Làm phim Những bức thư từ Sơn Mỹ : Lòng bao dung và tình yêu hòa bìnhHôm nay (21-1), đoàn làm phim của Trung tâm UNESCO điện ảnh đa truyền thông VN chính thức khởi quay bộ phim truyện nhựa Những bức thư từ Sơn Mỹ tại làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

NSƯT - đạo diễn Lê Dân, giám đốc trung tâm, đã trò chuyện xung quanh bộ phim.

* Ý tưởng cho kịch bản phim truyện Những bức thư từ Sơn Mỹ bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Sau hơn 40 năm xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng ở vùng quê Sơn Mỹ (Mỹ Lai), tháng 8-2009 vừa qua tại Mỹ, ông William Calley - viên trung úy từng chỉ huy vụ thảm sát 504 thường dân vô tội ở Sơn Mỹ - đã công khai lên tiếng xin lỗi:"Không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì đã xảy ra tại Mỹ Lai...".

Tôi đã nghĩ: nếu Calley đích thân đến VN tạ lỗi cùng người dân Sơn Mỹ thì tốt biết bao, và ý tưởng ấy đã thúc giục tôi khẩn trương thực hiện bộ phim truyện Những bức thư từ Sơn Mỹ. Trong phim, tôi đã đổi tên nhân vật là Peter Cage, dựa theo câu chuyện của William Calley trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Ðiều thú vị là sau nhiều tháng cam go tìm nhân vật, cuối cùng chúng tôi đã chọn được Saub Gérard (quốc tịch Pháp) đang định cư ở VN, có vốn sống phong phú, từng nhiều năm sống ở Mỹ và có dáng hình rất giống Calley để đảm nhận vai chính.

* Thưa đạo diễn, nhan đề Những bức thư từ Sơn Mỹ có ý nghĩa như thế nào trong bộ phim truyện này?

- Cấu trúc của bộ phim này sẽ diễn tiến theo những bức thư. Trong phim, viên cựu sĩ quan Mỹ đều đặn gửi thư từ VN về Mỹ tâm sự với vợ, kể lại những ấn tượng, sự kiện, tình tiết xảy ra với ông khi trở lại Sơn Mỹ. Không tình cảm nào quan trọng thân thiết bằng tình vợ chồng, do đó ông ta sẽ kể một cách chân tình nhất.

Bằng cấu trúc"những bức thư", tôi sẽ dễ dàng chuyển cảnh hơn và chọn những cảnh nào cần thiết nhất cho việc truyền đạt cảm xúc. Bộ phim sẽ là thông điệp nhắn nhủ mọi người hãy cùng nhau gìn giữ hòa bình, hãy từ chối những cuộc chiến tranh phi lý.

Trong phim, Peter Cage trở lại VN, trở lại Sơn Mỹ và qua chuyến đi này ông ta khám phá chính mình, đồng thời khám phá tâm hồn người VN.

* Bộ phim có lẽ sẽ có nhiều tình huống xúc động...?

- Phim truyện này có thể nói là tổng hợp của nhiều tình huống đầy cảm xúc. Trên chuyến tàu lửa từ TP.HCM về Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), Cage ngồi cạnh một phụ nữ tên Hạnh (diễn viên Giáng My đóng) nói tiếng Anh khá lưu loát. Qua câu chuyện, Cage được biết Hạnh quê ở Sơn Mỹ.

Ông không dám thú thật cho cô biết chính mình là người từng chỉ huy cuộc thảm sát ở Mỹ Lai, mà chỉ nói ông muốn đến Sơn Mỹ để thăm lại vùng đất xưa - nơi mình có mặt trong quân đội Mỹ và muốn xin lỗi người dân ở đó. Hạnh mỉm cười bao dung:"Qua hơn 40 năm rồi, nỗi đau vẫn còn đó nhưng hận thù hay không thì có thay đổi được gì? Sống thì phải nghĩ đến tương lai, chúng ta nên làm gì, điều đó mới thật sự ý nghĩa...".

Ðến Sơn Mỹ, Cage mới thấu hiểu tận cùng nỗi đau của người dân nơi đây sau vụ thảm sát và niềm khâm phục trong ông trỗi dậy. Tất cả cảm xúc ấy, hằng đêm Cage đều viết thư trải lòng mình gửi về cho vợ là Mary ở đất Mỹ. Bà Mary (Melissa Ilene Wolslegel - giáo sư người Anh hiện sống ở TP.HCM - đóng) bất ngờ từ Mỹ sang VN có mặt tại Sơn Mỹ trong dịp tưởng niệm. Hai vợ chồng khóc trong niềm hạnh phúc được người dân Sơn Mỹ tha thứ.

Những câu chuyện có thật khác cũng được tái hiện trong phim như chuyện một cựu binh Mỹ mang 504 hoa hồng đến dự lễ tưởng niệm 504 nạn nhân cuộc thảm sát Sơn Mỹ, một cụ già Nhật sống sót từ thảm họa Hiroshima đến dự lễ...

Theo Tuổitrẻ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC