Không ít nhà báo đã dừng bước khi vừa chạm chân tới chút ít thành công. Không ít nhà báo đã bị công nghệ "độ tin" làm cho lười đi, viết những bài nhạt thếch, vô thưởng vô phạt. Cái cảnh phóng viên salon dù không nhiều nhưng đang là u nhọt của làng báo. Không ít người đã trả giá đắt bằng những sự suy giảm uy tín của chính cái tên của mình...
Ngại đi, nằm nhà "độ tin"
Không ít nhà báo đã bị công nghệ "độ tin" làm cho lười đi, viết những bài nhạt thếch, vô thưởng vô phạt (ảnh minh họa) |
Anh bạn học trước tôi vài khóa cũng đã từng là một cây viết phóng sự có nghề của tờ báo X. Trước đây, mỗi dạo nghỉ học, dù chỉ 2 ngày, anh cũng ba lô nai nịt đầy người, chuẩn bị tâm thế cho một chuyến đi xa.
Khi thì âm mưu viết một bài phóng sự xã hội, khi thì chỉ đơn giản, đi vì khát vọng của đôi chân không muốn dừng lại, chứ chẳng vì mục đích gì, một bài viết nào. Tóm lại, anh đi nhiều, khi thì Tây Bắc, lúc sang tận vùng giáp biên Lào, có lần đặt chân tới cả Côn Đảo.
Dọc đất nước này đều có dấu chân anh. Đến tôi cũng khâm phục cái tài đi của anh. Mà gia cảnh nhà anh không giàu có gì. Những chuyến đi ấy không phải là du lịch. Anh phải tự túc mọi thứ, ăn uống đi lại phải tự chi trả vì chuyến đi của anh không thuộc kế hoạch của tòa soạn.
Anh bảo, nhiều khi anh bị "lỗ" vì đi mà không viết hoặc viết mà không được đăng, hay đăng rồi nhưng nhuân bút quá ít, chẳng thấm vào đâu. Thế nhưng trong anh lúc nào cũng tràn ngập tác phong của người làm báo.
Máy ảnh đeo trước ngực, cuốn sổ tay lúc nào cũng trong ba lô, bút cũng dự trữ 4-5 cái, tới đâu anh cũng xông xáo, gặp gỡ, hỏi han. Mấy sinh viên còn đang thực tập nghề như chúng tôi hâm mộ anh lắm, coi anh như thần tượng. Đến đâu anh cũng có bạn, rất nhiều bạn, anh bảo đó là những nguồn tin của anh.
Rồi lâu lâu theo dõi tờ báo của anh, chẳng thấy cái tên anh đâu. Cứ nghĩ anh chuyển cơ quan rồi, nào ngờ gọi điện, anh thông báo "vẫn biên chế nhà cũ". Cái lý do vắng bóng tên anh trên mặt báo chỉ là vì: "Dạo này ngại đi quá. Mình ở nhà làm tin thôi".
Mà cái cách của anh làm tin là gì? Là ngồi một chỗ, đọc báo cáo rồi viết lại. Là đi họp liên miên, mỗi cuộc họp 15 phút để lấy phong bì và bản tổng kết chưa đầy hai trang, về viết lại 5 dòng bằng đúng bao diêm. Nghĩ mà thấy tiếc cho tài năng của anh. Cứ như thế, chẳng mấy chốc chẳng còn ai nhớ đến cái tên của anh nữa.
Tôi cũng biết một anh bạn, vốn cùng quê với tôi, chỉ hơn tôi vài tuổi. Trước đây anh xông xáo lắm, thường xuyên đi rừng, ăn sương ngủ bụi, mức độ xông pha của anh cứ gọi là không ai bằng.
Tòa soạn thích anh lắm, vì chỗ nào nhầy nhụa nhất, những người khác tìm cách tránh thì anh tìm cách xung phong đi. Mỗi khi tòa soạn cử anh đi thì có thể yên tâm chỉ việc ngồi đợi đúng giờ đã hẹn, những thông tin mới nhất sẽ được anh gửi về.
Anh chưa bao giờ lỗi hẹn, bài viết cũng chả mấy khi phải biên tập lại, thế nên tòa soạn luôn hài lòng về anh. Anh nhanh chóng được nhận vào biên chế. Rồi được giao những kế hoạch bài vở quan trọng.
Cái tên anh bỗng chốc trở thành thương hiệu. Thế rồi một thời gian không thấy anh viết gì nữa, cái tên anh vắng bóng trên mặt báo. Hỏi thì biết, anh lên chức, giờ chỉ việc ngồi phòng máy lạnh, chả phải đi đâu mà lương vẫn cao.
Thế là anh chấp nhận, tình nguyện cho chân vào phòng máy lạnh, tình nguyện bẻ bút. Nói bẻ bút cũng không phải. Anh vẫn viết, nhưng bài viết thiếu thực tế ấy trở nên nhạt thếch. Không còn những bài điều tra nóng bỏng tính thời sự, những tác phẩm làm nóng dư luận.
Cái tên anh thỉnh thoảng lại xuất hiện ở một góc tin tổng hợp. Thì ra từ ngày ngồi phòng máy lạnh, chẳng có việc gì làm, anh đành lên mạng cóp nhặt tin cho đỡ buồn, cũng là để cái tên anh khỏi...mất tích. Ngẫm kỹ, với nghề báo, cái sự thành công sớm, đôi khi cũng thật tai hại.
Dù mới chỉ tập tọng vào nghề báo, nhưng tôi cũng từng có những bài viết "ăn xổi", viết chỉ vì nhuận bút. Nhiều lúc báo này bảo viết cái này cũng gật, báo kia nhờ viết cái kia cũng nhận... Sức ép thì đương nhiên, điều đáng nói là chất lượng. Không còn cái gì gọi là tâm huyết nữa, tất cả các bài đều nhạt nhạt giống nhau.
Đấy là còn chưa kể tới việc, vì ôm đồm nhiều thứ mà không có thời gian đi thực tế nắm tình hình, đành nằm ở nhà "độ tin". Dĩ nhiên khi báo đã đặt hàng thì bài viết sẽ được sử dụng, người viết có nhuận bút. Càng có nhiều bài, nhuận bút càng cao.
Chỉ có điều viết ra những bài vô thưởng vô phạt để kiếm tiền thì thấy mình thật hèn hạ. Khi mình làm ra một sản phẩm đáng xấu hổ thì bản thân mình phải cảm thấy xấu hổ. Nếu ngòi bút không xuất phát từ độc giả, chỉ vì nhuận bút thì người viết đúng là kẻ đê tiện.
Lười đi, đánh cắp ý tưởng
Những phóng viên salon do lười đi nên nghèo nàn ý tưởng. Sự khủng hoảng đề tài buộc nhiều người phải làm cái việc không mấy hay ho: Đánh cắp ý tưởng của đồng nghiệp, thậm chí là cộng tác viên.
Nhiều phóng viên vẫn cứ phàn nàn rằng, trong những lúc "trà dư tửu hậu" với đồng nghiệp, cao hứng họ thường để lộ những ý tưởng ấp ủ. Và khi anh ta còn chưa kịp tỉnh rượu thì đã có một kẻ tinh nhanh giở sổ ghi vội ghi vàng. Ngày hôm sau cái ý tưởng của anh đã trở thành tác phẩm của người khác.
Anh cay cú, phẫn nộ thì mọi sự cũng đã rồi. Trong đời làm báo, sẽ có những ý tưởng chỉ có ý nghĩa cho những bài viết lấp lỗ trống, nhưng cũng có những ý tưởng đắt giá, có thể nâng tầm cái tên tác giả. Và cũng rất nhiều khi những ý tưởng đắt giá ấy lại được phát biểu ra trong lúc đã dính hơi men.
Vậy mới có chuyện cánh nhà báo thường tụ tập nhưng vẫn cứ phải dè chừng nhau. Có anh khi rượu đã ngà ngà say là đứng dậy, vác túi về. Nhiều anh có máu bốc đồng, hễ gặp bạn là trút bằng sạch, dần dà cũng phải tự kiềm chế, ít tới những chốn đông người, và bớt nói hơn.
Đã đành rằng, những cuộc gặp gỡ đồng nghiệp ấy là rất hữu ích để chia sẻ thông tin. Thế nhưng, vẫn thường xảy ra cái nghịch cảnh, chia sẻ thì chưa thấy đâu, ý tưởng của người này đã bị đối phương "nẫng" mất.
Sự tiện lợi của internet cũng vô tình đào tạo ra một thế hệ nhà báo salon lười đi, quen viết "phóng sự trong buồng", trong đó "sự" thì ít mà "phóng" thì nhiều (ảnh minh họa) |
Có một hình thức đánh cắp tế nhị hơn cũng chẳng mấy khi rùm beng mà những phóng viên salon vẫn thường sử dụng, ấy là trộm ý tưởng của cộng tác viên. Đã có lần tôi gửi bài cho một tờ báo lớn hẳn hoi, một tuần rồi hai tuần, chẳng nhận được hồi âm từ phía tòa soạn.
Đành tự an ủi rằng, mình viết còn non, lại đâm đầu vào tờ báo "to" nên số phận tác phẩm không tránh khỏi bị ném vào sọt rác. Mọi việc sẽ êm xuôi nếu như không có một ngày tôi vô tình đọc tờ báo đó và bất ngờ nhận thấy bài viết hôm nào của mình, của tôi đang hiện diện trên một góc khá là trang trọng của tờ báo.
Đến 90% nội dung bài viết là của tôi. Chỉ có một sự thay đổi lớn nhất là tên tác giả. Nó nghiễm nhiên trở thành tác phẩm của anh trưởng ban bạn đọc. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu, anh nhà báo đó đã mất công chế biến thêm 10% cho bài báo nên đề tên anh cũng là "xứng đáng" lắm.
Dẫu sao thì trong trường hợp của tôi, anh "nhà báo" đó cũng mất công viết thêm 10% nên ở chừng mực nào đấy, chuyện bài báo bị đánh cắp cũng còn chấp nhận được.
Cô bạn tôi còn kể một câu chuyện cười ra nước mắt thế này: Một tờ báo nọ đăng nguyên xi 100% nội dung bài viết của cô, không phải sửa sang, cắt dán gì hết. Thế mà cuối cùng cái tên tác giả cũng đi đâu mất, chỉ thấy ba chữ BBT (Ban biên tập). Không hiểu tòa soạn vô tình hay cố tình quên?
Nhiều cộng tác viên vẫn thường phàn nàn rằng, sự trợ giúp của công nghệ, đặc biệt là internet đã giúp cho nghề báo trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Thế nhưng, sự tiện lợi của internet cũng vô tình đào tạo ra một thế hệ nhà báo salon lười đi, quen viết "phóng sự trong buồng", trong đó "sự" thì ít mà "phóng" thì nhiều.
Phóng viên ngồi nhà và sáng tác dựa trên những dư liệu thu thập từ internet. Trong nghề báo, sáng tác là yếu tố tối kỵ. Báo chí đã phanh phui khá nhiều vụ dối trá tai tiếng. Có một nhà báo nước ngoài đã từng được tung hô như một người hùng bởi những phóng sự chiến trường nóng hổi.
Về sau người ta mới phát hiện ra ông là người nói dối vĩ đại nhất thế kí bởi lẽ ông viết về chiến tranh nhưng lại chưa hề đặt chân tới vùng chiến sự. Cũng có vô số bài phỏng vấn vô thưởng vô phạt xuất hiện trên báo là thành quả của copy-paste của phóng viên.
Phóng viên không hề gặp nhân vật phỏng vấn mà nghe lại từ một người thứ ba hoặc nhặt một bài báo nào về nhận vật rồi tự chế biến. Phải đến khi báo xuất bản, người được phỏng vấn tá hỏa vì thấy mình trên đó, lại thấy cái tên phóng viên lạ hoắc, lúc ấy mọi chuyện mới vỡ lở.
Nhờ sự giúp đỡ của internet mới có chuyện phóng viên ngồi trên giường cũng làm được báo (dĩ nhiên nhà báo chân chính, thực thụ không bao giờ làm điều này). Nhiều anh phóng viên chỉ suốt ngày quanh quẩn ở nhà, thế mà vẫn sòn sòn tác phẩm như gà đẻ trứng.
Tưởng anh có tài năng thiên bẩm, óc tư duy vĩ đại, ai ngờ đọc bài viết của anh thì đích thực, nó chẳng có gì mới hơn dữ liệu trên Google. Bởi vậy mới sinh ra kiểu "nhà báo tổng hợp", "nhà báo thống kê"...như cách độc giả vẫn thường gọi một cách đầy ám thị.
Sản phẩm của những phóng viên salon thường rất dễ nhận dạng. Bài viết thường là một mớ thập cẩm những thứ cóp nhặt, ít tư liệu sống. Rất nhiều tòa soạn nhận được bài viết của phóng viên, ngán ngẩm vì nó chẳng có gì mới hơn những cái đã cũ nhưng vì "bí" quá nên vẫn phải sử dụng.
Báo chí nước ngoài ít có chuyện copy-paste vì họ có cơ chế bảo vệ bản quyền thông tin nghiêm ngặt, báo chi đơn giản chỉ là một loại hàng hóa đặc biệt. Còn ở ta, có vẻ như chuyện tôn trọng bản quyền chỉ mới dừng lại ở việc...kêu gọi ý thức.
Phải đến khi câu chuyện trở nên ầm ĩ, các báo cáo kiện nhau rùm beng mới thấy cơ quan quản lý lên tiếng. Nhưng cách xử lý cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, mạnh tay lắm thì phạt hành chính. Thành thử ra những phóng viên salon vẫn còn đất sống.
Những nhà báo đàn anh vẫn thường nhắc nhở chúng tôi rằng: Cái lương thiện của người cầm bút là khi thấy mình bất tài thì hãy gác bút, đừng làm khổ ban biên tập và làm khổ bạn đọc. Nghĩ thấu đáo hơn, lại cũng phải tiếc thay cho những anh có tài năng thực sự nhưng lại tự nguyện đưa mình tới chỗ trở thành phóng viên salon, để rồi cuối cùng cái tên anh lại bị lu mờ trước hàng nghìn, hàng vạn cái tên khác.
Nghề báo có qui luật đào thải khắc nghiệt. Thật khó để độc giả chấp nhận cách làm báo theo kiểu "độ tin", "đạo chích". Ngán lắm rồi cái cảnh phóng viên salon!
Theo An Ninh Thế Giới