Hãy đến với lễ hội tấp nập bậc nhất của đồng bằng Bắc bộ xưa, từ mùng 4 đến mùng 5 Tết Canh Dần.
Lễ hội Chợ Âm dương (Hội Ó) – một trong những lễ hội tấp nập bậc nhất của đồng bằng Bắc bộ xưa – sẽ được phục dựng lần đầu tiên vào năm 2010. Lễ hội sẽ diễn ra trong hai ngày từ mùng 4 đến mùng 5 Tết Canh Dần (ngày 17 và 18/2/2010), là cơ hội cho người dân địa phương và du khách cùng tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa huyền bí và đặc sắc đã nhiều năm không được thực hành tại đây. Chợ thường bắt đầu từ xẩm tối mồng 4, lúc trời nhập nhoạng , trời đất giao hòa, âm đi dương đến. Với quan niệm người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi, những người đi chợ không dám nói cười ồn ào, vì sợ hồn ma hoảng sợ; không dám thắp đèn vì sợ gà sẽ cất tiếng gáy, làm hồn ma tan tác…
Chợ Âm dương bán gà đen làm lễ vật trừ tà, bắt đầu vào sẩm tối mùng Bốn Tết Âm lịch. Theo quan niệm của người Việt xưa, phiên chợ này là cơ hội hiếm có cho người sống và người chết được gặp nhau. Chợ bắt đầu vào thời điểm âm dương chuyển kênh, trời đất giao hòa, lúc lên đèn, dương đi âm đến, trên một bãi đất trống được xác định là tại gốc cây đa cổ thụ bên rìa làng Ó, cạnh đó là bãi tha ma chính là vết tích từ những cuộc giao tranh trên chiến trường xưa. Từ thời nhà Trần, chợ âm dương có thêm sinh hoạt quan họ.
Thời gian: 17/02/2010 & 18/02/2010 (mồng 4 &5 Tết)
Địa điểm: Làng Ó hay làng Xuân Ổ, Võ Cường, TP Bắc Ninh (khoảng 29km về phía Đông Bắc Hà Nội)
Là chợ nhưng chợ Âm dương không có lều quán, người đi chợ cũng không sử dụng đèn nến để thắp sáng. Vậy nên cả người mua và người bán đều không tỏ mặt nhau. Trong cái lờ mờ hư ảo như vậy, không rõ đâu là người trần đâu là ma, cho nên việc mua bán cũng kiệm dùng lời. Người ta không quan tâm giá cả hàng hóa; mua không mặc cả, bán không đếm tiền. Họ lặng lẽ trao tiền và đồ vật cho nhau, không thỏa thuận gì thêm. Trong tù mù, người cõi âm đang đi chợ cùng người cõi dương, không cần phân biệt. Tất cả vong linh mọi đời kiếp rủ nhau về phiên chợ để sắm sửa, bán mua, đổi buồn lấy vui. Người ta không cười nói ồn ào vì cho rằng những hồn ma sẽ hoảng sợ; không thắp đèn nến vì sợ gà đen tưởng ánh mặt trời sẽ cất tiếng, làm những hồn ma bay đi.
Đổi tiền ma ở chợ Âm Dương
Người bán người mua đi chợ Âm Dương, bày bán gà đen, hàng mã, hương đăng, gạo muối… không nhằm mục đích kiếm tiền hay đem về những thứ cần cho sinh hoạt hàng ngày mà có lẽ để thỏa mãn ý nguyện được tham gia vào một hình thức lễ hội đoàn tụ, giao hòa hồn vía con người trong các cõi vũ trụ tiết xuân.
Ở đầu chợ Âm Dương có đặt chậu nước để thử tiền cõi âm hay tiền cõi dương. Có chậu thử tiền, nhưng có lúc người ta vẫn cầm phải tiền ma. Có người kể lại đêm trước chính mình đã thử được tiền thật, vậy mà sáng hôm sau xem lại thấy tiền đã thành một đống vỏ hến. Người khác kể lại tiền đó hóa ra mảnh bát, mảnh chai, viên sỏi, cúc áo hay mẩu yếm sồi… Người có được những vật đó không tức bực, không nghĩ mình bị thua thiệt, trái lại lấy làm vui vì cho rằng mình là người đã có duyên làm điều phúc, điều thiện với người đã chết.
Các trò chơi dân gian trong lễ hội
Sáng mồng Năm, "quan họ dồn về, thuyền bè tấp nập", làng Ó cờ xí rợp trời, tiếng trống vang lừng, người dân tham gia các hoạt động rước tế, sinh hoạt văn hóa, ca quan họ đặc trưng của lễ hội Kinh Bắc xưa. Hai nghìn năm trôi qua, Chợ Âm dương đã đi vào truyền thuyết, đi vào hội họa, văn học và điện ảnh.
Hãy đến với lễ hội chợ Âm Dương để cầu siêu cho người thân yêu đã khuất, tìm hiểu các lối chơi quan họ truyền thống, trở thành nhạc công trong dàn nhạc trẻ với nhạc cụ dân tộc ưa thích của bạn, để trở thành tình nguyện viên của Lễ hội, và cùng sôi động với các trò chơi dân gian.
Theo Văn hóa.