MC - Người đầu trò mạo hiểmẤy là khi Anh Tuấn và Diễm Quỳnh, trong một chương trình ca nhạc, đã hỏi mọi người một câu: "Bạn hãy cho biết đàn nhị của Việt Nam còn có tên gọi gì khác?". Một khán giả trả lời khá bất ngờ: "Thưa anh, đàn violon đùi ạ".Thế là khán giả phì cười, Diễm Quỳnh và Anh Tuấn cũng không nhịn được cười. Tất nhiên hai người có thể cười, nhưng không thể cả hai cùng chạy vào cánh gà để cười xả láng làm chương trình chết tới 5 phút.

Ở nhiều nước trên thế giới, MC (người dẫn chương trình) được đào tạo rất bài bản theo từng cấp độ khác nhau và chỉ được dẫn chương trình hoặc bình luận phù hợp với công việc mà mình nắm chuyên sâu.

Hiện nay ở nước ta thì ngược lại, đa số các MC hiện nay đều là tay ngang với nhiều ngành nghề khác nhau, không được đào tạo cơ bản nên dễ vấp phải những sơ suất không đáng có. Đặc biệt nhiều MC còn để lộ kiến thức hạn chế về chuyên môn trong chương trình mà mình đang dẫn.

Những tai nạn khó ngờ

Những sự cố bất thường như nói nhịu, nói nhầm, thậm chí có MC còn nói ngọng. Điều tai hại và gây phản cảm cho khán giả ở các chương trình truyền hình trực tiếp là khi MC có những câu hỏi, bình luận hoặc ứng xử không chuẩn theo kịch bản.

Điển hình là chương trình "Con đường âm nhạc", người khá vững vàng tâm lý và đã dẫn nhiều chương trình như nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng đã để lại những hạt sạn, sự tẻ nhạt và đã phải đổi người.

MC - Người đầu trò mạo hiểm
Trước khi bị bỏ lửng, chương trình "Con đường âm nhạc" đã "qua tay" nhiều MC (Lê Anh trong chương trình về nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn)

Sau đó đến người đẹp Thúy Hạnh làm MC càng thể hiện một trình độ dở hơn với những câu nói... "thiếu" duyên, rồi cũng "bỏ của chạy lấy người". Tiếp tới nhà thơ Phan Huyền Thư, MC này là con nhà nòi của một gia đình âm nhạc, nhưng cũng lại không trụ vững.

Khi chương trình này chuyển sang MC trẻ Lê Anh, với những thành công tạm chấp nhận thì không ai ngờ đến lượt chính các nhà tổ chức "Con đường âm nhạc" cũng tự dưng bỏ lửng cuộc chơi.

Nguyên nhân chính từ người dẫn chương trình?

Có thể kể ra sự cố sau đây mà chính MC cũng làm đứt mạch chương trình khi không đủ bản lĩnh ứng xử. Ấy là khi Anh Tuấn và Diễm Quỳnh, trong một chương trình ca nhạc, đã hỏi mọi người một câu: "Bạn hãy cho biết đàn nhị của Việt Nam còn có tên gọi gì khác?". Một khán giả trả lời khá bất ngờ: "Thưa anh, đàn violon đùi ạ".

Thế là khán giả phì cười, Diễm Quỳnh và Anh Tuấn cũng không nhịn được cười. Tất nhiên hai người có thể cười, nhưng không thể cả hai cùng chạy vào cánh gà để cười xả láng làm chương trình chết tới 5 phút. Lẽ dĩ nhiên, đây không phải là chương trình quan trọng, nhưng làm cái anh "đầu trò" phải có bản lĩnh cầm trịch để những sự cố không làm đứt mạch cuộc chơi.

MC - Người đầu trò mạo hiểm
Diễm Quỳnh và Anh Tuấn

Nói đến ứng xử với những sự cố sân khấu như phác họa bắn không đúng lúc, hay sân khấu quay không khớp lệnh thì phải kể đến tình huống nghệ sĩ Thanh Bạch, một MC được đào tạo chính quy nhất đã làm cho khán giả bị bất ngờ với dự đoán của mình.

Đó là sự cố khi anh bị rơi xuống sàn thấp khi sân khấu quay quá sớm. Tuy đau điếng nhưng anh chuyển thành một động tác vũ đạo và biến thành một tiết mục nhảy như một sự cố nằm trong kịch bản vậy. Khán giả cười vui và lấy làm khâm phục. Chỉ trong tích tắc thôi, MC phải chuyển thắng thành bại, bởi lẽ mọi sự không thể lường trước.

Có một số ý kiến kêu ca MC truyền hình: "sao nhiều trí ít" quả là hơi quá. Thực tế mọi sự cố xảy ra đều nằm ngoài kịch bản mà chủ yếu là do MC thiếu bản lĩnh, nhất là khi không tập trung, tâm trí dễ bị chi phối và tự mình bị trôi ra ngoài kịch bản nên bỗng dưng tự đặt ra những câu hỏi đệm rất ngớ ngẩn.

Thậm chí có chương trình truyền hình trực tiếp cách đây ít năm, MC đã tự dưng khen ngợi ý nghĩa tên riêng của một ông Bộ trưởng. Khen nhiều đến mức ngài Bộ trưởng này lúng túng. Chưa hết, MC còn "táng" thêm một "chưởng", ý rằng với cái tên hay như thế, chắc Bộ trưởng không thể làm những việc không có ích...

Chắc chắn, những câu nói tuỳ tiện này không nằm trong kịch bản, và khi MC quá bốc lỡ miệng như vậy cũng dễ gây khó chịu cho mọi người.

Hay mới đây nhất, trong chương trình Gala Sao Mai - điểm hẹn, MC Anh Tuấn, người khá vững trong các chương trình hơn 10 năm nay, nhưng cũng có những lời tán không đúng lúc với một ca sĩ. Tuy không phải là lời tán nhảm nhưng lại vô duyên, không cần thiết khi làm các chương trình truyền hình trực tiếp.

Tất nhiên, không thể không cho phép MC sai lầm khi sự cố xảy ra, nhưng tài năng ứng xử và hạn chế những chi tiết quá lộ do chính MC gây ra thì lại là điều tối kỵ khi xuất hiện trước hàng triệu người xem.

MC - Người đầu trò mạo hiểm
MC Thanh Bạch

Tám chữ vàng

Với MC ắt hẳn ai cũng thuộc tám từ này: Chính xác - linh hoạt - truyền cảm - nhiệt tình. Nhưng ai đã dấn thân vào con đường làm người dẫn chương trình cần phải có tài năng ngoài sự đào tạo.

Nói vậy, bởi lẽ hiện có một số MC không được đào tạo bài bản nhưng do tự học và có tài nên đạt được tám chữ vàng trên. Trước hết phải kể đến những cái tên bấy lâu nay đã trở thành hiện tượng như Lại Văn Sâm, Long Vũ, Tạ Bích Loan, Diễm Quỳnh, Thành Lộc, Chánh Tín. Họ là người "nói ra tiền" theo đúng nghĩa của nó.

Gần đây, ở một số địa phương và các trung tâm văn hoá hoặc tư nhân đã có các lớp đào tạo MC nhưng đều ngắn hạn với một giáo trình tự biên soạn, nên các MC chưa có một trình độ chuyên nghiệp thực sự và để lại những sự cố "không đáng có, nhất là ở những chương trình truyền hình trực tiếp được hàng triệu người dõi xem.

"Học ăn - học nói - học gói - học mở" như các cụ ta xưa đã dạy quả không phải là chuyện dễ dàng. Hiện nay có tới hàng trăm MC xuất hiện ở mọi chương trình của hơn 60 tỉnh thành trên toàn quốc.

Ấy là chưa nói đến hàng nghìn MC tự phát ở các thôn làng xã huyện trên toàn quốc làm các việc như chủ hôn đám cưới, sinh nhật, lễ nghi... Xem ra đây là một đội ngũ cần được chú ý hàng đầu của mọi hoạt động văn hóa xã hội cộng đồng.

Theo Vương Tâm
Sức khoẻ-Đời sống




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC