Khai thác di sản quá khứ, cấy thêm giá trị văn hóaBảo tồn là khai thác lại trong di sản quá khứ những giá trị đã suy tàn nhưng vẫn còn chút ít vương vấn với thời đại. Sau đó cấy những giá trị văn hóa vào quá khứ để sinh sôi nảy nở.

Các nhà nghiên cứu cho rằng ngôn ngữ trực quan ngày càng quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa. Chính người Pháp đưa công nghệ chụp ảnh vào Việt Nam và họ đã chụp hàng nghìn bức ảnh về phố cổ Hà Nội. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết mảnh đất Thăng Long này đã được 1000 tuổi nhưng thành phố Hà Nội chỉ có 120 tuổi – tức là vào thời kỳ Pháp khai hóa xứ Đông Dương khái niệm đô thị mới có và từ ấy thành phố mới mọc lên.

Ông Quốc cũng cho rằng: Nếu ai có tác phẩm (ảnh, tài liệu giấy) thì đừng vì bản quyền mà giữ cho mình không chia sẻ cho công chúng xem. Ông Quốc dẫn ra câu chuyện của một doanh nhân Pháp đã có công rất lớn trong việc lưu trữ hàng ngàn hình ảnh về phố cổ Hà Nội.

Albert Kahn (1860-1940) doanh nhân người Pháp thành đạt trên lĩnh vực tài chính-ngân hàng đã thuê nhiều nhà nhiếp ảnh đi tới mọi quốc gia, ngóc ngách của thế giới để chụp những tấm ảnh màu.

Trong vòng hơn 2 thập kỷ (1909-1931) những nhà nhiếp ảnh và quay phim đã đi khắp thế giới và mang về cho ông một tài sản vô giá mà ông đặt tên là “Thư khố Hành tinh” (Archives de la Planète). Chừng 72.000 tấm ảnh màu và 180.000 thước phim nhựa đen trắng (loại 35mm) tương đương với 100 giờ chiếu phim đã được thực hiện và đem về khu vườn bên bờ sông Seine lưu giữ.

Khai thác di sản quá khứ, cấy thêm giá trị văn hóa_0

Sau đó, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thừa 1929 – 1933, ông tuyên bố phá sản. Khu vườn và cả “Thư khố Hành tinh” bị sung công. Sau đó, chính quyền Paris cho xây bảo tàng mang tên Albert Kahn trên khu vườn của ông. Ông Dương Trung Quốc cho rằng Albert Kahn là người phá sản trên thương trường nhưng lại là một người thành đạt trên lĩnh vực văn hoá. Tiền bạc của ông có thể mất hết, nhưng di sản mà ông để lại, một khu vườn nghệ thuật và đặc biệt là kho báu những tấm ảnh giữ lại sắc màu cùng thời gian của hành tinh này thì mãi mãi vẫn còn.

Điều đặc biệt trong bảo tàng Albert Kahn là Việt Nam có tất cả 1382 đơn vị tài liệu, phần lớn là những tấm ảnh màu trong đó có khoảng hơn mười đơn vị là những đoạn phim ngắn trắng đen. Dù đây chỉ là những bức ảnh chụp ở một nước thuộc địa như Việt Nam, một đất nước xa xôi và khác lạ về văn hóa so với nước Pháp nhưng người dân Pháp mà đại diện là Kahn vẫn trân trọng, lưu giữ vì nó là di sản, là vết tích của một thời đã qua.

Đây là nguồn tài liệu quý để hàng triệu người Hà Nội nhìn lại cuộc sống cha ông thông qua ý thức bảo tồn giá trị văn hóa của một người như ông Albert Kahn.

Ông Quốc dẫn thêm, bảo tồn là khai thác lại trong di sản quá khứ những giá trị đã suy tàn nhưng vẫn còn chút ít vương vấn với thời đại. Sau đó cấy những giá trị văn hóa vào quá khứ để sinh sôi nảy nở.

Khai thác di sản quá khứ, cấy thêm giá trị văn hóa_1

Triển lãm “Qua phố nhớ gì”, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế đã làm 8 biển phố tượng trưng. Nhìn vào các biển phố này, nhà sử học Dương Trung Quốc góp thêm thông tin. Biển phố đầu tiên người Pháp làm là đường Tràng Tiền đặt tên là Paul Bert (toàn quyền Đông Dương thời điểm cuối thế kỷ 19) làm bằng gỗ, in cả chữ Hán và chữ Latin. Chính Paul Bert có công trong việc đưa văn minh đô thị vào Việt Nam.

Sau này do biến đổi của thời cuộc, chính quyền thay biển phố đó bằng biển tôn nền xanh, chữ trắng. Ông Quốc cho rằng người Pháp làm những việc dù chỉ là trò chơi, đồ trang trí đường phố nhưng hết sức mới lạ, không giống thiên hạ và cũng chẳng phải copy từ nước Pháp sang nhưng mang đậm sắc thái văn hóa Pháp.

Ông dẫn thêm một ví dụ khi nhớ lại một câu nói của người bạn khi bàn về Liên minh châu Âu EU: “Dân chủ là cực kỳ tốn kém, 27 nước thành viên châu Âu thì nước nào cũng phải nói ngôn ngữ riêng của mình. 90% dân châu Âu sử dụng được tiếng Anh, Pháp, hoặc Đức. Nhưng đã vào nghị viện EU phải nói tiếng bản địa. Ở đây là ý thức bảo tồn, ý thức dân chủ cũng là ý thức hội nhập. Hội nhập để bổ sung thêm chứ không phải hội nhập để nghèo đi”.

Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC