Luật Điện ảnh: "Để sói đói không ăn thịt cừu non""Hy vọng lần sửa đổi Luật Điện ảnh này, Quốc hội sẽ bổ sung các quy định bảo hộ điện ảnh dân tộc như: đánh thuế cao phim nhập, trích phần trăm tiền bán vé chiếu bóng và tiền quảng cáo trên truyền hình để lập Quỹ hỗ trợ cho điện ảnh nước nhà" - Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.

Theo Dự án Luật Điện ảnh điều chỉnh và bổ sung mà Bộ VHTT&DL trình lên Quốc hội, các rào cản quota với phim ngoại nhập sẽ được dỡ bỏ cho phù hợp với các cam kết với WTO. Với động thái này, chúng ta đang thực hiện một lựa chọn văn hóa có tầm chiến lược, dứt khoát bước ra khỏi tình trạng nhùng nhằng nước đôi của giai đoạn chồng chéo về các trách nhiệm toàn cầu.

Nhưng phải sửa Luật như thế nào để có thể tìm ra lời giải cuối cùng cho bài toán khó của quá trình hội nhập: “Làm thế nào đưa bắp cải, cừu non và chó sói cùng sang sông?”

Bài toán đố oái oăm

Trước khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về đa dạng văn hóa năm 2006, theo đó, các quốc gia ký vào công ước này cam kết thực hiện những hành vi cần thiết để đảm bảo sự trường tồn và phát triển của các bản sắc văn hóa khác nhau trên phạm vi thế giới. Công ước này đã được UNESCO thông qua với 148 nước tán thành, chỉ có 2 nước không chấp thuận là Mỹ và Israel. 

Theo ông Chu Shiu-kee, đại diện UNESCO tại Việt Nam: Đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại, công ước này nhằm đánh thức sự quan tâm của các quốc gia thành viên vai trò, giá trị của sự đa dạng văn hóa đối với sự tồn tại, hưng, vong của nhân loại. Công ước như là một công cụ chuẩn ràng buộc các quốc gia thực hiện cam kết có tổ chức. Các quốc gia phải thừa nhận và hỗ trợ đa dạng văn hóa, hoạch định các chính sách để bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa phi thương mại, đảm bảo phát triển kinh tế và văn hóa luôn song hành. 

Áp dụng cam kết này vào lĩnh vực điện ảnh và nghe nhìn, nước Pháp buộc các đài truyền hình phải giành ít nhất 40% thời lượng cho các phim trong nước. Bộ trưởng Văn hóa của Pháp, Renaud Donnedieu de Vabres, nói các quốc gia có quyền đặt quota nghệ thuật vì 85% lượng vé điện ảnh thế giới đã dành cho Hollywood.

Các chủ trương tương tự cũng được áp dụng ở những quốc gia châu Âu khác và Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã đưa vào Luật Điện ảnh các chính sách bảo hộ cho điện ảnh dân tộc thông qua cơ chế rào cản, điều tiết phim nhập bằng quota, quy định chỉ tiêu định mức và giờ chiếu trong lĩnh vực phát hành và chiếu bóng…

Khi Việt nam đang trong quá trình đàm phán gia  nhập WTO, các chuyên gia quốc tế đã khuyên chúng ta không nên ký các cam kết trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là điện ảnh, vì nếu bị ràng buộc bởi những cam kết với WTO trong lĩnh vực này chúng ta sẽ khó thực hiện các cam kết về đa dạng văn hóa đã ký với UNESCO. Bởi vì, quan niệm của Hoa Kỳ coi phim ảnh là một loại hàng hóa cần được đối xử bình đẳng như các hàng hóa khác.

Tuy nhiên, thực hiện được nghiêm chỉnh những cam kết về đa dạng văn hóa là một việc khó khả thi, nhất là với một nước chưa phát triển như Việt Nam. Hàn Quốc là nước bảo hộ điện ảnh dân tộc hơn ai hết, cho phép nhập phim nước ngoài với một tỷ lệ rất thấp, thậm chí các quốc gia Châu Âu đã hãnh diện cho rằng hiện tượng văn hóa Hàn Quốc ở châu Á với chính sách rào cản quota là minh chứng rõ rệt nhất về thành công của chính sách đa dạng văn hóa của UNESCO. Ấy vậy mà đến nay nước này cũng chuyển hướng theo các cam kết WTO, phá rào cản quota để cho hàng hóa điện ảnh thế giới tràn vào không giới hạn.

Trước tình thế đó, chúng ta đã phải quyết định cam kết chấp nhận quan niệm về hàng hóa văn hóa của WTO, phá bỏ rào cản quota dù biết nó ngược với quan niệm đa dạng văn hóa của UNESCO mà ta đã phê chuẩn. Dù muốn hay không, chúng ta cũng rơi vào tình cảnh “một ông hai bà”, giống như chàng Thúc Sinh vừa đeo đẳng mối tình với Thúy Kiều, vừa nem nép tuân thủ phép nhà Hoạn Thư.

Nói cách khác, chúng ta đã đứng trước bài toán đố làm thế nào để đưa chó sói, cừu non và bắp cải qua sông trên một con thuyền chỉ chở được hai trong ba vật đó thôi, khi biết chắc rằng nếu không có mặt người lái đò thì chó sói sẽ ăn thịt cừu non hoặc cừu non sẽ nuốt tươi bắp cải. Bài toán đố oái oăm tưởng như chỉ có trong sách toán học vui, nay đã trở thành bài toán oái oăm của quá trình phát triển và hội nhập, đòi chúng ta có lời giải thông minh.   

Giải bài toán sang sông

Bước thứ nhất, người lái đò để “con sói thị trường” ở lại bên này sông, đưa “cừu non điện ảnh dân tộc” và “bắp cải đa dạng văn hóa” sang sông trước, nhưng để giữ luật chơi chung không ai được chén thịt ai, người lái đò không cho chú cừu điện ảnh được huởng món bắp cải văn hóa ngon lành do UNESCO chu cấp. Đó là khi ta tạm gác lại việc thực hiện những cam kết WTO trong lĩnh vực điện ảnh, đề nghị có một lộ trình đến năm 2009 mới thực hiện.

Trong lúc “câu giờ” đó, Nhà nước vẫn đặt ra các rào cản với phim ngoại nhập để bảo hộ điện ảnh dân tộc và mặt khác, tích cực tham khảo các chuyên gia nước ngoài để tìm một giải pháp khả thi dung hòa cả hai cam kết với UNESCO và với WTO.

Năm 2007, Bộ Văn hóa đã mời một nhóm chuyên gia quốc tế từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy  Điển, Phần Lan do một Giáo sư nguyên Bộ trưởng văn hóa Thụy Điển làm trưởng đoàn đến Việt Nam giúp ta hoạch định chính sách về điện ảnh trong bối cảnh mới.

Các chuyên gia đã bộc lộ quan điểm chung cho rằng: Không thể đối xử với phim như các hàng hóa thương mại khác. Không thể coi ngân sách nhà nước là mục đích cuối cùng vì ngân sách dù lớn đến đâu cũng không thể sáng tạo ra con người.

Luật Điện ảnh:
Cảnh trong phim "Vua bãi rác" - bộ phim VN đầu tiên được gửi đi tham dự giải Oscar, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn

Không để người mua vé quyết định số phận phim mà cần phải xây dựng một cơ chế, một thiết chế, chính sách để đảm bảo cho sự phát triển của điện ảnh dân tộc nói chung và phim nghệ thuật nói riêng. Cần cởi mở hơn cho sáng tạo văn hóa và có chính sách quan tâm đúng mức tới sự sáng tạo này. Chúng ta đã gật gù lắng nghe tất cả để tìm phương cách đưa cả bắp cải, cừu non và chó sói sang sông.

Bước thứ hai, ta lại đưa “bắp cải văn hóa” quay về bờ cũ để đón “con sói thị trường” sang, đây là bước  chúng ta “mã hồi” các cam kết về đa dạng văn hóa để đưa các cam kết thuần túy thương mại vượt qua các rào cản quota đi vào cuộc sống. Cụ thể, chúng ta đang trình lên quốc hội Dự án sửa đổi  Luật điện ảnh, xóa bỏ các rào cản bảo hộ trong Luật cũ.

Tại sao chúng ta dám đi nước “mã hồi” này? Vì cam kết đa dạng văn hóa ký với UNESCO không phải là những cam kết quá chặt chẽ và riết róng gắn với tòa án và hình phạt như các cam kết với WTO. Giáo sư luật Toshiyuki Kono (Nhật) cho biết nhiều vấn đề quan trọng của Công ước Đa dạng văn hóa được đặt ra chỉ dưới dạng khuyến khích thực hiện thay vì nghĩa vụ bắt buộc, như yêu cầu tiếp cận công bằng với các nguồn văn hóa đến từ khắp các nơi trên thế giới, yêu cầu lồng ghép văn hóa vào chính sách phát triển v.v.

Những điều khoản mang tính bắt buộc về mặt pháp lý như bắt buộc chia sẻ thông tin và thông báo thường xuyên cho UNESCO, bắt buộc giáo dục và tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa thì đều không gây tranh cãi và dễ dàng thực hiện.

Trong khi đó, WTO đòi hỏi trình tự tố tụng bắt buộc tại Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB). Mỗi giai đoạn đều định rõ thời hạn. Một bên có thể đưa ra mọi vấn đề tranh chấp ra DSB mà không cần có sự chấp nhận của bên kia. Vì thế, trong bối cảnh phải lựa chọn tuân thủ nghiêm chỉnh hai cam kết đối nghịch nhau thì bất cứ nước nào cũng lựa chọn tuân thủ cam kết WTO.

Tuy nhiên, chúng ta không sửa luật chỉ vì mục đích buôn bán hay vọng ngoại. Mục đích của việc sửa đổi Luật Điện ảnh lần này được Bộ trưởng văn hóa Hoàng Tuấn Anh tuyên bố chính thức là để phù hợp với những cam kết khi vào WTO và để phát triển điện ảnh dân tộc.

Tuy nhiên, nhìn vào những điều bổ sung và sửa đổi, người ta chỉ thấy nổi bật lên vấn đề dỡ bỏ rào cản quota cho phim ngoại tràn vào không giới hạn, đe dọa công khai sự sống còn của điện ảnh dân tộc, mà không thấy đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược để bảo hộ  và phát triển điện ảnh dân đã được xã hội đề xuất từ lâu.

Ngay từ Hội nghị đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Điện ảnh tháng 2 năm 2006, ông Huỳnh Văn Nam, giám đốc Đài TH TP.HCM đã bật mí: “Năm qua, Đài chúng tôi nộp cho cơ quan thuế hơn 60 tỷ đồng. Nếu Nhà nước có chế tài quy định bao nhiêu phần trăm của số tiền này phải đầu tư cho điện ảnh làm phim chất lượng cao…thì quá tốt và nhà đài cũng chẳng ảnh hưởng gì”.

Ý kiến của ông Nam khiến các đại biểu tham dự Hội nghị tỏ ý tiếc…lẽ ra cần phải có  điều luật “cột chặt” điện ảnh với truyền hình để hỗ trợ điện ảnh dân tộc ở cấp vĩ mô. Nhưng ngay lúc ấy, nhiều người vẫn hy vọng còn kịp bổ sung điều luật đó trước khi Luật Điện ảnh được thông qua. Tuy nhiên, Luật đã được thông qua không có thêm điều khoản “trong mơ” đó.

Và đến lần này, sau ba năm thi hành Luật điện ảnh, trước bao nhiêu đề nghị kiến nghị trong các Hội nghị, Hội thảo và tư vấn nhằm cứu nguy cho điện ảnh dân tộc, những người soạn thảo Luật Điện ảnh bổ sung và sửa đổi vẫn không thể đưa vào Luật các điều khoản gắn liền Truyền hình với Điện ảnh, cũng chẳng dám quy định cụ thể về các giải pháp, các nguồn lực gây quỹ hỗ trợ cho điện ảnh. Dường như việc đó đụng chạm đến quyền lợi của những ai đó, nên cứ phải lờ đi?

Hy vọng trong lần sửa đổi này Quốc hội sẽ bổ sung các quy định bảo hộ điện ảnh dân tộc như: đánh thuế cao phim nhập, trích phần trăm tiền bán vé chiếu bóng và tiền quảng cáo trên truyền hình để lập Quỹ hỗ trợ cho điện ảnh nước nhà. Có như vậy chúng ta mới có đủ cơ sở để đi  tiếp bước thứ ba của quá trình tìm ra lời giải cho bài toán khó: gắn liền phát triển kinh tế và hội nhập với việc  xây dựng con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC