Nhà văn Y Ban: Văn chương không phải chỗ để xả nỗi đauNhà văn Y Ban vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới nhất - Xuân Từ Chiều. Vẫn với lối viết tưng tửng, nhưng với tiểu thuyết mới này, nhà văn Y Ban còn đẩy lối viết riêng ấy trở nên khác biệt hơn bằng cách kết cấu tiểu thuyết liền tù tì, cả cuốn sách chỉ một lần xuống dòng vào đoạn cuối, khi câu chuyện đã gần kết thúc.

Xuyên suốt 250 trang sách là những câu chuyện buồn vui sướng khổ của 3 người đàn bà mang 3 cái tên: Xuân - Từ - Chiều.

Không thể để câu chữ của mình nguội lạnh!

- Kết thúc "Xuân Từ Chiều", chị đã để ngỏ các nhân vật của mình với những nỗi niềm riêng của họ...

- Vâng, đó là dụng ý của tôi. Nhân vật của tôi đang tiếp tục cuộc sống hiện tại, mà cuộc sống hiện tại thì đang tiếp diễn với những ngả, những nẻo vô định.

- Chị có nghĩ rằng nhân vật Từ đang gánh một trọng trách rất nặng nề khi phải giải quyết những vấn đề mà tác giả đặt ra cho cô?

- Nhân vật Từ là nhân vật mà tôi đặt ở đó rất nhiều vấn đề. Nhân vật Từ là đời sống đang diễn ra. Ở đây tôi viết theo hướng mở nên các đề tài của Từ vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được nghiên cứu xong. Trong cuốn tiểu thuyết này, tôi nghĩ rằng mình vẫn giữ được phong cách của mình, đó là đốt lửa trong văn. Ở đây tôi đã thổi vào các tàn lửa nên tôi chọn cách viết bỏ ngỏ...

Tôi tâm niệm không thể để câu chữ của mình nguội lạnh. Nếu câu văn nguội lạnh thì rất khó đọng lại ở người đọc một cái gì đó. Tôi muốn câu văn của mình lúc nào cũng nóng ấm, dù câu chữ có trần trụi đến đâu.

Trong tiểu thuyết này, thông qua nhân vật Từ, tôi để các đề tài vẫn còn dang dở, giống như một tàn lửa và chờ mong mọi người thổi nó lên thành một đốm lửa. Qua tính cách của nhân vật Từ, cũng chính là thông điệp mà tôi đưa ra, để nói với chị em hãy khám phá vẻ đẹp của mình thay vì cứ phải hỏi tại sao?

- Nhiều truyện ngắn của chị đều có tít truyện gắn với hai chữ "đàn bà" như: "Đàn bà xấu thì không có quà", "Người đàn bà có ma lực", "I am đàn bà"... Chị nghĩ sao khi có người cho rằng Y Ban là nhà văn của đàn bà?

- Nếu vậy tôi rất tự hào về điều này! Trong các sáng tác của tôi, những truyện nào viết về đàn bà thường được mọi người đón nhận hoặc được dư luận quan tâm nhiều hơn. Tôi cũng công nhận là phần viết về đàn bà là nổi trội hơn cả.

Tôi cho rằng đã là nhà văn thì phải thuận tay ở một lĩnh vực nào đấy. Anh phải là chuyên gia ở lĩnh vực đó. Về đề tài đàn bà, tôi cảm thấy có một chuyên gia trong mình, tôi có thể khai thác mọi vấn đề mà mình rất thuận tay. Bởi vì, trước hết tôi là một người đàn bà nên mới có thể viết được như vậy.

- Văn chương phản chiếu cuộc sống, mà văn chương của chị lúc nào cũng mạnh mẽ, khốc liệt, bốp chát... Tại sao cuộc sống qua cái nhìn của chị lại "gai góc" như thế?

- Mạnh mẽ thì có, khốc liệt và bốp chát? Chắc là nó chỉ có trong một vài tác phẩm nào đó thôi. Còn trong "Xuân Từ Chiều" là một tiếng lòng da diết của đàn bà đấy chứ. Tôi thử dẫn chứng một đoạn nhé: "Không. Anh không phải tặng quà thường xuyên đâu, anh không phải tung hô, anh cũng không phải rên rỉ, chỉ thỉnh thoảng hôn em cũng được. Từ khóc lặng đi vì nghĩ lại có những đêm đã thèm cái ôm của chồng biết nhường nào..." -

- Không ngừng cho ra mắt những sáng tác mới, bất chấp những cú "sốc" lớn như đã gặp với "I am đàn bà", có cảm tưởng nội lực văn chương trong chị không bao giờ cạn. Đã bao giờ chị tìm đến văn chương như một sự giải tỏa?

- Tôi chưa bao giờ tìm đến văn chương để giải tỏa. Văn chương không phải là thứ để cho tôi có thể xả vào những nỗi đau của mình.

- Gần đây trên văn đàn Việt Nam, các nhà văn nữ, đặc biệt là các cây bút trẻ đang dần chiếm ưu thế với đặc điểm nổi bật là khai thác yếu tố sex. Theo chị, đây là xu hướng phát triển tự nhiên của văn hóa hay là sự đánh bóng tên tuổi?

 - Thực ra thì có mấy tên tuổi đâu và tác phẩm có gì là nhiều nhặn đâu, người thì được một truyện ngắn, người thì được dăm bài thơ, người thì ra vội ra vàng tập sách mỏng quẹt... Mỏng như vậy đánh bóng xong thì còn bằng cái kim à?

- Ở tuổi xế chiều, điều gì đáng sợ nhất đối với một nhà văn nữ như chị?

- Nhà văn nữ, cũng có nghĩa là một người đàn bà thôi. Người đàn bà tuổi xế chiều sợ nhiều thứ lắm, sức khỏe yếu này, không kiếm ra tiền nữa này, nhan sắc kém chồng chê này, hay lú lẫn này, con cái chưa thành đạt này. Nói tóm lại là rất nhiều khoản để sợ.

- Người ta bảo, một người đàn ông có vợ là nhà văn cũng chẳng sung sướng gì. Chị có điều gì biện hộ không?

- Tôi nghĩ hạnh phúc trong một gia đình rất khó mà cân, đo, đong, đếm. Tôi có người chồng làm họa sĩ. Ban đầu khi lấy nhau, chúng tôi cũng có nhiều mâu thuẫn tưởng chừng không thể hòa hợp. Nhưng giờ đây chúng tôi đã học được cách "sống chung với lũ". Khi hai cá tính nghệ sĩ va đập nhau, chúng tôi tìm cách "hòa giải" ngay, không căng thẳng nữa.

Mặt khác, hai đứa con của chúng tôi chính là chiếc máy "điều hòa nhiệt độ" của gia đình. Chúng tôi nhất trí quan điểm dạy con, là biến chúng thành bầu bạn, cho chúng được bình đẳng với mình. Con cái tôi được đối thoại với bố mẹ, nên chúng rất cởi mở, hồn nhiên. Để có một gia đình tồn tại, chúng tôi đều phải hy sinh rất nhiều.

Người ta nói, phía sau một gia đình hạnh phúc là một người phụ nữ biết lo toan, thu vén. Nhưng tôi phải nói rằng, chồng tôi cũng hy sinh cho gia đình, vì gia đình rất nhiều, bởi anh cũng là một nghệ sĩ.

Chúng tôi tìm ra cách để "khớp" với nhau, lo chung một nỗi lo cùng nhau. Tất nhiên, tôi là phụ nữ, tôi phải lo lắng nhiều chuyện cụ thể hơn. Có giai đoạn tôi phải lo chuyện cơm áo gạo tiền rất nặng nề. Mà bạn biết đấy, chuyện cơm áo gạo tiền nó kéo con người ta xuống như thế nào, nhất là khi ta lại là một người cầm bút.

- Vậy kinh nghiệm của chị trong việc giữ gìn ngọn lửa của gia đình, để gia đình luôn "trong ấm ngoài êm" là gì?

- Trước tiên, tôi cho rằng chúng ta phải quan niệm gia đình khác đi. Không nên áp đặt một khái niệm cho tất cả. Mỗi gia đình là một tiểu vũ trụ. Các cụ xưa kia nói: "Nồi nào úp vung ấy" là rất đúng.

Khái niệm "trong ấm ngoài êm" nếu áp dụng cho một gia đình bình thường khác thì chưa chắc đã đúng với gia đình tôi. Bởi lẽ, nhiều gia đình thích sự bằng phẳng. Còn gia đình tôi, lúc nào cũng ồn ã và chúng tôi thích sự ồn ã ấy.

Nếu nhìn bằng một cặp mắt bình thường họ sẽ chẳng bao giờ thấy gia đình tôi bằng phẳng cả. Nhưng chúng tôi tồn tại, trọn vẹn là bởi sự ồn ã ấy. Kinh nghiệm của tôi trong gia đình là tôi luôn hạ thấp cái tôi của mình xuống, để trở thành một người phụ nữ bình thường nhất hoặc thấp hơn thế nữa. Người phụ nữ làm nghệ thuật luôn phải biết cách "đi vắng" trong gia đình của mình.

- Xin cảm ơn chị.

Theo Lê Hà
TC Gia đình




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC