Như chúng tôi đã thông tin, trong những cổ vật triều Nguyễn đang được đề cử là báu vật quốc gia, có chiếc áo Long Cổn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế. Tuy nhiên, đối chiếu hiện vật này với sử sách để lại, vẫn còn nhiều khác biệt.
Long Cổn trong Tế Giao
Áo Long Cổn là áo dành riêng cho vua mặc trong nghi lễ tế trời (Tế Giao).
Lễ Tế Giao của các triều đại phong kiến VN có một diễn trình lịch sử lâu đời, gắn liền với truyền thống tâm linh phương Đông, mục đích cầu cho đất nước thái bình, thiên hạ yên vui, mùa màng tươi tốt. Sử sách còn ghi, dưới triều Lý Anh Tông (1138-1175) năm 1154, triều đình đã cho đắp đàn Viên Khâu, và đích thân nhà vua lên làm lễ tế trời.
Đến thời Nguyễn, giai đoạn đầu, mỗi năm một lần, triều đình cho tổ chức lễ Tế Giao vào tháng 2 âm lịch. Từ năm 1890 về sau, triều đình quy định cứ 3 năm tổ chức một lần. Cuộc lễ Tế Giao lần cuối vào thời Nguyễn diễn ra ngày 23.3.1945 dưới triều Bảo Đại.
Trong tập Minh Mạng Ngự chế thi có bài thơ Trai Cung ngẫu vịnh được vua Minh Mạng ngự chế (sáng tác) với nội dung sau: “Trai Cung chuyên dĩ kính trì thân/Tự tảo Linh đài vật dục trần/Phần điển, thi thư, liêu tác bạn/Vấn tâm diệc khả đối đồng nhân”.
Dịch thơ: “Một niềm trai kính thân này giữ/Bao bụi trần ai đã quét ra/Phần điển, thi, thư, thường kết bạn/Đồng nhân đối diện hỏi lòng ta”. (Hải Trung)
Qua bài thơ, ta thấy điển chế triều Nguyễn khá chặt chẽ trong lễ tế này. Sử sách cho biết, sau khi hoàn tất bài thơ, nhà vua tự tay trồng một cây thông. Sau đó, các quan khắc bài thơ của vua vào một chiếc thẻ bài đá rồi treo vào thân cây. Chuẩn bị cho Tế Giao, nhà vua phải tiến hành các nghi thức chay tịnh, nằm đất, mặc Long Cổn và ngồi thiền trước tượng đồng nhân (tượng trưng cho sự thanh tịnh) ở Trai Cung. Nhà vua sẽ mặc Long Cổn trong suốt thời gian diễn ra lễ Tế Giao ở Trai Cung và Đàn Nam Giao...
Bảo tàng CVCĐ Huế hiện còn lưu giữ một chiếc Long Cổn. Trên chiếc Long Cổn này, các biểu tượng về quan niệm vũ trụ và nhân sinh khá chặt chẽ. Ngực áo thêu hình tượng con rồng bay lên, hai tay và cửa tay áo thêu hình rồng đuổi, mặt sau tay áo thêu hình phượng hoàng, vai trái thêu hình mặt trời, vai phải thêu hình mặt trăng, lưng áo thêu các vì tinh tú, kiểu thức tam sơn. Tất cả các chi tiết phản ánh nhận thức về vũ trụ, về triết lý âm dương, sự hòa hợp giữa đất trời - con người.
Long Cổn qua sử sách
Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của triều Nguyễn mô tả những quy định về chiếc Long Cổn như sau: “Áo Cổn bằng sa mỏng bóng, toàn sợi tơ nhuộm màu thiên thanh, thêu mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, núi, rồng, chim trĩ, dải rủ xuống thì thêu rồng mây, hoặc dùng sa mỏng trắng bóng toàn sợi tơ màu tuyết trắng. Cửa tay áo thêu rồng mây. Cổ áo bằng đoạn đậu 8 sợi tơ bóng màu quan lục, thêu chữ á, trong lót lụa sắc trắng. Dải thêu rồng mây, thủy ba”.
Theo quy định về màu sắc, chiếc Long Cổn có màu thiên thanh. Thế nhưng, chiếc Long Cổn ở Bảo tàng CVCĐ Huế lại có màu đen. Các chi tiết khác so với chiếc Long Cổn hiện còn ở Bảo tàng CVCĐ Huế là khá phù hợp, cũng phù hợp với bức ảnh vua Khải Định mặc Long Cổn. Nhưng đối chiếu bức ảnh vua Khải Định mặc Long Cổn với chiếc Long Cổn được ghi nhận từ bản vẽ của Nguyễn Thứ (in trong tạp chí B.A.V.H, năm 1914) lại có một số điểm không phù hợp.
Đó là sự phân bố chiếc “bổ tử” trong quy cách của áo. Ảnh vua Khải Định mặc Long Cổn có kiểu “bổ tử” ở mặt trước, không giống với ghi nhận qua bản vẽ của Nguyễn Thứ. Có lẽ là Nguyễn Thứ đã nhầm (?). Điều đáng tiếc là hai tấm “bổ tử” phía trước và phía sau áo hiện nay đã không còn.
Thực tế cho thấy, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ được biên soạn từ năm 1843 (triều Thiệu Trị) đến năm 1851 (triều Tự Đức). Thời gian sau này, với những biến động lịch sử phức tạp, nhiều điển chương, điển chế của triều Nguyễn không còn được áp dụng một cách chặt chẽ. Điều này cũng nói lên rằng, chiếc Long Cổn ở Bảo tàng CVCĐ Huế có niên đại muộn của thời Nguyễn và cũng đã từng tồn tại các chiếc Long Cổn không giống nhau hoàn toàn.
Dù sao, chiếc Long Cổn (có lẽ là chiếc duy nhất còn lại trong y phục Tế Giao của các vua Nguyễn) vẫn là một hiện vật độc đáo, quý hiếm gắn với một lễ tế giàu tính nhân văn, phản ánh lý tưởng thẩm mỹ của nhà nước quân chủ về đời sống hạnh phúc của muôn dân, về sự thái bình của thiên hạ.
Theo Thanhnien.