Nét mới ở bảo tàng Lịch sử TP.HCMHai phòng trưng bày vừa được hoàn tất với quy mô hoành tráng, với các trang thiết bị hiện đại, là sự kết hợp của bảo tàng Lịch sử TP.HCM (BTLS) với các chuyên gia của bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet cùng các chuyên gia của trường Viễn Đông Bác Cổ.

Sự kết hợp này đã đem lại cho BTLS một diện mạo mới, mở ra một hướng đi chuyên nghiệp cho ngành bảo tàng học hiện đại tại Việt Nam.Một trong những điểm mạnh nhất của BTLS là bộ sưu tập phong phú các hiện vật của nền văn hoá Óc Eo, Chămpa với các chất liệu đa dạng từ gỗ, đá, gốm, vàng, bạc, đồng… Tuy nhiên, những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng vẫn chưa phát huy hết những giá trị vốn có của nó. Từ năm 2005, hai Chính phủ Pháp – Việt đã tạo mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo tàng, với mong muốn bảo tàng sẽ là nơi để phát huy những di sản lịch sử – văn hoá, trở thành những công cụ giáo dục và phát triển những nét văn hoá của dân tộc. Và việc hiện đại hoá các bảo tàng ở những thành phố lớn, kết hợp cùng công tác đào tạo cán bộ bảo tàng, để nâng cấp cho chất lượng các bảo tàng Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của công chúng là mục tiêu hàng đầu của dự án.

Nằm trong chuỗi dự án hiện đại hoá bảo tàng, các cán bộ BTLS được theo học các khoá đào tạo đặc biệt cùng các chuyên gia Pháp, phía Chính phủ Pháp hỗ trợ tài chính mua sắm các thiết bị lắp đặt cho hai phòng trưng bày văn hoá Óc Eo và bộ sưu tập điêu khắc và hiện vật Chămpa của BTLS trưng bày 439 hiện vật, trong số đó có nhiều hiện vật lần đầu xuất hiện trước công chúng. Hai bộ sưu tập được trưng bày theo một thiết kế kết hợp tất cả các khía cạnh của ngành bảo tàng học hiện đại, từ chọn hiện vật đến cách trưng bày, ánh sáng, đồ hoạ.

Nét mới ở bảo tàng Lịch sử TP.HCM_0

Tượng thần Shiva cùng nữ thần Uma – một hiện vật quý được ra mắt công chúng

Ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: “Các bảo tàng của thành phố hiện nay còn giữ khá nhiều những hiện vật giá trị, tuy nhiên phải khẳng định một thực tế là những giá trị ấy chưa phát huy hết khả năng một phần do năng lực chuyên môn và các trang thiết bị phục vụ cho ngành bảo tàng còn nhiều hạn chế. Dự án phát huy di sản bảo tàng được sự phối hợp của hai Chính phủ Pháp và Việt Nam sẽ giúp các bảo tàng nâng cao chuyên môn hơn và đạt trình độ ngành bảo tàng học hiện đại. Hai phòng trưng bày văn hoá Óc Eo và văn hoá Chămpa tại bảo tàng Lịch sử TP.HCM là một diện mạo mới mang tính chất đột phá quan trọng cho hệ thống bảo tàng của thành phố, vừa đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, và cải thiện sự quản lý và trình độ chuyên môn của các cán bộ bảo tàng…”

Trong ngày khai mạc hai phòng trưng bày tại bảo tàng, ông Hervé Bolot, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh: “Các bảo tàng hãy tự tin lên, vì các bạn đã có đầy đủ khả năng để đi lên theo ngành bảo tàng học hiện đại và chuyên nghiệp”.

Hai phòng trưng bày tận dụng kiến trúc cũ của toà nhà BTLS, nhưng với cách bài trí hiện đại, đặc biệt trong việc bố trí ánh sáng, đã đem lại một diện mạo mới cho bảo tàng, giúp người xem có một không gian riêng để chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của bộ sưu tập đa dạng các hiện vật của hai nền văn hoá Óc Eo (thế kỷ 1 – 7) và Chămpa (thế kỷ 7 – 15).

Theo SGTT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC