Sáng 28/2, Hội Nhà văn VN mở Hội thơ Rằm Tháng Giêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nơi người ta chen từng lối đi, giành từng khoảng trống để được xem, được nghe và được thể hiện tình yêu hồn nhiên, trong trẻo với thơ.
Ngày thơ VN 2010 có chủ đề hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, diễn ra trên quy mô lớn, ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tại Hà Nội, Ban tổ chức đã khéo chiều người yêu thơ với một bữa tiệc nhiều món, lắm cách trình bày và mang tính dân dã, đại chúng. Sân Thái Miếu có thơ đọc, thơ ngâm, thơ phổ nhạc, câu đối... Sân Thái học có góc thơ truyền thống, thơ trình diễn, thơ sắp đặt... Mỗi người một ý thích, đến với Hội thơ, họ được tự do chọn cho mình một cách để thưởng thơ. Dịch giả Thúy Toàn chia sẻ: "Tôi thấy Hội thơ năm nay rất đa dạng, có thơ dành cho giới trẻ, thơ dành cho người già, có vườn thơ đất nước, có trưng bày dân ca ba miền, có thơ Việt, thơ quốc tế...".
Những năm gần đây, thơ ca bị cảnh báo là "đang chết, đang mất dần công chúng", nhưng luận điểm này thật khó thuyết phục trước những gì diễn ra trong Ngày thơ Việt Nam. Khán giả xếp nhẫn nại xếp hàng dài mua vé, chịu khó đứng hàng giờ liền để nghe thơ. Hội đã qua 8 lần tổ chức, mỗi năm một đông vui, náo nhiệt hơn. Văn Miếu ngày thường như một khuôn viên lặng lẽ, yên ả giữa lòng thành phố nay bỗng dưng chật cứng người, ồn ào và chen lấn, khiến cho một anh bảo vệ, trán vã mồ hôi, miệng than thở: "Giá như Văn Miếu rộng như Sân vận động Mỹ Đình".
Không gian của ngày hội đã khiến cho những du khách nước ngoài có mặt tại Văn Miếu phải ngạc nhiên. David Taylor - một người Anh - chia sẻ: "Tôi không phải là người hâm mộ thơ, cũng không đọc được tiếng Việt. Nhưng tôi thích không khí này". Vợ ông, đi bên cạnh, nhận xét thêm: "Cả con người ở đây nữa, họ rất vui tươi và cởi mở". Jennifer Fossenbell - nhà thơ Mỹ tham gia trình diễn cùng nhà thơ VN Nguyễn Phan Quế Mai - cũng cho biết: "Tôi rất bất ngờ trước tình yêu thơ của người VN. Tôi từng đến nhiều nơi, nhưng chưa ở đâu tôi thấy thơ được yêu mến như vậy".
Những khoảnh khắc đẹp nhất của Ngày thơ VN 2010 là những giây phút thi sĩ, người yêu thơ bộc lộ tình cảm hồn nhiên, trong trẻo của mình. Dường như, trong không gian rất thi ca đó, mỗi con người đều muốn hóa thành nhà thơ, đều muốn biến mình thành nghệ sĩ. Trên lối dẫn từ sân Thái Miếu ra sân Thái Học, có 3 - 4 cụ ông, mỗi người một góc, tay kính tay bút, miệng lẩm nhẩm giải câu đối. Ngồi bệt dưới bậc thềm đá, cụ Nguyễn Xuân Biểu - câu lạc bộ thơ Cao Bá Quát - cau mày: "Câu đối năm nay khó hơn năm ngoái. Tôi đối được một câu rồi, còn câu này, đến chịu". Rồi ông mở lời với đám trẻ đứng cạnh: "Cô còn trẻ, trí nhớ tốt, mách hộ tôi xem có hai ông thi sĩ nào đặt tên theo năm tuổi để đối lại với Trần Dần - Phạm Hổ trong vế: 'Ngày thơ Việt năm Dần, ngầm thơ Trần Dần, Phạm Hổ".
Trong khi các cụ ông mải mê với các câu đối đầy thử thách, thì các cụ bà lại thích thú ngâm theo, hát theo những câu thơ được các nhà thơ trình bày trên sân khấu.
Bản thân các nhà thơ cũng đến với ngày hội bằng sự thể hiện rất sáng tạo, duyên dáng. Ở góc sắp đặt, với chiếc xe máy vẫn dùng hàng ngày, Lê Anh Hoài sơn trắng toát, dán giấy, viết thơ và gắn lên thân xe đôi cánh thiên thần. Anh lý giải, đó là một ý tưởng về sự khao khát giải thoát, vút bay những nhu cầu, những khát vọng của cuộc sống... Còn góc thơ truyền thống, các tác giả hấp dẫn người xem bằng những vần thơ hóm hỉnh, sâu sắc của Bùi Hoàng Tám, Đồng Chuông Tử, Nguyễn Phan Quế Mai, Thụy Anh...
Dẫu đông vui, náo nhiệt và ấm áp tình yêu thơ, Hội thơ 2010 vẫn không tránh khỏi sai sót. Mà cách sửa sai của người thơ cũng rất hồn nhiên, thành thật. Ngay trước lễ thả thơ, nhà thơ Vũ Quần Phương, chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn thú nhận, Ban tổ chức đã thiếu sót, dẫn đến việc đưa nhầm bản dịch câu thơ của Mãn Giác Thiền sư. Theo ông, câu: "Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai" phải được dịch như bản của Ngô Tất Tố là "Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi", chứ không phải "Việc còn chờ trước mắt/ Trên đầu tóc đã phai", như bản dịch mà Ban tổ chức cho thả lên trời.
Dấu ấn Ngày thơ Việt Nam tại TP HCM là chương trình chủ đề Nhớ thuở rồng bay, do thầy trụ trì chùa Lá Thích Nhuận Tâm và Cung văn hóa Lao động thành phố phối hợp tổ chức.
Nhớ thuở rồng bay nằm trong khuôn khổ chương trình thơ quần chúng, ủng hộ Ngày thơ của cả nước. Tuy vậy, nhiều khán giả khẳng định sức hút của chương trình khá mạnh, để lại nhiều cảm xúc.
Trong ngày thơ, mặt trước Cung văn hóa Lao Động được trang hoàng với mái lá tranh tre, hoa sen chen bên trúc nứa và những chùm cây thơ đong đưa gió xuân nắng ấm, tạo không gian mở, thoáng đãng. Ban tổ chức khá thành công khi tạo nên một khu vườn với nhiều lều tranh của các câu lạc bộ thơ: Bến Nhà Rồng (quận 4), UNESCO Thơ Đường TP HCM, Tiếng Thơ (quận 2), CLB Thơ Cung văn hóa Lao Động, nhóm thơ chùa Lá... Trong khu vườn này, thơ, nhạc, họa, thư pháp, diễn ngâm... được hòa điệu với nhau. Và trên hết, giữa người sáng tác và người tìm đến thơ có thể tương tác, chuyện trò, chia sẻ với nhau câu thơ hay, bài thơ đẹp...
Mân mê một tập thơ trên tay, tiến sĩ văn học Trần Hoài Anh, Đại học Văn Hóa TP HCM cho biết, ông dành cả buổi sáng rảo bước qua các lều thơ vừa ngắm cây thơ vừa tìm kiếm tài liệu cho cuốn sách phê bình đang viết. "Hôm ngày thơ diễn ra tại Nhà hát thành phố, tôi muốn tìm vài tác phẩm của thi sĩ trẻ nhưng không tìm ra nên giờ rất vui khi tại không gian mở như thế này, thơ và người đọc có thể tìm đến với nhau dễ dàng hơn", ông Hoài Anh nói.
Còn tại một lều thơ khác, nhà thơ Nhất Chi, phó chủ nhiệm CLB UNESCO thơ Đường TP HCM chăm chú ngồi ngắm khách thơ dạo bước. Khi thấy ai dừng lại hồi lâu trước gian hàng thơ của CLB, ông nhanh nhảu ra tiếp chuyện. Được lời như mở tấm lòng, người vô tình ghé bước bỗng nán lại lâu hơn để bàn chuyện văn chương thi phú với người giữ lều. Thấy khách nào dành nhiệt tâm cho thơ và chăm chú lật các tác phẩm được trưng bày, nhà thơ Nhất Chi lại rút 3 - 4 tập thơ của CLB ra tặng khách tham quan. "Thơ bày ra đây để bán nhưng với người yêu thơ tôi chẳng tiếc chi chút quà của tấm lòng này", ông nói.
Diễn ra từ ngày 25 đến 28/2, Nhớ thuở rồng bay thu hút hàng trăm lượt khán giả mỗi ngày. Nhà thơ, nhà sư Thích Nhuận Tâm, người khởi xướng và tổ chức sự kiện này tâm sự "Chương trình thơ không có tài trợ cũng không nhận được kinh phí ủng hộ từ đơn vị nào. Tất cả là do những người yêu thơ tự lực góp sức làm nên cùng với một phần tiền do tôi dành dụm được".
Đêm nay, 28/2, chương trình Nhớ thuở rồng bay diễn ra buổi giới thiệu tuyển tập Thơ ơi cùng chảy nhé - tập 2 và lễ trao giải các gian hàng thơ trang trí đẹp, tổng kết lại 4 ngày hội thơ vừa qua và khép lại một mùa triển lãm thơ để hẹn một dịp khác thơ tiếp tục tái ngộ bạn đọc trong không khí rộn rịp, chan hòa.
Theo VNE.