Một bức tranh, hai kỷ lục?!“Con đường Gốm sứ ven sông Hồng” của họa sĩ - nhà báo Nguyễn Thu Thủy và nhóm cộng sự đã hoàn thành gần 1.500m2 tranh gốm theo quy hoạch tổng thể đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Giữa cái nắng chói chang cuối hè, trên tuyến đường Trần Nhật Duật, những người thợ miệt mài gắn từng mảnh gốm nhỏ nhiều màu sắc, bụi gốm trắng mờ nhẹ trên những khuôn mặt lấm lem. Sau hơn 1 năm khởi công và hoàn thành công việc, 60m2 tranh gốm đương đại với những đường nét hoa văn tươi mới đầy sáng tạo do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và nhóm cộng sự thực hiện, hiện lên ngày một rõ nét hơn.

Con đường Gốm sứ chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp, với nhiều chủ đề thú vị. Đoạn A1 tôn vinh di sản nghệ thuật theo dòng chảy lịch sử từ thời kì Đông Sơn qua các thời kì Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Trường đoạn đầu tiên này đóng một vai trò quan trọng là tôn vinh những nét đẹp trong di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử: những hoa văn Đông Sơn thời các vua Hùng, những họa tiết trên gốm trang trí kiến trúc Thăng Long thời Lý-Trần, gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, điêu khắc gỗ dân gian thế kỷ 17-18…  Đoạn A2 tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm và trang trí kiến trúc của 54 dân tộc Việt Nam. Đoạn A3 là tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề "Hà Nội - Thành phố vì hòa bình". Từ đoạn A4 đến A9 là tranh gốm đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế... Mỗi đoạn đường lại được thiết kế với một phong cách khác nhau.

Nổi bật nhất là bức tranh hoành tráng với hình tượng rồng thời Lý và hàng chữ "Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm" tại nút giao thông cầu Chương Dương. Với chủ đề “Dấu ấn định đô Thăng Long”, bức tường cao 6m tầng trên và 2,6m tầng dưới được phủ kín bằng hình tượng đôi rồng thời Lý bay lên từ nước sông Hồng, phản chiếu màu sắc rực rỡ của cầu vồng và của màu cờ lễ hội dân gian. Phần nền phía dưới là những dải hoa đào - biểu tượng của mùa xuân Hà Nội. Mặc dù con đường Gốm sứ ven sông Hồng vẫn đang trong thời gian hoàn thành, nhưng những gì con đường này đã làm được thực sự gây ấn tượng rất mạnh mẽ với người dân Hà Nội, những người có cơ hội đi qua con đường này.

Việc dùng chất liệu gốm truyền thống của dân tộc để trang hoàng các công trình kiến trúc đã có một lịch sử lâu đời, điển hình là bức tường thành Babilon được xây dựng từ thế kỷ thứ VI tr.CN, ở các mái vòm và tranh tường nhà thờ thiên chúa giáo châu Âu, nhiều công trình kiến trúc gốm hiện đại được trang trí bằng gốm ở Damstardt (Đức), Chicago, San Francisco, California (Mỹ), Fukuoka (Nhật Bản), Lyon (Pháp)... ở nước ta, kiến trúc gốm cũng đã được sử dụng ở nội thất lăng Khải Định, một vài mảng trang trí rồng, phượng ở các đình chùa Hội An, Hà Nội, Bát Tràng... Và cũng vì quá ấn tượng với những viên gạch gốm xanh coban lưu ly huyền ảo với men màu tươi nguyên qua bao thế kỷ, họa sĩ - nhà báo Nguyễn Thu Thủy đã có ý tưởng kiến trúc độc đáo. Con đường gốm sứ ven sông Hồng không chỉ mang kiến trúc gốm sứ rất độc đáo ấy mà đẹp hơn bởi nó chứa đựng trong đó những tinh túy, tinh hoa của dân tộc.

Cũng như những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới của Antonio Gaudi ở Barcelona (Tây Ban Nha), của Hundert Wasser ở Damstard (Đức), tường thành Babilon..., chúng ta hoàn toàn tin tưởng và đặt niềm tin vào con đường gốm sứ ven sông Hồng sẽ lập hai kỷ lục là: Bức tranh tường gốm dài nhất, hơn 6.000m và là bức tường gốm có nhiều nghệ sĩ quốc tế tham gia sáng tạo nhất thế giới./.

Theo TNVN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC