Người viết trẻ "trốn" đề tài khóTác phẩm của những cây viết trẻ hiện nay chủ yếu thể hiện chính "cái tôi" của tác giả, cái ẩn ức của tuổi trẻ và chuyện tình yêu tay ba, tay tư. Người viết văn trẻ dường như quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn là cho những đề tài lớn, mang giá trị nhân văn.

Gần đây, văn đàn có một số bài viết, nào là "Văn học chiến tranh không dành cho nhà văn trẻ", "Vắng bóng nhà văn trẻ viết cho thiếu nhi", "Nông thôn trong văn học: Mảnh đất bạc màu", "Văn học đô thị, mảnh đất bị bỏ hoang"… Rất nhiều đề tài khác như miền núi, tôn giáo, khoa học công nghệ, công nghiệp… đều không có mấy người viết đến, có chăng chỉ là nhắc qua, lấy đó làm nền, làm phương tiện. Vậy thì nhà văn, đặc biệt nhà văn trẻ đang hướng đến mảnh đất nào để gieo trồng? Thực sự, cánh nhà văn trẻ bây giờ khó xác định cho mình một hướng đi và tìm cho mình mảnh đất màu mỡ nhất để gieo trồng, vì rất nhiều yếu tố. Trong đó có yếu tố tài năng.

Đề tài nào cũng thiếu

Cứ như một số bài đã mổ xẻ về chuyện đề tài nào cũng thiếu người viết, vùng nào cũng chưa được văn chương "đào" đến tận cùng. Trong khi hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có cả nghìn, những người chưa được vào Hội còn nhiều hơn nữa, lại thêm hàng trăm cây bút trẻ vẫn ngày ngày vừa làm việc, kiếm sống và cày trên trang giấy. Họ đang viết về cái gì, quan tâm đến loại đề tài nào và đã xác định cho mình hướng đi, bởi không ai có thể ôm đồm rất nhiều đề tài? Mỗi người sẽ làm tốt ở mảng là thế mạnh của mình, khi nhà văn tìm ra thế mạnh của ngòi bút, anh ta sẽ trung thành và đầu tư công sức, tài năng để mang về cho mình những mùa vụ bội thu.

 

Thế nhưng, ngoài thành công của Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, là hai nhà văn trẻ ở hai đầu đất nước, một người viết đặc chất sông nước Nam Bộ, còn một người đặc chất núi đá vùng cao. Hai nhà văn này được gọi là viết thành công về đề tài nông thôn. Còn rất nhiều người khác cùng thời, tuy số lượng tác phẩm khá nhưng không đủ làm nên một diện mạo riêng, hướng đến một "dòng" riêng.

Văn học về nông thôn bây giờ thiếu vắng những tác phẩm được người đọc yêu mến như Dòng sông Mía (Đào Thắng), Bến không chồng (Dương Hướng), Thời xa vắng (Lê Lựu), Khách ở quê ra (Nguyễn Minh Châu)… là các tác phẩm viết về nông thôn.

Mới đây, Phạm Thanh Khương in một tập truyện ngắn có tên Dòng sông tật nguyền, xoáy sâu vào đời sống của người sông nước, từ cuộc mưu sinh đến tập quán. Tất cả câu truyện in trong tập sách là những nét văn hóa của đời sống sông nước vùng đồng bằng Bắc Bộ sông Hồng. Sự thiếu hụt các sáng tác viết về nông thôn, ở một đất nước có đến 70% dân số là nông dân là điều không bình thường. Phải chăng, rất nhiều nhà văn xuất phát từ nông thôn lại chẳng mấy am hiểu, hoặc thiếu vốn sống chân thực về nông thôn?

Đề tài văn học chiến tranh, Nguyễn Hữu Quý, một nhà thơ quân đội trong bài viết in trên báo Sài Gòn giải phóng có cảnh báo về lực lượng và tác phẩm. Ông có trích dẫn thực tế và chỉ ra rằng, lực lượng nhà văn trong và ngoài quân đội tâm huyết với đề tài chiến tranh đang ít dần đi.

Số nhà văn thế hệ chống Mỹ đếm trên đầu ngón tay, những nhà văn xuất hiện sau năm 1975 tuổi cũng đã nhiều. Nhà văn trẻ viết về đề tài này cũng chỉ có vài người và chưa có người viết về chiến tranh có uy tín. Trong khi đó, đề tài chiến tranh còn nhiều tầng vỉa để khai thác.

Nguyễn Hữu Quý chỉ ra: "Trở ngại lớn nhất đối với nhà văn trẻ viết về chiến tranh là họ chưa được nếm trải những năm tháng ấy và hiện thực bi hùng của quá khứ xảy ra khi họ chưa sinh hoặc còn nhỏ. Tôi tin, những tác phẩm viết về chiến tranh của họ sẽ khác với những gì đã có của thế hệ đi trước, tuy nhiên điều này lại phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của người cầm bút. Lo ngại về sự thiếu hụt đội ngũ cầm bút kế thừa viết về chiến tranh là rất có lý".

Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân khác khiến nhà văn trẻ ngày nay ngại viết về đề tài chiến tranh, ngoài yếu tố tài năng ra, một số người cảm thấy đề tài này có rất nhiều người đã từng viết và chẳng ai qua nổi Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh. Một số khác nhận thấy độc giả thờ ơ với đề tài này, vì họ cho rằng đó là "đề tài chính trị" khô khan và rất khó hay. Một số nhà văn thì cho rằng, đề tài chiến tranh cũng nên "nguội" đi, vì xã hội còn có quá nhiều việc bề bộn cần quan tâm hơn.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, rất nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết có nhắc đến sự mở rộng của đô thị và những vết thương ở các làng quê bị đô thị hóa, cùng với nỗi đau của người viết. Đó là nhu cầu tất yếu, đô thị đang tiến đến "đại đô thị" và "siêu đô thị". Nhà văn là một trong những người nhạy cảm với vấn đề này và họ cầm bút. Thế nhưng chưa ai thực sự viết "tới" và, mấy chục năm qua viết về đô thị vẫn chưa có tiểu thuyết nào vượt qua Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Những đề tài về công nghiệp, công nghệ thông tin thì càng hiếm người đặt bút tới.

Chọn đề tài là quyền của người viết và không bị chi phối bởi các yếu tố khách quan. Người viết có thể tự lựa chọn cho phù hợp với khả năng của mình. Xa rời nông thôn, không ít nhà văn trẻ ra thành phố sống, làm việc. Họ tiếp cận thực tế mới, có nhân vật mới, cách nghĩ năng động hơn. Thế nhưng khi viết thì cái cốt sâu xa bên trong "con người đô thị" hầu như chưa ai diễn tả nổi. Thành ra mọi đề tài đô thị bị bỏ ngỏ. Từ đó dẫn đến một mẫu số chung là đề tài nào cũng có cảm giác thiếu người viết, dù người viết hiện nay có thể nói là khá nhiều.

Vậy nhà văn trẻ đang viết gì?

Những đề tài kể trên, đều cho thấy sự thiếu hụt, không thấy sự xuất hiện rõ nét của nhà văn trẻ. Vậy, không quan tâm đến những đề tài đó thì hiện nay nhà văn trẻ quan tâm đến loại đề tài nào, viết về cái gì hay định hướng cho mình "cày cuốc" ở mảnh đất nào?

Sự xuất hiện của hàng loạt tác phẩm trong mấy năm qua như Song song (Vũ Đình Giang), Không lạc loài (Thành Trung), Bóng (tự truyện Nguyễn Văn Dũng), Nháp (Nguyễn Đình Tú), Đi tìm hình cuộc sống (Hà Thanh Phúc), Phải lấy người như anh, Nhật ký tình yêu (Trần Thu Trang), Khi nào anh thuộc về em (Cấn Vân Khánh)… nói về cái gì?

Chủ yếu thể hiện chính "cái tôi" của tác giả, cái ẩn ức của tuổi trẻ và chuyện tình yêu tay ba, tay tư. Có thể nói, văn trẻ được cấu tạo bởi chính "cái tôi", cộng với sự cách tân khám phá. Người viết văn trẻ dường như quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn là cho những đề tài lớn, mang giá trị nhân văn. Những đề tài thể hiện cái tâm và cái tầm của người viết thì mờ nhạt, không được quan tâm chính đáng. Vì thế mà văn học nước nhà đang đứng trước sự nguy hiểm, là một số người muốn thoát xác, sẵn sàng từ bỏ những đề tài vốn một thời được coi là máu thịt của mình để đi tìm những đề tài câu khách, giật gân, thỏa mãn được "cái tôi" tác giả.

Đã có thời gian, những tác phẩm của Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Đỗ Hoàng Diệu… khiến nhiều người đọc đỏ mặt thì không lâu sau, những kiểu viết như thế được một số người khuyến khích. Về sau nó thành phong trào, người làm thơ từ đó ai ai cũng muốn cách tân, đưa một chút sex vào thơ, vào văn.

Có thể nói, đề tài tính dục, những chuyện giường chiếu bây giờ được người viết trẻ hướng đến với cảm hứng mạnh mẽ, liên tục. Một người viết trẻ mới bắt đầu cầm bút, gia tài là 10 cái truyện ngắn thì có tới 8 cái liên quan đến chuyện ăn ngủ. Nhưng những truyện ngắn này chưa đủ độ đạt đến giá trị thẩm mỹ khi mà tác giả còn vụng về với con chữ, non tay, cách miêu tả còn thô thậm chí có những cảnh được mô tả rất kệch cỡm. Không phải người trẻ chưa có kinh nghiệm giường chiếu, mà là họ chỉ miêu tả được cái vẻ bên ngoài, hay nói đúng hơn họ mới chỉ viết được cái thực ở ngoài mà thiếu mất cái đẹp của văn chương, ở đằng sau những con chữ.

Văn chương, đôi khi không phải cứ nói hết sự thực sinh động mới là hay. Nó phải có sự nhuần nhị, chất văn hóa, ngôn ngữ thể hiện phải "mềm" mà vẫn chuyển tải được những thông tin cần thiết, vẫn gợi cảm. Vừa rồi, tác giả có tên Keng cho in tập truyện ngắn có tên Dị Bản gồm những truyện ngắn viết về tính dục đã được tung lên mạng và được cư dân mạng hưởng ứng nhiệt tình.

Tác giả này còn cố tình cho vẽ bìa có dòng chữ: "Dị bản - chỉ đọc khi tuổi đã 18" để câu khách, gây tò mò đối với những người chưa đủ 18 tuổi. Tác giả Keng còn tự nhận mình là một hiện tượng và "dọa" sẽ còn viết tiếp. Viết về tính dục, dễ nhưng rất khó, đề tài này đã được viết từ xưa. Người viết trẻ ở Việt Nam có trào lưu này kể từ khi họ bắt chước tác phẩm Rừng Nauy của nhà văn Nhật và trào lưu lenglei của Trung Quốc. Tuy nhiên sự bắt chước này còn kệch cỡm và kém khoa học.

Vừa qua, các tác phẩm về đề tài đồng tính cũng ồ ạt xuất hiện và sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa, bởi một số cuốn tự truyện của người đồng tính vẫn được "ém", chỉ chờ thời cơ là được xuất bản. Trào lưu này giúp cho những người đồng tính tự lên tiếng, chống sự kỳ thị, mang đến cho độc giả một thế giới thứ ba - thế giới thực chứ không phải thế giới trong tưởng tượng.

Dầu vậy, những tác phẩm viết về đồng tính xuất hiện gần đây chưa đủ diện mạo làm nên một “dòng” văn học đồng tính. Nhiều tác phẩm viết về đồng tính xuất hiện, đúng là "trăm hoa đua nở" như một nhu cầu bộc lộ bản thân của người đồng tính và một phần do người viết muốn xông vào những đề tài giật gân.

Văn chương không phải một cuộc chơi

Thực sự, nhà văn trẻ chưa đủ năng lực, vốn sống để có thể tiếp nhận những đề tài lớn. Họ thường phải nép mình vào những đề tài dễ viết, gắn với chút vốn sống ít ỏi của mình. Và như thế, tác phẩm có một kết cục chung là nhạt nhẽo. Văn học trẻ đa dạng, số người viết đông nhưng khó tạo được tiếng vang. Có nhiều người viết về đề tài gây sốc, được báo chí ca ngợi một thời gian rồi biến mất khỏi văn đàn, không để lại tăm hơi.

Như thế, văn đàn rất cần cuộc "lột xác" của người viết trẻ. Họ cần học hỏi, trau dồi kiến thức, thu lượm vốn sống và mở rộng đề tài, vươn đến những vấn đề chung của con người. Nó không phải là một cuộc chơi và dễ dàng tìm thấy niềm vui, sự nổi tiếng. Nếu chỉ để chơi, thì có nhiều trò khác thú vị hơn chơi văn chương nhiều. Công việc viết lách thực sự là công việc cô độc, đòi hỏi người viết trẻ phải dám nghĩ, dám dấn thân và không ngừng bồi dưỡng cho tài năng của mình. Có như vậy, văn đàn 20 năm sau mới có hy vọng những cây bút có tầm vóc. Bằng không, các nhà văn vẫn cứ sản sinh những tác phẩm nhàm chán, hời hợt, không có giá trị lâu dài.

Vậy ai là người sẽ giúp nhà văn trẻ làm việc đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân? Trước hết, phải kể đến những nhà văn đàn anh, thế hệ đi trước. Hãy cho họ những lời khuyên tâm huyết, có chất lượng để họ kịp nhận ra bản thân mình. Ban công tác Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn) cũng nên hoạt động hiệu quả hơn để định hướng cho người viết. Có thể là tạo ra các diễn đàn, những bài viết thảo luận để người viết trẻ tham khảo học hỏi.

Ngay cả với Hội Nhà văn hiện nay, cũng chưa thực sự hấp dẫn đối với người viết trẻ. Và để có một tương lai xán lạn cho văn học, Hội Nhà văn không thể không đặc biệt quan tâm đến người viết trẻ. Họ sẽ là những người kế nghiệp của các bậc tiền bối, và sẽ là những người góp phần tích cực vào việc "hội nhập văn chương" với thế giới.

Đối với mỗi nhà văn trẻ, để tìm một lối đi riêng, một đề tài hay là rất khó. Muốn khẳng định mình, không còn cách gì khác là họ phải mới, lạ, vượt lên chính mình và phải có bản lĩnh. Khi đã chinh phục được một ngọn đồi thì không thể tự bằng lòng rồi chẳng tìm cách đi chinh phục đỉnh núi. Nếu ai sống nhiều, sống hết mình và say mê hết mình thì sẽ tìm thấy đề tài phù hợp với mình, có thể giúp mình trở nên vạm vỡ, đi đến thành công trong văn nghiệp.

Theo CAND.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC