Danh hiệu hoa hậu, cơ hội đổi đời mà bất cứ cô gái nào cũng muốn có, dường như Thúy lại dửng dưng theo cái nghĩa mà người đời vẫn hiểu về nó.
Làm hoa hậu là “nghề” rất khắc nghiệt
Nhớ là ngày đó chị có đi tham gia học đào tạo người mẫu, chị không nghĩ nếu không là hoa hậu thì giờ chị cũng là một vedette trên sàn catwalk sao?
- Rất tiếc là không thể có trường hợp này xảy ra. Ngày trước tôi đi học catwalk chỉ để sửa dáng và rèn luyện sự tự tin. Đứng trên sàn diễn tôi đã nhận thấy mình không có đam mê với cái nghề này. Không những thế lúc diễn mẫu tôi lại luôn mơ tưởng đến vị trí VIP ngồi ở dưới. Với một niềm đam mê có hạn như thế tôi biết đỉnh cao của nghề người mẫu không bao giờ dành cho mình.
Vậy việc giành được chiếc vương miện HHVN 2006 chính là cơ hội đổi đời ngoạn mục đến với chị?
- Đổi đời hay không còn tùy vào cách nhìn của mỗi người về cơ hội đó và cách họ tận dụng cơ hội đó ra sao. Quả thật cũng có những cô hoa hậu sau khi đăng quang thì quả là “đổi đời”, xe hơi, nhà lầu, bồ đại gia. Họ có tất cả những thứ mà trước khi được đội chiếc vương miện lên đầu, họ mơ, thậm chí mơ cũng không có. Riêng tôi thấy cuộc sống của mình không có thay đổi lớn.
Chị là người hẳn là người “biết suy nghĩ” nên đã may mắn vượt qua được tất cả những thị phi, cám dỗ của thế giới chân dài, xưa nay vốn thừa điều tiếng?
- Thế giới chân dài, nơi tập trung chủ yếu của các cô người mẫu, vốn lắm thị phi nhưng tôi nghĩ làm hoa hậu còn khắc nghiệt hơn và chịu áp lực lớn hơn rất nhiều so với những cô gái theo đuổi nghề mẫu.
Khi đã là một hoa hậu, hậu quả cho mỗi sai lầm mình mắc phải có khi là không thể tưởng tượng nổi. Nghĩ lại năm 18 tuổi đã phải đối mặt với ngần ấy áp lực, tôi thấy đó chưa bao giờ là một điều may mắn nếu nói về phương diện đời sống tinh thần. Nhưng lạc quan mà nói thì các trải nghiệm, mà không phải cô gái nào 18 tuổi cũng phải trải qua, cho tôi một vốn sống nhất định mà tôi thấy trân trọng.
Còn nói về cám dỗ và thị phi, giá như mỗi khi chúng đến với chúng ta chúng đều xưng tên và địa chỉ cùng số thứ tự rõ ràng, theo kiểu: “Tôi là cám dỗ A đến từ XYZ” thì cuộc sống đơn giản hơn nhiều. Nhưng thực tế nào có được vậy, nên mình phải tự “rào đường” để ngăn nó không đến với mình và nếu khi nó đến từ mình phải bình tĩnh để chống lại với cái “cối xay” đó.
Thấy mình phải có trách nhiệm với lòng tin của mẹ
Sau đăng quang, chị nghĩ gì mà quyết định một mình Nam tiến, nói thực lúc đó chị còn “rất ngây thơ”?
Lúc chị Nam tiến, vào một nơi vốn là trung tâm của showbiz, không ít những cám dỗ, mẹ chị có căn dặn điều gì không?
- Mẹ không nói gì nhiều. Nhà tôi mọi người hiểu và tôn trọng nhau và ít khi trao đổi nếu không thực sự cần thiết.Mẹ rèn cho tôi sự tự lập từ tấm bé và luôn tin tưởng tôi khiến tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm với lòng tin của mẹ. Chỉ cần ánh mắt mẹ thoáng buồn là tôi thấy rất trăn trở nên trong bất kì việc gì tôi làm, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là gia đình.
Chị luôn bị lu bù với những chuyến đi từ thiện, không có cả thời gian về nhà với mẹ. Có bao giờ chị thấy có lỗi với mẹ?
- Đây là việc riêng của tôi và gia đình, cũng thật khó để chia sẻ để mọi người hiểu nếu không có mẹ tôi ở đây. Nhưng tôi có thể nói một điều, nếu việc tôi làm là không tốt, chắc chắn gia đình đã cản tôi từ lâu chứ không hết lòng hỗ trợ và động viên như thế. Và tôi biết, mẹ luôn thông cảm và hiểu cho sự thiếu sót trên của tôi.
Chị quyên góp được hàng tỷ đồng cho công tác từ thiện. Nhưng chưa bao giờ đưa được cho mẹ được một khoản nào. Có bao giờ chị thấy buồn về điều này không?
- Tôi buồn nhưng không phải vì việc này. Có rất nhiều chuyện khiến người ta vui và nhiều chuyện khác làm người ta buồn. Đúng là tôi có kiếm được tiền, thậm chí nhiều tiền, nhưng tôi đã xác định từ đầu số tiền đó là để dành cho công tác từ thiện. Tôi chưa bao giờ thấy hối hận về quyết định này.
Phận làm con, khôn lớn, kiếm được tiền ai cũng mong ít nhiều biếu mẹ một chút, để đỡ đần gia đình, mà lắm khi cũng không cần đỡ đần, chỉ là khoản để mẹ vui?
- Tôi nghĩ không người mẹ nào nỡ trách con khi chúng mang số tiền kiếm được đi giúp đỡ những hoàn cảnh còn đang khó khăn hơn mình rất nhiều.
Người ta bảo, có con gái làm hoa hậu, cả nhà được nhờ. Nhưng cho đến giờ gia đình chị vẫn vậy. Chị không sợ người đời nói chị chỉ biết “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” sao?
- Ai nói đó là quyền của họ và tôi tôn trọng điều đó. Tôi không để ý miệng lưỡi thế gian. Hạnh phúc của gia đình mình nằm gọn đằng sau cánh cửa gia đình, nhiệm vụ của tôi là làm cho hạnh phúc luôn chất đầy ở trong đó. Cũng như tôi đã là người trưởng thành, phải tự biết lo cho bản thân mình, nhất là không được phiền đến người khác.
Còn “dại khờ” được trong tình yêu là một diễm phúc
Chị không bị vật chất chi phối nên chị chọn người đàn ông cho mình cũng không vào hàng đại gia như các cô hoa hậu khác. Người ta nói, chị yêu “ dại khờ và ngây thơ” lắm?
- Nếu người ta có thể “dại khờ và ngây thơ” trong tình yêu, đó là một diễm phúc đấy. Sợ nhất là khi con người ta quá tỉnh táo, để rồi toan tính đủ thứ với tình yêu của mình.
Người đàn ông chị yêu hẳn phải có một tố chất đặc biệt mới “đánh gục” được chị?
- Tôi không phải một người đặc biệt, nên cũng không yêu cầu người đàn ông của mình có tố chất đặc biệt, vì e rằng nếu vậy thì tôi lại không “với” được đến với họ.
Người đàn ông đó đem đến cho chị cảm giác gì khiến chị đủ niềm tin để đặt tình yêu của mình vào anh ấy?
- Tôi nghĩ rằng người không có tình yêu và không có niềm tin cũng thiệt thòi ngang bằng với những người yêu và tin quá mù quáng. Tình yêu cũng là một nồi lẩu mà cảm xúc và niềm tin là gia vị không thể thiếu, nhưng nêm nếm sao cho vừa là chuyện của mình. Đâu có nồi lẩu nào giống nồi lẩu nào?
Đây là mối tình đầu, chị có sợ nó “sớm nở tối tàn” không?
Giờ chị hẳn thấy rất hạnh phúc. Có lúc nào chị thầm cảm ơn cơ hội đổi đời, chiếc vương miện HHVN 2006, đã giúp mình có được như ngày hôm nay?
- Tôi thấy mình nên cám ơn những gì mình đang có, vì thời gian không quay trở lại để mà người ta đánh giá được thiệt hơn trong mỗi quyết định của cuộc đời mình. Có thể ngày hôm nay người ta khóc trong cay đắng, nhưng ngày mai lại thầm nở một nụ cười! Chẳng ai biết trước được.
Theo Sống mới.