Ngày 21.8, UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) phối hợp với Tổ chức JICA, Đại học Chiba, Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) tổ chức tọa đàm về công tác bảo tồn di sản và quản lý du lịch tại đô thị cổ Hội An.
Đây cũng là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Những ngày giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản lần thứ 8 năm 2010 đang diễn ra tại Hội An.
Việc khai thác du lịch gắn với bảo tồn, phát triển di sản trong thời gian qua tại Hội An đã đạt được những thành quả khả quan. Tuy nhiên, điều này cũng đã làm ảnh hưởng không ít đến di sản văn hóa.
Cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng số lượng du khách ngày càng nhiều khiến Hội An đang đối diện với nhiều nguy cơ và bộc lộ nhiều quan ngại trong thực tế công tác bảo tồn di sản.
Theo ông Trần Văn An, Phó giám đốc TT QLBTDT Hội An, bên cạnh những nguy cơ đe dọa mất còn của di sản đến từ thiên nhiên thì những nguy cơ từ con người xuất hiện còn nhiều và đáng báo động.
Chẳng hạn, như việc tu bổ, sửa chữa di tích không đúng nguyên tắc, vi phạm quy chế, ô nhiễm môi trường do cư dân tại chỗ và khách du lịch, sự phai nhạt, mất dần các tập quán, lối sống truyền thống, các không gian sinh hoạt gia đình và không gian linh thiêng trong các ngôi nhà cổ, sự thay đổi chủ sở hữu ngày càng nhiều...
Chính vì thế, tại tọa đàm, nhiều chuyên gia, các giáo sư, tình nguyện viên đến từ Nhật Bản và của Hội An đã bày tỏ băn khoăn của việc gia tăng khách du lịch và quá trình phát triển du lịch ảnh hưởng đến cảnh quan, lối sống, chất lượng sống và công tác bảo tồn di sản tại khu phố cổ Hội An. Bà Utsumi Sawako đến từ Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã đưa ra những góc nhìn, thực trạng của việc ảnh hưởng các hình thức kinh doanh khác nhau đến cảnh quan của phố cổ Hội An.
Qua điều tra thì có đến 453 căn nhà trên tổng số 475 căn nằm trên mặt tiền 4 con đường có lưu lượng khách du lịch lớn tại Hội An được sử dụng làm cửa hàng-cửa hiệu. Thống kê từ cuộc điều tra này cho biết, 90,3% số căn nhà được sử dụng phục vụ khách du lịch, làm dịch vụ như kinh doanh khách sạn, nhà trọ, nhà hàng, bán đồ lưu niệm,...
Hầu như không thấy có cơ sở nào thuê kinh doanh để mở cửa hàng phục vụ dân địa phương. Có 35,1% trong số căn nhà đó được cho người khác thuê lại để kinh doanh. Trong đó, gần 64% số người thuê không có nhiều quan hệ sâu xa với phố cổ.
Xét về tổng thể, khu phố cổ đang trong quá trình phát triển du lịch, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, cũng xuất hiện khuynh hướng các nhà kinh doanh cố gắng đạt mục đích trong một thời gian ngắn rồi rời khỏi Hội An.
Hiện tượng người từ bên ngoài đổ vào phố cổ với mục đích kiếm sống nhờ du lịch sẽ coi phố cổ Hội An là một phương tiện để buôn bán kiếm sống nên dẫn tới tình trạng hỗn loạn về mặt cảnh quan của khu phố cổ. “Đi cùng với đó là sự biến đổi trong cách cư trú ở các căn nhà cổ mà trước đó cách cư trú truyền thống là mô hình đô thị vừa cư trú vừa buôn bán.
Trong quá trình phát triển du lịch đã bắt đầu xuất hiện hình thức chỉ sử dụng nhà làm nơi kinh doanh, không có người lưu trú. Khi ấy phố cổ chỉ còn mang tính hình thức, Hội An có nguy cơ mất đi một phần sức hấp dẫn của mình”, bà Utsumi Sawako bày tỏ lo lắng.
Một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm thảo luận chính là việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa việc bảo tồn kiến trúc đô thị cổ với việc giữ gìn lối sống truyền thống và đáp ứng cuộc sống hiện đại. “Hội An vẫn phải đi theo con đường phát triển du lịch, vấn đề là chúng ta cùng phải bàn bạc, nghiên cứu tìm hướng đi tốt nhất cho con đường phát triển du lịch nhưng không làm ảnh hưởng đến di sản”, giáo sư Yuichi Fukukawa đến từ trường Đại học Chiba (Nhật Bản) nhấn mạnh.
Điều đáng mừng là hiện nay, ý thức của người dân trong công tác bảo tồn, quản lý di sản ngày càng được nâng cao. Qua cuộc điều tra thăm dò ý kiến người dân về công tác bảo tồn phố cổ do các tình nguyện viên của JICA thực hiện thì 93% ý kiến thích và tán thành việc bảo tồn, giữ gìn phố cổ và 50% đồng ý sẽ cùng tham gia thảo luận để tìm hướng bảo tồn tốt hơn cho phố cổ.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các trường Đại học nữ Chiêu Hòa, Đại học Chiba, tổ chức JICA,... cũng trình bày những vấn đề liên quan đến công tác quản lý di sản và du lịch tại DSVHTG Hội An theo quan điểm của các nhà nghiên cứu Nhật Bản. Liên quan đến công tác bảo tồn di tích, các chuyên gia đưa ra hai thực trạng cần xem xét và hướng giải quyết. Thứ nhất là việc nghiên cứu các căn nhà ở phố cổ Hội An chưa đủ và thiếu thông tin, ít thông tin làm quy chuẩn để xây dựng thiết kế khi phục dựng và tu bổ cảnh quan. Thiếu chuyên gia về kiến trúc nên chưa xây dựng được nền tảng nghiên cứu về kiến trúc. Để khắc phục nên đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn về kiến trúc và cùng mở rộng quan hệ hợp tác, phối hợp nghiên cứu.
Thứ hai là giữa các cơ quan quản lý và người dân chưa có sự thống nhất. Cần xây dựng cơ chế trao đổi ý kiến giữa hai bên để cùng phối hợp, hợp tác với nhau tốt hơn.
Các tình nguyện viên Nhật Bản đã từng ở Hội An lâu năm cũng đóng góp những cảm nhận và ý kiến của mình về những vấn đề cần quan tâm hiện nay tại khu phố cổ như cải thiện tình hình giao thông; trưng bảng giá cho tất cả các mặt hàng; chấn chỉnh việc chèo kéo khách, xây dựng các sản phẩm lưu niệm, đầu tư các món quà đặc sản địa phương... để bán cho du khách.
Trong 10 năm qua, kể từ khi Hội An được công nhận là DSVHTG, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản đã có những thành quả lớn. Theo thống kê từ Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích Hội An (TT QLBTDT) thì từ năm 1999-2009 đã có 167 di tích được đầu tư tu bổ với kinh phí hơn 67 tỷ đồng, ngoài ra còn có 155 di tích đươc hỗ trợ tu bổ và 1.895 lượt chủ di tích tự tu bổ, sửa chữa nhỏ. Di sản cũng phát huy mạnh mẽ, góp phần nguồn thu ngân sách của địa phương. GDP ngành du lịch-dịch vụ chiếm 67% tổng GDP thành phố. Từ năm 2006-2010, tổng lượt khách lưu trú là hơn 2,69 triệu lượt; số khách tham quan gần 3,50 triệu lượt.
Theo VH.