Mất truyền thống nếu chối bỏ các chuẩn mực GS - TS Ngô Đức Thịnh, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á, trò chuyện xung quanh những vấn đề phục hồi lễ hội truyền thống.

 Thưa ông, thời gian gần đây các lễ hội truyền thống đang có xu hướng phục hồi sau một thời gian dài bị dẹp bỏ. Quan điểm của ông về việc này ra sao: có nên phục hồi các lễ hội truyền thống?

- Rất nên. Về cơ bản, lễ hội mang đúng nghĩa “của dân, do dân và vì dân” do người dân có nhu cầu bỏ tiền ra để làm. Đấy là nơi họ thể hiện tâm tư tình cảm, khát vọng. Chưa kể lễ hội chứa đựng nhiều yếu tố tích cực. Tôi cho rằng, càng hiện đại, nhu cầu này của con người càng lớn. Xin nhấn mạnh, đó là lễ hội truyền thống, chứ không phải là lễ hội hiện đại.

Theo tổng kết của Cục Văn hóa Thông tin Cơ sở, đến nay có tới gần 8.000 lễ hội truyền thống đã được phục hồi. Con số bất ngờ này chắc chắn vẫn còn xa so với thực tế.

Theo tôi, lễ hội truyền thống có đến năm giá trị đáp ứng nhu cầu của con người xã hội hiện đại.

Thứ nhất, lễ hội là môi trường hướng con người trở về cội nguồn tự nhiên, cội nguồn của cộng đồng, xã hội, dân tộc. Ví dụ Lễ hội chùa Hương, trước khi “Phật giáo hóa” đó là hội chơi hang. Người Thái Tây Bắc hiện giờ vẫn giữ lễ hội chơi hang, là nơi trở về môi trường tự nhiên người ta đã sinh ra. Môi trường đô thị ngày càng trở nên chật chội. Vì thế mà các loại hình du lịch tự nhiên kết hợp du lịch hành hương nở rộ. Hàng loạt lễ hội có ý nghĩa đưa con người trở về cội nguồn lịch sử: lễ hội Đền Hùng, lễ hội Trần Hưng Đạo, lễ hội Hai Bà Trưng... Con người có đặc tính càng hiện đại, càng có nhu cầu tìm hiểu về quá khứ... Chính người Việt Nam đã học lịch sử, giữ gìn truyền thống yêu nước thông qua các lễ hội.

Thứ hai, lễ hội tạo nên sự cố kết cộng đồng thông qua biểu tượng mà mình thờ cúng. Con người hiện đại, càng cá nhân càng cần cộng đồng. Đến như nước Mỹ, một quốc gia mà chủ nghĩa cá nhân phát triển cao đến vậy, tỉ lệ tham gia các hội đoàn cao nhất thế giới. Lễ hội là chất xi măng kết dính cộng đồng.

Thứ ba
, lễ hội cân bằng đời sống tâm linh và trần tục. Sau một năm lăn lộn để sinh tồn, họ cần có sự thư giãn, thăng hoa. Năm 1996, tôi sang Nhật Bản lần đầu tiên, tôi rất ngạc nhiên, nước Nhật hiện đại, phát triển, giàu có, mà trời ơi, người Nhật cúng bái còn hơn người Việt nhiều với đủ thứ nghi lễ. Một vị giáo sư dẫn tôi tới chùa Vàng nổi tiếng ở Nhật Bản, cả hai cùng xin thẻ. Tôi được một cái thẻ “Đại Cát” đến giờ vẫn còn giữ, còn vị giáo sư kia thì xin được một cái thẻ xấu, mặt tái mét đi vì... sợ. Đời sống hiện thực của người Nhật được “chương trình hóa”, lên tàu xe là ngủ. Vị giáo sư đó giải thích với tôi rằng, nếu không có những lễ hội để cân bằng lại, chắc chắn người Nhật sẽ rơi vào trạng thái “tâm thần tập thể”. Tôi nghĩ, người Việt Nam cũng sẽ thế. Những ngày du Xuân, đi lễ giúp người ta thư thái, cân bằng trở lại... Giá trị thứ tư, lễ hội là môi trường con người thể hiện nhu cầu vừa sáng tạo, vừa hưởng thụ văn hóa. Và giá trị thứ năm, rất quan trọng, lễ hội là môi trường để trao truyền văn hóa thông qua các nghi lễ, tập tục... Lễ hội chính là bảo tàng của văn hóa truyền thống. Tôi từng nói, nếu không có lễ hội không biết văn hóa truyền thống Việt sẽ đi đâu về đâu. Vậy thì tại sao chúng ta còn phải bàn đến chuyện có nên hay không nhỉ! Nói không cũng không thể được vì quần chúng sẽ tự bỏ tiền ra làm, tự bỏ tiền trùng tu đền, chùa...

Thưa ông, đúng là không thể phủ nhận hàng loạt các giá trị của lễ hội truyền thống như ông vừa nói, nhưng thực tế, những lễ hội được tổ chức đâu đó vẫn còn vấn đề đáng bàn, thậm chí khiến dư luận bức xúc...


- Trong một bài viết gần đây, tôi đã nêu những nguy cơ làm mất đi giá trị của lễ hội. Đáng nói nhất là sự “đơn điệu hóa”. Người Hà Nội có câu: Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/ Vui thì vui đấy chẳng tày giã La. Nó có nghĩa là mỗi lễ hội có nét riêng. Tục thi bơi ở làng Đăm, rước hội Giá là lớn nhất có tục kiệu bay, hội chùa Thầy chơi hang Cắc Cớ, liên quan tới múa rối nước, tới Từ Đạo Hạnh. “Chẳng tày giã La” là hội làng La Khê ở Hà Đông hiện nay gắn với tục tắt đèn... Sau một thời kỳ chúng ta để những tập tục ấy mất đi, vì chủ trương cho rằng đó là mê tín dị đoan, đến nay, khi khôi phục lại xuất hiện xu hướng nhất loạt. Trước kia chỉ một số nơi thờ nữ thần có tế nữ quan, nay đội tế nữ quan đi khắp nơi, vào cả Văn Miếu - nơi vốn không phải dành cho các nữ thần. Xu hướng nhất loạt làm thui chột bản sắc lễ hội. Hiện giờ, lễ hội ở đâu cũng na ná giống nhau. Lễ hội là hoạt động tâm linh, gắn với việc thờ các vị thần. Nhưng hiện nay, lễ hội bị mất tính thiêng. Như lễ hội Lảnh Giang năm vừa rồi chẳng hạn. Lễ hội làm sao phải giữ được tính thiêng của nó. Biến lễ hội thành nơi để xin tiền, rồi khấn thuê, đội thuê, chỗ nào cũng bày hòm công đức ra... là điều không thể chấp nhận được. Nguy cơ này gắn với việc “thương mại hóa”. Người ta khoán đình chùa cho tư nhân một năm nộp bao nhiêu tiền ở một số địa phương. Nhiều nơi lợi dụng hoạt động tâm linh để “buôn thần, bán thánh”... Để dần khắc phục những mặt trái trong lễ hội, cũng cần phải nghĩ đến việc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng giáo dục cho rộng rãi nhân dân, nhất là thế hệ trẻ những hiểu biết sơ đẳng về tín ngưỡng, lễ hội, về các vị thần linh… để khi người ta đi lễ hội mỗi người sẽ có những ứng xử và hành vi đúng, có văn hóa.

Mất truyền thống nếu chối bỏ các chuẩn mực_0

Hai lễ hội mới được phục hồi gây nhiều chú ý thời gian qua là Tịch Điền và Lảnh Giang. Ông nghĩ sao về cách người ta phục hồi truyền thống ở hai lễ hội này?

- Theo quan điểm của tôi, truyền thống và đương đại luôn song hành. Bản thân tôi ủng hộ đưa nhu cầu, hình thức hoạt động của xã hội đương đại vào truyền thống. Làm gì có truyền thống thuần túy. Nhưng với lễ hội Lảnh Giang, nghi lễ lên đồng thì không thể mang ra quảng trường được... Với lễ hội Tịch Điền, tôi cho rằng nên khôi phục lại nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Thái Lan đến nay vẫn tổ chức lễ hội này. Nhưng ở lễ hội vừa qua vẫn có những điểm tôi chưa tâm đắc. Ở Thái, họ mặc cho con trâu một chiếc áo thêu, điều đó biến con trâu bình thường thành con trâu thần, trâu tiên. Tôi thì không thích cách người ta vẽ lên mình trâu như ở ta. Mình phải “thiêng hóa” các con vật là biểu tượng của lễ hội. Lễ hội Tịch Điền năm nay theo tôi đã khắc phục được điểm chưa được của năm ngoái. Nghi lễ xưa, nhà vua xuống cày ruộng. Năm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đích thân xuống ruộng cày. Theo tôi, đó là “chính danh”... Vừa qua, Thừa Thiên Huế có nhờ tôi giúp trong việc làm hồ sơ cho Lễ Tế Nam Giao đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Quan điểm của tôi là không được, vì lễ tế này chưa “chính danh”. Theo truyền thống, nghi lễ này phải do vua đứng ra chứ hiện nay, đó chỉ là hoạt động sân khấu hóa phục vụ khách du lịch mà thôi. Đã là nghi lễ phải khác bình thường. Lễ hội hiện nay đang bị mất đi những giá trị linh thiêng, tức là bị hạ thấp giá trị của nó.

Năm vừa rồi rục rịch có chuyện công ty tư nhân tham gia phục hồi lễ hội, cụ thể như lễ hội Âm Dương ở Xuân Ổ, Bắc Ninh. Ông nghĩ sao về xu hướng “xã hội hóa” lễ hội này?

- Ở nước ngoài, hầu như nhà nước không tham gia vào việc tổ chức các lễ hội. Theo tôi, ta cũng nên “xã hội hóa” hoạt động lễ hội, nhưng phải đảm bảo các chuẩn mực nhất định. Xưa, trong lễ hội ở các làng, gia đình nào nuôi trâu, nuôi lợn làm lễ tế thần cũng phải có chuẩn mực thì con trâu, con lợn mới trở thành thiêng. Chúng ta sẽ làm mất những giá trị truyền thống của lễ hội nếu chối bỏ những chuẩn mực đó.

Xin cảm ơn ông!

Theo TTVH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC