Sau những Cô gái xấu xí, Đẹp từng centimet, Bỗng dưng muốn khóc…, việc sáng tác chùm ca khúc cho phim đang trở thành một xu hướng tất yếu. Phim làm xong, album cũng hoàn tất, mang ra phát hành và… thu lợi.

Trước đây, dù là phim điện ảnh hay truyền hình, mỗi bộ phim thường chỉ có một hoặc hai ca khúc mở đầu và kết thúc phim. Nhạc nền cho từng phân cảnh trong phim thường lấy nhạc nước ngoài hay những ca khúc có sẵn trong nước. Nhưng gần đây, mỗi bộ phim có cả album nhạc đi kèm. Phim ăn khách, các bài hát, ca sĩ cũng nổi tiếng theo.

Tạo sự đồng cảm

Mỗi phim một album nhạc_0

Bài hát cùng tên phim Bỗng dưng muốn khóc đã trở thành một trong những ca khúc đình đám nhất trong năm 2008

Mỗi phim một album nhạc_1

Series 6 ca khúc nhạc phim của ca sĩ Thủy Tiên trong Đẹp từng centimet cũng rất thành công

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng kể, hồi viết một loạt ca khúc cho Những cô gái chân dài, nhạc sĩ Nguyễn Quang Dũng còn chưa được biết đến nhiều. Nhưng ngay sau khi phim được công chiếu, những bài hát Tìm em nơi đâu, Giấc mơ Aikia… nổi như cồn. Số tiền anh thu về sau khi phát hành album tính ra còn cao hơn nhiều so với số tiền nhà sản xuất phim trả. Những ngày gần đây, ca khúc trong phim được sử dụng trong các dịch vụ điện thoại di động, như: cài nhạc chuông, nhạc chờ, quà tặng… luôn đứng đầu bảng xếp hạng số lượt tải về.

Có thể kể đến những trường hợp thành công như series nhạc phim trong Đẹp từng centimet, gồm 6 ca khúc của ca sĩ Thủy Tiên: Bí mật của em, Hát vang rằng em yêu anh, Một giờ sáng…; hay chùm sáng tác của Minh Thư trong phim Bỗng dưng muốn khóc. Bài hát cùng tên trong phim này đã trở thành một trong những ca khúc đình đám nhất trong năm 2008. Đối với fan teen của Siêu mẫu Xì Trum thì 11 ca khúc trong phim là những bài “hot”. Những ngày gần đây, 8 ca khúc trong bộ phim Có lẽ nào ta yêu nhau (phát trên kênh VTV1) cũng được các bạn trẻ yêu thích.

Mỗi phim một album nhạc_2

 

Đạo diễn Minh Chung của Cô gái xấu xí cho biết: “Từ trước tới nay, đa phần phim Việt Nam thường “khô” do nhân vật vui hay buồn cũng chỉ thể hiện bằng lời nói cử chỉ. Nếu lúc đó có một ca khúc phù hợp với tâm trạng nhân vật, khán giả sẽ dễ đồng cảm hơn rất nhiều”. Cũng nghĩ như vậy, khán giả Lưu Anh, sinh viên ĐHKHXH&NV chia sẻ: “Trong bộ phim Cô gái xấu xí, đoạn một mình Mai Lan ra phi trường, chấp nhận An Đông thuộc về Huyền Diệu, lời bài hát cất lên “mình em bước đi, đường đêm quá dài, không ai bước cùng…” khiến tôi thực sự xúc động”.

Xu hướng tất yếu và nguồn lợi “kếch xù”

Mỗi phim một album nhạc_3

                   Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng

 

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết, Việt Nam có lần gửi phim đi tham dự liên hoan phim quốc tế, nhưng không thể chứng minh đoạn nhạc nền trong phim (trích từ một bản giao hưởng nổi tiếng) đã được trả tác quyền nên bộ phim đó bị loại.

“Mua bản quyền các ca khúc nước ngoài rất rắc rối, còn mua các ca khúc nội có sẵn thì nhiều khi không đạt được ý đồ của đạo diễn, trong khi giá cả cũng tương đương với việc đặt viết ca khúc mới. Vì vậy sáng tác cả album cho phim là một xu hướng tất yếu”, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, nói.

Ngay khi đọc kịch bản, các đạo diễn đã suy nghĩ và phác thảo cần bao nhiêu ca khúc cho bộ phim, đặt hàng nhạc sĩ, ca sĩ nào cho phù hợp. Thông thường, nhạc sĩ sẽ có 4 -5 tháng để viết nhạc. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nếu mua bản quyền nhạc có sẵn thì nhà sản xuất thường chỉ mua một đoạn ngắn, vì nếu mua nguyên bài sẽ rất đắt. Riêng với bài A time for us trong Giải cứu thần chết, nhà sản xuất chỉ mua phần văn bản nhạc rồi về phối lại chứ không mua bản nhạc đã được thể hiện sẵn, nhằm giảm chi phí.

Mỗi phim một album nhạc_4

                 Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Nhưng không phải bỗng nhiên gần đây, các nhà sản xuất phim mạnh tay chi cho các dự án âm nhạc. Đạo diễn Minh Chung nói, sau khi bộ phim được phát sóng và nổi tiếng, nhà sản xuất có nhiều cách khác nhau để kinh doanh phần nhạc như phát hành album, cài đặt nhạc chuông điện thoại, bán tác quyền cho ca sĩ muốn thể hiện… “Số tiền thu về cao hơn rất nhiều so với kinh phí đầu tư ban đầu”, anh tiết lộ.

Rõ ràng, nhạc phim gần đây có những bước phát triển. Nhà sản xuất có mục đích kinh doanh, nhưng khán giả cũng có thêm cơ hội tiếp cận những tác phẩm có giá trị.

Theo Đất Việt.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC