Nghe thường trực báo có người cần gặp, tôi xuống phòng tiếp khách của cơ quan. Thấy tôi, người đàn ông khoảng bốn mươi, rất phong độ, vội đứng dậy:

- Anh Sự...

- Xin lỗi, anh là...

- Anh không nhận ra em à? Em là Quang ở làng Ninh đây mà...

- Quang nào nhỉ?

- Em là em chị Lợi...

- Em cô Lợi à...thế...chú là thứ mấy?

- Em là út ạ

Tôi nhảy dựng lên, ôm choàng lấy hắn:

- Giời ơi, thế thì chú là thằng cu Tịt chứ gì. Chú xưng tên thế, lại thay đổi thế thì làm sao anh nhận ra được. Thế bây giờ chú làm ở đâu?

- Vâng, bây giờ em đổi tên là Quang. Em vẫn làm việc ở Đà Lạt, vừa ra Hà Nội có việc. Biết anh ở đây, nên em đếm thăm...

Hôm ấy, chúng tôi rủ nhau lên Hồ Tây làm một chầu đã đời. Người làng, hàng chục năm mới gặp nhau, chuyện liên miên không dứt. Và nhân cái sự Tịt biến thành Quang này, mà chúng tôi có cả cuộc bàn luận về chuyện người nhà quê đặt tên con.

Những người bố, người mẹ trẻ ở nhà quê bây giờ, khi khoảng cách văn hóa giữa thành thị với nông thôn càng ngày càng thu hẹp, thì cũng như người trên phố, họ luôn chọn những cái tên thật hay, thật đẹp để đặt cho con mình. Con trai thì nào những Hùng, những Dũng, những Tuấn, những Anh, những Trung...; còn con gái thì nào Trang, nào Thùy Linh, nào Huyền, Dung, nào Diễm, nào Tuyết...

Nhưng ngược về trước một chút, cái thời thịt phiếu gạo sổ và sinh đẻ bù lu, đứa đang bò, đứa ẵm ngủ đứa sắp sửa đòi ra, ta sẽ thấy khác hẳn. Đẻ con ra, người ta cứ nôm na, tiện thể, cốt sao cho đứa trẻ có cái tên là được, như một ông có đàn con là Thiều - Quýt - Chanh - Bầu - Bí - Bưởi - Na - Hồng, toàn là tên những thứ cây trong vườn nhà ông. Một ông khác có đàn con là Mai - Hái - Lượm - Dần - Sàng - Đấu, toàn là tên những dụng cụ lao động hay sinh hoạt của nhà: cái mai để đào đất, cái hái để gặt lúa, cái lượm để lượm lúa, bó lúa, cái dần cái sàng để dần gạo, sàng gạo, cái đấu để đóng gạo. Ông khác có 5 đứa là Nếp - Tẻ - Chăm - Tám- Dự, toàn là tên các loại lúa ngoài đồng...

langque2.jpg

Có những cái tên chỉ cần nghe qua đã thấy đậm chất hồn của làng quê 

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: Khởi thủy, dòng họ Trần ở Tức Mặc làm nghề đánh cá, nên tên của các vị (bằng chữ Hán) đều có bộ "ngữ" (nghĩa là cá), thành ra mỗi vị mang tên một loài cá, như cụ tổ Trần Kinh thì Kinh nghĩa là con cá kình, Trần Hấp thì Hấp nghĩa là con cá trắm. Cũng như vậy (Trần) Lý là cá chép, (Trần) Thừa là cá dưa, (Trần Tự) Khánh là cá ngạnh, (Trần Thị ) Ngừ (sau là Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung) là con cá ngừ, (Trần) Cảnh (sau là vua Trần Thái Tông) là con cá lành canh... Chỉ đến các đời vua sau, cái bộ "ngư" ấy mới mất đi....

Nhiều làng quê còn có một tập quán rất lạ, người ta cố ý chọn những cái tên xấu xí để đặt cho con bởi "đặt tên xấu xí thì dễ nuôi", vì thế mới có những thằng Đen, con Hét, thằng Cốc con Mò... Và thế là những đứa trẻ nhà quê mang những cái tên tiện thể, nôm na như những mảnh hồn làng, như cái chất phác hồn nhiên của người làng ấy cứ trứng gà trứng vịt, củ khoai củ ráy mà lớn lên.

Cách đặt tên nôm na không chỉ có ở nhà quê mà con len vào tận chốn cung đình. Vua Tự Đức có tên chữ rất đẹp, rất hay là Hồng Nhậm, nhưng tên tục, tên nôm na của ngài lại là Thì (Nguyễn Phước Thì). Vì thế mới có cái nghi án văn chương mà cho đến nay người đời vẫn còn bàn cãi. Chuyện rằng có lần đọc truyện Kiều của Nguyễn Du, đến đoạn Từ Hải đang đắn đo hơn thiệt giữa một bên là cảnh lơ láo hàng thần nếu mình về quy thuận triều đình với cuộc sống hiện tại "Chọc trời khuấy nước mặc dầu - Dọc ngang nào biết trên đầu có ai", nhà vua nổi giận bảo: "Nếu Nguyễn Du còn sống thì phải nọc đánh hắn ba mươi roi".

Người bảo nhà vua nổi giận vì cụ Tiên Điền viết thư như thế là phi quân (khinh vua), trên đầu mọi thần dân dứt khoát phải có vua, sau đến thầy rồi mới đến cha, đó chính là đạo Tam Cương, tức là ba giềng mối lớn (quân, sư, phụ). Vứt bỏ tam cương, thì nói như Nguyễn Công Trứ là "Không quân thần, phụ tử, đếch ra người". Phi quân là tội rất nặng, được liệt vào hàng thập ác, theo lệ phải chém đầu, đánh ba mươi roi còn quá nhẹ.

vuaTuDuc.jpg

Bản phác họa chân dung của Vua Tự Đức

Nhưng có lần vào Huế, tôi được một nhà nghiên cứu bảo không phải thế. Truyện Kiều tuy là văn ta, tiếng ta nhưng mà câu chuyện lại là của Tàu. Cái anh Từ Hải kia nó có khinh là khinh vua nó, vua Tàu, chả liên quan gì đến vua ta. Nguyên nhân khiến vua Tự Đức nổi giận đòi đánh thi hào chính là ở chữ "Thì", là tục danh của ngài ấy.

Trong Kiều có đoạn trước khi xẩy ra gia biến, chàng Kim lẻn sang nhà nàng Kiều chơi, nhân lúc "hai thân còn dở tiệc hoa chưa về". Tâm tình một lúc, thấy người yêu "xem trong âu yếm có nhiều lả lơi", nàng kiều đã nghiêm mặt cảnh cáo chàng rằng: "Ra tuồng trên bộc trong dâu - Thì con người ấy lại cầu làm chi". Một câu nói rất bình thường, rằng có yêu nhau, có định thành gia thất với nhau thì hãy chờ hỏi, cưới đàng hoàng, chứ "ăn cơm trước kẻng" là thiếu đứng đắn. Mà con người đã thiếu đứng đắn thì tôi không cần.

Nguyễn Du viết Kiều trước khi anh Thì ra đời, và cụ càng không biết anh sẽ làm vua. Nhưng một nhà Nho thời Tự Đức, rất thâm thúy, đã thêm vào câu nói của nàng hai dấu phẩy, khiến câu bị ngắt, bị đổi nghĩa hoàn toàn, thành "Thì/con người ấy/ai cầu làm chi", nghĩa là cái con người tên là Thì ấy, chẳng ai cần đến cả. Việc "chữa văn" ấy cứ xì xầm lan khắp thiên hạ rồi đến tai vua. Đường đường là bậc chí tôn, nắm trong tay quyền lực tối thượng, vô biên, mà lại bị hạ một câu như vậy, trách nào ngài chả nổi xung.

  Vũ Hữu Sự




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC