Bất kỳ ai trong mỗi chúng ta khi đang làm trong lĩnh vực nào cũng đều mong muốn có được sự thành công nhất định và đối với giới nghệ sỹ, những người mà công việc của họ gắn bó với mối quan hệ công chúng thì sự thành công của họ được đánh giá qua sự “nổi tiếng”.
Sự nổi tiếng sẽ đem đến cho họ tiền tài, danh vọng…Tuy nhiên con đường dẫn đến sự nổi tiếng không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng, đôi khi “nổi tiếng” lại gắn liền với “tai tiếng”. Một cuộc mạn đàm khá thú vị giữa phóng viên với Thạc sỹ Tâm lý - chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn xoay quanh chủ đề này.
- Xin ông cho biết quan điểm của tâm lý học về vấn đề nổi tiếng như thế nào? Và sự nổi tiếng nói riêng trong giới nghệ sỹ?
|
Thạc sỹ Tâm lý - chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn |
Thông thường con người ta đều “thích được để ý”. Đó là nhu cầu của tất cả mọi người, từ đứa trẻ con. Nếu chúng ta để ý thấy rằng ở trong lớp học, các giáo viên thường hay quan tâm, hay nêu tên nêu gương những học sinh giỏi. Còn những học sinh có tật nọ tật kia thường hay bị lờ đi, cho ngồi ở những bàn cuối và chúng đã gây sự chú ý bằng cách quậy phá, để mọi người thấy rằng “tôi đang tồn tại, đang cần được chú ý”…
Hoặc có trường hợp một ca sĩ nổi tiếng của Mỹ sau khi “nghỉ hưu” lui vào hậu trường, không chịu nổi khi bị rơi vào quên lãng đã tìm cách vào trong siêu thị ăn cắp một món đồ trị giá chưa đến 100 USD và cố tình để bị bắt và bà ta đã vô cùng sung sướng khi ngay ngày hôm sau đã thấy tên mình xuất hiện trên mặt báo…Như vậy mong muốn được chú ý, được quan tâm, được chứng tỏ với đời là tôi đang tồn tại là một nhu cầu hết sức chính đáng của tất cả mọi người và bản thân chính chúng ta, những người không có gì nổi tiếng…
- Tức là theo ông tạo ra những scandal là cách nhanh nhất để trở nên nổi tiếng?
Đúng. Cách nhanh nhất là gây sự chú ý bằng scandal nhưng đó không phải là cách bền, nó có hai mặt của nó. Điều tất yếu là khi không nổi tiếng được bằng cách này thì người ta phải tìm một cách khác. Chúng ta vẫn thường nói "hữu xạ tự nhiên hương", và khuyên nổi tiếng bằng tài năng, đức độ, bằng vốn liếng…nhưng đời nghệ sỹ rất ngắn và những người có thể khẳng định mình bằng thực tài thì rất khó bởi với thời đại ngày nay đợi “hữu xạ” để mà “lên hương” có vẻ quá lâu.
Hiện nay xã hội phát triển với tốc độ rất nhanh, nếu không khẳng định mình sớm thì hai năm nữa xu thế nó cũng khác đi rồi. Scandal là một hiện tượng đồng hành cùng cuộc sống của các nghệ sỹ và có thể không bao giờ chấm dứt. Gây được sự chú ý nhất là bằng những scandal sex, các vụ cãi cọ, đánh ghen...dư luận biết đến qua những đường link… một gương mặt mới lên chưa ai biết bỗng trở nên nổi tiếng, nhiều người khác thấy vậy cũng làm theo cách đó.
Tuy nhiên, việc tạo ra scandal cũng giống như tạo ra một cơn sóng, nếu sóng đó quá mạnh sẽ nhấn chìm mình, bằng chứng là đã có nhiều người sau một vài vụ scandal đã lãnh hậu quả ghê ghớm, thân bại danh liệt…
- Vậy có nên tạo sự “nổi tiếng” bằng “tai tiếng”?
Tất nhiên chẳng ai nói rằng nên nhưng người ta vẫn cứ đang làm và đã có người thành công. Quan trọng là ứng xử với nó như thế nào để không đi quá giới hạn của xã hội, của luật pháp…
- Vài năm gần đây ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều các vụ scandal trong giới showbiz (vụ ca sĩ SMĐH Hồng Nhung, Hoàng Thùy Linh, Thủy top…). Có người cố ý tạo ra scandal để tự đánh bóng tên tuổi nhưng cũng có người cho rằng mình là nạn nhân…Ông nghĩ sao về trường hợp này?
Ở đây có hai vấn đề: Một là khi đã bị tung lên và nổi tiếng thì chẳng ai bảo rằng là tôi tự đưa lên. Hai là một người muốn quay phim hay ghi lại những hình ảnh kỷ niệm có tính riêng tư kín đáo thì phải có cách quản lý, bảo vệ riêng…Để hình ảnh riêng tư lọt ra ngoài chính là lỗi của họ bởi việc này họ hoàn toàn có thể kiểm soát được.
- Mong muốn được nổi tiếng và khi đã đạt được rồi, người nghệ sỹ sẽ trở thành tâm điểm của dư luận, mọi hành động của họ thường bị xã hội để ý và nhìn nhận một cách rất khắt khe. Đó phải chăng là nỗi khổ của nghệ sỹ?
Là nghệ sỹ, ca sỹ hay họa sỹ…thì người ta cũng là những người bình thường. Đấy là nghề nghiệp mà nghề nghiệp thì người ta không phải lúc nào cũng sống với cái nghề ấy.
Mỗi ngày có 24 tiếng, cả cuộc đời con người ta sống với nhiều vai khác nhau. Về nhà người ta phải làm người chồng, thậm chí có lúc tức vợ còn tát vợ. Khi được mời đi giảng dậy thì họ là người thầy, phải đạo mạo…Chúng ta cũng thế thôi, đặt mình vào vai nào thì phải diễn cho tròn vai ấy nhưng cũng đừng từ tối đến sáng hay suốt cả cuộc đời chỉ đóng khung trong một vai diễn.
Nếu như trong cuộc sống vợ chồng tôi vẫn phải là nghệ sỹ, ra đường tôi thích ăn bún đậu mắm tôm nhưng vì nghĩ mình là nghệ sỹ nên không dám ăn…(cười). Không ai muốn điều đó cả. Cái việc chúng ta hay khuyên các nghệ sỹ phải thế này thế khác thì ngược lại để cho tất cả mọi người nhìn nhận đừng có vì yêu quá mà bắt người ta phải tròn trịa một cách thái quá…
Theo TGĐA.