Hình mẫu người tốt vươn lên trong cuộc sống và tạo được ảnh hưởng lớn với cộng đồng, có lẽ chỉ còn trong những bộ phim truyền hình. Điện ảnh đã đi vào những diễn biến tinh vi hơn trong tâm hồn con người. Thử điểm những mẫu người tốt trong các phim tranh "Cánh diều vàng 2009".
20h đêm nay, Giải cánh diều vàng 2009 sẽ được trao tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3). Đã có rất nhiều hoạt động diễn ra xung quanh giải Cánh diều vàng 2009. Các hoạt động chấm giải cũng đã hoàn tất. Phim truyện quá ít, phim tài liệu thiếu điểm nhấn, đó là kết luận chung của ban giám khảo. Hội thảo về "Điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế" cũng đã diễn ra.
Báo chí quan tâm và đây là sự kiện văn hóa lớn trong tháng 2. Ai cũng có thể chỉ ra những hạn chế của điện ảnh Việt Nam. Người cay nghiệt có thể phủi bỏ tất cả. Nhưng, những điều đó được nói quá nhiều. Bài viết này, như một sự chia sẻ những nỗ lực của những người làm phim, trong cuộc chơi vất vả và đầy mạo hiểm này.
Người tốt cổ điển...
Cô giáo Hạnh (Hồng Ánh thủ vai) trong "Trăng nơi đáy giếng" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.
|
Đó chính là cô giáo Hạnh (Hồng Ánh) trong "Trăng nơi đáy giếng" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Người phụ nữ kính trọng chồng hết mực, yêu chồng cũng hết mực, đến mức hy sinh mọi thứ của mình cho hạnh phúc của chồng. Người tốt như Hạnh vốn không hiếm trong những câu chuyện éo le của đời sống. Trong văn chương, tích cũ cũng đã từng ghi.
Hạnh vô sinh. Nhưng mẹ chồng, một người đàn bà Huế, lại bắt con trai phải có cháu cho bà bồng. Và chồng Hạnh, cũng là một người đàn ông Huế đặc biệt, có gì đó gia trưởng, khuôn mẫu. Hạnh, bằng tình yêu chồng thánh thiện, giặt đồ cũng giặt quần áo của chồng riêng một thau, dọn cơm cho chồng cũng ý tứ dọn những món chồng thích, hấp từng củ khoai mật cho chồng ăn vặt, yêu chồng mà luôn nhìn chồng như một người ở xa, thiêng liêng và kính phục. Để rồi, để đẹp lòng mẹ chồng, để chồng yên tâm công tác, Hạnh đã tìm cho chồng một người phụ nữ ở quê, để chồng có đứa con với cô gái đó.
Nhưng sự tốt đẹp của Hạnh đã không được đền đáp theo lẽ thường. Hạnh đi từ sai lầm này sang sai lầm khác bởi chính lòng tốt ấy. Sinh được đứa con đầu lòng, Thắm (tên cô gái kia) vẫn được Hạnh nhờ cậy, để chăm sóc mẹ già. Cho đến khi đứa con thứ hai chào đời, thì Hạnh vẫn còn rất tin và hạnh phúc với cuộc sống cùng chồng. Nhưng bắt đầu có dư luận. Huế của những năm tháng ấy, mọi dư luận đều trở nên nặng nề hơn, không khí oi bức bắt đầu xen vào chuyện của Hạnh. Chồng cô bị tố cáo quan hệ không đàng hoàng, có vợ bé con riêng. Một lần nữa, Hạnh lại hy sinh. Cô làm thủ tục ly hôn và đăng ký kết hôn cho chồng với Thắm.
Chưa hết, dư luận lại đặt Hạnh vào cuộc chiến mới. Cô không được sống chung với chồng người khác. Hạnh dọn nhà cho chồng sang cùng với người phụ nữ kia và hai đứa con của họ. Hạnh bơ vơ tuyệt đối trong ngôi nhà của mình. Cho đến khi Hạnh biết mình mất hết, cô tìm đến niềm tin vào cõi tâm linh. Hạnh, điển hình của người tốt, nhưng lòng tốt ấy đã bị cuộc sống xô đẩy thành vô nghĩa...
Cô giáo Thảo (Tăng Bảo Quyên thủ vai) trong "Chuyện tình xa xứ".
|
Người tốt cổ điển thứ hai là cô giáo Thảo (Tăng Bảo Quyên) trong "Chuyện tình xa xứ". Thảo chính là hình ảnh của Lan trong tuồng cải lương "Lan và Điệp", chỉ khác ngày xưa Điệp lên thành phố học và yêu người con gái nhà giàu, thì nay Hiếu đi Mỹ học, yêu cô Việt kiều và đứng trước ngã ba.
Thảo đã chỉ biết có Hiếu và chăm sóc mẹ Hiếu trong những ngày anh đi du học. Thảo cũng là người sau khi đi dạy học là tới nhà nấu cơm cho Hiếu ăn, cứ 45 phút lại châm cho Hiếu một ly cà phê đá để Hiếu vừa uống vừa làm việc. Thảo cũng đã trao cho Hiếu đời người con gái. Nhưng tình yêu đó đã không mang nhiều ý nghĩa. Và cuối cùng, Thảo chọn con đường một mình...
Người tốt hiện đại: Tốt như truyện ngụ ngôn
Hiếm có bộ phim nào mà tất cả các nhân vật trong phim đều là... người tốt như "Cú và chim se sẻ". Một bộ phim mà ở đó, con người ta sống với nhau bằng tình thương. Cuộc sống bơ vơ giữa thành phố hơn 8 triệu người đã khiến ba nhân vật chính xích lại gần nhau. Điều quan trọng là, đạo diễn Stephan Gauger đã đẩy được cảm xúc mạnh mẽ vào cả bộ phim, khiến khán giả tin rằng đó là những người tốt và họ sống vì điều đó.
Lan, cô tiếp viên hàng không, cô đơn với những tình yêu không có bến đậu. Một ngày cô gặp cô bé (Phạm Thị Hân) lang thang, bán những cành hoa nhỏ cho khách bên đường. Và cô bé đánh thức trong lòng Lan một tình yêu thực sự, và ham muốn một cuộc sống có trách nhiệm hơn.
Cô bé cũng là cầu nối cho Lan (Cát Ly) gặp Hải (Thế Lữ), chàng trai làm nghề nài voi trong sở thú. Hải cũng cô độc trong một góc yên tĩnh giữa thành phố nhốn nháo. Hải không có trong mình một tình yêu dữ dội, nhưng lại có một thiên lương tốt đẹp.
Chính lòng tốt và hơi ấm của loài người khiến ba con người xa lạ tìm đến và gặp được nhau trong một nhân duyên kỳ lạ. Họ đã tìm được nhau và tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
Long thiểu năng (Dustin Nguyễn thủ vai) trong "Huyền thoại bất tử".
|
Một người tốt đặc biệt, đó chính là Long thiểu năng (Dustin Nguyễn) trong "Huyền thoại bất tử". Cũng chỉ vì lòng tốt đơn sơ của cậu bé thiểu năng, mà Long đã bất chấp mọi hiểm nguy để tìm được Trinh, một cô bé mà Long vô tình quen biết. Để rồi, nhằm cứu Trinh khỏi tay bọn buôn người, Long đã lao vào cuộc chiến không cân sức với những kẻ khát máu.
Cái kết của "Huyền thoại bất tử", với pháo bông ở sân bay Đà Nẵng, trong giấc mơ bay đến Mỹ của Long là cái kết kém thú vị. Nhưng với nhân vật Long, thì đó chính là một kết cục phù hợp, nó xây dựng một chân dung người tốt hoàn chỉnh và hợp lẽ.
Có thể kể những người tốt khác nữa, như Ngô Đồng (Đẹp từng centimet), thần chết (Giải cứu thần chết)... Nhưng qua cuộc "tiểu phẫu" về cách xây dựng người tốt của phim Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 cho thấy đã khác xưa.
Hình mẫu người tốt vươn lên trong cuộc sống và tạo được ảnh hưởng lớn với cộng đồng, có lẽ chỉ còn trong những bộ phim truyền hình. Điện ảnh đã đi vào những diễn biến tinh vi hơn trong tâm hồn con người. Và đó cũng là con đường đi không giản đơn cho các nhà làm phim...
Theo CANDOnline.