Trong truyền thống Hà Lan, đôi guốc gỗ được xem như tín vật đính ước thiêng liêng. Ngoài ra, người Hà Lan còn dùng guốc gỗ vào nhiều mục đích khác nhau trong thời trang, nông nghiệp, âm nhạc...
Vào đông, thời tiết Hà Lan khắc nghiệt, mặt đất tích đầy nước gây khó khăn trong việc di chuyển và lao động. Do đó, người dân nghĩ ra cách khoét rộng miếng gỗ, tạo thành đế chắc chắn với mũi guốc vểnh lên như chiếc thuyền. Lòng guốc thêm rơm nên đi vào êm và ấm áp.
Một nghệ nhân đang làm guốc gỗ. |
Đất nước Hà Lan tràn ngập rừng bạch dương, dương liễu, tần bì…, nguyên liệu chính tạo ra đôi guốc gỗ. Vật dụng này hữu ích cho người dân trong mọi ngành nghề: trồng trọt, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ... Guốc gỗ giúp những cô thôn nữ Hà Lan tránh được gai nhọn và cái lạnh trên đồng cỏ khi chăm sóc những đàn bò sữa.
Ngoài ra, người Hà Lan còn dùng guốc gỗ cho nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, guốc gỗ thời trang được sơn nhiều màu sắc với các họa tiết đa dạng. Đây cũng là yếu tố làm nên trang phục truyền thống của người dân đất nước này (cùng váy nhiều tầng và quần ống rộng).
Các nghệ sĩ đường phố trong trang phục truyền thống và đôi guốc gỗ. |
Bên cạnh đó, đôi guốc gỗ dùng trong âm nhạc được đóng bằng gỗ tần bì với đế nhẹ hơn bình thường. Các nghệ sĩ accordeon có thể gõ mũi và đế guốc xuống sàn gỗ để tạo ra âm thanh vui tai khi chơi đàn.
Khách tham quan say mê ngắm nghía đôi guốc gỗ nhiều màu sắc tại Làng Hà Lan. |
Hiện nay, guốc gỗ vẫn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hà Lan như ở vùng quê Zaanse Schans cổ kính. Ở lối ra vào mỗi ngôi nhà nơi đây vẫn còn những kệ nhỏ treo tường với những đôi guốc gỗ.
Cô gái Hà Lan trong trang phục truyền thống và đôi guốc gỗ. |
Trong chương trình "Ngôi làng Hà Lan" tại công viên 23/9, TP HCM, nhiều người đã có cơ hội chiêm ngưỡng những vị sứ giả tình yêu này và thời trang của người Hà Lan.
(Nguồn: Cô gái Hà Lan)
Theo VnExpress.