng hậu. Mặc dù vậy, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết: “Chương trình này khác các chương trình khác ở chỗ chi rất ít tiền, hầu như không đáng kể. Gần như các êkíp hoạt động miễn phí”.
“Nguyên tắc là sự chân thực, muốn chân thực thì phải đầy cảm hứng. Chúng tôi sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện 2 triệu người chết đói như thế nào, không phải để tạo cảm giác kinh hãi, mà để bi kịch tạo thành sức mạnh của dân tộc”.
“Cái hay của chương trình không nằm ở quy mô hoành tráng mà nằm ở tính biểu tượng của nó". Theo mô tả của nhà văn Nguyễn Khắc Phục , trong chương trình sẽ có cảnh trên nền hàng nghìn xác người chết đói năm 1945, nhạc sĩ Văn Cao sẽ ngồi thắp đèn dầu ôm guitar viết Tiến quân ca, rồi những chiếc xe bò chở xác chết từ ga Hàng Cỏ đi qua. Các cựu chiến binh sẽ đứng đó, hát Tiến quân ca, từ trong đống tro tàn, đất nước đứng lên.
"Không phải diễn kịch, mà đó là hiện thực. Tôi hy vọng chương trình sẽ khiến khán giả cảm động vì sự chân thực", ông nói.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục hy vọng sự chân thực và tính lịch sử của chương trình sẽ khiến khán giả cảm động.
Tổng cộng có hàng nghìn người tham gia biểu diễn trong chương trình, bao gồm các nghệ sĩ, cựu chiến binh và cả quần chúng. Nhà giáo ưu tú Đàm Anh Thục, người đảm nhận phần âm nhạc, khẳng định: “Sẽ có dàn hợp xướng bao gồm 1000 cựu chiến binh, thể hiện những bài hát tiêu biểu nhất về Hà Nội”.
“Lịch sử của chúng ta đâu chỉ có các vị tướng giỏi nổi tiếng mà còn có những con người rất thầm lặng”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục nhấn mạnh. Ông kể ra vụ 13 người đầu bếp lên kế hoạch đầu độc binh lính Pháp năm 1908 nhưng không thành đã bị xử trảm. "Thăng Long Hà Nội được xây dựng từ những con người như thế, tại sao chúng ta không ca tụng họ?”.
Chương trình không bán vé mà chỉ phát một số giấy mời, còn lại mở cửa tự do với khán giả thủ đô vào 20h tối 3/10 và được truyền hình trực tiếp trên VTV.
Theo VNE.